Thứ năm, 16 Tháng 11 2023 03:38

So sánh về thể chế trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư theo hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, gồm có 11 quốc gia thành viên. Trong 11 quốc gia thành viên CPTPP, chỉ có Xingapo, Malaixia, Peru và một số bang của Canada có đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động hòa giải thương mại, mặc dù cách tiếp cận trong các đạo luật này không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể, Xingapo có Luật Hòa giải năm 2017, Malaixia có Luật Hòa giải năm 2012 và Pêru có Luật Hòa giải năm 1997. Ở Canada, pháp luật về hòa giải thương mại được quy định chủ yếu ở cấp bang (ví dụ: Luật Hòa giải thương mại Ontario năm 2010, Quy định về hòa giải của bang Bristish Columbia...), còn cấp liên bang chỉ có Luật Mẫu về hòa giải thương mại (văn bản có tính khuyến nghị được ban hành bởi Hội nghị Thống nhất Luật Canada).

Ở Việt Nam, xét về thể chế, mặc dù có một số luật về hòa giải như Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 nhưng hòa giải thương mại ngoài Tòa án không thuộc phạm vì điều chỉnh của những luật này mà được điều chỉnh bởi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2011/NĐ-CP).

Như vậy, đối với các quốc gia thành viên CPTPP có Luật điều chỉnh về hòa giải thì hầu hết là điều chỉnh cơ chế hòa giải nói chung, trong đó bao gồm cả hòa giải thương mại. Chỉ một số bang của Canada có luật riêng về hòa giải thương mại và Việt Nam có nghị định về hòa giải thương mại.

Về trường hợp của Canada, do hòa giải thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp nhấn mạnh vai trò chủ động và tự nguyên của các bên tranh chấp, các quy định pháp luật về hoa giải thương mại ở Canada (nếu có)[1] phần lớn đều cho phép các bên tranh chấp có thể lựa chọn không áp dụng một phần hoặc toàn bộ Luật Hòa giải thương mại. Nói cách khác, các quy định pháp luật về hòa giải thương mại hầu như chỉ là “ đỡ về mặt pháp lý cho các bên tranh chấp sử dụng hình thức trung gian hòa giải nếu họ không có thỏa thuận nào khác. Cách tiếp cận này của Canada hơi khác so với Việt Nam. Cụ thể, theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại thì hoạt động hòa giải được thực hiện bởi các hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại Việt Nam hoặc nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định bắt buộc tại Nghị định. Còn các hoạt động hòa giải do các bên tranh chấp tự thực hiện hoặc mời các tổ chức khác không phải là các chủ thể nêu trên thì được thực hiện mà không cần tuân thủ Nghị định này.

Bên cạnh đó, một số quốc gia dù không có luật riêng về hòa giải, nhưng thường được điều chỉnh trong Luật về giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thay thế (như Nhật Bản và Mêhicô). Ở Nhật Bản, hòa giải là một trong các cơ chế được Luật Khuyến khích giải quyết tranh chấp thay thế năm 2004 điều chỉnh, còn ở Mêhicô, vấn đề này được quy định tại Luật về tư pháp thay thế năm 2007.

Các nước còn lại (Niu Dilân, Brunây, Ôxtrâylia và Chile) không có đạo luật riêng điều chỉnh về cơ chế hòa giải. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn thừa nhận cơ chế hòa giải. Trong thực tế, việc hòa giải được áp dụng theo các Bộ Quy tắc của các thiết chế (trung tâm, hiệp hội) giải quyết tranh chấp như trung tâm trọng tài và hòa giải, hay trung tâm hòa giải. Trên thực tế, có nhiều trung tâm hòa giải khác nhau với nhiều bộ quy tắc hòa giải khác nhau. Có những trung tâm dành riêng cho hòa giải trong nước, có những trung tâm dành riêng cho hòa giải quốc tế, hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, về cơ bản, các Bộ Quy tắc của các trung tâm hòa giải không có sự khác biệt đáng kể về thủ tục và các quy tắc định hướng chung, mà khác chủ yếu ở biểu phí.

Thực tế cho thấy, kể cả tại các quốc gia có đạo luật riêng về hòa giải thì quy định trong các đạo luật này cũng mang tính định hướng, khái quát về các nguyên tắc, thủ tục hòa giải nói chung. Khi các bên đã lựa chọn hòa giải thương mại và đầu tư tại một trung tâm hay thiết chế về hòa giải thì các bên cần tuân thủ các quy tắc của trung tâm/thiết chế này (vẫn dựa trên những quy định chung của luật, nhưng các trung tâm sẽ cụ thể hơn từng thủ tục tiến hành hòa giải tranh chấp). Do vậy, Luật về hòa giải là định hướng với các trường hợp hòa giải do các bên tự thực hiện, đồng thời là khuôn mẫu ở cấp đã chung nhất, khái quát nhất cho các Bộ Quy tắc của các trung tâm.

Ngoài ra, cần lưu ý thêm là đối với Việt Nam, mặc dù hòa giải thương mại được điều chỉnh bởi nghị định - văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, khác với luật của các quốc gia - văn bản do Quốc hội Nghị viện ban hành, nhưng để thuận cho việc so sánh cơ chế hòa giải dưới góc độ pháp luật, ở các phần sau, nhóm tác giả sẽ xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có pháp luật về hòa giải.

Như vậy, các nước thành viên Hiệp định CPTPP đều có cơ chế hòa giải để giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cơ chế này cũng được điều chỉnh bởi khung pháp lý hoàn thiện. Trong số 11 quốc gia thành viên, có ổ quốc gia có văn bản pháp luật riêng về cơ chế hòa giải, bao gồm Xingapo, Malaixia, Peru, Canada và Việt Nam (trong đó, Việt Nam có nghị định - văn bản pháp luật được ban hành bởi cơ quan hành pháp, khác với 4 quốc gia còn lại là luật - văn bản pháp luật được ban hành bởi cơ quan lập pháp). Các luật này chủ yếu điều chỉnh cơ chế hòa giải nói chung, tuy nhiên, ở Việt Nam và Canada, văn bản pháp luật điều chỉnh riêng đối với cơ chế hòa giải trong thương mại (hay thương mại và đầu tư).

Ở Mehicô và Nhật Bản, cơ chế hòa giải được điều chỉnh bởi Luật Khuyến khích giải quyết tranh chấp thay thế, hay Luật về tư pháp thay thế nói chung. Nhìn chung, các quy định của luật mang tính định hướng. khái quát các nguyên tắc, thủ tục hòa giải nói chung. Các quy định. quy tắc cụ thể hơn được thể hiện trong Bộ quy tắc hòa giải của các trung tâm, thiết chế hòa giải ở mỗi quốc gia.

Các quốc gia còn lại bao gồm Niu Dilin, Ôxtrâylia, Brunây và Chilê, hòa giải không được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật cụ thể. Trên thực tế, khi các bên tự thực hiện hòa giải, thủ tục, quy trình và việc thực thi do các bên tự thỏa thuận, còn trong trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tại một trung tâm, thiết chế hòa giải thì các Bộ quy tắc của các trung tâm, thiết chế này sẽ được áp dụng.

 


[1] Không phải bang nào của Canada cũng có các đạo luật riêng về hòa giải thương mại (mặc dù có thể có quy định về hòa giải cho các tranh chấp trong các lĩnh vực khác).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành