Thứ sáu, 08 Tháng 12 2023 03:35

Khái lược chung về nội hàm, chủ thể giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

1. Nội hàm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập

Có thể nói, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập chính là quá trình các chủ thể trong nền kinh tế thực hiện các biện pháp dựa trên kết hợp vai trò của nhân tố chủ quan với các nguyên tắc và quy luật thị trường, để một mặt thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, mặt khác hoàn thiện các yếu tố cấu thành quan hệ sản xuất, đồng thời hướng tới xác lập sự tương hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất gắn với từng giai đoạn phát triển nhất định của nền kinh tế.

Như vậy, giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại trước hết là không ngừng giải phóng và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển để trên cơ sở tiền đề và yêu cầu của lực lượng sản xuất mà hoàn thiện quan hệ sản xuất nhằm tiếp tục tạo động lực mới để phát triển lực lượng sản xuất và do đó thúc đầy tiến bộ kinh tế - xã hội nói chung.

Bản chất của quá trình giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về thực tế, chính là quá trình hoàn thiện thể chế thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển đồng thời hoàn thiện các thể chế, biểu hiện là hình thái của mối quan hệ sản xuất và đảm bảo sự tương thích giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất. Giải quyết mối quan hệ là quá trình liên tục hoàn thiện thể chế.

Hoàn thiện thể chế được hiểu là sự chủ động tháo dỡ các rào cản để vừa thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, vừa từng bước nhận diện và hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Như vậy, nội hàm của việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất bao hàm hai nhóm nhiệm vụ cơ bản gồm:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các thể chế

Việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường đòi hỏi phải căn cứ vào các quy luật thị trường và lấy việc tuân thủ các quy luật thị trường làm thước đo mức độ hoàn thiện của thể chế.

Nội dung xây dựng và hoàn thiện các thể chế giải quyết quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất bao hàm những nhiệm vụ chủ yếu là:

- Xây dựng mới và hoàn chỉnh sửa đổi, bổ sung các thể chế thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại. Thuộc nhóm thể chế này gồm các thể chế gắn với từng thành tổ của lực lượng sản xuất được cụ thể hóa như sau:

+ Hoàn thiện các thể chế nâng cao chất lượng nhân lực và tài nguyên trí lực, gồm các chính sách về giáo dục - đào tạo, về sử dụng nguồn lực, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về giải quyết các nội dung của thị trường lao động.

+ Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, gồm các chính sách chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển về khoa học - công nghệ, chính sách công nghiệp, chính sách về huy động và sử dụng nguồn lực cho sự phát triển khoa học - công nghệ.

+ Hoàn thiện thể chế thúc đẩy dữ liệu và cơ sở số: Trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại, cơ sở dữ liệu và cơ sở số cho nền tảng chuyển đổi số, hình thành lực lượng sản xuất số đóng vai trò ngày càng quan trọng, do đó, việc xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại không thể thiếu được các thể chế cho sự phát triển nền tảng số.

+ Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Với tư cách là một thành tố của lực lượng sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cứng và mềm có vai trò đặc biệt quan trọng, trước hết là hệ thống hạ tầng cứng của lĩnh vực kinh tế. Lấy việc đột phá về kết cấu hạ tầng cứng làm tiền đề cho phát triển thuận lợi hóa quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung

- Xây dựng các thể chế để giải quyết mối quan hệ giữa các cấu thành quan hệ sản xuất.

Các thành tố của quan hệ sản xuất bao gồm những bộ phận cơ bản như: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý, quan hệ phân phối, quan hệ lưu thông. Do đó, việc hoàn thiện các thể chế để hoàn thiện quan hệ sản xuất cũng cần được xác lập trên các khía cạnh cấu thành quan hệ sản xuất đó; trong đó gồm các nội dung hoàn thiện các thể chế như:

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế sở hữu, thành phần kinh tế, quyền tài sản, gồm hệ thống các chính sách về sở hữu, sở hữu đất đai, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, sử dụng tài sản công, bảo vệ tài sản của tư nhân và xã hội.

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế về tạo lập môi trường, gồm các chính sách về cạnh tranh, thúc đẩy sự minh bạch, thực hiện trách nhiệm xã hội của các chủ thể kinh tế, thể chế thu hút đầu tư, chính sách về thuế, lãi suất tín dụng...

- Xây dựng các thể chế về phân phối và an sinh xã hội, trọng tâm là các chính sách về thu nhập, tiền lương, thuế thu nhập, phân phối lần đầu, phân phối lại, việc phân phối qua các quỹ tài chính công cũng như của các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách về tạo lập mạng lưới an sinh xã hội đa tầng thuộc nhóm thể chế về phân phối cũng cần không ngừng hoàn thiện.

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế lưu thông, phân bổ nguồn lực và các thể chế thị trường, bao hàm các chính sách về quản lý thị trường, phát triển hệ thống quan hệ thương mại, tổ chức các loại quan hệ lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Cùng với đó, việc lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường cho sản xuất liên quan tới việc phân bổ nguồn lực cho sản xuất và tái sản xuất cho nên các chính sách về sử dụng nguồn lực tài nguyên cũng như nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác cũng cần phải được hoàn thiện.

Thứ hai, tổ chức thực hiện các thể chế đó vào đời sống hiện thực của nền kinh tế để đảm bảo sự tương hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất.

Chính quá trình tổ chức thực hiện đưa các thể chế vào đời sống kinh tế của quá trình tái sản xuất sẽ là căn cứ để đánh giá mức độ tương hợp của quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất. Việc xác định tính chất tương hợp sẽ được biểu hiện ở những tiêu chí đánh giá về giải quyết quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường.

Với ý nghĩa như vậy, việc hoàn thiện các thể chế là nhiệm vụ tiến để, tuy nhiên, việc đánh giá sự tương hợp giữa các thành tố thể chế thuộc quan hệ sản xuất với nhau và sự tương thích giữa quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất phải thể hiện qua thực tiễn áp dụng các thể chế đó. Thông qua quá trình áp dụng, khi tác động đến lợi ích và quy trình tổ chức thực hiện của các chủ thể sẽ phát hiện ra sự tương thích hoặc không tương thích giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất.

2. Chủ thể giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại quy về hoàn thiện thể chế, mà việc hoàn thiện thể chế rong bối cảnh hiện đại không thể chỉ thuộc về riêng vai trò của nhà nước. Do đó, quá trình này đòi hỏi sự tham gia của các chủ thể chính sau:

Nhà nước

Nhà nước là nòng cốt quan trọng nhất trong thực hiện hoàn thiện thể chế. Việc giải quyết quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trước hết thuộc về vai trò của kiến trúc thượng tầng. Do đó, chủ thể thực hiện rà soát và xây dựng mới các thể chế trước hết thuộc về vai trò của nhà nước.

Cộng đồng doanh nghiệp

Việc thực hiện các thể chế kinh tế bao gồm thể chế về sở hữu, thể chế về tạo lập môi trường, thể chế về lưu thông, phân bổ nguồn lực và thể chế phân phối trực tiếp tác động tới lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Cho nên nếu cộng đồng doanh nghiệp mạnh, số lượng càng đông đảo, việc thực hiện thể chế càng có hiệu quả. Cũng trong quá trình thực hiện thể chế đó, do tác động trực tiếp tới lợi ích của mình nên cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận biết được thể chế nào có vai trò giải phóng nguồn lực và thể chế nào đang kìm hãm nguồn lực. Từ đó có tác động trở lại để nhà nước với tư cách là bộ phận quan trọng nhất thuộc kiến trúc thượng tầng thực hiện tiếp tục rà soát và hoàn thiện thể chế. Suy cho cùng, nền kinh tế có sống động hay không phụ thuộc vào sự phát triển lành mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, thể chế được ban ra mà làm cản trở cộng đồng doanh nghiệp phát triển lành mạnh thì khó có thể cho rằng thể chế đó là phù hợp với thực tiễn và do đó quan hệ sản xuất chưa tương thích với lực lượng sản xuất.

Người dân

Trong điều kiện kinh tế thị trường, các thể chế liên quan đến sở hữu, quyền tài sản, đến phân phối thu nhập, lưu thông và phân bổ nguồn lực đều tác động trực tiếp tới lợi ích sát sườn, trực tiếp của người dân. Các thành viên trong xã hội với tư cách là người dân là tầng cuối cùng của việc thể hiện tác động của thể chế tới xã hội. Do đó, bản thân người dân cần có tiếng nói của mình đối với việc hoàn thiện thể chế. Các thể chế được xây dựng khi có tham vấn ý kiến của người dân sẽ tốt hơn nhiều so với các thể chế vốn chỉ được ngồi trong phòng máy lạnh vẽ ra.

Các nhà đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của một quốc gia nhằm giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất không còn là công việc riêng của các chủ thể trong nước, còn là công việc liên quan tới các chủ thể là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm cách để sao cho lợi ích của họ đạt được tối đa. Do đó, có thể không loại trừ các tư vấn hoặc sức ép để tạo ra những thể chế có lợi về lâu dài và ở chiều sâu mà đôi khi nhà nước cũng không thể tiên liệu hết được. Vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế còn có sự tham gia của các chủ thể nhà đầu tư nước ngoài.

Các chủ thể kinh tế quốc tế

Trong bối cảnh hình thành các thể chế kinh tế quốc tế với tốc độ gia tốc như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện các thể chế liên quan đến phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nội bộ một quốc gia không thể không liên quan tới các thể chế quốc tế. Theo nghĩa đó, các chủ thể kinh tế quốc tế, các tổ chức quốc tế cũng là một trong những chủ thể thực hiện việc xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất của một quốc gia. Đây chính là điểm khác biệt căn bản giữa kinh tế thị trường trước đây với điều kiện kinh tế thị trường hiện đại ngày nay.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành