Thứ năm, 28 Tháng 3 2024 15:07

Kinh nghiệm phát triển công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc

Năm 2000, Trung Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa. Với mục đích chuyển từ một “công xưởng của thế giới” thành một “nhà máy của tri thức” nên Trung Quốc chú trọng hoạt động R&D tạo ra các lĩnh vực công nghệ cao. Vì vậy, trong quy hoạch phát triển 5 năm 2001 - 2005 và những năm tiếp theo, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi chiến lược “Lấy khoa học chấn hưng đất nước", tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực công nghệ cao then chốt. Phát triển công nghiệp công nghệ cao luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đối với Trung Quốc và đã có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn trong sự tăng trưởng kinh tế cao, ổn định. Trong vòng 10 năm (2000 - 2010), tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc so với cả thế giới đã tăng từ 6% lên 22%. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu của Trung Quốc dao động trong khoảng 25-30%[1]. Trung Quốc đã thành lập hai trung tâm công nghệ cao là Thâm Quyến và Công viên khoa học Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh, cũng như nhiều “công viên khoa học" ở hàng loạt thành phố lớn của đất nước. Các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Xiaomi, Coolpad, ZTE..., đã bắt đầu cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới. Ngày nay, Trung Quốc đang sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm công nghệ cao với năng suất và sản lượng cao, có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu trong chuỗi giá trị sản xuất. Đặc biệt, tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc là rất lớn khi tập trung đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), robot,...

1. Về chương trình, kế hoạch phát triển

Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chương trình, kế hoạch hợp lý trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2010, nhằm phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp công nghệ cao trong GDP, Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển “7 ngành công nghiệp chiến lược mới nổi”, bao gồm: công nghệ sinh học, năng lượng mới, sản xuất thiết bị cao cấp, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường, xe năng lượng sạch, vật liệu mới và công nghệ thông tin thế hệ kế tiếp; trong đó đặc biệt chú trọng phát triển đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, coi công nghệ thông tin là một trong số các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi, sẽ thúc đẩy tạo ra cách mạng thông tin thế hệ mới. Mục tiêu của kế hoạch là tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành này trong GDP đạt 8% năm 2015 và 15% năm 2020. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư vào R&D “Internet kết nối vạn vật” (Internet of things), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) và phát triển các công nghệ kỹ thuật số, đã dành hơn 4 nghìn tỉ nhân dân tệ cho phát triển các ngành này và đã lựa chọn các lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc dự kiến sẽ thành công trên quy mô toàn cầu[2].

Kế hoạch này cũng là mong muốn chuyển đổi từ "Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc) thành "Designed in China" (Thiết kế tại Trung Quốc). Về bản chất, đây là chiến lược nhằm thay thế công nghệ của nước ngoài bằng công nghệ cao do chính Trung Quốc chế tạo, tiến tới tự chủ về công nghệ, chấm dứt việc phụ thuộc công nghệ vào các nước phương Tây và phổ biến công nghệ của họ ra toàn thế giới, tranh giành thị phần với châu Âu và châu Mỹ. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào phát triển các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi. Theo đó, Chính phủ đã có một số chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, mua sắm để phát triển 7 ngành công nghiệp chiến lược mới nổi này. Tuy nhiên, mức độ tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài còn tùy thuộc vào từng dự án, lĩnh vực khác nhau.

2. Về chương trình trọng điểm quốc gia và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển

Trung Quốc thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia và đầu tư lớn cho R&D. Trước những thách thức to lớn của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, Trung Quốc đã đề ra một số chương trình quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tiêu biểu là: Chương trình quốc gia về nghiên cứu và triển khai công nghệ cao Chương trình 863 (tháng 3/1986), Chương trình Bó đuốc (tháng 8/1988), Chiến lược “Made in China 2025"...

Ngoài ra, để phát triển khoa học và công nghệ nhằm phát triển công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc còn đề ra các chương trình phát triển khoa học và công nghệ quốc gia như: Chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển các nghiên cứu cơ bản - Chương trình 973, Chương trình nhìn trước về công nghệ quốc gia ở Trung Quốc. Các chương trình này với mục đích thực hiện các dự án nghiên cứu cơ bản trọng điểm và đóng vai trò tư vấn quan trọng trong việc đưa ra các quyết định cho chính sách phát triển khoa học và công nghệ ở tầm quốc gia nhằm phục vụ các nhu cầu chung của quá trình thực hiện chiến lược quốc gia phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Với mục đích đi tắt đón đầu vào vị trí hàng đầu trong các ngành công nghiệp mới dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo vào năm 2020, Trung Quốc đã đề ra “Kế hoạch trung và dài hạn phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn 2006 - 2020". Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ đầu tư cho R&D theo lộ trình là 2% GDP năm 2013; 2,05% GDP năm 2014 và đạt 2,5% GDP vào năm 2020, nâng phần đóng góp từ sự tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế lên hơn 60%. Từ năm 2010, Trung Quốc đã chú trọng đến IoT và hằng năm đều tổ chức Hội nghị IoT; thành lập Trung tâm IoT đầu tiên vào năm 2010, đã đầu tư 117 triệu USD để nghiên cứu công nghệ IoT và các tiêu chuẩn hóa. Trung Quốc cũng đã thành lập một “Khu đổi mới sáng tạo IoT" ở tỉnh Giang Tô, quy tụ 300 công ty, tuyển dụng hơn 70.000 lao động và đã đầu tư 800 triệu USD trong các ngành công nghiệp IoT tính đến năm 2015[3].

3. Về sự kết hợp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương

Trung Quốc đã có sự kết hợp linh hoạt giữa Chính phủ và chính quyền các địa phương trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Sự kết hợp vai trò của Chính phủ với chính quyền địa phương được thể hiện rõ nhất trong phát triển các khu công nghệ cao.

Đối với các khu công nghệ cao quốc gia, Nhà nước có vai trò kết hợp với các địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư, nhân tài và khung pháp lý nhằm quản lý trong xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, cơ chế quản lý ở các khu công nghệ cao do Chính phủ ban hành đã giao quyền tự chủ và trách nhiệm rất lớn cho chính quyền địa phương. Phần lớn các khu công nghệ cao ở Trung Quốc đều được quản lý theo hình thức Chính phủ ủy quyền và được chia thành 3 cấp:

- Cấp chỉ đạo với vai trò đưa ra các quyết sách phát triển và quản lý, thường là tổ công tác lãnh đạo của chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố thành lập. Tổ trưởng tổ công tác thông thường là một người lãnh đạo chủ chốt của địa phương và đại diện lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành liên quan là thành viên;

- Cấp quản lý là một ủy ban quản lý khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập bao gồm chủ nhiệm (01 lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố), các phó chủ nhiệm và các ủy viên là đại diện lãnh đạo các ban, ngành của chính quyền địa phương. Ủy ban có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch và phát triển của khu và quản lý các doanh nghiệp công nghiệp mới trong khu;

Cấp kinh doanh các dịch vụ bao gồm: tổng công ty xây dựng khai thác và phát triển; trung tâm dịch vụ phục vụ doanh nghiệp... nhằm cung cấp cho doanh nghiệp cơ sở làm việc, nguồn tài chính, đảm bảo tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, hậu cần[4]...

Ngoài các khu công nghệ cao quốc gia, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu tự trị đều có các khu công nghệ cao cấp tỉnh và thường nằm ngoài khu công nghệ cao quốc gia.

Đặc điểm nổi bật trong phát triển khu công nghệ cao ở Trung Quốc là Chính phủ cho phép mỗi khu công nghệ cao đều tìm cho mình một thế mạnh phù hợp với địa phương và mang màu sắc riêng, về những lĩnh vực công nghệ then chốt như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ na nô, công nghệ sinh học... Chính vì vậy, ở mỗi khu công nghệ cao ở các địa phương có sự khác nhau về lĩnh vực công nghệ, ngành sản xuất (khu công nghệ cao Trung Quan Thôn - Bắc Kinh hướng về phần cứng, phần mềm, giải pháp công nghệ, internet...; khu công nghệ cao Trương Giang Thượng Hải mạnh nhất ở hai lĩnh vực: sản xuất vi mạch và thuốc - dược phẩm,...). Sự thành công của phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc có sự đóng góp to lớn từ sự năng động, chủ động của chính quyền các địa phương. Thành phố Bắc Kinh và Thâm Quyến là hai địa phương điển hình.

Năm 1999, Bắc Kinh đã thành lập Công viên khoa học công nghệ Trung Quan Thôn với mục tiêu “một năm dáng dấp, ba năm biến đổi lớn, năm năm vượt một bậc, mười năm trở thành hàng đầu”. Ngay từ những năm đầu thành lập, khu công nghệ cao đã thu hút được những công ty công nghệ tiên phong, mà hiện nay là những công ty nổi tiếng của Trung Quốc như Lenovo, Baidu hay Sina... Chỉ sau 10 năm phát triển đã thu được thành tựu to lớn trên các lĩnh vực như tập trung nguồn lực tri thức lớn nhất Trung Quốc; phát triển kinh tế, cơ cấu sản phẩm, trong đó các chỉ tiêu tăng trưởng hằng năm đều trên 30%, hình thành nên cơ cấu sản phẩm lấy sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin làm chủ đạo; là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay... và là mô hình khu công nghệ cao thể hiện rõ nét đặc trưng về bản sắc Trung Quốc. Thành công của công nghiệp công nghệ cao ở Bắc Kinh nói chung và khu công nghệ cao Trung Quan Thôn nói riêng là do:

Thứ nhất, ban hành những cơ chế, chính sách riêng của thành phố trong phát triển công nghiệp công nghệ cao nói chung và khu công nghệ cao nói riêng. Với chiến lược phát triển tự chủ, sáng tạo, hạt nhân chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ cao, Bắc Kinh đã thiết lập một hệ thống môi trường bảo hộ pháp luật, dựa trên nguyên tắc “mạnh dạn đổi mới trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm". Chính vì vậy, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực cho công nghệ cao. Ví dụ: chính sách đối với lao động nước ngoài làm việc tại Công viên khoa học Trung Quan Thôn sẽ nhận được các điều kiện ưu đãi như thị thực dài hạn, được cấp giấy chứng nhận thường trú dài hạn, tự do du hành và nhiều phúc lợi kinh tế địa phương.

Thứ hai, xác định chủ thể phát triển khoa học - công nghệ chủ yếu nằm trong các viện nghiên cứu, trường đại học ngay ở Bắc Kinh nên thành phố chủ trương thu hút nhân lực từ các trường đại học và lưu học sinh từ bên ngoài. Việc xác định nhằm khai thác thế mạnh của Bắc Kinh bởi Thủ đô Bắc Kinh - trung tâm giáo dục và khoa học - công nghệ toàn quốc, là nơi tập trung Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc với các viện, sở nghiên cứu khoa học - công nghệ cấp quốc gia.

Thứ ba, chú trọng đến phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện nay, Bắc Kinh là nơi sản xuất các công ty khởi nghiệp với tốc độ nhanh bởi ngân quỹ của chính quyền địa phương (các quỹ đầu tư mạo hiểm) luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, khu công nghệ cao Trung Quan Thôn đã đưa ra một kế hoạch để cải thiện khả năng đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như đặt mục tiêu thành lập một nhóm với các chuyên gia Al hàng đầu vào năm 2020 để khuyến khích khả năng cạnh tranh toàn cầu và tạo môi trường thuận lợi cho phép các công ty khởi nghiệp (startup) phát triển mạnh.

Chính phủ Trung Quốc cho phép địa phương ban hành chính sách đặc thù, vượt trội trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Trường hợp phát triển các khu công nghệ cao ở đặc khu Thâm Quyến là một ví dụ điển hình. Công nghệ cao là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhất tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Đây là nơi đóng vai trò như là trụ sở chính của một loạt các công ty công nghệ cao Trung Quốc. Khu công nghệ cao Nam Sơn là nơi khởi nghiệp của các hãng như điện thoại Huawei, ZTE và người khổng lồ về internet Tencent, trong đó doanh nghiệp hàng đầu của khu là DJI sản xuất 70% máy bay không người lái cỡ nhỏ của thế giới.

Khu công nghệ cao Nam Sơn hiện nay đang là nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp trẻ vừa thành đạt về kinh tế, vừa có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Có được thành công này là nhờ Thâm Quyến đã thực hiện một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phát huy những lợi thế của địa phương. Thâm Quyến được chọn là nơi trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) vào năm 1979. Theo đó, Trung Quốc có chủ trương trao toàn quyền tự chủ cho SEZ, các SEZ được phép hoàn toàn độc lập về tài chính với Trung ương và có quyền đề ra những ưu đãi riêng dành cho các doanh nghiệp với điều kiện ưu đãi đó nằm trong khuôn khổ luật pháp Trung Quốc. Chính vì điều này mà khu công nghệ cao ở Thâm Quyến thuận lợi hơn trong thu hút vốn và công nghệ bởi khi doanh nghiệp đầu tư sẽ được nhiều chính sách ưu đãi hơn các vùng khác. Ví dụ: mức thuế đánh vào lợi nhuận doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao Nam Sơn là 15%, còn đối với các doanh nghiệp ở địa phương khác là 24%...

Thứ hai, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Với điều kiện Thâm Quyến có rất ít các trường đại học lớn cũng như trung tâm nghiên cứu quy mô nên để phát triển công nghiệp công nghệ cao thành phố đã đề ra chủ trương phải tận dụng nguồn lực khoa học - công nghệ từ bên ngoài và quan tâm phát triển khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp. Hiện nay, thành phố đang kêu gọi những trường đại học hàng đầu Trung Quốc cũng như thế giới đến xây dựng cơ sở. Theo dự kiến, trong 10 năm tới thành phố sẽ có thêm 20 trung tâm cũng như viện nghiên cứu quy mô lớn.

Đồng thời, phát huy điều kiện Thâm Quyến là thành phố ven biển, nằm ngay cạnh Hồng Kông là trung tâm tài chính và đồng thời là cảng biển lớn của thế giới nên đã chủ trương huy động nguồn vốn và nhân lực từ Hồng Kông cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, hiện nay, trong các ngành công nghệ cao ở Thâm Quyến, lượng vốn và lao động đến từ Hồng Kông chiếm tỷ lệ lớn.

 


[1] Xem Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia: “Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", số 8/2016, tr.17

[2] Xem Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia: “Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Tldd, tr.35.

[3] Xem Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia: “Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Tlđd, tr.33-34.

[4] Xem Phan Xuân Dũng: Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Sdd, tr.170.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành