Thứ sáu, 15 Tháng 12 2023 08:33

Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Hội đồng trọng tài theo quy định của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Về số lượng trọng tài viên của Hội đồng trọng tài được pháp luật trọng tài của các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đều quy định số lượng thành viên của Hội đồng trọng tài do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được, thì pháp luật các nước quy định khác nhau. Đa phần các nước thành viên Hiệp định CPTPP đều quy định Hội đồng trọng tài gồm ba thành viên, nếu các bên không có thỏa thuận khác, trừ Malaixia, Singapo, Brunây và Ôxtrâylia.

Ở Malaixia, theo quy định tại Điều 12 Luật Trọng tài, “các bên có quyền tự do quyết định số lượng trọng tài viên tham gia giải quyết vụ tranh chấp". Trường hợp các bên không thống nhất được với nhau về số lượng trọng tài viên thì đối với Hội đồng trọng tài quốc, số lượng là ba trong tài viên và với Hội đồng trọng tài quốc nội thì số lượng là một trọng tài viên[1]. Tương tự, ở Ôxtrâylia, trong trường hợp không thỏa thuận được, Hội đồng trọng tài theo luật trọng tài quốc tế gồm ba thành viên, còn Hội đồng trọng tài theo luật trọng tài nội địa chỉ có một thành viên[2].

Ngoài ra, Luật Trọng tài của Malaixia còn có quy định về “trách nhiệm pháp lý của trọng tài viên" (Liability of arbitrator) tại Điều 47 như sau: “Trọng tài viên không phải chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi hành động hoặc hành vi không hành động nào đối với bất cứ điều gì được thực hiện hoặc đã không được thực hiện khi thực thi chức trách trọng tài viên của mình trừ khi hành vi hành động hoặc hành vi không hành động ấy đã được chứng minh là được thực hiện với sự không ngay tinh".

Luật cũng có quy định miễn trừ trách nhiệm của tổ chức trọng tài tại Điều 48 như sau: "Chủ tịch Trung tâm trọng tài châu Á (Malaixia) hoặc bất cứ người nào khác hoặc tổ chức nào được chỉ định hoặc yêu cầu bởi các bên tranh chấp để lựa chọn hoặc tiến cử trọng tài viên, sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bất cứ điều gì được thực hiện hoặc đã không được thực hiện khi thực thi chức trách trừ khi hành vi hành động hoặc hành vi không hành động ấy đã được chứng minh là được thực hiện với sự không ngay tình".

Khoản 1 Điều 2 Luật Trọng tài Malaixia giải thích trọng tài mà một trong các bên trong thỏa thuận trọng tài, tại thời điểm giao kết thỏa thuận ấy, có địa điểm kinh doanh ở quốc gia ngoài Malaixia; một trong các yếu tố sau tọa lạc ở quốc gia ngoài Malaixia trong đó các bên có địa điểm kinh doanh, địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nếu đã được quyết định trong hoặc theo thỏa thuận trọng tài; bất cứ địa điểm nào nơi mà một phần trọng yếu của các nghĩa vụ của các quan hệ thương mại hoặc quan hệ khác được thực thi, hoặc địa điểm mà đối tượng của tranh chấp có mối quan hệ gắn kết nhất; hoặc các bên đã thỏa thuận một cách rõ ràng rằng đối tượng của thỏa thuận trọng tài liên quan tới nhiều hơn một quốc gia.

Trong khi đó, Singapore, nếu không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài sẽ chỉ có một thành viên, không kể là trọng tài trong nước hay quốc tế[3]. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được trọng tài viên duy nhất trong trường hợp hội đồng có một trọng tài viên, hoặc trọng tài viên thứ ba trong trường hợp hội đồng có ba trọng tài viên thì có thể yêu cầu Chủ tịch Tòa án trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore bổ nhiệm. Trọng tài viên cũng có thể bị thay đổi nếu như có căn cứ cho rằng trọng tài viên đó có thể thiếu vô tư, khách quan và không đủ năng lực chuyên môn để tiến hành giải quyết vụ tranh chấp. Brunây do tiếp thu gần như hoàn toàn Luật Trọng tài của Singapo nên cũng có quy định tương tự.

Khác với các nước nói trên, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam quy định trường hợp không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài có ba thành viên đối với cả hai loại trọng tài (Điều 39). Ở đây, nhà lập pháp của Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn các quy định của Luật Mẫu UNCITRAL cũng tương tự đa số các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP, còn luật trọng tài của Singapore và Ôxtrâylia lại có những điều chỉnh riêng để phù hợp với hoàn cảnh của từng đất nước. Với Singapore, nhờ lợi thế phát triển và sự uy tín của trọng tài từ nhiều năm, pháp luật trọng tài của quốc gia này quy định cả trường hợp Hội đồng trọng tài chỉ có một trọng tài viên nhằm tạo thuận lợi hơn cho các bên nhờ tính linh hoạt, tiết kiệm chi phí và tiết kiệm thời gian giải quyết tranh chấp, mà vẫn bảo đảm chất lượng giải quyết tranh chấp. Còn ở Ôxtrâylia, quy định số lượng một trọng tài viên chỉ áp dụng với trọng tài trong tranh chấp nội địa, còn tranh chấp quốc tế với tính chất phức tạp thì vẫn yêu cầu ba trọng tài viên.

Đa số các quốc gia có quy định về số lượng thành viên Hội đồng trọng tài có thể là một thành viên nếu các bên không thỏa thuận đều là các quốc gia thuộc dòng họ thông luật (Common Law). Khi đề cập việc các bên không đạt được sự thỏa thuận về số thành viên của Hội đồng trọng tài, pháp luật các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP và các tổ chức trên thế giới đi theo nhiều hướng khác nhau, theo đó, số lượng thành viên hội đồng có thể là: một trọng tài viên; ba trọng tài viên; hay một hoặc ba trọng tài viên (tùy trường hợp trọng tài trong nước hay trọng tài quốc tế). Theo một số học giả, dường như số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài khi các bên không thỏa thuận, mang bản chất của truyền thống pháp luật mà quốc gia, tổ chức chịu ảnh hưởng[4]. Các nước chịu ảnh hưởng của hệ thống thông luật như Singapore ấn định số thành viên Hội đồng trọng tài là một người khi các bên không có thỏa thuận, Quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng thương mại quốc tế (ICC) cũng quy định theo hướng này[5]. Nhóm tác giả cho rằng vì các nước theo hệ thống thông luật thường ưu tiên yếu tố nhanh chóng, thực dụng khi giải quyết tranh chấp, nên chọn số lượng trọng tài viên là một để dễ thông qua phán quyết trọng tài. Trái lại, các nước theo hệ thống dân luật (Civil Law) lại quy định số thành viên Hội đồng trọng tài là ba khi các bên không thỏa thuận về số lượng trọng tài viên, Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL cũng quy định theo hướng tương tự.

Như vậy, các quốc gia đều cho các bên được tự do thỏa thuận số lượng trọng tài viên của Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài có 3 thành viên.

Tuy nhiên, ở Malaixia và Ôxtrâylia, nếu các bên không tự thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài có 3 thành viên trong trường hợp trọng tài quốc tế, và có 1 thành viên trong trường hợp trọng tài trong nước.

Trong khi đó, ở Singapore và Brunây, nếu các bên không thỏa thuận được thì Hội đồng trọng tài chỉ có 1 thành viên, kể cả trong trường hợp trọng tài quốc tế hay trọng tài trong nước.

 


[1] Luật Trọng tài thương mại năm 2010 của Việt Nam (khoản 2 Điều 39) không phân biệt hội đồng trọng tài quốc tế hay hội đồng trọng tài quốc nội đều quy định số lượng trọng tài viên trong hội đồng trọng tài khi các bên không thống nhất được với nhau sẽ là ba người.

[2] Theo Điều 10 Luật Mẫu của UNCITRAL và Điều 10 Luật Trọng tài thương mại Ôxtrâylia năm 2017.

[3] Theo Điều 9 Luật Trọng tài quốc tế Xingapo năm 1994 và Điều 12 Luật Trọng tài Xingapo năm 2001.

[4] Xem Alan Uzelac: "Number of Arbitrators and Dicisions of Arbitra Tribunals", Journal of International Arbitration, Vol 23 | No. 04, 2007. at 579.

[5] Khoản 2 Điều 12 Luật Trọng tài Xingapo, khoản 2 Điều 8 Quy tắ tố tụng trọng tài của ICC.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành