Thứ năm, 16 Tháng 11 2023 07:59

Khái quát về quá trình gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu dân và chiếm 13% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD, lại bao gồm các thị trưởng lớn như Nhật Bản, Canada, Ôxtrâylia sẽ mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Biểu đồ GDP của các nước thành viên CPTPP và tỷ trọng so với toàn cầu

- Các nước khác

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, gia nhập CPTPP có thể giúp Việt Nam tăng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030, thậm chí, tăng trưởng có thể lên tới 3,5% GDP nếu có kích thích tăng năng suất. Ngoài tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, CPTPP có vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang cản trở tăng trưởng thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang và có nguy cơ lan rộng. Ngoài ra, Việt Nam còn được tiếp cận những thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và những thị trường mà hiện Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tự do thương mại, như Canada, Mêhicô, Chilê và Pêru. Hiệp định sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam[1].

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ và phát triển sản xuất, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới, do vậy khi Hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thu hút FDI từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại tự do, như Canada, Mêhicô...

CPTPP cũng tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế để mở rộng thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam nên vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam tham gia “sân chơi chung”. Việt Nam phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi gia nhập CPTPP. Nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại.

Bên cạnh những thuận lợi, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam bởi nhiều điều khoản có lợi cho những nước công nghiệp phát triển hơn là cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Một số thách thức nổi bật đó là:

Thứ nhất, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Sự cạnh tranh diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường Việt Nam trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Các doanh nghiệp nước ngoài, với những thuận lợi về tài chính, trình độ quản trị, chuỗi phân phối toàn cầu sẽ nhanh hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, do tiềm lực của các doanh nghiệp Việt Nam yếu, sự liên kết với nhau kém nên sức ép cạnh tranh trên thị trường nước ngoài cũng là thách thức lớn. Việc phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường Việt Nam đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”, điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác ngay tại thị trường nội địa. Do khả năng thích nghi của doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trong nước cũng vì thế gia tăng.

Việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp nói riêng phải chuyển đổi, cơ cấu lại phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu không làm được những điều này, nhiều doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Hậu quả là nhiều lao động có thể bị mất việc và sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng.

Thứ hai, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế

Hiệp định CPTPP đòi hỏi các quốc gia phải chủ động và linh hoạt trong cải cách thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng; các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh, coi trọng hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật, trong đó có các quy định liên quan đến thương mại và đầu tư, các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư... Tuy nhiên, sức ép thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định sẽ vượt qua được bởi phần lớn những cam kết tuy mới nhưng phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đến từ các châu lục khác nhau, bao gồm châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ. Mỗi quốc gia đều có những nét riêng biệt, với trình độ phát triển khác nhau. Cụ thể, các quốc gia có quy mô về địa lý, dân số khác nhau, với những đặc điểm về văn hóa, lịch sử rất đa dạng. Sự đa dạng còn được thể hiện trong thể chế chính trị và hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Về kinh tế, đa số các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đều có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, trong đó, chỉ số thuận lợi kinh doanh của các quốc gia khác cũng đều xếp vị trí cao hơn so với Việt Nam, trừ Peru. Vì vậy, tham gia vào Hiệp định CPTPP - một sân chơi chung của rất nhiều nền văn hóa, nhiều trình độ kinh tế. Việt Nam cần nỗ lực để vượt qua các thử thách, tranh thủ những cơ hội mà Hiệp định này mang lại để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có hoàn thiện pháp luật về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư. Chính vì vậy, việc nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ở các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP có vai trò quan trọng trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định này. Việc nghiên cứu không chỉ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam có thêm hiểu biết về pháp luật thương mại, đầu tư của các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP trong bối cảnh thúc đẩy hợp tác với các quốc gia này, mà còn giúp các nhà lập pháp có thêm nhưng kinh nghiệm về cơ chế giải quyết tranh chấp của các quốc gia khác, từ đó, ngày một hoàn thiện pháp luật Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư.

 


[1] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh- oi-ngoai1//2018/54880/viet-nam-voi-cptpp-co-hoi-va-thach-thuc.aspx.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 20 Tháng 12 2023 08:02

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành