Sự đổi mới và liên tục bổ sung về mặt lý luận về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất đồng thời được thể chế hóa thành những văn bản, chính sách, thực chất cũng là quá trình giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất.
1. Thể chế hóa mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất
Việc đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa những tư tưởng đổi mới về phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất phải kể tới sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Luật này đánh dấu bước tiến về hiện thực hóa chủ trương thành chính sách. Sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính thức đánh dấu việc nhận thức lại chuẩn xác hơn về vấn để bóc lột, về vấn đề phát triển của chủ nghĩa tư bản trong xu hướng phát triển xã hội chủ nghĩa và cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bước tiếp theo đáng kể hơn đó chính là việc ban hành Hiến pháp năm 1992 thay thế Hiến pháp năm 1980.
Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng” (Điều 15). Hiến pháp cũng xác định rõ: “Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật và giao lưu với thị trường thế giới” (Điều 16).
Nhà nước khẳng định bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của các chủ thể. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được làm thiệt hại và ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Pháp luật cũng đã quy định rõ quyển của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản: có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đạo luật và các văn bản của pháp luật dân sự đã đưa ra những quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, những căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu, các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu.
Cùng với những quy định chung về sở hữu và thành phần kinh tế, Nhà nước cũng đã ban hành hàng loạt đạo luật quy định về kinh doanh và về các loại hình tổ chức kinh doanh. Tháng 12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đạo luật này quy định rõ các hình thức đầu tư (Hợp đồng hợp tác kinh doanh, xí nghiệp liên doanh và xí nghiệp 100% vốn nước ngoài).
Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn có Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Đạo luật này điều chỉnh hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong nước với những ưu đãi nhất định. Tình trạng cùng hoạt động đầu tư nhưng có hai đạo luật khác nhau điều chỉnhtheo các chủ thể đầu tư đã gây nên những phức tạp trong quản lý đầu tư và không tránh khỏi sự phân biệt đối xử với các nhà đầu tư trên cùng một địa bàn, hoạt động trong cùng một lĩnh vực.
Để khắc phục tình trạng này và để phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư. Đối tượng áp dụng đạo luật này là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật đầu tư năm 2005 không đưa ra các quy định về tổ chức và hoạt động của loại hình doanh nghiệp hình thành từ thực hiện đầu tư. Nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp.
Năm 1990, Quốc hội đã ban hành hai đạo luật liên quan đến loại hình doanh nghiệp thuộc hình thức sở hữu tư nhân: Luận doanh nghiệp tư nhân với đối tượng điều chỉnh là loại hình doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ sở hữu tư nhân); Luậ công ty với đối tượng điều chỉnh là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (doanh nghiệp đa chủ sở hữu). Đến năm 1999 hai đạo luật này được thay thế bằng Luật doanh nghiệp. Phạn vi điều chỉnh của đạo luật này được mở rộng:
Quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị. xã hội khi được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Năm 1995, Quốc hội ban hành Luật doanh nghiệp nhà nước quy định những vấn đề pháp lý cơ bản về tổ chức và hoạt động của loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Ở giai đoạn này, các nội dung của đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước được xúc tiến mạnh mẽ.
Năm 1996, Quốc hội đã ban hành Luật hợp tác xã quy định khung khổ pháp lý cho tổ chức hoạt động của hợp tác xã. Việc ban hành đạo luật này là sự khẳng định tầm quan trọng của hợp tác xã về phương diện pháp lý, đồng thời cũng tạo cơ sở cho hợp tác xã hoạt động bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Việc ban hành đạo luật này cũng là cơ sở để thực hiện yêu cầu chuyển đổi mô hình hợp tác xã kiểu cũ đã bộc lộ nhiều nhược điểm, bất cập sang mô hình hợp tác xã kiểu mới thích ứng với điều kiện của nền kinh tế thị trường. Thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật hợp tác xã năm 2003 thay thế cho Luật hợp tác xã năm 1996. Luật xác định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể do các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật; xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất và thành viên hợp tác xã.
Luật doanh nghiệp năm 2014 tiếp tục mở rộng quyền tự do kinh doanh và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp. Luật đánh dấu một bước mới về chất đó là thiết lập khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp tương thích với thông lệ quốc tế tốt, nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, đặc biệt là có đông thiểu số. Luật doanh nghiệp năm 2020 đặt trọng tâm vào hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.
Cùng với Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đầu tư năm 2005 ra đời là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Luật đầu tư năm 2005 đã tạo ra hệ thống pháp luật đầu tư chung áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài.
2. Thể chế hóa các quy định về sở hữu đất đai
Đất đai là một loại tài sản đặc biệt và pháp luật về quyền sở hữu đất đai cũng có những thay đổi qua các bản Hiến pháp. Trong Hiến pháp năm 1959, Nhà nước, hợp tác xã, người nông dân và các chủ thể khác được công nhận có quyền sở hữu đất đai. Từ Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp năm 1992, đất đai được quy định thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Cá nhân, tổ chức không phải Nhà nước chỉ có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Năm 1993, Quốc hội đã ban hành Luật đất đai và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, năm 2003 (sửa đổi, bổ sung các năm 2008, 2009, 2010), Luật đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Luật đất đai quy định quyền định đoạt của chủ sở hữu nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người có quyền sử dụng đất.
Đất đai là một trong những nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong nguồn vốn cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính sách liên quan đến đất đai vì vậy có tác động rất lớn đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các chủ thể không thể hoặc khó khăn tiếp cận đất đai sẽ mất rất nhiều chi phí, thậm chí không thể tiến hành hoạt động kinh doanh.
Pháp luật hiện hành về đất đai, cốt lõi là Luật đất đai năm 2013. Sau khi Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn; các bộ, ngành cũng ban hành các thông tư hướng dẫn nghị định, để đưa Luật đất đai đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời các vấn để bức thiết mà thực tế đang đòi hỏi. Luật đất đai năm 2013 tập trung vào việc mở rộng các quy định liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế, cụ thể đã xóa bỏ rất nhiều rào cản trong tiếp cận đất đai cũng như trao nhiều quyền hơn cho nhà đầu tư nước ngoài về quyền sử dụng đất, có sự bình đẳng hơn về cơ hội tiếp cận đất đai giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Về tổng thể, thị trường đất đai ở Việt Nam chỉ thực sự phát triển kể từ năm 1993 với sự ra đời của Luật đất đai. Luật đất đai năm 2003 và 2013 đã lần lượt làm rõ hơn vai trò đại diện của chủ sở hữu về đất đai; các quyền sử dụng đất; các chủ thể tham gia vào thị trường đất đai; các hình thức giao đất và thuê đất; hạn mức sử dụng đất. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi các quy định về đấu giá đất thống nhất với quy định lựa chọn nhà đầu tư theo Luật đấu thầu. Chính sách và pháp luật về giao, cho thuê đất sản xuất kinh doanh hiện hành cơ bản không có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu để xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng phải rà soát sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai, rà soát các quy định pháp luật về đất đai theo hướng điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất...