Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 11:57

Khái quát cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xu thế phát triển của môi trường kỹ thuật số internet

Sự xuất hiện của môi trường kỹ thuật số, đặc biệt là sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số trên internet có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kỹ thuật - công nghệ cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Việc phổ biến của phương tiện truyền thông kỹ thuật số và tác động của nó đối với xã hội cho thấy rằng chúng ta đang bắt đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử công nghiệp, chuyển thế giới từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin[1]. Sự phát triển của môi trường kỹ thuật số trên internet sẽ làm nảy sinh một loạt các vấn đề mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

1. Mâu thuẫn giữa pháp luật hiện hành và các công nghệ mới

Với sự phát triển của hệ thống internet và sự phát triển của các quan hệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ xuất hiện nhu cầu cấp thiết đối với việc điều chỉnh và cấu trúc lại các cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho phù hợp với bối cảnh mới. Các vấn đề và những khả năng điều chỉnh pháp lý đối với việc sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường internet phần lớn bị chi phối và được xác định bởi các đặc điểm kỹ thuật của môi trường số. Trong bối cảnh đó, những vấn đề mà sở hữu trí tuệ cần đối mặt, cũng giống như các lĩnh vực pháp luật khác, thường là: nhận diện người sử dụng, các mạng ngang hàng, trách nhiệm của các trung gian cung cấp thông tin, tốc độ truyền thông tin, v.v..

Nếu như lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn tương đối non trẻ với lịch sử gần 300 năm, theo quan điểm của Xergo A.G. và Puskin V.X.2, thì internet mới xuất hiện khoảng nửa thế kỷ về trước. Các nhà khoa học đã từng có những quan điểm khác nhau về việc sự phát triển của internet có được coi là thách thức lớn đối với khoa học pháp lý nói chung và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng hay không. Theo Dozorxev V.A. kết quả của hoạt động trí tuệ được coi là một sản phẩm “trước đây được phân phối truyền thống không trong(bên ngoài) thị trường” thì nay các sản phẩm này đã gia nhập thị trường - một thị trường mà với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong internet đã trở nên lớn chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân loại. Theo học giả Batrilo 1. L. internet trong hệ thống pháp luật có thể được coi là một đối tượng độc lập của điều chỉnh pháp luật - đó là một hệ thống tổng hợp các mạng được kết nối với nhau cho phép đưa vào bất cứ lưu lượng thông tin nào cho người dùng, cung cấp thông tin tham khảo, hỏi đáp hoặc bất cứ dịch vụ thông tin nào cũng như thực hiện các giao dịch dân sự khác nhau dựa trên sự kết hợp của công nghệ thông tin và truyền thông”. Đã từ rất lâu, quyền tiếp cận thông tin được coi là một trong những quyền cơ bản của con người. Việc khai thác thông tin với người dùng chỉ với những hành vì đơn giản như là mượn sách ở thư viện để đọc hay mượn bạn bè băng đĩa nào đó để nghe. Với sự xuất hiện của internet, đặc biệt là hệ thống Web 2.0, bao gồm một loạt các dịch vụ như mạng xã hội (Facebook, Zalo...), các nền tảng chứa đựng nội dung do người dùng tạo ra (YouTube, Flickr....), blog (Twitter,...) thì những hành động tưởng chừng như đơn giản như vậy lại thường vướng vào vô số các quy tắc, ràng buộc phức tạp, khó nắm bắt và đôi khi mâu thuẫn với nhau. Nếu như trước đây để đọc sách thì cần có sách trong tay và trong một thời điểm chỉ có thể có 1 người đọc được cuốn sách đó thì ngày nay bản văn có thể có sẵn trên mạng và không có một giới hạn kỹ thuật nào đối với việc nhiều người cùng đọc bản văn đó. Từ một góc độ này thì đó là điều hết sức tuyệt vời bởi người sử dụng được tiếp cận thông tin với một giá rẻ, nhưng từ một góc độ khác thì tác giả và nhà xuất bản phải đối mặt với rủi ro rằng có thể chỉ bán được một bản duy nhất và do vậy các chi phí cho việc sáng tạo và công bố tác phẩm sẽ không thể bù đắp được. Hệ quả ở đây là các xung đột lợi ích xung quanh quyền sở hữu trí tuệ trên internet đã phát triển, trong đó có nhiều bên tham gia vào quan hệ này. Bên quan tâm đầu tiên chính là các tác giả - người tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Trong hầu hết các sản phẩm như vậy có thể được đưa vào các phương tiện truyền thông truyền thống lẫn không gian ảo. Bên thứ hai là các chủ sở hữu, không đồng thời là tác giả. Đây chính là những nhà xuất bản, hãng phim, các nhà sản xuất âm nhạc,... những người theo truyền thống, giúp cho các tác giả phát triển sản phẩm trí tuệ của mình. Bên thứ ba chính là những người sử dụng thông tin trên internet. Bên thứ tư trong quan hệ này chính là các nhà cung cấp dịch vụ internet, họ có chức năng bảo đảm việc tiếp cận tới các mạng thông tin viễn thông, bảo đảm hoạt động của các tài nguyên thông tin trên mạng, cung cấp quyền truy cập tới các đối tượng có liên quan trên tài nguyên mạng. Như vậy, sự phát triển của các công nghệ mới đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều người được tiếp cận với các loại thông tin khác nhau (văn học, ca nhạc, các kết quả nghiên cứu khoa học,...). Tuy nhiên, cũng chính các công nghệ này lại tạo ra nhiều khả năng cho việc hạn chế tiếp cận các thông tin mà trước đây có thể sử dụng công cộng. Đây chính là tiền đề của những mâu thuẫn xung quanh phạm vi những quyền mà các bên liên quan có thể sử dụng. Ví dụ: mâu thuẫn giữa các thư viện luôn cố gắng mở rộng tiếp cận văn hóa cho người đọc thông qua các công cụ kỹ thuật số với các nhà xuất bản - những người luôn cố gắng giới hạn sự tiếp cận này bởi nó đe dọa tới lợi nhuận của chính họ; mâu thuẫn giữa các dịch vụ âm nhạc với các nền tảng âm nhạc trực tuyến, giữa các nhà sản xuất phim với các nền tảng video trực tuyến, v.v.. Tác giả và chủ sở hữu cũng có những phản ứng khác nhau trước việc phổ biến rộng rãi những sản phẩm trí tuệ trên internet: có người thì nhìn thấy ở đây khả năng quảng bá, giới thiệu liên quan đến mở rộng mức độ nổi tiếng của tác giả cũng như tác phẩm; những người khác thì lại chú trọng đến các tổn thất trực tiếp về vật chất. Trong bối cảnh như vậy, việc lựa chọn biện pháp điều chỉnh quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường internet dưới góc độ quốc gia, khu vực hay quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng của những mô hình kinh tế khác nhau. Mỗi bên trong số các bên liên quan sẽ biện minh và hợp lý hóa quan điểm của mình bằng những lập luận phù hợp với từng mô hình đó. Một trong những mô hình đó chính là dựa trên lý thuyết về quyền sở hữu. Theo mô hình này, khối lượng sản phẩm sở hữu trí tuệ được tạo ra có thể phù hợp với nhu cầu xã hội chỉ trong điều kiện phân loại tốt và được bảo vệ quyền sở hữu. Theo đó ở cấp độ quốc gia, phải có những hệ thống đăng ký đối với những sản phẩm trí tuệ, mở rộng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đặc biệt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường trách nhiệm đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[2]. Mô hình khác thì lại dựa trên ý tưởng phúc lợi xã hội. Các sản phẩm trí tuệ ở mô hình này được xem như là những sản phẩm có đặc tính công ích - không độc quyền và không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng. Người ta cho rằng không thể đạt được mức độ sản xuất sản phẩm trí tuệ một cách tối ưu nếu không có sự can thiệp từ phía nhà nước - các loại thuế đặc biệt hoặc xác lập những hạn chế trong việc tiếp cận đối với những sản phẩm này. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện những biện pháp thay thế để khắc phục tình trạng thiếu hụt các sản phẩm trí tuệ thông qua việc sử dụng các mô hình kinh doanh đổi mới và áp dụng những mô hình pháp lý sáng tạo mới.

2. Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường internet và xung đột về thẩm quyền giải quyết

Không gian mạng tồn tại không biên giới và không hạn chế nên những hành vi xâm phạm cũng có thể mang tính chất xuyên biên giới. Ngày nay, internet đã trở thành nguồn dễ dàng tiếp cận nhất để công bố các tác phẩm, là nơi lưu trữ và truyền tải các thông tin, trong đó có các sản phẩm của hoạt động trí tuệ tới bất cứ nơi nào trên trái đất một cách đơn giản nhất. Đồng thời, công dân các quốc gia đang phát triển thường không sẵn sàng trả phí cho các nội dung được truyền tải qua internet như là công dân các quốc gia phát triển. Các hành vi xâm phạm thì có thể mang tính chất xuyên biên giới, tuy nhiên thẩm quyền của các cơ quan tài phán thì lại có giới hạn về lãnh thổ, từ đây nảy sinh vấn đề đa thẩm quyền trong môi trường internet[3]. Bất cứ nội dung nào trong internet, mặc dù có thể hướng tới một mục tiêu cụ thể, trên thực tế, đều có thể được tiếp cận bởi một số lượng không giới hạn người sử dụng từ các khu vực địa lý khác nhau. Có một số học giả cho rằng sẽ cần có những quy tắc mới để xác định thẩm quyền và luật áp dụng đối với các quan hệ trong môi trường internet. Trong môi trường không gian mạng, việc xác định nơi xảy ra hành vi xâm phạm là không khả thi và nếu như pháp luật của các quốc gia có chế độ bảo hộ không đồng nhất thì sẽ dẫn đến những vấn đề khó có thể giải quyết đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường này, từ đó có thể ảnh hưởng đến vấn đề khai thác thương mại đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ như là một động lực thúc đẩy phát triển thương mại quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, các quy định về sở hữu trí tuệ trong các FTA, trong đó có việc thiết lập các tiêu chuẩn bảo vệ tăng cường (so với các chuẩn mực truyền thống) căng có ý nghĩa quan trọng.

3. Các biện pháp giải quyết

Internet hiện đang đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thế giới. Trong bối cảnh hình thành xã hội kỹ thuật số, cần thiết phải xây dựng các quy chế pháp lý cho lĩnh vực này bởi lý do internet cung cấp các điều kiện mà trong đó có thể phát sinh những hành vi xâm phạm không chỉ đối với quyền tác giả, quyền liên quan mà còn đối với cả các công cụ dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ, nhà sản xuất, kinh doanh cũng như quyền đối với sáng chế. Sự chuyển đổi xã hội số, việc hình thành và đưa vào khai thác rất nhiều các dự án liên quan đến việc sử dụng các nền tảng thông tin, việc trao đổi giấy tờ và thông tin điện tử, sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu phát triển các phương thức hiệu quả để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên internet. Các vấn đề về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên internet đang được thảo luận hằng năm trong khuôn khổ WIPO và được thừa nhận là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và từng quốc gia trên thế giới. Trong thời điểm hiện tại, WIPO đang xúc tiến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn cầu về các trang web vi phạm trên cơ sở các thông tin có được từ các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia, các công việc đang được tiến hành để chuẩn bị một biên bản ghi nhớ về vấn đề này.

Chức năng của mạng thông tin và viễn thông, bao gồm cả internet, thực chất là truyền tải thông tin. Đây là lý do giải thích cho tính đặc thù của các mối quan hệ nảy sinh với việc sử dụng internet: chúng đều liên quan chặt chẽ đến việc chuyển giao thông tin. Trong đó, cần có sự cân bằng giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền tự do phân phối và nhận thông tin. Điều này đòi hỏi sự quan tâm của cả các chuyên gia trong lĩnh vực luật dân sự (luật sở hữu trí tuệ) và các chuyên gia trong lĩnh vực luật công (luật hình sự). Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên internet chống lại những hành vi xâm phạm ở đây mang tính chất phức hợp bởi những lý do như sau: thứ nhất, các hành vi xâm phạm không chỉ diễn ra trên mạng internet mà còn xảy ra trên các mạng thông tin và viễn thông khác, đặc biệt bao gồm cả mạng điện thoại di động; thứ hai, với việc sử dụng các hệ thống trên, các hành vi xâm phạm rất đa dạng về tính chất và mức độ: đạo văn, buôn bán bất hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán các sản phẩm giả mạo thông qua các cửa hàng trực tuyến; thứ ba, khách thể của hành vi xâm phạm có thể là các đối tượng sở hữu trí tuệ khác nhau; thứ tư, hành vi xâm phạm mang tính chất xuyên biên giới; thứ năm, các dạng xâm phạm này thường đi kèm với những hành vi nguy hiểm như: phát tán những chương trình độc hại, vi phạm các quy định về xử lý thông tin cá nhân, gửi thư rác, v.v..

Có thể nói rằng, đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sự phát triển của công nghệ số nói chung và công nghệ số trên internet nói riêng đã tạo ra những thách thức vô cùng lớn đối với những cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ truyền thống. Trong bối cảnh đó, một số biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập và tăng cường, không những chỉ trong hệ thống pháp luật quốc gia mà còn trong khuôn khổ các thỏa thuận tự do thương mại ở cấp độ khu vực cũng như quốc tế. Các biện pháp này chủ yếu liên quan đến việc tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường xem xét trách nhiệm của các chủ thể là các trung gian thông tin hay còn gọi là các nhà cung cấp dịch vụ trong môi trường internet.

 


[1] . Xem Pius, Hope: "What is Digital Media?", Greenedu Digital, 06/9/2018. Nguồn: https://greenedudigital.com/what-is-digital-media/

[2] Frischmann B.M. Evaluating the Demsetzian Trend in Copyright Law, Review of Law and Economics, 2006

[3] Dessemontet F. Conflict of Laws for Intellectual Property in Cyberspace, Journal of International Arbitration, 2001, Vol. 18

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành