Thứ sáu, 15 Tháng 9 2023 02:09

Giới thiệu về vị trí của bảo hiểm xã hội của người nông dân trong mạng lưới an sinh xã hội ở Pháp

Theo quy định pháp luật, lĩnh vực bảo hiểm xã hội cho người nông dân tại Pháp được giao cho Quỹ Bảo hiểm nông nghiệp tương hỗ MSA quản lý, Quỹ là một hệ thống trợ giúp xã hội dành cho cả những người tiến hành hoạt động kinh tế nông nghiệp (chủ sở hữu nông nghiệp, nghề phụ trợ và một phần thợ thủ công nông nghiệp) và cho người lao động tự do (người nông dân tự làm chủ hoặc có sử dụng lao động). Hệ thống bảo hiểm xã hội cho nông dân, tương tự như các hệ thống bảo hiểm khác ở Pháp, mang tính định hướng nghề nghiệp. Hệ thống này là một phần không thể thiếu của hệ thống bảo hiểm chung của Pháp, mặc dù nó được tách ra theo luật định. Mặc dù bảo hiểm xã hội cho nông dân không phải do Nhà nước quản lý vận hành nhưng nó vẫn tuân thủ theo các nguyên tắc hoạt động chung của các loại hình bảo hiểm, vẫn chịu sự giám sát chung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi cho người nông dân thì hệ thống cũng góp phần hỗ trợ cho các lĩnh vực bảo hiểm khác đảm bảo mục tiêu của Nhà nước là nâng cao đời sống của toàn dân, phổ cập bảo hiểm cho mọi đối tượng trong xã hội. Như vậy, hệ thống an sinh xã hội Pháp có 5 nhánh chính[1]:

Thứ nhất, bảo hiểm chung cho các đối tượng bao gồm phần lớn nhân viên nhà nước và các đối tượng khác như (sinh viên, người được hưởng một số quyền lợi nhất định...);

Thứ hai, bảo hiểm cho nhóm nhân viên đặc biệt, trong số đó bao gồm tất cả các rủi ro và các chương trình khác gồm cả bảo hiểm hưu trí tuổi già;

Thứ ba, bảo hiểm nông nghiệp bao gồm tất cả các rủi ro nhưng theo hai đối tượng riêng biệt: nông dân và công nhân nông nghiệp:

Thứ tư, bảo hiểm cho người lao động phi nông nghiệp.

Thứ năm, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ lương hưu bắt buộc.

Theo Điều L111-1 của Luật An sinh xã hội được sửa đổi ngày 21 tháng 12 năm 2001, an sinh xã hội được tổ chức và hoạt động dựa trên nguyên tắc đoàn kết dân tộc[2]. Theo đó ba giá trị cốt lõi cho hoạt động của MSA là: đoàn kết, trách nhiệm và dân chủ, và ba giá trị này là kim chỉ nam cho các hoạt động của Quỹ từ khi thành lập. Sự đoàn kết được thể hiện giữa các thế hệ khác nhau, giữa nhiều ngành nghề, giữa các lĩnh vực có năng suất cao và năng suất thấp, giữa những người khỏe mạnh và những người ốm yếu. Trách nhiệm thể hiện ở sự liên kết giữa các thế hệ từ những người đầu tiên xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội cho đến ngày nay ở những người tiếp tục phát triển nó. Dân chủ được thể hiện trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của MSA: hoạt động độc lập, không chịu sự can thiệp của cơ quan nhà nước, dựa trên nguyên tắc “một người, một tiếng nói” và đại diện cho tất cả các thành phần của nghề nghiệp. Hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo hiểm xã hội toàn diện cho nông dân[3].

Hiện nay, cơ chế bảo hiểm xã hội dành cho nông dân của Pháp được thực hiện dưới hình thức tự quản lý, có nghĩa là giao cho một cơ quan phụ trách toàn bộ hoạt động nhưng có sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ. Mô hình này không chỉ xuất hiện ở Pháp mà còn ở nhiều quốc gia châu Âu khác như: Áo (SVB), Phần Lan (MELA), Đức (SVLFG), Hy Lạp (OGA)... Có thể thấy rằng, dưới sự quản lý của MSA, hệ thống bảo hiểm xã hội cho nông dân đã đạt được những thành công nhất định trong việc tạo ra một hệ thống bao phủ rộng khắp nhiều đối tượng, để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể nhận được sự bảo trợ trong các trường hợp rủi ro. Với việc chỉ có một cơ quan phụ trách duy nhất trong toàn bộ hệ thống nông nghiệp, người nông dân được nhận những quyền lợi riêng, đồng thời giúp Nhà nước quản lý tốt hơn hệ thống tài chính của bảo hiểm xã hội. Trải qua một thời gian dài hoạt động, MSA đã nhiều lần cải cách về cơ cấu, tổ chức, dịch vụ, đưa ra nhiều loại hình bảo hiểm mới, đem lại trải nghiệm mới cho nông dân và bao phủ rộng hơn các đối tượng được hưởng bảo hiểm, từ đó đem lại niềm tin cho nông dân trong việc bảo đảm quyền lợi của họ.

Hiện nay, tất cả những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Pháp đều dưới sự quản lý và đi theo chế độ bảo hiểm riêng của MSA. Điều này một mặt giúp MSA quản lý bảo hiểm xã hội cho đối tượng này tốt hơn, nhưng mặt khác lại đem đến nhiều bất cập. Theo một cuộc thăm dò trên Terre-net từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 5 tháng 11 năm 2019, 69,1% mong muốn, nếu có sự lựa chọn, họ muốn được liên kết với chương trình an sinh xã hội chung. Tỷ lệ này tăng từ năm này sang năm khác, theo các cuộc thăm dò trước đây được công bổ trên Terre-net[4]. Cuộc thăm dò này cho thấy chính sách an sinh xã hội có thể đã mang lại sự bất công cho tầng lớp nông dân và khiến họ ngày càng có thái độ bất mãn với cơ quan tương hỗ nông nghiệp. Dù vậy, cơ chế bảo hiểm xã hội cho người nông dân Pháp vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm như sau:

Lương hưu dành cho người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn thấp, trong khi phí đóng góp lại cao. Đặc biệt là khi nông dân là những đối tượng làm việc trong những điều kiện gian khổ, nhưng lại phải chịu thiệt thòi hơn so với những đối tượng khác trong hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhà nước. Theo số liệu năm 2017, lương hưu trung bình hàng tháng của các cựu quản lý trang trại đã làm việc ít nhất 150 quỹ là 763 EUR/tháng; thấp hơn nhiều so với mức lương hưu trung bình của những người về hưu ở Pháp, lên tới 1.496 EUR/tháng[5].

Hiện có hơn 100.000 lao động nông nghiệp tự do tham gia đóng góp đoàn kết[6], với diện tích đất nông nghiệp khai thác từ 1/8 đến 1/2 SML. Những nông dân này bị tước bỏ tư cách quản lý trang trại, vẫn phải đóng tiền vào các quỹ bảo hiểm xã hội dành cho nông dân nhưng lại không được hưởng các quyền bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền được công nhận cho nông dân mặc dù họ làm nghề tương tự. Những nông dân đóng góp đoàn kết cũng không có quyền bán sản phẩm do minh trồng trọt chỉ vì có diện tích đất trồng trọt quá nhỏ. Đây rõ ràng là điều bất công khi những người này vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp xã hội như một nông dân nhưng lại không được hưởng các quyền của nông dân.

Ngoài ra, hệ thống bảo trợ xã hội cho nông dân ở Pháp cũng đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Trung bình một tháng, chỉ trả lương hưu cho phụ nữ làm trong lĩnh vực nông nghiệp là 552 EUR, thấp hơn 230 EUR so với đối tượng là nam. Đi cùng với đó, hơn 3.000 phụ nữ đã kết hôn không đủ điều kiện hưởng lương hưu trí trong nông nghiệp[7].

Sự bất bình đẳng vốn tồn tại từ lâu nay ở Pháp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, Chính phủ Pháp vẫn chưa có động thái gì để làm giảm bớt tình trạng này.

Vì thế, Pháp thực hiện kế hoạch cải cách lương hưu. Năm 2019, Chính phủ của Tổng thống Macron đưa ra kế hoạch cải cách lương hưu, với tham vọng tạo ra một hệ thống hưu trí phổ quát (SUR) dựa trên tính điểm. Mục tiêu của kế hoạch này là xoá bỏ 42 quỹ hưu trí khác nhau trong các ngành nghề để xây dựng một chế độ hưu trí tổng thể duy nhất, trong đó “mỗi EUR đóng góp đều mang lại quyền lợi như nhau cho tất cả mọi người”[8]. Ở Pháp hiện nay có tới 42 quỹ hưu trí, mỗi quỹ có những đặc thù riêng và được quản lý độc lập nhau, các mức đóng góp và quyền lợi cũng rất khác nhau. Hệ quả người về hưu đã đóng góp theo nhiều chế độ hưu khác nhau và nhận các khoản lương hưu từ các quỹ hưu khác nhau, rất phức tạp. Việc tạo một hệ thống chung mang tính phổ quát trước tiên nhằm đơn giản hóa tình trạng này. Ngoài ra, cải cách lương hưu còn nhằm xóa bớt các ưu đãi đặc thủ của một số chế độ hưu trí cũ để áp dụng các quy định chung cho tất cả những người về hưu cả về tỷ lệ đóng góp cũng như cách tính lương hưu đầy đủ. Trong hệ thống hưu bổng chung, Chính phủ dự tính để người lao động tích điểm về hưu theo thời gian làm việc. Khi về hưu các điểm tích được sẽ được chuyển đổi thành tiền lương hưu theo một hệ số chung. Chính sách cải cách lương hưu mới này được kì vọng sẽ đem lại những hi vọng mới cho nông dân, những người phải sống chật vật với mức lương hưu thấp. Theo báo cáo của Hội đồng Hướng dẫn lương hưu (COR), mức lương hưu trung bình năm 2015 của nông dân Pháp ở mức 730 EUR mỗi tháng, so với 1.800 EUR người nhận hưu trí trong lĩnh vực khác ở Pháp[9] - một số tiền rõ ràng dưới mức nghèo khổ và thấp hơn nhiều so với những lao động trong các ngành nghề khác. Mặt khác, không phải tất cả nông dân đều đáp ứng được thời gian làm việc đầy đủ. Với việc thiết lập mức lương hưu tối thiểu là 1.000 EUR/tháng từ năm 2022, những người làm nông nghiệp sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn. Báo cáo của Cao ủy về lương hưu Jean-Paul Delevoye thậm chí còn ước tính rằng “40% trong số nông dân sẽ thấy hương kim của họ được cải thiện đáng kể và giảm nhẹ các khoản đóng góp”[10].

Tuy nhiên, cải cách lương hưu tại Pháp có vẻ như chỉ đem lại lợi ích cho nông dân. Đã có rất nhiều làn sóng giận dữ và biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu mới. Các nghiệp đoàn cho rằng, việc áp dụng lương hưu chung như vậy sẽ đòi hỏi hàng triệu người lao động trong cả lĩnh vực công và tư phải làm việc lâu hơn hoặc đối mặt với việc bị giảm lương hưu. Nhiều người lao động lại cho rằng, cải cách trên tước đi các quyền lợi đặc biệt dành cho họ lâu nay[11]. Như vậy, việc áp dụng một tỷ lệ chung cho hệ thống bảo hiểm một mặt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho những lao động lâu nay có mức lương hưu thấp, nhưng mặt khác cũng làm những đối tượng khác mất đi quyền lợi mà lâu nay họ vốn được hưởng. Tuy nhiên, để dung hòa lợi ích giữa các đối tượng này là điều cực kì khó khăn.

 


[1] European Commission, "Your social security rights in France", 7/2013. https://ec.europa.eu/employment_social/empl_portal/SSRinEU/Yo ur%20social%20security%20rights%20in%20France_en.pdf

[2] Eliane Chemla, The French Social Security System, http://www. ejournals.eu/pliki/art/9445/

[3] https://www.cleiss.fr/docs/regimes/regime_france_agricole_sala ries_en.html, tải ngày 20/3/2020.

[4] https://www.terre-net.fr/actualite-agricole/politique-syndicalisme/ article/pres-de-70-des-agriculteurs-prefereraient-le-regime-general- de-securite-social-205-164339.html

[5] Émilie Massmin, "Partir à la retraite, le casse-tête des agriculteurs", https://reporterre.net/Partir-a-la-retraite-le-casse-tete-des-agriculteurs.

[6] MSA, "L'Observatoire Economique et Social - Les cotisants de solidarité en 2016", Synthese, Mai 2017, https://statistiques.msa.fr/ wp-content/uploads/2017/05/Les-cotisants-solidaires-en-2016s.pdf.

[7] Confédération Paysanne, "Pour une veritable politique d'emploi en agriculture: protection sociale Agricole, des solutions pour l'avenir!", Supplément à Campagnes Solidaires n°302 Décembre 2014, https://www.confederationpaysanne.fr/sites/1/mots_cles/documents Livret politique sociale.pdf.

[8] RFI, “Tìm hiểu hệ thống hưu bổng của Pháp”, http://www.rfifr vi/ph%C3%Alp/20191205-t%C3%ACm-hi%E1%BB%83u-h%E1 %BB%87-th%E1%BB%91ng-h%C6%B0u-b%E1%BB%95ng-ph %E1%BB%A9c-t%E1%BA%Alp-c%E1%BB%A7a-ph%C3%Alp.

[9] Jean François Monier, "Retraite: les pensions minuscules des agriculteurs", https://www.capital.fr/votre-retraite/retraites-agricoles-de-tres-faibles-pensions-un-regime-desequilibre-1283678

[10] Antoine d'Abbundo, "Retraites des agriculteurs: les «<gagnants>> et les <<oubliés»> de la réforme", https://www.la-croix.com/Economie/ Social/Retraites-agriculteurs-gagnants-oublies-reforme-2019-12-12-1201066107.

[11] Báo điện tử Hải Dương, “Cải cách lương hưu: Bài toán hóc búa với chính quyền Tổng thống Pháp Macron”, http://www.baohaiduong. vn/binh-luan/cai-cach-luong-huu-bai-toan-hoc-bua-voi-chinh-quyen- tong-thong-phap-macron-123720.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành