Sự phát triển của thế giới hiện đại ngày nay gắn liền với sự gia tăng một cách khách quan vai trò của các yếu tố khu vực trong đời sống chính trị và kinh tế của các quốc gia và các dân tộc. Xu hướng này hiện đang phát huy sức mạnh trên phạm vi toàn thế giới, góp phần hình thành một bản đồ mới về các khu vực ở quy mô quốc tế. Điều này dẫn tới việc chúng ta phải giải quyết các vấn đề toàn cầu trên phạm vi khu vực theo những hình thức hòa nhập các mối quan hệ chính trị - kinh tế - pháp lý của các quốc gia, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng khu vực hóa là một hiện tượng chính trị - kinh tế, trong đó thiết lập mối quan hệ đặc biệt giữa các quốc gia nhằm tạo thuận lợi và mở rộng giao lưu thương mại cũng như các hình thức hợp tác kinh tế khác, trong một số trường hợp còn tạo ra những lợi thế về chính trị và địa kinh tế.
Kế thừa những diễn tiến của thế kỷ trước, thế kỷ XXI đã tiếp tục cho thấy sự gia tăng của xu thế toàn cầu hóa, thương mại quốc tế ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, diễn biến mới của quá trình toàn cầu hóa không chỉ nằm ở phạm vi tạo điều kiện và thúc đẩy các hoạt động giao thương truyền thống như trước, mà còn đòi hỏi các quốc gia phải cải cách theo hướng không ngừng hoàn thiện thể chế, nâng cao các tiêu chuẩn và điều kiện đối với các sản phẩm của quá trình thương mại cũng như môi trường lao động. Theo đó, quá trình tự do hóa thương mại càng nên gắn chặt với từng bước của chuỗi liên kết sản xuất. Từ đó, nền sản xuất thế giới tạo ra những mạng lưới sản xuất và các chuỗi giá trị mà mỗi quốc gia, mỗi nhà sản xuất tùy thuộc điều kiện và năng lực của mình đều có khả năng tham gia vào những phân đoạn nhất định của chuỗi giá trị thân cấu.
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) ra đời trong bối cảnh như vậy, trở thành một hình thức liên kết quốc tế điển hình và được ưa chuộng giữa các quốc gia mà ở đó các hàng rào về thuế quan và phi thuế quan đều sẽ bị giảm hoặc xóa bỏ, tiến tới khả năng hình thành một thị trường chung của các nước thành viên. Thực tiễn cho thấy, các thỏa thuận thương mại chứa đựng trong các FTA gần đây không chỉ bao gồm các thỏa thuận trao đổi hàng hóa và dịch vụ, xúc tiến đầu tư, mà còn có cả các nội dung, yêu cầu, chuẩn mực mới vượt ra khỏi khuôn khổ của GATT/WTO, bao gồm những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường, thậm chí còn gắn với những vấn đề dân chủ, nhân quyền hay chống khủng bố... Các FTA với những nội dung mới như vậy được xem là thế hệ hiệp định thương mại tự do thứ ba, mà hiện nay thường được gọi là “FTA thế hệ mới". Nói cách khác, khái niệm hiệp định thương mại tự do đã trở nên phổ biến, được sử dụng rộng rãi với nội hàm không chỉ trong phạm vi hẹp của những thỏa thuận hội nhập khu vực và song phương có cấp độ liên kết khá thuần túy về kinh tế như ở giai đoạn cuối thế kỷ trước, mà được dùng để chỉ các thỏa thuận hội nhập “toàn diện” giữa hai hay một nhóm các quốc gia với nhau.
Theo học giả V.V. Okhnheva và A.X. Xidorop, xu thế khu vực hóa gia tăng mạnh mẽ nhờ vào các yếu tố phát triển sau đây: thứ nhất, yếu tố địa chính trị - minh chứng cho vị trí và vai trò của một số khu vực trong nền chính trị thế giới; thứ hai, yếu tố kinh tế - phản ánh sự phân công lao động hiện có trong khu vực, khả năng cạnh tranh quốc gia của các nước; thứ ba, yếu tố văn hóa - gắn liền với sự tương đồng lịch sử văn hóa của các cộng đồng cư dân lớn. Trên cơ sở các yếu tố đó, quá trình khu vực hóa địa chính trị được đánh dấu bằng việc hình thành các “không gian lớn” bởi các nhóm quốc gia, Mỗi yếu tố cơ sở lại có thể dẫn đến các kết quả tương đối độc lập. Chẳng hạn như khu vực hóa kinh tế dẫn đến sự hình thành khu vực thương mại tự do, liên minh thuế quan và các khàn thị trường chung (liên minh kinh tế) trong phạm vi ranh giới của nhóm khu vực: khu vực hóa văn hóa tập trung vào quá trình phát triển các loại hình văn minh bản địa với đặc trưng là những đặc điểm văn hóa - xã hội của mình.
Có thể nhận thấy quá trình khu vực hóa đã diễn ra và cơ bản định hình tại 3 khu vực như sau:
Thứ nhất, khu vực châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) dã hình thành với 27 quốc gia thành viên (tính đến ngày 31/01/2020). Quá trình tự do hóa châu Âu dựa trên bốn yếu tố tự do về: lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và sức lao động Cùng với kinh tế, các lĩnh vực hội nhập bao gồm: chính sách đối ngoại, tư pháp, đối nội và an ninh.
Thứ hai, khu vực châu Mỹ. Hội nhập ở khu vực nà được đại diện bởi những liên minh lớn như Tổ chức cá quốc gia châu Mỹ (OAS), Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (trên cơ sở hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA), Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR). Mục tiêu của OAS là duy trì hòa bình trong khu vực và hỗ trợ phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế. Mục tiêu của NAFTA là tạo ra một thị trường lục địa thống nhất và bảo đảm tự do luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn cũng như nhân lực lao động. Trong khi đó, MERCOSUR thì lại có mục tiêu là thoát khỏi sự chi phối về kinh tế của Hoa Kỳ và tháo gỡ hàng rào hải quan và tăng cường trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong khối.
Thứ ba, khu vực phương Đông. Tại khu vực này có hai mô hình liên kết khu vực nhỏ: mô hình Ả Rập và châu Á. Đối với mô hình thứ nhất (các nước thuộc Tổ chức hợp tác hồi giáo OIC) yếu tố chính trị có tầm quan trọng đáng kể; đối với các nước thuộc Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – mối quan tâm chủ yếu là khả năng điều chỉnh hạn ngạch khai thác dầu lửa của các nước thành viên và qua đó có khả năng khống chế giá dầu. Mô hình liên kết thứ hai ở khu vực này có đặc trưng là chuyển đổi nền kinh tế dựa trên nhà nước đơn nhất và những truyền thống văn hóa - xã hội. Hai liên minh cốt lõi của hội nhập ở châu Á - Thái Bình Dương là chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Trong khi sự hợp tác của các quốc gia ở khu vực ASEAN ngày càng phát triển trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội, sự hình thành EU đã khơi dậy mối quan tâm tới hội nhập khu vực ở các khu vực khác trên thế giới; thứ hai, xuất hiện nhu cầu xây dựng các mô hình hội nhập tương tác giữa các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển có sự khác biệt đáng kể về trình độ phát triển kinh tế; thứ ba, phần lớn các quốc gia còn lại có nhu cầu đối với việc hình thành các liên kết hội nhập dựa trên nền tảng các yếu tố kinh tế, chứ không phải là các yếu tố chính trị như trước đây. Tuy nhiên, việc thực hiện “chủ nghĩa khu vực mới” ở châu Á lại đang tạo ra những thách thức và tiềm năng lớn trong hợp tác “khu vực hóa” do sự hình thành của lợi ích “cá nhân” mỗi quốc gia, tạo ra những nền kinh tế “không thể so ngang" trong một phạm vi khu vực hóa.
Với những diễn biến đã xảy ra và đang được thúc đẩy, khu vực hóa thực sự đã được xem xét như là một xu thế phát triển song song cùng với tiến trình toàn cầu hóa. Hơn thế nữa rất nhiều vấn đề của toàn cầu hóa lại mang tính chất khu vực. Ở đây có sự phụ thuộc lẫn nhau và thống nhất giữa toàn cầu hóa và khu vực hóa. Nhà xã hội học người Anh R. Robertson cho rằng xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa cuối cùng bổ sung và đan xen lẫn nhau, mặc dù trong một số trường hợp cụ thể có thể có những xung đột. Toàn cầu hóa đã thu hút các khu vực trong quá trình tương tác, buộc các quốc gia tham gia vào đó phải hình thành các cụm và liên kết mới. Như vậy, các quá trình khu vực hóa đã thực sự là những phản ứng thích đáng đối với những thách thức của toàn cầu hóa. Bối cảnh hiện nay cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều các liên kết khu vực mới bên cạnh việc các liên kết đã hình thành trước đây vẫn tiếp tục phát triển, xu hướng hội nhập kinh tế ngoài các tổ chức chính thức gia tăng, các mô hình hội nhập khu vực được hình thành và bắt đầu cạnh tranh lẫn nhau.