Thứ ba, 23 Tháng 9 2014 00:00

Sự cần thiết hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp

Trong nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì nhu cầu về các thông tin của các doanh nghiệp rất nhiều để những người quan tâm ra các quyết định phù hợp. Trong quá trình đó, việc xác định giá trị doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, sáp nhập, giải thể, chia tách, phá sản còn nhiều bất cập làm cho những người quan tâm chưa tin tưởng vào kết quả hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp của các đơn vị thẩm định giá. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị không chính xác đối với các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa đã làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Như vậy, có thể khẳng định sự hình thành, tồn tại và phát triển hoạt động kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là do các nhân tố sau:

Một là, Kiểm toán nói chung và kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nói riêng là một công cụ hữu hiệu giúp cho các doanh nghiệp phát hiện và cải tiến các điểm yếu trong hoạt động của đơn vị. Thông qua hoạt động kiểm toán, những người quan tâm có được các thông tin đáng tin cậy về giá trị của doanh nghiệp làm căn cứ để đưa ra các quyết định phù hợp.

Hai là, Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua quá trình cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động này còn nhiều bất cập đặc biệt là quá trình xác định giá trị doanh nghiệp đã gây thất thoát và lãng phí rất nhiều đối với ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, hoạt động  kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhằm xác minh lại kết quả định giá là vấn đề tất yếu hiện nay. Công việc này sẽ làm gia tăng niềm tin của các cổ đông, nhà đầu tư về kết quả định  giá doanh nghiệp nói riêng và của hoạt động  cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Ba là, Các công ty kiểm toán độc lập và các loại hình kiểm toán hiện nay cần phải thể hiện rõ vai trò là “quan tòa công minh của quá khứ, người dẫn dắt cho hiện tại và là người cố vấn sáng suốt cho tương lai”. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước đã cố gắng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong hoạt động  thẩm định  giá. Thông qua kiểm toán để đảm bảo độ  tin cậy của thông tin về xác định giá trị, đồng thời còn đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình xác định  giá trị doanh nghiệp. Về mặt pháp lý  đòi hỏi hoạt động kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cần phải được tổ chức và hoàn thiện.

Tuy nhiên, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp còn mới mẻ và còn nhiều mặt hạn chế cần phải khắc phục, điều chỉnh. Có thể xem xét đến vấn đề này dựa trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất, Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là một lĩnh vực hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập và kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới phát triển gần đây, do đó cần xây dựng và hoàn thiện hoạt động kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả của quá trình  mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp cũng như hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có đặc điểm là sự kết hợp chặt chẽ giữa các loại hình kiểm toán là kiểm toán thông tin, kiểm toán quy tắc, kiểm toán hiệu quả và kiểm toán hiệu năng. Dó đó, việc tổ chức kết hợp các loại hình kiểm toán này trong một cuộc kiểm toán như thế nào để có thể đạt được hiệu quả cho cả cuộc kiểm toán. Vì vậy, đây là một hướng hoàn thiện cần phải được hướng tới.

Thứ ba, hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập có những điểm khác nhau, mục tiêu khác nhau, cách thức thực hiện khác nhau. Bên cạch đó, hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp mang tính phức tạp, đa dạng tùy thuộc vào từng mục đích của doanh nghiệp được định giá. Do đó, việc hoàn thiện cần hướng đến việc xác định rõ các mục tiêu kiểm toán cần đạt được trong cuộc kiểm toán để có thể định hướng cho công việc của KTV.

Những phân tích ở trên đã dẫn đến khẳng định việc hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu mang tính khách quan mà còn là yêu cầu của chính các công ty kiểm toán độc lập cũng như của kiểm toán nhà nước.

Trên cơ sở định hướng và nguyên tắc hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp thì việc hoàn thiện đối với hoạt động kiểm toán xác định  giá trị  doanh nghiệp là một yêu cầu khách quan. Nhìn chung, khi hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp theo quan điểm sau:

Thứ nhất, Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp phải được hoàn thiện theo hướng cung cấp được các thông tin đáng tin cậy cho những người quan tâm đến giá trị của doanh nghiệp mà họ quan tâm. Trước hết, phải khẳng định đối tượng cung cấp thông tin chính là những chủ doanh nghiệp được định giá, các nhà đầu tư, các đối tượng liên quan đến việc mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Ngoài ra còn phải đề cập đến Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Khi xác định  đối tượng như  vậy, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cần phải có các căn cứ pháp lý đầy đủ để đảm bảo tính trung thực hợp lý, đáng tin cậy của kết luận kiểm toán. Các thông tin này không chỉ là các thông tin tài chính và cả các thông tin phi tài chính liên  quan đến giá trị  của doanh nghiệp. Kiểm toán xác định  giá trị doanh nghiệp sẽ xem xét và đánh giá về hoạt động  xác định  giá trị  doanh nghiệp trên cả phương diện về tính trung thực, hợp lý, hợp pháp của kết quả định giá doanh nghiệp và cả tính hiệu quả, hiệu năng của hoạt động này. Đặc biệt, đòi hỏi về độ tin cậy của kết quả xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của những người quan tâm.

Thứ  hai, Kiểm toán xác định  giá trị  doanh nghiệp cần phải xây dựng được xác định rõ một hệ thống khung pháp lý cho hoạt động này. Điều này sẽ giúp cho các công ty có được căn cứ cụ thể làm cơ sở cho việc thực hiện hoạt động kiểm toán đảm bảo độ tin cậy cho những người quan tâm.

Việc hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động của các công ty kiểm toán độc lập và của cả kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1: Việc xây dựng và hoàn thiện về nội dung, trình tự và phương pháp kiểm toán phải dựa trên cơ sở các thông lệ và chuẩn mực kiểm toán được thừa nhận. Trong hoạt động kiểm toán, việc tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực  kiểm toán được  thừa nhận là  để đảm bảo chất lượng,  tính thuyết phục của kết luận kiểm toán đối với những người sử dụng. Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là một loại hình kiểm toán với sự kết hợp chặt chẽ giữa ba loại kiểm toán là kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ. Do đó việc tiến hành cũng phải tuân thủ theo hệ thống chuẩn mực đã được thừa nhận và ban hành tại Việt Nam.

Nguyên tắc 2: Việc xây dựng và hoàn thiện phải phản ánh tổng quát, đầy đủ, toàn diện các vấn đề của một cuộc kiểm toán tài chính kết hợp với kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm toán thông tin với kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hiệu quả và kiểm toán hiệu năng, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp phải bao quát được toàn diện các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán không chỉ trong việc xem xét mức độ trung thực (đáng tin cậy) của các tài liệu định giá mà còn xem xét sự tuân thủ trong hoạt định giá doanh nghiệp của các đơn vị thẩm định giá. Bên cạnh đó, kiểm toán cũng cần phải đánh giá được tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động định giá doanh nghiệp làm căn cứ cho những người quan tâm ra các quyết định phù hợp cũng như giúp nhà nước biết được kết quả của hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp.

Nguyên tắc 3: Việc xây dựng và hoàn thiện phải phù hợp với đặc điểm quá trình hoạt động cũng như yêu cầu quản lý của lĩnh vực hoạt động. Hoạt động thẩm định giá là một hoạt động đặc thù, có các quy định cũng như có các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng công việc. Đặc điểm cơ bản của hoạt động thẩm định giá là chỉ tiến hành một lần và giá trị được xác định tại thời điểm thực hiện không lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp các đơn vị thẩm định giá cần phải tuân thủ theo các văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành như Nghị định Số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần, Nghị  định  Số 101/2005/NĐ-CP  ngày 3 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về Thẩm định giá, các Tiêu chuẩn thẩm định giá do Bộ Tài chính ban hành. Chính vì vậy, khi tiến hành kiểm toán cần xây dựng quy trình kiểm toán phù hợp với đặc điểm của hoạt động thẩm định giá cũng như phù hợp với các quy định của nhà nước.

Nguyên tắc 4: Nội dung, trình tự và phương pháp kiểm toán phải đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, dễ vận dụng. Việc hoàn thiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cần phải xác định  nội  dung phù hợp với đối tượng của cuộc kiểm toán. Nội dung cần xác định rõ các vấn đề phải tập trung xác minh, đánh giá để làm cơ sở xây dựng trình tự và phương pháp kiểm toán phù hợp. Đồng thời, khi xây dựng trình tự và phương pháp kiểm toán cần phải đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, dễ vận dụng giúp cho các KTV có thể tiến hành cuộc kiểm toán với hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên việc xây dựng trình tự và phương pháp cần phải tuân thủ các thể lệ và chuẩn mực kiểm toán được chấp nhận phổ biến.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 06:36

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành