Thứ sáu, 08 Tháng 12 2023 04:29

Khái quát về kháng cáo và xét xử phúc thẩm của một số nước phương tây là thành viên Hiệp định CPTPP

1. Kháng cáo và xét xử phúc thẩm ở Canada

Các bên tranh chấp trong một vụ kiện tại Tòa án có quyền kháng cáo (yêu cầu phúc thẩm) đối với các quyết định/lệnh của Tòa án ban hành trong quá trình giải quyết tranh chấp (các lệnh yêu cầu nộp bảo đảm, các biện pháp khẩn cấp tạm thời) và các phán quyết giải quyết tranh chấp của Tòa án.

Thẩm quyền phúc thẩm đối với các lệnh/quyết định/phán quyết sơ thẩm của các tòa thực hiện theo quy định của pháp luật liên bang hoặc của từng bang, phổ biến theo hướng: tòa cấp cao hơn xét xử phúc thẩm các lệnh/quyết định/phán quyết của tòa cấp thấp hơn (cụ thể xem phần về thẩm quyền của các Tòa án trình bày ở trên). Đối với các phán quyết sơ thẩm, việc phúc thẩm được quy định như sau:

Về thời hạn kháng cáo: thời hạn này được quy định khác nhau giữa các bang, các tòa, các loại vụ việc, thường dao động từ 15 đến 30 ngày kể từ ngày ban hành phán quyết sơ thẩm.

Về nội dung phúc thẩm: tùy theo pháp luật của mỗi bang và kèm theo các điều kiện cụ thể, một phán quyết có thể được phúc thẩm ở các khía cạnh như phúc thẩm các tình tiết thực tế; phúc thẩm việc áp dụng pháp luật hoặc phúc thẩm cả tình tiết thực tế và áp dụng pháp luật[1].

2. Kháng cáo và xét xử phúc thẩm ở Ôxtrâylia

Các phán quyết của Tòa án dân sự ở Ôxtrâylia có thể được kháng cáo lên Tòa án cấp trên. Căn cứ để kháng cáo là phải xác định được sai phạm nghiêm trọng và liên quan đối với những vấn đề luật pháp hoặc đối với những sự kiện trong bản án sơ thẩm.

Pháp luật liên quan của Tòa án hoặc các quy định về thủ tục đặt ra các quy tắc liên quan đến kháng cáo, và quyền được kháng cáo hoặc trường hợp phải xin được cấp quyền kháng cáo. Việc xem xét lại vụ kiện theo trình tự phúc thẩm ở hầu hết các bang được thực hiện bởi Tòa phúc thẩm hoặc toàn bộ các thẩm phán (Full Court) của tòa thượng thẩm của tiểu bang nơi vụ kiện đã được xét xử bởi một thẩm phán duy nhất là bộ phận phúc thẩm của một số tòa án hoặc hội duy nhất (tribunals) khác từ tiểu bang. Tòa tối cao là cơ quan phát thẩm cao nhất.

3. Về kháng cáo và xét xử phúc thẩm ở Mêhicô

Trong các vụ kiện thương mại theo thủ tục tố tụng bằng lời nói, các phán quyết cuối cùng không được kháng cáo. Chỉ những vấn đề không theo quy tắc định lượng (trị giá vụ kiện) và những trường hợp khác liên quan đến thủ tục hành pháp thương mại, và do đó mới có thể được kháng cáo trước tòa phúc thẩm. Trong những trường hợp này, không có yêu cầu phải xin phép để kháng cáo. Quyền kháng cáo là một phần của quyền cơ bản để tiếp cận công lý theo luật pháp Mêhicô. Việc nộp đơn kháng cáo có thể dựa trên các lý do sau:

- Bởi bên thua kiện do có vi phạm quyền hoặc có khiếu nại.

- Bởi bên thắng kiện khi có lập luận rằng: họ không được bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại và mất mát, việc thanh toán các chi phí hoặc bồi thường tài sản; hoặc một đơn kháng cáo đã được bên kia đệ trình trước đó ủng hộ lợi ích của mình.

- Bởi bên thứ ba có lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng bởi giải pháp cuối cùng.

4. Về kháng cáo và xét xử phúc thẩm Ở Pêru

Xét xử phúc thẩm chỉ có thể đưa ra phán quyết những vấn đề đã được người kháng cáo phản đối rõ ràng. Trong trường hợp này, tòa án cấp cao hơn sẽ xem xét các tình tiết và quyền mà các bên tranh luận, cũng như các phương tiện chứng cứ được đưa ra. Ngoại lệ, các bên có thể nộp đơn yêu cầu cung cấp bằng chứng mới liên quan đến các tình tiết mới liên quan đến tranh chấp, mặc dù Tòa án có thể yêu cầu thêm bằng chứng chính thức. Tòa án cấp phúc thẩm có thể xác nhận, thu hồi hoặc hủy bỏ bản án, quyết định bị kháng cáo. Trong trường hợp thu hồi, thẩm phán phiên tòa phúc thẩm sẽ ra một bản án hoặc quyết định theo nghĩa khác với quyết định bị kháng cáo. Trong trường hợp tuyên hủy, thẩm phán ra lệnh cho tòa sơ thẩm tuyên lại bản án và cũng đưa ra các hướng dẫn cho việc này.

5. Về kháng cáo và xét xử phúc thẩm ở Chilê

Trong trường hợp phán quyết của Tòa án hoặc phán quyết cuối cùng được coi là không công bằng hoặc bất thường, hệ thống pháp luật quy định một số thủ tục khiếu kiện dựa trên những sai lầm về thủ tục (giải thích và áp dụng sai các quy tắc tố tụng) hoặc những sai lầm về luật nội dung, liên quan đến luật điều chỉnh hoặc phạm vi[2].

* Phạm vi kháng cáo

Quy tắc chung trong luật pháp Chilê là hầu hết các quyết định do tòa án cấp sơ thẩm ban hành đều có thể kháng cáo trước tòa án cấp trên, trừ khi luật pháp phủ nhận rõ ràng khả năng này.

Các quyết định của tòa phúc thẩm thường có thể bị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm trước Tòa tối cao. Việc giám đốc thẩm chỉ được hủy bản án trong các trường hợp được pháp luật quy định rõ ràng.

- Quy tắc liên quan đến kháng cáo của bản án Trong trường hợp kháng cáo thông thường, một yêu cầu chung đã được ước tính cho việc nộp đơn, đó là ít nhất một trong các bên đã bị kiện do phán quyết của Tòa án. Theo quy định chung, các bản án cuối cùng và giữa các bản án được ban hành tại phiên sơ thẩm có thể kháng cáo. Về yêu cầu giám đốc thẩm, căn cứ chấp nhận nghiêm ngặt hơn nhiều, và sẽ chỉ được tiến hành trong trường hợp được quy định rõ trong luật. Yêu cầu giám đốc thẩm phải được nộp bởi bên bị vi phạm trong thời hạn luật định trước Tòa án có thẩm quyền.

* Thủ tục kháng cáo

Đơn kháng cáo phải được nộp trong thời hạn luật định là 05 ngày kể từ khi nhận được bản án áp cho bên nộp đơn kháng cáo. Thời hạn này là 10 ngày trong trường hợp phán quyết cuối cùng. Đối với yêu cầu giám đốc thẩm, thời hạn luật định là 15 ngày.

- Đơn kháng cáo phải có cả căn cứ thực tế và pháp lý và phải xác định rõ nội dung kháng cáo.

* Các vấn đề được Tòa phúc thẩm xem xét tại phiên phúc thẩm

Kháng cáo phúc thẩm tạo thành việc xét xử lần thứ hai.

Nguyên tắc chung trong các vấn đề dân sự là Tòa án phúc thẩm không xem xét những nội dung không được kháng cáo và bản án phúc thẩm không tuyên bất lợi đối với người kháng cáo, trừ khi có sự gắn kết với kháng cáo. Tòa phúc thẩm có thể thừa nhận rằng các bên trình bày bằng chứng mà họ không đưa ra trong xét xử sơ thẩm, nhưng lời khai của nhân chứng sẽ chỉ được phép khi lời khai ấy chưa được đưa ra trong trường hợp nói trên và liên quan đến các sự kiện không xuất hiện trong bằng chứng được đưa ra và được Tòa án coi là thực sự cần thiết để giải quyết thành công vụ việc.

* Quyền hạn của Tòa phúc thẩm sau phiên xử phúc thẩm

Sau khi nghe kháng cáo, Tòa phúc thẩm có thể chấp nhận hoặc bác kháng cáo. Trong trường hợp kháng cáo được chấp nhận, Tòa án cấp phúc thẩm ra bản án bác bỏ các phán quyết của Tòa sơ thẩm. Nguyên tắc chung trong các vấn đề dân sự là Tòa án cấp phúc thẩm không thể phán quyết vượt quá nội dung kháng cáo. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ nhất định đối với quy tắc chung này: Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét tất cả các nội dung đã bị bác bỏ trong phiên sơ thẩm và bản án của Tòa án cấp sơ thầm chưa đề cập vì có liên quan đến xét xử phúc thẩm;

- Tòa án có thể tuyên bản án sơ thẩm là vi phạm pháp luật;

- Tòa án có thể bác bản án sơ thẩm nếu bản án đó thiếu các nội dung theo quy định của pháp luật;

- Khi không có kháng cáo về yêu cầu bồi thường, bào chữa thì Tòa án có thể gửi lại hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để Thẩm phán hoàn thành quyết định.

Như vậy, về cơ bản, các nước theo hệ thống Civil Law đều quy định quyền kháng cáo đối với bản án kinh doanh, thương mại của Tòa án cấp sơ thẩm. Căn cứ kháng cáo có thể là những sai lầm về thủ tục, sai lầm về nội dung hoặc cả hai. Tuy nhiên, nếu so sánh các quy định về kháng cáo của các quốc gia theo hệ thống Civil Law, có thể thấy căn cứ để kháng cáo dường như không thật sự cụ thể như ở nhiều nước Common Law.

Đặc biệt, Mêhicô có khác biệt với các quốc gia theo hệ thống Civil Law còn lại bởi lẽ đa số phán quyết trong các vụ kiện thương mại theo thủ tục tố tụng bằng lời nói sẽ không được kháng cáo. Có lẽ, đây là một trong những điều kiện để khẳng định hơn nữa việc tiết kiệm thời gian đối với thủ tục tố tụng bằng lời nói ở quốc gia này. Đó cũng là lý do vì sao mặc dù có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề có thể kháng cáo đối với phán quyết của tòa trong tố tụng bằng lời hay không khi tất cả các vụ án theo thủ tục thông thường đều được xét xử bằng lời, nhưng kết quả là sau ngày 26/01/2020, tất cả các tranh chấp thương mại thông thường ở Mêhicô sẽ được xử lý thông qua thủ tục thương mại bằng lời nói, bất kể giá trị tranh chấp như thế nào.

6. Kháng cáo và xét xử phúc thẩm ở Niu Dilân

Tòa cấp cao (High Court) ở Niu Dilân có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo từ Tòa án quận và các Hội đồng khiếu nại nhỏ.

Đối với Niu Dilân, cần chú ý thêm rằng, Tòa phúc thẩm (the Court of Appeal) giải quyết các kháng cáo về tram chấp dân sự nói chung, tranh chấp thương mại và đầu tư nói riêng mà đã được xét xử tại Tòa cấp cao. Ngoài ra, các vấn đề được kháng cáo từ Tòa án quận và một số tòa án nhất định lên Tòa án cấp cao có thể tiếp tục được kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm nếu có yêu cầu kháng cáo lần thứ hai.

 


[1] Xem TS. Nguyễn Thị Thu Trang: "Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ở Canada" - Phần Hệ chuyên đề - Đề tài Khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu so sánh cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tưở các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", Sđd, tr. 178

[2] https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=841b5c6b-a592-4085-a1ff-1080896b3b57, truy cập ngày 15/7 / 2021

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành