Thứ ba, 17 Tháng 10 2023 02:39

Khái quát nguyên tắc bảo đảm sự độc lập giữa Tòa án với Đảng Cộng sản Việt Nam

Ở Việt Nam, do Hiến pháp Việt Nam đã quy định về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước nên quyền tư pháp mang tính chính trị. Đây là đặc trưng đặc thù của quyền tư pháp ở Việt Nam. Vì vậy, hầu hết các ý kiến cho rằng, không thể có sự độc lập hoàn toàn của tòa án trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam mà vấn đề quan trọng ở đây là cần xây dựng cơ chế lãnh đạo của Đảng như thế nào để vẫn bảo đảm được tính thượng tôn pháp luật của tòa án. Nếu Đảng tạo dựng được một thể chế, một hệ thống tòa án nghiêm minh, công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng còn cao hơn. Xét xử là một hoạt động nghề nghiệp đặc biệt, nó phải được ngăn chặn, chống sự tác động từ mọi phía đến tư duy, niềm tin nội tâm và tính chính xác của việc áp dụng pháp luật. Do đó, cần lựa chọn phương thức lãnh đạo phủ hợp nhất để thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án.

Để giải quyết mối quan hệ giữa Tòa án với Đảng Cộng sản Việt Nam sao cho đảm bảo được nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không một cơ quan, cá nhân nào được can thiệp, Việt Nam không thể sử dụng hoàn toàn phương thức của Hoa Kỳ, nơi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị. Tuy nhiên, dù ở Hoa Kỳ, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền song ý thức hệ chính trị là không thay đổi, luôn theo con đường tư bản chủ nghĩa. Hoa Kỳ cũng không quy định Thẩm phán phải không theo một Đảng phái nào. Do đó, trong mối quan hệ nảy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở phương thức đảm bảo sự độc lập của Thẩm phản đối với chính trị theo cơ chế: Hội đồng xét xử khi xem xét vụ việc và Thẩm phán khi ra phán quyết chỉ tập trung vào vấn đề pháp lý; thiết lập riêng một Ủy ban thường trực về Tư pháp độc lập thuộc Liên đoàn luật sư nhằm thực hiện bốn nhiệm vụ chính:

Thứ nhất, hỗ trợ các Tòa án và các đoàn luật sư phát hiện, phòng ngừa và phản ứng lại với các biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử;

Thứ hai, thúc đẩy, nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của tư pháp độc lập và việc chọn lựa các Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp làm việc cho hệ thống Tòa án nhằm thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền;

Thứ ba, nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nâng cao sự độc lập trong hoạt động xét xử của các Thẩm phán;

Thứ tư, tiếp nhận và xử lý, hỗ trợ xử lý các khiếu nại từ các đoàn luật sư cáo buộc về các hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập từ pháp[1].

Đồng thời, Việt Nam cũng có thể tiếp thu kinh nghiệm, các ý kiến góp ý, phản biện của học giả Trung Quốc để đảm bảo sự độc lập của Tòa án đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụ thể:

Tinh chính trị đòi hỏi phán quyết của Thẩm phán phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh xã hội; tính kỹ thuật yêu cầu các phán quyết của Thẩm phán phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Một Thẩm phán khi đối diện với việc giải quyết một vụ án, họ hiểu rõ quy trình áp dụng pháp luật như thế nào, nhưng họ cũng phải đối diện với lợi ích chung, phải xem xét đến cả những ảnh hưởng tác động đến xã hội, cần nắm bắt được tính chính trị của hoạt động xét xử. Và thực tiễn hoạt động xét xử ở Trung Quốc hiện nay đó là, trong quá trình thống nhất giữa tính chính trị và tính kỹ thuật, thì tính chính trị vẫn là phương diện chủ yếu, tính kỹ thuật là thứ yếu, tính kỹ thuật phải phụ thuộc vào tính chính trị. Đây cũng chính là điều mà Phan Đồng Nhân gọi là căn cứ trong hoạt động tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông cho rằng, đây cũng có thể xem như là một hiện tượng không thể tránh khỏi trong điều kiện phát triển chuyển đổi môi trường xã hội nhanh chóng của thời kỳ chuyển đổi. Tác giả hy vọng rằng, sau khi thời kỳ chuyển đổi kết thúc, xã hội tương đối ổn định rồi thì Trung Quốc có thể thực hiện thời kỳ xây dựng đất nước dựa vào pháp luật. Nhận thức về pháp luật của Thẩm phán sẽ hòa nhập thống nhất cùng với sự nắm bắt điều kiện hoàn cảnh xã hội, người Thẩm phán sẽ đáp ứng đầy đủ năng lực kỹ thuật, và cũng không cần sự bổ sung về tính chính trị nữa. Bởi khi mà pháp luật và điều kiện xã hội hòa hợp với nhau thì sự nắm bắt kiến thức pháp lý cũng chính là nắm bắt hoàn cảnh xã hội, hoạt động xét xử khi đó cũng đã tự đáp ứng đầy đủ màu sắc chính trị.

Mặc dù nhận định như vậy, nhưng tác giả vẫn phải khẳng định độc lập Tòa án, trong đó có độc lập của Thẩm phán là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của thời kỳ chuyển đổi, giải pháp cho việc đó là cần thu hẹp khoảng cách giữa các điều khoản pháp lý và hoàn cảnh xã hội, đồng thời với đó là việc nâng cao tố chất của bản thân người Thẩm phán, đảm bảo quyền xét xử độc lập của họ, hạn chế sự can thiệp hoạt động xét xử đến từ các nhân tố khác trong hệ thống chính trị, để từng bước thực hiện sự hòa hợp giữa tính kỹ thuật và tính chính trị trong hoạt động xét xử[2].

Ngoài ra, với những đặc điểm đặc thù của Việt Nam, các học giả của Việt Nam cũng có những ý kiến góp ý để giải quyết mối quan hệ nảy như sau:

Thứ nhất, về tổ chức, Đảng chỉ lãnh đạo về chủ trương chung, nguyên tắc chung về việc thành lập cơ quan Tòa án độc lập mà không can thiệp trực tiếp vào việc bổ nhiệm từng vị trí Thẩm phán, Phó chánh án hay Chánh án. Đảng có quyền giới thiệu các đảng viên ưu tú của Đảng để bầu hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo cơ quan nhà nước, nhưng việc bầu hoặc bổ nhiệm cần theo đúng cơ chế cạnh tranh, công khai với sự tham gia của các chủ thể thuộc các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Cần thay đổi cơ chế luân chuyển vị trí lãnh đạo hoặc chỉ định trực tiếp người của Đảng vào các vị trí Thẩm phán, Phó chánh án hay Chánh án mà không qua chế độ bổ nhiệm cạnh tranh, công khai với sự tham gia của các chủ thể thuộc các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng dé đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, nhằm chính danh hóa quyền cầm quyển, quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung và với Tòa án nói riêng[3].

Các Phó Chánh án, Chánh án Tòa án phải là người có kinh nghiệm xét xử, đã từng là Thẩm phán và được bổ nhiệm bởi nhiều chủ thể khác nhau theo cơ chế độc lập, có sự cạnh tranh.

Thứ hai về lãnh đạo hoạt động, Đảng tập trung thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền thông qua việc đưa ra định hướng lớn, những nguyên tắc căn bản, thể hiện và giữ đúng bản chất của chế độ chính trị - xã hội (theo lý tưởng của Đảng), còn lại phải dành quyền chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng pháp luật, thực hiện quyền tư pháp của bản thân Tòa án. Đảng không làm thay Tòa án.

Sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của Tòa án có thể thực hiện qua việc Đảng đưa ra định hưởng xây dựng bộ máy, nguyên tắc hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo công tác chính trị - tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, như hiện nay, Đảng đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu hoạt động của Tòa án là phải xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ nhân dân.

Đồng thời, Đảng cũng đề ra các biện pháp cụ thể và yêu cầu Tòa án phải quán triệt và thực hiện được các mục tiêu theo định hưởng đó chứ không can thiệp không đúng pháp luật vào công việc chuyên môn, nghiệp vụ của Tòa án. Đảng cần tôn trọng và phát huy cao độ tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan tư pháp (hoạt động xét xử) bởi lẽ đây là loại hoạt động đặc thù và cần được bảo đảm bằng tính độc lập của loại cơ quan này. Tương ứng với sự tôn trọng của Đảng với sự độc lập của Tòa án thì Tòa án, Thẩm phán cũng phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm chính trị - pháp lý của mình trong mối quan hệ với Đảng và cấp ủy đảng. Trước hết, Tòa án, Thẩm phán phải tuân thủ đường lối chính trị, định hướng tổ chức, hoạt động của Đảng cũng như các quy định của pháp luật. Từ định hướng chung đó, Tòa án có trách nhiệm cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp nhằm xây dựng và phát triển nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công lý, vì các quyền con người, vì hạnh phúc của nhân dân. Việc giám sát của các cấp ủy đảng đối với hệ thống Tòa án cần được thực thi trên nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm giải trình của Tòa án và trách nhiệm cá nhân của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và các chức danh tư pháp khác của Tòa án song không can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn của Tòa án.

Theo Trịnh Đức Thảo (2014), hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ (xét xử) có tính độc lập hoàn toàn không có nghĩa là hoạt động này được phép tách biệt, thoát ly khỏi mọi sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, cảng độc lập, người Thẩm phán lại cảng phải nêu cao tinh thần vô tư, khách quan, công bằng, lương tâm trong sáng, trách nhiệm bảo vệ công lý, trật tự pháp luật, nền dân chủ và quyền con người. Điều đó cũng có nghĩa càng độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, cơ quan tư pháp, người cán bộ xét xử lại càng phải đáp ứng những yêu cầu rất cao về mặt tư cách, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa, bên cạnh quyền được tôn trọng, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, người cán bộ tư pháp cũng bị đòi hỏi phải đặt dưới sự rèn luyện, giáo dục, kiểm tra thường xuyên về lập trưởng chính trị - tư tưởng, về đạo đức của Đảng và nhân dân[4].

Trong cả công tác tổ chức lẫn trong hoạt động của Tòa án, cần thực hiện triệt để nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đảng viên hay quần chúng nhân dân, không phân biệt địa vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay người dân binh thưởng trong toàn bộ tiến trình tố tụng tư pháp nói chung và khi Tòa án xét xử, đưa ra phán quyết.

Theo Trần Ngọc Đường (2019), quyền lãnh đạo của Đảng cũng như quyền lực nhà nước được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền là có giới hạn mà không phải vô hạn. Giới hạn đó là Hiến pháp. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải căn cứ vào Hiến pháp thể chế hóa một cách minh bạch và cụ thể quyền và trách nhiệm của mình làm căn cứ để kiểm soát quyền lực. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Điều đó không cho phép Đảng đứng trên Nhà nước và các tổ chức chính trị, đoàn thể của nhân dân[5]. Cần chỉ rõ các hành vi của các cá nhân lạm dụng vị trí lãnh đạo trong tổ chức Đảng can thiệp trái pháp luật vào công tác xét xử của Tòa án và hệ thống các chế tài chính trị và pháp lý xử lý những hành vi này. Đây là điều cần thiết để bảo đảm ổn định chính trị và xã hội. nâng cao uy tín của Đảng và góp phần tăng cường bảo đảm về độc lập xét xử[6].

 


[1] Weisenberg (2018). How state and local bar associations can protect judges from unfair attacks, https://www.americanbar.org/groups/litigation/initiatives/committee-on-american-judicial-system/projects/defending -justice/, truy cập ngày 30/9/2020.

[2] Phan Đồng Nhân, “Từ độc lập Tòa án đến độc lập thẩm phán - Mạn đàm về nguyên tắc độc lập tư pháp”, Tạp chí Học viện Hành chính Liêu Ninh, sô 5. năm 2011, tr.56(潘同人:“从法院独立到法官独立-浅析我国的 司法独立原”,载《辽宁行政学院学报》,2011年第5,56).

[3] Trịnh Đức Thảo (2014), “Xây dựng và hoàn thiện mô hình quan hệ giữa Đảng với cơ quan tư pháp và các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22 (278), tháng 11.

[4] Trịnh Đức Thảo (2014), “Xây dựng và hoàn thiện mô hình quan hệ giữa Đảng với cơ quan tư pháp và các cơ quan tham gia thực hiện quyền từ pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22(278), tháng 11.

[5] Trần Ngọc Đường (2019), Bàn về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhẫn dân làm chủ, http://www.tapchicongsan.org.vn/media- story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ban-ve-moi-quan-he-giua- ang-lanh-ao-nha-nuoc-quan-ly-nhan-dan-lam-chu, truy cập ngày 30 9/2020.

[6] Bùi Nguyên Khánh (2014), Cơ sở pháp lý đảm bảo sự độc lập xét xử của tòa án trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyển và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện tr. 180. Nhà nước và Pháp luật.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành