Thứ sáu, 22 Tháng 3 2024 15:05

Giới thiệu khái quát về công nghệ cao

1. Khái niệm về công nghệ cao

Chúng ta thường gặp nhiều thuật ngữ về công nghệ như: công nghệ lạc hậu, công nghệ thấp, công nghệ truyền thống, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ hiện đại... Thuật ngữ “công nghệ cao" xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với sự ra đời của nền khoa học hiện đại, dựa trên các lý thuyết vật lý hiện đại, mà đặc trưng nhất là “Thuyết tương đối” và “Thuyết lượng tử”. Người có công lớn nhất xây dựng thuyết này là nhà vật lý học người Đức Albert Einstein. Ông đã phát minh tính chất hạt của ánh sáng với hiệu ứng quang điện. Dựa trên phát minh này, giữa thế kỷ XX bắt đầu cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại với sản phẩm điển hình là máy tính điện tử.

Sản phẩm này ra đời đã làm cho công nghệ có bước nhảy vọt, thay đổi về chất nền công nghiệp, làm đảo lộn mọi lĩnh vực của sản xuất và đời sống xã hội. Cũng từ thời kỳ này, thuật ngữ “công nghệ cao” xuất hiện.

Để trở thành một công nghệ cao, công nghệ đó phải trực tiếp hoặc là dẫn xuất từ các tri thức khoa học xuất phát từ thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có nghĩa là công nghệ đó phải dựa trên tính chất hạt của ánh sáng.

Hiện nay, chưa có một khái niệm hoặc định nghĩa thống nhất về “công nghệ cao” hoặc “công nghiệp công nghệ cao”. Ở các nước trên thế giới, thuật ngữ công nghệ cao chỉ được nêu thành các khái niệm ở những văn bản dưới luật mang tính pháp lý không cao, nó được định nghĩa rất ít trong các văn bản luật.

Ở mỗi quốc gia hoặc thời điểm khác nhau, công nghệ được coi là công nghệ cao có sự khác nhau. Các công nghệ ở những năm 1960, 1970 ở các nước phát triển thì hiện nay ở những nước này trở thành công nghệ thông thường, nhưng đối với một số nước đang phát triển hoặc kém phát triển vẫn có thể được coi là công nghệ cao. Do vậy, đã có rất nhiều khái niệm về công nghệ cao:

Theo Từ điển Bách khoa của Nhà xuất bản Random House (Mỹ), “công nghệ cao là công nghệ đòi hỏi trang thiết bị khoa học tinh vi nhất và kỹ thuật sản xuất tiên tiến"[1]... Trong bản Báo cáo về công nghệ cao của Ban Phát triển kinh tế (EDB) của bang California (Mỹ) năm 1993 và 1999 cho rằng: Công nghệ cao là công nghệ có mức độ cao về độ tinh vi của kỹ thuật và đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Một khái niệm khác của Pháp cho rằng: “Công nghệ cao là công nghệ hội tụ được những tri thức, phương tiện và kỹ năng, được tổ chức để sản xuất"[2].

Ở Việt Nam, công nghệ cao được nêu ở Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghệ cao và ở Điều 3 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006. Đến năm 2008, khi Luật công nghệ cao ra đời, tại khoản 1 Điều 3 nêu rõ: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Các khái niệm trên tuy khác nhau, nhưng đều cho thấy rằng công nghệ cao là công nghệ dựa trên kiến thức khoa học hiện đại, những thành tựu khoa học mới nhất với hàm lượng khoa học, sáng tạo cao nhất. Công nghệ cao là một loại công nghệ có sự tập trung cao độ trì thức và công nghệ, độ khó của kỹ thuật cao, tự nó có sẵn tính cạnh tranh và có tác dụng đầu tàu, độ mạo hiểm cao, đầu tư lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội.

2. Đặc điểm công nghệ cao

Theo tư liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) năm 1998, công nghệ cao là công nghệ tiên tiến, công nghệ hàng đầu với ba đặc điểm cơ bản sau:

Công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, có đổi mới quan trọng;

Công nhân phải có trình độ cao để có thể phát triển công nghệ; nhân lực kết hợp với công nghệ thiết kế và chế tạo sản phẩm;

Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, thương mại hóa, sản xuất và phân phối công nghệ và các sản phẩm của nó đòi hỏi chi phí lớn.

Bởi vậy, muốn phát triển công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao cần đảm bảo ba điều kiện sau:

- Đội ngũ R&D chiếm tỷ lệ lớn trong số cán bộ, công nhân của doanh nghiệp;

- Tỷ lệ đầu tư vốn cho R&D lớn so với doanh thu và thường xuyên, nhưng lợi nhuận lớn, thu hồi vốn nhanh;

Cần các quỹ đầu tư mạo hiểm để thu hút nguồn vốn của xã hội vì có độ rủi ro cao và vòng đời sản phẩm công nghệ cao ngắn[3].

Công nghệ cao có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bao hàm "3 cao": hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao và đô thâm nhập cao. Do đó, công nghệ cao thường có hai chức năng:

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mang lại lợi ích lớn cho các nhà kinh doanh;

Hai là, có thể hồi phục lại nhiều ngành công nghiệp tưởng như đã đến trình độ bão hòa không phát triển tiếp được nữa (công nghiệp hóa trở lại).

Ngoài ra, còn có nhiều cách để xác định các ngành (lĩnh vực) công nghệ cao tùy theo các quốc gia khác nhau, tuy nhiên các ngành này có những đặc điểm chung:

- Có tốc độ tăng trưởng cao;

- Đóng góp đáng kể vào nên sản xuất của quốc gia và tạo việc làm;

- Có khả năng cạnh tranh quốc tế;

Khoảng cách từ nghiên cứu khoa học cơ bản đến sáng tạo công nghệ đang ngày càng rút ngắn và có xu hướng nhập lại;

- Tổng hợp cao độ các ngành khoa học, tập trung cao độ tri thức, ngày càng thâm nhập sâu, rộng, trực tiếp và nhanh chóng vào mọi lĩnh vực quân sự, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội;

- Sử dụng nguồn tài nguyên có sẵn một cách khoa học, hợp lý, tổng hợp và có hiệu suất cao, đồng thời khai thác nguồn tài nguyên phong phú chưa được khai thác, đặc biệt là tri thức, để thay thế cho nguồn tài nguyên tự nhiên khan hiếm đã gần cạn kiệt;

- Tri thức, trí lực và các tài sản vô hình có tác dụng quyết định[4].

Ở Việt Nam, các danh mục công nghệ cao ưu tiên phát triển luôn được bổ sung cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Mặt khác, thông thường công nghệ cao là công nghệ mới nhưng công nghệ mới chưa chắc đã là công nghệ cao. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Quyết định về việc ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên các quan điểm: Các công nghệ được lựa chọn là công nghệ mới, công nghệ cao được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá phù hợp với xu hướng phát triển và tiềm năng ứng dụng trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là các công nghệ được các quốc gia phát triển, các quốc gia dẫn dắt Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lựa chọn để có định hướng ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển; là các công nghệ có thể phát huy được lợi thế của đất nước, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Những danh mục công nghệ chủ chốt này sẽ là những công nghệ cao ưu tiên phát triển trong thời gian tới đây ở Việt Nam.

3. Phân loại công nghệ cao

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để xác định một công nghệ cao là căn cứ vào hàm lượng R&D cao trong sản phẩm. Theo đó, công nghệ được gọi là công nghệ cao khi doanh nghiệp có chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn hơn 4% doanh thu của doanh nghiệp đó. Ở Trung Quốc, tiêu chí là ngành công nghệ cao phải đạt chi phí dành cho R&D lớn hơn 5% doanh thu của doanh nghiệp.

Trên thế giới, ở mỗi nước hoặc khu vực khác nhau thì quy định về số lượng, thành phần các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau nhưng đều thống nhất có 6 ngành công nghệ cao cơ bản (công nghệ cao nguồn) sau: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ đại dương (ngoài ra, còn có một số tài liệu khác cũng xếp công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ quản lý là hai ngành công nghệ cao cơ bản). Trong 6 ngành đó, công nghệ thông tin là ngành công nghệ cao cơ bản có tính dẫn đầu của thời đại, là lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, là điểm sinh trưởng mà từ đó có tác dụng làm bùng phát các công nghệ cao khác.

Một ngành công nghệ cổ điển có thể được “nâng cấp” bởi công nghệ cao và trở thành công nghệ cao. Ví dụ: quang học đã ứng dụng từ thế kỷ XIX (kính hiển vi, kính viễn vọng...) nhưng khi được nâng cấp bởi công nghệ laser và sợi quang thì trở thành công nghệ truyền thông cáp quang là công nghệ cao. Mặt khác, khi triển khai áp dụng một công nghệ cao cơ bản vào một lĩnh vực chuyên ngành sẽ tạo ra một công nghệ cao chuyên ngành. Ví dụ: đem áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất ra các máy cơ - điện tử tự động (điều khiển số) thì được công nghệ cao chuyên ngành cơ - điện tử. Hệ thống các công nghệ cao cơ bản và công nghệ cao chuyên ngành tạo nên nòng cốt của lực lượng sản xuất mới.

Tuy nhiên, không phải công nghệ truyền thống bất kỳ nào được ứng dụng một phần công nghệ cao thì được gọi là công nghệ cao. Ví dụ: công nghệ xe hơi của Mỹ tuy rất hiện đại nhưng vẫn chưa phải là công nghệ cao, chỉ khi hệ thống điều khiển được tự động hóa toàn bộ và động cơ thay bằng nhiên liệu mới, không gây ô nhiễm, thì mới được gọi là công nghệ cao.

Theo quy định của Mỹ, chỉ khi nào thành phần công nghệ cao chiếm trên 70% của công nghệ đó thì mới được gọi là công nghệ cao.

Ở Việt Nam, nhận thức về vai trò của công nghệ cao và phát triển công nghiệp công nghệ cao đối với phát triển kinh tế - xã hội có từ rất sớm nhưng hoạt động phát triển công nghệ cao không tận dụng được nhiều lợi thế và bỏ qua nhiều cơ hội phát triển. Nguyên nhân chính là do trình độ phát triển nền kinh tế của Việt Nam khi đó còn thấp, tiềm lực khoa học và công nghệ còn hạn chế. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, khi quy mô công nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đã đạt 7,6% sản lượng sản phẩm công nghiệp chế tạo của thế giới thì Nhà nước ta mới thực sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

Theo Điều 5 Luật công nghệ cao năm 2008, Việt Nam tập trung đầu tư ưu tiên phát triển công nghệ cao trong bốn lĩnh vực: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa.

Một công nghệ được gọi là công nghệ cao phải được kiểm tra, đánh giá và chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ được coi là công nghệ cao cũng có sự thay đổi tùy theo từng thời điểm.

Ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, theo đó, ở Việt Nam có 99 danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Đây là cơ sở tạo hành lang pháp lý cho hoạt động công nghệ cao trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện nay.

 


[1] Phan Xuân Dũng: Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.15

[2] Phan Xuân Dũng: Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.15

[3] Xem Phan Xuân Dũng: Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Sdd, tr.17

[4] Phan Xuân Dũng: Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Sđd, tr.20.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành