Thứ ba, 12 Tháng 12 2023 04:14

Tiêu chí đánh giá việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế

Căn cứ vào các lý thuyết về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, ở đây việc xây dựng các tiêu chí về giải quyết mối quan hệ là vừa thúc đẩy lực lượng sản xuất, vừa hoàn thiện quan hệ sản xuất cho phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất ấy. Suy cho cùng, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất biểu hiện tập trung ở việc hoàn thiện các loại hình thể chế để thúc đẩy tiến bộ xã hội, trước hết là thể chế kinh tế. Các tiêu chí được dựa trên cơ sở các lý thuyết nêu trên. Theo nghĩa đó, có các nhóm tiêu chí sau:

1. Nhóm tiêu chí thể hiện sự đồng bộ, hiệu lực của thể chế Thuộc nhóm tiêu chí này bao hàm các khía cạnh cụ thể sau:

Sự đầy đủ của các thể chế: Khắc phục trùng chéo trong nội bộ mỗi loại hình thể chế và giữa các thể chế, chính sách trong một lĩnh vực hoặc giữa các lĩnh vực.

Giảm thiểu mâu thuẫn trong hệ thống thể chế.

Phân cấp rõ giữa trung ương và địa phương.

Phân công và phối hợp rõ trong tổ chức thực hiện.

Phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Phù hợp trình độ phát triển trong nước.

Thúc đẩy kinh tế thị trường văn minh.

2. Nhóm tiêu chí thể hiện sự thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển

Thuộc nhóm tiêu chí này gồm các chỉ tiêu cụ thể như:

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Gia tăng sự giàu có của dân cư, thúc đẩy tiến bộ, văn minh xã hội.

Khoa học - công nghệ phát triển.

Nâng cao chất lượng nhân lực.

Thúc đẩy tài nguyên dữ liệu, nền tảng kinh tế số.

Thúc đẩy hạ tầng kinh t hat e - xã hội phát triển.

Gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng bộ thị trường.

Đầy đủ yếu tố thị trường.

3. Nhóm tiêu chí thể hiện sự hoàn thiện quan hệ sản xuất

Các chỉ tiêu của nhóm tiêu chí thể hiện sự hoàn thiện của quan hệ sản xuất được dựa trên các lý thuyết mácxít, lý thuyết về tiến bộ xã hội, lý thuyết về thể chế, để xác định sự hoàn thiện quan hệ sản xuất và đảm bảo sự tương thích của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất.

Thuộc nhóm này gồm các chỉ tiêu như:

Hoàn thiện về thể chế sở hữu, quyền tài sản minh bạch, minh bạch trách nhiệm của chủ thể sở hữu, chủ thể sử dụng, chủ thế thụ hưởng lợi ích, nhất là đối với các tài sản công.

Giảm xung đột lợi ích giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường.

Thúc đẩy hội nhập.

Bảo vệ lợi ích quốc gia.

Thúc đẩy dân chủ.

Kiểm soát quyền lực kinh tế.

Hạn chế tham nhũng, lãng phí.

Đảm bảo an sinh xã hội.

Thống nhất thị trường.

4. Những nhân tố ảnh hưởng tới quá trình giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế

Việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại được xem là quá trình hoàn thiện các thể chế và tổ chức thực hiện các thể chế trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, tác động tới quá trình đó phải kể tới nhóm các nhân tố gồm:

Nhóm nhân tố hội nhập

Một là, xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới.

Xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới phản ánh kết quả của quá trình phát triển của phân công lao động và hợp tác sản xuất của nền kinh tế thế giới. Xu hướng phát triển nền kinh tế thế giới đòi hỏi mỗi quốc gia muốn đạt được hiệu quả phát triển mong muốn phải bắt nhịp được với yêu cầu phát triển mới. Trong điều kiện ngày nay, xu hướng tự do hóa kinh tế đang trở thành phổ biến, đòi hỏi hình thành nhiều thể chế kinh tế cho sự tự do và thúc đẩy tự do kinh tế. Trước yêu cầu đó, việc áp dụng và xây dựng những thể chế kinh tế quốc gia phù hợp với yêu cầu và thông lệ quốc tế là đặc biệt cần thiết. Chính quá trình này tác động trực tiếp tới sự hoàn thiện thể chế kinh tế quốc gia.

Bên cạnh xu hướng tự do hóa kinh tế, gần đây thế giới đang chứng kiến xu hướng bảo hộ mới trong quan hệ kinh tế giữa các quốc gia. Đây là một thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Song với thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia đang phát triển cần phải tính toán để đảm bảo được lợi ích của mình trong tiến trình hội nhập. Quá trình này tác động tăng nhận thức khách quan hơn về nền kinh tế thế giới quốc gia khi thực hiện hoàn thiện thể chế kinh tế.

Hai là, môi trường chính trị khu vực và thế giới.

Môi trường chính trị khu vực và thế giới tác động trực tiếp tới quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế của khu vực, thế giới và mỗi quốc gia. Khi môi trường chính trị khu vực và thế giới có sự ổn định, tin tưởng lẫn nhau sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho mỗi quốc gia tiên liệu và hoạch định các thể chế của mình. Khi môi trường chính trị khu vực bất ổn, kém hoặc không tin tưởng lẫn nhau làm cho mỗi quốc gia rất khó dự liệu được chính xác tình hình thế giới để có thể hoàn thiện những thể chế kinh tế của mình. Việc xác lập, vận hành những thể chế kinh tế trong điều kiện môi trường chính trị thế giới bất ổn là khó khăn hơn nhiều trong điều kiện có sự tin cậy. Nhìn chung, khi môi trường chính trị khu vực, thế giới bất ổn sẽ tác động tiêu cực tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế của mỗi quốc gia.

Ba là, xu hướng phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ

Xu hướng phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ thế giới là kết quả của sự phát triển trình độ lực lượng sản xuất của loài người. Cách mạng khoa học - công nghệ phát triển thúc đẩy hình thành những ngành, những lĩnh vực sản xuất mới, những cách thức tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh mới, do đó, đòi hỏi thể chế kinh tế cần được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu mới của quá trình sản xuất.

Hiện nay thế giới đang chứng kiến sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự hình thành của các lĩnh vực đặc biệt mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy thông minh... làm thay đổi rất nhiều cách thức tổ chức và sản xuất trong đời sống kinh tế thế giới. Tình hình này tác động trực tiếp tới các quốc gia; trong đó, việc hoàn thiện tất cả những nhóm thể chế kinh tế mới trở thành cấp thiết hơn bất cứ khi nào. Những cách tiếp cận mới về sở hữu, về môi trường cạnh tranh, về đầu tư, phân bổ nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội trước đây nhiều khía cạnh không còn phù hợp cần phải được hoàn thiện. Nếu không kịp thời điểu chỉnh, bổ sung, cập nhật, chỉnh sửa các thể chế kinh tế sớm bắt kịp với những xu hướng mới này, rất có thể các quốc gia sẽ bị tụt hậu và khó nắm được cơ hội phát triển mới. Từ đó tác động tiêu cực tới sự ổn định và phát triển chế độ chính trị về dài hạn.

Nhóm nhân tố quốc gia

Một là, ý chí và sự sẵn sàng của bộ máy lãnh đạo chính trị.

Hoàn thiện thể chế kinh tế luôn là một quá trình phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới quyền lực chính trị. Do đó, hoàn thiện thể chế kinh tế liên quan đến lợi ích trực tiếp của các nhóm quyền lực chính trị. Việc thay đổi, đổi mới hoặc xác lập mới các thể chế kinh tế, nhất là nhóm thể chế liên quan tới phân bổ, kiểm soát sử dụng nguồn lực, chống tham nhũng luôn phải chịu áp lực từ nhiều nhóm quyền lực. Cho nên, ý chí chính trị và sự sẵn sàng của bộ máy lãnh đạo chính trị luôn là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc sớm hoàn thiện thể chế kinh tế hay không.

Hai là, trình độ phát triển của nền sản xuất và phân công lao động.

Trình độ phát triển của nền sản xuất phản ánh ở khả năng kết hợp các nguồn lực và trình độ phân công lao động, mức độ hoàn thiện của các quan hệ thị trường để có thể tạo ra của cải và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của con người, của một quốc gia trong những giai đoạn nhất định.

Xét trên phạm vi quốc gia, trình độ phát triển của sản xuất càng cao, phân công lao động càng sâu, các quan hệ kinh tế càng phức tạp thì càng đòi hỏi các thể chế kinh tế phải liên tục không ngừng được hoàn thiện. Việc hoàn thiện các thể chế kinh tế, trước hết là các văn bản pháp luật sẽ tạo điều kiện cho sự vận hành của các quan hệ quản lý, sản xuất, phân phối của cải, dịch vụ được sản sinh ra phù hợp với các nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Ba là, tình hình chính trị trong nước.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ổn định và phát triển chế độ chính trị, song đến lượt nó, sự ổn định chính trị lại là nhân tố tác động ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế. Khi tình hình chính trị trong nước ổn định, quyền lực được kiểm soát và không bị lạm dụng, người dân và doanh nghiệp tin tưởng vào chế độ chính trị đang tồn tại thì sẽ giúp cho việc thay thế, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế kinh tế được thuận lợi hơn. Khi chính trị phức tạp, rối ren, quyền lực chính trị bị lạm dụng sẽ dẫn tới việc hoàn thiện các thể chế kinh tế khó khăn hơn. Vì thế, việc hoàn thiện thể chế kinh tế phụ thuộc và chịu tác động trực tiếp của bản thân tình hình chính trị của đất nước.

Bốn là, mức độ hội nhập của quốc gia.

Việc hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới tạo ra áp lực và cơ hội để hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước. Trước hết là sự hoàn thiện hệ thống các văn bản luật pháp về kinh tế cho phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ, yêu cầu của các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu, phạm vi hội nhập càng rộng mở sẽ thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế càng mạnh mẽ. Sở dĩ như vậy là vì, các tiêu chuẩn và thông lệ, yêu cầu của khu vực, thế giới cũng luôn không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển của các quan hệ kinh tế mới trên thế giới. Do đó đến lượt nó đòi hỏi các quốc gia tham gia cũng phải không ngừng hoàn thiện các thể chế kinh tế của mình để phù hợp với chuẩn mực chung. Mức độ hội nhập càng sâu sắc, thể hiện sự liên hệ càng chặt chẽ giữa các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước với thị trường khu vực và thế giới. Để thúc đẩy và bảo đảm được lợi ích trong quá trình hội nhập đó, đòi hỏi thể chế kinh tế bên trong cũng nhất thiết phải được hoàn thiện.

Năm là, nền tảng thể chế kinh tế đã có.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế trên cơ sở quốc gia có sẵn một nền tảng thể chế phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường sẽ thuận lợi hơn nhiều so với quốc gia chưa có sẵn nền tảng đó. Điều này hàm ý đối với các nền kinh tế chuyển đổi, ở đó, nền kinh tế vốn được vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp. Trong điều kiện như vậy, khi chuyển sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, nhìn chung các chuyên gia chuyển đổi phải xây dựng mới các thể chế kinh tế mang tính chất nền tảng của nền kinh tế thị trường. Quá trình này là khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với việc điều chỉnh, bổ sung dựa trên nền tảng thể chế có sẵn từ trước. Hệ thống thể chế có sẵn mặc dù có thể đã lạc hậu, song nhờ đó người ta dễ phát hiện ra những quan hệ kinh tế vốn đã được điều chỉnh, vì thế việc hoàn thiện là đơn giản hơn so với việc xây dựng mới ngay từ đầu.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành