Thứ năm, 07 Tháng 12 2023 08:42

Một số vấn đề về khái niệm “hiệu quả”, “hiệu quả thi hành pháp luật” và “hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước"

Hiện nay, có nhiều quan niệm về hiệu quả thi hành pháp luật và các phương pháp luận khác nhau về việc đo lường hiệu quả thi hành pháp luật.

Một số quan điểm nghiên cứu luật học cho rằng hiệu quả thi hành pháp luật là một đại lượng so sánh thể hiện kết quả và chất lượng của việc thực hiện các quy định pháp luật trên thực tế so với mục tiêu, yêu cầu mong muốn đạt được khi ban hành pháp luật, có tính đến những chi phí thực tế để đạt được kết quả khi thi hành pháp luật[1]. Đồng quan điểm trên, một học giả khác đã làm rõ hơn nội hàm của kết quả của việc thi hành pháp luật là những thay đổi về trạng thái của các quan hệ xã hội được biểu hiện: ở hành vi và ý thức pháp luật của các chủ thể pháp luật; ở số lượng, chất lượng của cải vật chất và tinh thần được tạo ra nhờ sự tác động của pháp luật; ở tình trạng những giá trị và lợi ích mà pháp luật bảo vệ được; ở mức độ trật tự của đời sống xã hội; chi phí thi hành pháp luật gồm những chi phí tối thiểu về vật chất, tinh thần và những chi phí khác có liên quan tới các hoạt động thi hành pháp luật ở tất cả các giai đoạn của quá trình thi hành pháp luật[2]. Mặc dù chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật và phương pháp đo lường hiệu quả nhưng các học giả nêu trên đều cho rằng, đối với những hoạt động mang tính chính trị - pháp lý phức tạp như thi hành pháp luật thì cần đánh giá hiệu quả xã hội của hoạt động đó bằng các phương pháp xã hội học, điều tra dư luận xã hội theo hai nhóm chức năng “tĩnh” (củng cố, bảo vệ) và chức năng “động” (phát triển, tăng trưởng) của điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội[3].

Một số nhà nghiên cứu luật học cho rằng, trong Nhà nước pháp quyền, các cơ quan nhà nước phải tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật, việc thực thi quyền lực của Nhà nước phải được giám sát một cách chặt chẽ với cơ chế kiểm soát quyền lực để hạn chế tình trạng lạm quyền trong quá trình thực thi quyền lực. Từ đó, đề xuất các tiêu chí đánh giá việc thi hành pháp luật nói chung, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước nói riêng, bao gồm[4]: việc thực hiện pháp luật phải đạt được các mục tiêu chính sách đề ra; chi phí thực hiện pháp luật phải hợp lý xét trên tổng thể toàn xã hội; bảo đảm tôn trọng quyền con người; việc tổ chức thực hiện pháp luật phải phù hợp với hệ thống pháp luật, thực thi nguyên tắc nhà nước chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép; bảo đảm sự công bằng, nhất quán và nghiêm minh trong thi hành pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước gắn liền với hoạt động thực hiện pháp luật của các chủ thể trong xã hội khi thực hiện các quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Vấn đề này lại không tách rời với vai trò, chức năng của Nhà nước trong quá trình phát triển đất nước. Hiệu lực của Nhà nước và pháp luật phải được đặt trong một tiến trình lịch sử lâu dài và dựa trên các nguyên tắc dân chủ, Nhà nước pháp quyền, phát triển bền vững. Nhìn từ góc kinh tế học, tác giả cho rằng, việc thi hành pháp luật là một bộ phận quan trọng không tách rời của quản trị quốc gia và hiệu quả thi hành pháp luật phải được xem xét theo các tiêu chí của một nền quản trị quốc gia tốt[5].

Dưới góc độ pháp luật với tư cách là một thể chế xã hội, một hệ thống các quy tắc làm nền tảng để duy trì các quan hệ xã hội một cách hòa bình, có trật tự. Theo đó, thể chế ấy không bất biến, nó vận động, nó sống tựa như một cái cây, có gốc, rễ, thân, cành. Ở đây, tập trung phân tích 3 cách tiếp cận chính trong việc đánh giá hệ thống pháp luật (theo nghĩa gồm cả thể chế (luật trên giấy), thiết chế thi hành luật và việc thực thì luật trong đời sống): Đánh giá hiệu quả của pháp luật, thì hành pháp luật một cách biệt lập, riêng rẽ (từng văn bản pháp luật, từng chế định, lĩnh vực luật, ngành luật; từng hình thức thực hiện pháp luật); Đánh giá hiệu quả của pháp luật và hiệu quả thi hành pháp luật trong môi trường cạnh tranh về thể chế (giữa pháp luật và các thể chế, thiết chế phi chính thức, thể chế nước ngoài, quốc tế...); Đánh giá hiệu quả của pháp luật và hiệu quả thi hành pháp luật theo tiêu chí hướng tới công lý và chế độ pháp quyền với việc tham khảo các bộ công cụ của nhóm Dự án công lý toàn cầu (WJP) đang sử dụng cho nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới[6].

Có thể nói, các quan niệm kể trên có nhiều đóng góp và gợi ý quan trọng trong việc hình thành nên một quan niệm toàn diện và sát hợp về hiệu quả thi hành pháp luật nói chung và hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Tuy nhiên, để giải mã được khái niệm “hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước”, cần phải giải mã được các khái niệm thành phần như “hiệu quả”, “hiệu quả thi hành pháp luật”, v.v..

Trước tiên, về khái niệm “hiệu quả”, trong ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông, “hiệu quả” được hiểu là “kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại”[7]. Theo cách hiểu này, “hiệu quả” là một đại lượng mang tính so sánh (cụ thể ở đây là so sánh giữa kết quả thực tế đạt được với kết quả dự kiến đạt được mà khi tiến hành hoạt động chủ thể của hoạt động đã đặt mục tiêu). Cách giải nghĩa về “hiệu quả” như vừa nêu, có xu hướng trùng với khái niệm “effective” trong tiếng Anh và không gợi cho ta chút gì về mối liên quan mật thiết giữa “hiệu quả” với “lãng phí”[8]. Trong khi đó, đối với giới kinh tế, nói tới “hiệu quả” là nói tới tình trạng “không có sự lãng phí”. “Hiệu quả” (trong phân bổ nguồn lực khan hiếm) là thuộc tính của một phương án phân bổ mà ở đó nguồn lực đã được phân bổ một cách tối ưu, không thể làm cho ai có lợi hơn được nữa mà không làm người khác phải chịu thiệt[9]. Tất nhiên, khái niệm “hiệu quả” với nghĩa là “tối ưu” này của tiếng Việt được hiểu tương đương với thuật ngữ "efficiency" trong tiếng Anh. Điểm qua vài cách hiểu về khái niệm “hiệu quả” như thế trong ngôn ngữ tiếng Việt được các giới khác nhau ở nước ta sử dụng để thấy tính phức tạp của việc giải mã “hiệu quả thi hành pháp luật”. Tuy nhiên, khi đánh giá “hiệu quả” của một hoạt động nào đó, để bảo đảm tính toàn diện của công tác đánh giá, rất nên nhìn nhận từ cả hai góc độ vừa nêu. Như vậy, khi đánh giá hiệu quả, chúng ta vừa làm công việc so sánh giữa “kết quả thực tế đạt được” với “kết quả dự kiến đạt được” đồng thời nên đánh giá xem chi phí về nguồn lực (thời gian, công sức, tiền bạc, v.v.) đã tối ưu chưa. Đây cũng là cách quan niệm được chia sẻ phổ biến trong giới nghiên cứu khoa học pháp lý ở nước ta hiện nay. Theo cách quan niệm này, hiệu quả thi hành pháp luật phải được hiểu là mối tương quan giữa kết quả thực tế đạt được của hoạt động thi hành pháp luật với kết quả dự kiến (thể hiện trong mục tiêu của hoạt động thi hành pháp luật) trong điều kiện chi phí về nguồn lực được Nhà nước và xã hội bỏ ra để tổ chức công tác thi hành pháp luật được tiết kiệm nhất. Nói cách khác, ba thông số cơ bản: (1) Kết quả dự kiến của thi hành pháp luật; (2) Kết quả thực tế của công tác thi hành pháp luật; và (3) Chi phí nguồn lực bỏ ra để tổ chức công tác thi hành pháp luật trở thành ba thông số định khung khi đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật.

 


[1] GS.TS. Trần Ngọc Đường: Bàn về hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước, bài trình bày tại Hội thảo Đề tài cấp nhà nước “Các vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước”, Hà Nội, tháng 01-2011.

[2] PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan: Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; TS. Lê Thành Long. Các quan niệm về thi hành pháp luật từ khảo sát thực tiễn và nghiên cứu xây dựng đề án triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, Hội thảo khởi động của Đề tài Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyến xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, tháng 4-2010.

[3] TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và yêu cầu đặt ra với việc thi hành pháp luật và hiệu quả thì hành pháp luật của cơ quan nhà nước, bài trình bày tại Hội thảo Đề tài cấp nhà nước “Các vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước", Hà Nội, tháng 01-2011

[4] . Phương pháp chủ yếu thường được dùng để đánh giá chi phí hợp lý gồm: Phân tích chi phí lợi ích (Cost/Benefit Analysis còn gọi là CBA); Phân tích chi phí - hiệu suất (cost effective analysis); Phân tích chỉ phí nhỏ nhất (least cost analysis).

[5] . TS. Lê Đăng Doanh: Một số vấn đề về xây dựng hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước từ giác độ kinh tế, bài trình bày tại Hội thảo Đề tài cấp nhà nước “Các vấn đề lý luận và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước”, Hà Nội, tháng 01-2011.

[6] PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa: Một số đóng góp về phương pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật, Hội thảo Đề tài cấp nhà nước về thi hành pháp luật (do PGS.TS. Hà Hùng Cường là chủ nhiệm, TS. Dương Thị Thanh Mai là thư ký), Hà Nội, tháng 01-2011.

[7] Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004, tr. 440. Cũng lưu ý rằng, tại trang này, các tác giả của cuốn Từ điển có đưa ra định nghĩa rằng “hiệu lực = (1) tác dụng thực tế, đúng như yêu cầu; (2) giá trị thi hành".

[8] Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr. 543. (“Lãng phí = “làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích”).

[9] . Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus: Kinh tế học, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2002, tr. 31; cũng xem David Begg, et.al: Kinh tế học, ấn bản lần thứ 8, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2007, tr.9.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành