Thứ ba, 07 Tháng 11 2023 02:59

Kinh nghiệm trong xây dựng chính sách về tự do kinh doanh của một số nước – Bài học cho Việt Nam

1. Chỉ số tự do kinh doanh

Chỉ số tự do kinh doanh được tính toán dựa trên số liệu trong báo cáo môi trường kinh doanh về các thủ tục, thời gian và chi phí để thành lập, cấp giấy phép và đóng cửa doanh nghiệp 100% vốn trong nước, mức vốn thành lập doanh nghiệp này tương đương 10 lần thu nhập bình quân trên đầu người của nước đó do Quỹ di sản công bố. Quỹ Di sản quy về thang điểm từ 0 (gò bó) cho đến 100 (tự do kinh doanh).

Doanh nghiệp tư nhân cần được tự do thực hiện các hoạt động kinh doanh mà mình cảm thấy có lợi. Chỉ số tự do kinh doanh đánh giá tổng thể mức độ dễ dàng khi thành lập, vận hành và đóng cửa một doanh nghiệp. Nếu chỉ số này càng lớn chứng tỏ những quy định của pháp luật càng tạo điều kiện cho tư nhân phát triển.

Trung Quốc có chỉ số tự do kinh doanh thấp nhất, Việt Nam đứng thứ hai. Tuy nhiên, quy mô thị trường khổng lồ của Trung Quốc và những điều kiện thuận lợi khác mà Trung Quốc đang sở hữu có thể bổ sung cho những yếu kém này. Chỉ số tự do kinh doanh của Việt Nam thấp thứ hai có nghĩa là môi trường kinh doanh liên quan đến các thủ tục, thời gian và chi phí để thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép và đóng cửa doanh nghiệp còn bị gò bó.

Ngược lại, Nga hay Rumani, những nước được đánh giá chuyển đổi chưa thành công thì lại có chỉ số tự do kinh doanh ở mức cao. Hay nói cách khác, việc thành lập doanh nghiệp tại Nga hay Rumani là tương đối dễ dàng.

Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nga đã làm các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hiệu lực thực thi chính sách, người chơi và cách chơi hơn là luật chơi. Có quan điểm cho rằng, “... sự thất bại của nhiều nước thực hiện các cải cách thể chế theo “đồng thuận Washington" (kể cả phiên bản ban đầu và phiên bản mở rộng) trong tương phản với "hiện tượng Đông Á” (thực thi chính sách công nghiệp "bóp méo thị trường” để phát triển) trong vài thập niên trước và sự trỗi dậy của Trung Quốc trong giai đoạn gần đây đang làm thay đổi nhận thức này về mối quan hệ chặt chẽ giữa thể chế với tăng trưởng và phát triển”. Trong gần bốn thập niên cải cách và mở cửa, Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức xấp xỉ hai chữ số (con số chính xác là 9,61% trong giai đoạn 1978-2015, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới) và qua đó giúp hơn 100 triệu người thoát khỏi đói nghèo - một kết quả phát triển hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, theo nhiều chỉ số giám sát thường được sử dụng trên thế giới, môi trường thể chế của Trung Quốc trong giai đoạn này hầu như không thay đổi (Ngân hàng Thế giới 2017). Cũng có thể thực hiện một so sánh khác giữa các nền kinh tế chuyển đổi theo các chỉ số "Doing Business” của Ngân hàng Thế giới năm 2016 (các chỉ số này thể hiện chất lượng của một số dạng của thể chế kinh tế thị trường) thì nước Nga được xếp hạng 40 trong khi Trung Quốc xếp hạng thấp hơn nhiều là 78. Tuy nhiên kết quả tăng trưởng của Trung Quốc lại vượt trội so với Nga. Chính những điều này đã buộc các chuyên gia phải xem xét điều chỉnh đáng kể lý thuyết về thể chế kinh tế thị trường để giải thích tốt hơn thực tiễn diễn ra trên thế giới, đặc biệt là khi những lý thuyết trước đây về thể chế không giải thích được những gì diễn ra tại các nền kinh tế lớn ở Đông Á - nơi có kết quả tăng trưởng và giảm nghèo tốt nhất song không phải là nơi có các thể chế tốt nhất trên thế giới. Những quan sát tương tự khi so sánh các nền kinh tế chuyển đổi - những nơi có thể coi là những phòng thí nghiệm về thể chế kinh tế thị trường (tức là có thể quan sát được kết quả về tăng trưởng và giảm nghèo trước và sau khi các thể chế kinh tế thị trường xuất hiện) cũng cho thấy những điều tương tự như đã được nêu ở trên khi so sánh “hai phòng thí nghiệm lớn nhất về chuyển đổi sang thể chế kinh tế thị trường” là Nga và Trung Quốc. Chính vì vậy các lý thuyết về thể chế kinh tế thị trường nói chung và về mối quan hệ giữa Nhà nước và các chủ thể phi nhà nước nói riêng đã có những điều chỉnh quan trọng để phù hợp hơn với thực tiễn diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới”[1].

Ngoài nước Nga và Rumani có chỉ số tự do kinh doanh ở mức cao, Hunggari, Bungari và Séc cũng có chỉ số này ở mức cao. Như vậy, chỉ số tự do kinh doanh ở mức cao chưa phải là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hay nói cách khác, chúng chưa phản ánh thực trạng thể chế kinh tế thị trường tại các nước chuyển đổi trong nhóm so sánh.

Đồ thị về chỉ số tự do kinh doanh[2]

2. Chi phí thành lập doanh nghiệp

Trong “Doing Business" của Ngân hàng Thế giới tính toán số bước, thời gian, vốn tối thiểu để thành lập một công ty 100% vốn trong nước với vốn khởi nghiệp tương đương 10 lần thu nhập bình quân trên đầu người của nước đó.

Các chi phí khi thành lập doanh nghiệp là một rào cản hành chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hay lập nghiệp. Chi phí càng thấp sẽ càng tạo động lực cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước có số thủ tục khi thành lập doanh nghiệp nhiều nhất. Số thủ tục doanh nghiệp nhiều đồng nghĩa với rào cản vào thị trường của các doanh nghiệp lớn và vô hình chung cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp.

Kể cả khi số thủ tục thành lập doanh nghiệp của Trung Quốc cao hơn Việt Nam thì cũng khó có thể nói điều kiện thuận lợi cho thành lập doanh nghiệp của Việt Nam tốt hơn Trung Quốc. Quy mô thị trường của Trung Quốc là rất lớn, kết cấu hạ tầng cũng tốt hơn hẳn so với Việt Nam, chất lượng nguồn nhân lực cao hơn rất nhiều so với Việt Nam, vì thế cho dù số thủ tục khi thành lập doanh nghiệp của Trung Quốc có cao hơn so với Việt Nam thì Trung Quốc cũng không gặp nhiều bất lợi và nền kinh tế Trung Quốc không giảm nhiều sức hấp dẫn cho các tập đoàn kinh tế khi muốn đầu tư tại nước này.

Trong khi đó, với quy mô thị trường chưa phải là lớn, kết cấu hạ tầng yếu kém (thấp nhất trong số các nước trong nhóm so sánh), chất lượng nguồn nhân lực thấp thì số thủ tục khi thành lập doanh nghiệp tương đối nhiều cũng sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp muốn thực hiện đầu tư, sản xuất và tiến hành kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Với rất nhiều các bất lợi đang tồn tại, mỗi bước đi để giảm từng rào cản sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành lập, tạo cơ hội cho nền kinh tế thị trường phát triển.

Đồ thị về số thủ tục khi thành lập doanh nghiệp[3]

Thời gian thành lập doanh nghiệp được tính bằng ngày tại Việt Nam cũng ở mức cao so với các nước trong nhóm so sánh. Hầu hết các nước có xu hướng giảm thời gian thành lập doanh nghiệp trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2017. Bốn nước có thời gian thành lập doanh nghiệp dài nhất gồm có Ba Lan, Trung Quốc, Bungari và Việt Nam. Tại thời điểm cuối cùng của giai đoạn so sánh (năm 2017), doanh nghiệp tại 4 quốc gia phải mất lần lượt là 37, 29, 23 và 24 ngày cho việc thành lập.

Riêng trường hợp của Việt Nam, trong thời gian cuối của giai đoạn nghiên cứu, “cải cách Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã góp phần tinh giản và giảm thiểu chi phi khởi sự kinh doanh và chi phí tuân thủ. Khởi sự doanh nghiệp sẽ bao gồm 5 bước thủ tục trong 16 ngày (so với 10 thủ tục trong 34 ngày trước đây). Thiết lập một doanh nghiệp mới sẽ đòi hỏi 5 thủ tục được hoàn thành với 16 ngày (so với 10 thủ tục được hoàn tất trong vòng 34 ngày) theo pháp luật trước đó. Mặc dù đây là một bước đi hết sức quan trọng, Việt Nam vẫn đứng sau chuẩn mực trong khu vực ở chỉ số này” (Mallon, 2015, tr. 8).

Năm 2017, các nước có số ngày thành lập doanh nghiệp thấp nhất gồm có Hungari (7 ngày), Séc (9 ngày), Nga (9,8 ngày) và Rumani (12 ngày). Có sự trộn lẫn giữa những quốc gia chuyển đổi thành công (Hungari, Séc) và những quốc gia chuyển đổi không thành công (Nga và Rumani).

Đồ thị về thời gian thành lập doanh nghiệp (ngày)[4]

Như vậy, số thời gian thành lập doanh nghiệp dài hay ngắn chưa phải là nhân tố quan trọng phản ánh sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một quốc gia có những nhân tố thuận lợi và bất lợi đan xen nhau quyết định đến phát triển kinh tế thị trường. Do đó, một nhân tố trong tổng chi phí ảnh hưởng đến quyết định tham gia thị trường của doanh nghiệp có thể không có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến quyết định tham gia thị trường của các doanh nghiệp sẽ là rào cản thực sự cho các doanh nghiệp và cho sự phát triển của nền kinh tế.

Đồ thị về chi phí thành lập doanh nghiệp phản ánh diễn biến chi phí thành lập doanh nghiệp tính bằng phần trăm thu nhập/đầu người giai đoạn 2004-2017. Một xu hướng dễ nhận thấy là các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây có chi phí thành lập doanh nghiệp giảm dần. Thực tế này cho thấy các nước đang nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp gia nhập hị trường.

Đồ thị về chi phí thành lập doanh nghiệp (0% thu nhập/đầu người)[5]



Năm 2017, ba nước có chi phí thành lập doanh nghiệp cao nhất đều là các nước được đánh giá chuyển đổi thành công là Ba Lan, Hungari và Séc. Ngược lại, các nước có chỉ phí thành lập doanh nghiệp thấp nhất lại là các nước chuyển đổi thất bại như Nga, Rumani, Bungari. Chỉ có duy nhất Trung Quốc - quốc gia được đánh giá chuyển đổi thành công dưới khía cạnh kinh tế có chi phí thành lập doanh nghiệp ở mức thấp nhất với 0,7% so với thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam là 4,6% so với thu nhập bình quân đầu người.

 


[1] Nguyễn Quang Thuấn: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn", bài viết cho Kỷ yếu Hội thảo “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, 2016

[2] Nguồn: Quỹ Di sản, Tạp chí Phố Wall, Ngân hàng Thế giới

[3] Nguồn Ngân hàng Thế giới

[4] Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

[5] Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành