Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 00:00

Hệ thống kiểm soát nội bộ trong các công ty tài chính Việt Nam với tổ chức kiểm toán nội bộ

HTKSNB trong các CTTC Việt Nam bao gồm các yếu tố: môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin kế toán, các thủ tục kiểm soát và KTNB. Một trong những nhiệm vụ chính của HTKSNB là đảm bảo tính trung thực của các thông tin tài chính, và ngăn ngừa, phát hiện, sửa chữa kịp thời các sai phạm xảy ra. KTNB là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của HTKSNB, cùng thực thi các nhiệm vụ chung của HTKSNB. Sau đây, Tác giả xin phân tích đặc điểm của từng yếu tố trên, để làm cơ sở xem xét, đánh giá tổ chức KTNB trong các phần sau.

Môi trường kiểm soát

Môi trường kiểm soát bao gồm toàn bộ các yếu tố mang tính môi trường có ảnh hưởng đến hoạt động của các CTTC, được chia thành các yếu tố bên trong doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố chính như đặc thù về quản lý, cơ cấu tổ chức, chính sách nhân sự, công tác kế hoạch, …, và các yếu tố bên ngoài như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế…

Về đặc thù quản lý và cơ cấu tổ chức, các CTTC Việt Nam đều trực thuộc các tập đoàn kinh tế, chịu sự quản lý của các tập đoàn về chiến lược phát triển, tổ chức và nhân sự, và chịu sự quản lý của NHNN về nội dung và phạm vi hoạt động nghiệp vụ. Các CTTC Việt Nam đều có HĐQT, đứng đầu là chủ tịch HĐQT và ban điều hành, đứng đầu là TGĐ. Chủ tịch và các thành viên của HĐQT do chủ tịch HĐQT của tổng công ty quyết định bổ nhiệm và phải được Thống đốc NHNN chuẩn y. HĐQT CTTC là cơ quản quản lý của CTTC theo uỷ quyền của tập đoàn, thực hiện chức năng quản trị công ty, chịu trách nhiệm về sự phát triển của công ty theo nhiệm vụ do tổng công ty giao. HĐQT có quyền nhân danh công ty để quyết định các vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty. Đối với các CTTC cổ phần, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết, tiếp đó mới là HĐQT của công ty.

Tại các CTTC cổ phần, BKS được Đại hội đồng cổ đông bầu ra, thực hiện giám sát hoạt động của HĐQT và BGĐ. BKS có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính; giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, sự an toàn trong hoạt động của CTTC, thực hiện chế độ KTNB nhằm đánh giá hoạt động kinh doanh của CTTC. Tại các CTTC 100% vốn tập đoàn, BKS do HĐQT bầu, thực hiện giám sát hoạt động của BGĐ và các hoạt động trong công ty. BKS trong CTTC Việt Nam có thể coi là cơ quan có vị trí cao chỉ sau Đại hội đồng cổ đông của CTTC cổ phần hoặc HĐQT của CTTC 100% vốn tập đoàn. Do vậy, việc qui định KTNB trực thuộc BKS được coi là giúp tăng cường tính độc lập và vị thế của KTNB tại các CTTC.

Điều hành hoạt động của CTTC là TGĐ do HĐQT công ty bổ nhiệm và phải được Thống đốc NHNN chuẩn y. TGĐ CTTC chịu trách nhiệm trước HĐQT về việc điều hành hoạt động hàng ngày của CTTC. TGĐ có trách nhiệm lập phương án kinh doanh cụ thể từ các mục tiêu mà HĐQT đưa ra trình HĐQT duyệt và tổ chức triển khai phương án kinh doanh đã được duyệt. Để thực hiện nhiệm vụ đó, TGĐ uỷ quyền cho các phó TGĐ một phần quyền và trách nhiệm thực hiện một số lĩnh vực, mảng kinh doanh phù hợp với trình độ, năng lực. Các phó TGĐ thực hiện nhiệm vụ và định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với TGĐ, HĐQT về công việc thực hiện.

Cấp tiếp theo là các phòng, ban. TGĐ, các phó TGĐ có trách nhiệm giao và kiểm soát việc thực hiện công việc của các phòng ban chức năng trong lĩnh vực được uỷ quyền. Trưởng, phó phụ trách các phòng chịu trách nhiệm tổ chức nhân viên trong phòng thực hiện nhiệm vụ của phòng.

CTTC chịu sự quản lý, thanh tra, giám sát về tổ chức và hoạt động của NHNN theo qui định của pháp luật và của tổng công ty theo điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty.

Về chính sách nhân sự, đội ngũ nhân viên của các CTTC đa phần là trẻ, nhiệt tình, được đào tạo cơ bản. Tỷ lệ nhân viên có bằng đại học chiếm khoảng trên 70% đội ngũ nhân sự. Các công ty đều có chính sách nhân sự tương đối rõ ràng. Công tác tuyển dụng nhân sự được bắt đầu từ nhu cầu của các phòng ban, bộ phận đề nghị lên bộ phận nhân sự thực hiện tuyển dụng. Một số công ty đã xây dựng được bản mô tả công việc tại các vị trí chủ chốt.

Về công tác kế hoạch, từ các định hướng, mục tiêu phát triển của tập đoàn, tình hình thực tế của công ty, HĐQT đưa ra mục tiêu, định hướng phát triển của công ty. Từ đó và kết quả kinh doanh các năm trước, bộ phận kế hoạch nghiên cứu, xây dựng trình TGĐ chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, trung hạn và kế hoạch hàng năm. Dự thảo này được trình cho TGĐ, phó TGĐ và các phòng ban góp ý, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế hoạt động. TGĐ quyết định cuối cùng cho bản kế hoạch và trình HĐQT phê duyệt. Từ kế hoạch hàng năm, bộ phận kế hoạch cùng các phòng ban nghiệp vụ lên kế hoạch tháng, quí, năm cho từng bộ phận. Kế hoạch ngân sách cho các hoạt động chính là một cơ sở để KTNB đánh giá kết quả của các bộ phận nghiệp vụ trong năm.

Môi trường bên ngoài bao gồm các yếu tố bên ngoài công ty có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của CTTC. Cơ chế, chính sách chung là yếu tố chi phối rất lớn đến các hoạt động của HTKSNB của các CTTC, bao gồm hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng. Cũng như các TCTD khác, các CTTC Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của NHNN Việt Nam. Các công ty hoạt động theo Luật Các Tổ chức tín dụng, phải chấp hành các qui định của NHNN trong các hoạt động kinh doanh, chịu sự thanh tra, giám sát thường xuyên liên tục của NHNN. Các qui định cụ thể liên quan đến tổ chức KTNB tại các. Cùng với lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng có những sửa đổi, điều chỉnh lớn cho phù hợp với thông lệ quốc tế, và ngày càng hoàn thiện, rõ ràng hơn. Đối với các tổ chức hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ như các CTTC phải đối mặt với rủi ro pháp luật, hay rủi ro tuân thủ là rất cao, bởi lẽ hoạt động kinh doanh ngân hàng còn tụt hậu so với thế giới, trong đó có cả các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn trong hoạt động và quản trị rủi ro. Do vậy, đánh giá tính tuân thủ trong hoạt động của TCTD luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của KTNB tại các CTTC.

Ngoài ra, một yếu tố vô cùng quan trọng cũng thuộc yếu tố môi trường bên ngoài là hệ thống chính sách và chiến lược phát triển của bản thân các tập đoàn kinh tế. Là một thành viên của tập đoàn kinh tế, các CTTC Việt Nam chịu sự quản lý của tập đoàn về mặt chiến lược, nhân sự, nên sự phát triển của công ty, cũng như mức độ đầy đủ và hiệu quả của HTKSNB phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của tập đoàn. Chiến lược phát triển của tập đoàn ảnh hưởng đến mức độ quan tâm và quan điểm của các nhà quản lý cao nhất trong công ty, đến các cấp độ quản lý thấp hơn và đến từng cán bộ nhân viên trong CTTC.

Tất cả các hoạt động của công ty phải được sự chấp thuận của tập đoàn và của NHNN thông qua việc phê duyệt, chuẩn y điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty. Ngoài ra, một số hoạt động của công ty phải được sự cấp phép của NHNN khi có đủ điều kiện như kinh doanh ngoại tệ, hoạt động bao thanh toán...

CTTC là một đơn vị thành viên đặc biệt, được ví như một trung tâm tài chính trong tập đoàn: lượng khách hàng chủ yếu của các CTTC Việt Nam là các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Đây cũng là một nhân tố thuộc môi trường có tác động đến HTKSNB của các công ty. Đây là lợi thế lớn cho CTTC vì sự am hiểu khách hàng, một điều kiện quan trọng cho hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, với cơ cấu khách hàng như thế, CTTC cũng phải đối mặt với những rủi ro nhất định. Đều là các thành viên trong tập đoàn, nên các khách hàng này cũng thường là cũng thường là đối tác kinh doanh chính của nhau, nên khi rủi ro xảy ra đối với một khách hàng thì có thể ảnh hưởng lớn đến các khách hàng khác, hoặc khi môi trường kinh doanh có các biến động bất thường thì có thể ảnh hưởng bất lợi tới một bộ phận lớn khách hàng của một CTTC. Lúc này CTTC có thể đối mặt với rủi ro lớn. Để hạn chế và chia sẻ rủi ro này, các CTTC phải xây dựng và mở rộng mối quan hệ tín dụng với các TCTD khác, mời các TCTD này cùng tham gia cấp tín dụng cho các khách hàng trong tập đoàn thông qua hình thức cho vay, đồng tài trợ, hay đồng bảo lãnh...

Cạnh tranh thị trường và xu thế hội nhập: là một TCTD, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín dụng cho các thành viên trong tập đoàn, để tăng cường an toàn trong kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động, các CTTC đang có xu hướng mở rộng đối tượng khách hàng là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vốn ngoài tập đoàn. Cũng như các ngành nghề kinh doanh khác trong cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập, ngành kinh doanh các dịch vụ ngân hàng cũng có sự cạnh tranh khốc liệt. Xu hướng tự do hoá và toàn cầu hoá kinh tế khiến hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng Việt Nam càng trở nên phức tạp, dẫn tới nhiều rủi ro hoạt động. Như vậy, công tác mở rộng đối tượng khách hàng là một xu thế tất yếu, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các công ty, đòi hỏi các công ty phải có một HTKSNB hiệu lực và hiệu quả.

Tóm lại, các CTTC Việt Nam nhìn chung đã tạo dựng được môi trường kiểm soát khá tốt để tạo điều kiện cho hoạt động KTNB. Các qui định pháp lý về hoạt động ngân hàng đã bước đầu được xây dựng, tạo cơ sở cho sự cho sự phát triển các chính sách và thủ tục kiểm soát hữu hiệu trong các CTTC. Tuy nhiên, môi trường kiểm soát cũng còn những tồn tại cần khắc phục. Nhận thức về vai trò của KTNB chưa thực sự sâu sắc, có thể ảnh hưởng đến tính chủ động, tích cực, khả năng ngăn chặn các sai sót, rủi ro của KTNB. Hệ thống pháp luật ngân hàng tuy đã được đổi mới, tuy nhiên chưa mang tính cụ thể, chuyên nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của HTKSNB của các CTTC nói chung, cũng như hoạt động KTNB nói riêng.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành