Thứ hai, 08 Tháng 4 2024 07:34

Chuyển đổi số đối với quan hệ lao động ở Việt Nam

Chuyển đổi số có tác động lớn đến năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số đã làm thay đổi cơ bản quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, thay đổi về mô hình và thiết chế của quan hệ lao động và người lao động bởi sự tham gia của “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”.

Ở Việt Nam theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích dữ liệu để đánh giá và nhận diện những biến đổi của quan hệ lao động trước tác động của chuyển đổi số, từ đó đưa ra một vài kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện quan hệ lao động ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Ở thế kỷ 21, công nghệ mới đã và sẽ mạng đến những tiến bộ vượt bậc về năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng những sản phẩm từ internet, tự động hóa, phát triển dựa trên nền tri thức và trí tuệ nhân tạo.

Sự tham gia của khoa học công nghệ đang làm thay đổi bản chất của việc làm, một ố công việc bị mất đi và một số công việc mới được ra đời. Do vậy, cần phải tái cấu trúc lại thị trường lao động là rất cần thiết. Các quan hệ lao động cần được thiết lập lại do sự tác động của khoa học công nghệ nên mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như vai trò của Nhà nước trong việc quản lý những thay đổi này. Từ trí tuệ nhân tạo và rô-bốt đến nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ có tác động không nhỏ đến mối quan hệ lao động, làm thay đổi về mô hình quản trị nhân sự và mô hình quan hệ lao động (QHLĐ) tại các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy ở Việt Nam những năm qua, vấn đề thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xây dựng và hoàn thiện, tạo khung khổ và hành lang pháp lý cho hoạt động của các chủ thể kinh tế và sự hình thành, phát triển của quan hệ lao động. Song trước tác động và sự thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số thì thể chế đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, thậm chí kìm hãm sự phát triển của quan hệ lao động trong kỷ nguyên số ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu QHLĐ trong bối cảnh chuyển đổi số để có cái nhìn tổng quan về sự biến đổi là cần thiết, từ đó hàm ý chính sách nhằm hoàn thiện về quan hệ lao động (QHLĐ) ở Việt Nam.

Trong thị trường lao động hiện đại, QHLĐ là sự tồn tại song hành và tương hỗ của quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể. QHLĐ là những mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể những người lao động với nhau và với những người sử dụng lao động ở nơi làm việc và nảy sinh từ công việc, cũng như những mối quan hệ giữa đại diện những người lao động và người sử dụng lao động ở cấp ngành, cấp quốc gia, thể hiện sự tương tác của những chủ thể này với nhà nước[1].

Quan hệ lao động có một số điểm chính như sau:

  • Thứ nhất, QHLĐ là quan hệ giữa những người lao động và người sử dụng lao động;
  • Thứ hai, QHLĐ chịu sự điều chỉnh của pháp luật và Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp vào mối quan hệ này khi cần thiết;
  • Thứ ba, QHLĐ diễn ra trong một phạm vi rộng (ở tất cả các ngành) nhưng chủ yếu ở các ngành công nghiệp - nơi sử dụng nhiều lao động, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động đa dạng, phức tạp.

Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), định nghĩa về quan hệ lao động là: “Những mối quan hệ cá nhân và tập thể giữa người lao động và người sử dụng lao động tại nơi làm việc, cũng như các mối quan hệ giữa các đại diện của họ với Nhà nước. Những mối quan hệ như thế xoay quanh các khía cạnh luật pháp, kinh tế, xã hội học và tâm lý học và bao gồm cả những vấn đề như tuyển mộ, thuê mướn, sắp xếp công việc, đào tạo, kỷ luật, thăng chức, buộc thôi việc, kết thúc hợp đồng, làm ngoài giờ, tiền thưởng, phân chia lợi nhuận, giáo dục, y tế, vệ sinh, giải trí, chỗ ở, giờ làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ phép, các vấn đề phúc lợi cho người thất nghiệp, ốm đau, tai nạn, tuổi cao và tàn tật”[2].

Từ định nghĩa về quan hệ lao động của ILO, cho thấy ngoài việc chỉ ra chủ thể của QHLĐ, các loại QHLĐ… còn chỉ ra những nội dung rất cụ thể của quan hệ này.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, QHLĐ là một hệ thống có nhiều chủ thể tương tác trong quá trình lao động sản xuất theo hai cơ chế vận hành chủ yếu của quan hệ này, đó là cơ chế hai bên (người sử dụng lao động - người lao động) và cơ chế ba bên (đại diện Nhà nước - đại diện người sử dụng lao động - đại diện người lao động).

Ở Việt Nam có nhiều dự án được nghiên cứu xây dựng các thiết chế điều chỉnh QHLĐ như: Dự án “Xây dựng và điều chỉnh thiết chế, cơ chế về quan hệ lao động để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam” (Phúc, 2016); Dự án “Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động” (Dự án NIRF, 2018) được thực hiện giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ILO. Trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ phù hợp của thiết chế, cơ chế quan hệ lao động hiện tại so với những cam kết quốc tế của Việt Nam, các dự án đã đề xuất những giải pháp nhằm điều chỉnh thiết chế, cơ chế về QHLĐ trong thời gian tới để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời phù hợp với bối cảnh quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu về sự biến đổi quan hệ lao động tức tác động của cuộc cách mạng 4.0 và khuyến nghị các giải pháp xây dựng QHLĐ tiến bộ, hòa bình, ổn định và phát triển[3].

* Bản chất của quan hệ lao động

Theo khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động số 45/2019, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, QHLĐ là quan hệ giữa người lao động, tập thể người lao động với người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động được xác lập trên cơ sở pháp luật lao động, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, cơ chế xác lập và vận hành QHLĐ, thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, vai trò của các bên trong QHLĐ.

Các chủ thể trong quan hệ lao động này gồm người lao động và tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước tương tác với nhau thông qua cơ chế tham vấn, đối thoại, thương lượng tạo thành cơ chế ba bên. Cơ chế này được hình thành trên cơ sở tương tác giữa Chính phủ với tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động, trong đó Chính phủ có vai trò chính trong việc tham vấn ý kiến của các bên về những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, ban hành các chính sách pháp luật về QHLĐ; đối thoại để giải quyết những vướng mắc và hỗ trợ các bên trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật lao động.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất của người lao động, có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, được vận hành trong một hệ thống thống nhất từ Trung ương đến cơ sở theo Luật Công đoàn, trong đó công đoàn cơ sở được thành lập và hoạt động trong phạm vi một doanh nghiệp.

* Phân loại quan hệ lao động quan hệ lao động được phân loại theo các tiêu chí sau:

+ Về chủ thể: gồm QHLĐ cá nhân (giữa các cá nhân người lao động - NLĐ với người sử dụng lao động - NSDLĐ) và QHLĐ tập thể (giữa đại diện tập thể NLĐ và NSDLĐ) (quan hệ hai bên); quan hệ giữa đại diện NLĐ với đại diện NSDLĐ và Nhà nước (quan hệ ba bên).

+ Về nội dung: có quan hệ về việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, quyền và nghĩa vụ của các bên...

+ Về cấp độ của QHLĐ: có QHLĐ cấp quốc gia (quan hệ giữa chính phủ, tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương), cấp địa phương (quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương với tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương), cấp ngành và cấp doanh nghiệp (quan hệ giữa tổ chức đại diện người lao động công đoàn ngành và công đoàn cơ sở với tổ chức đại diện người sử dụng lao động của ngành và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp).

* Chuyển đổi số

Chuyển đổi số (digital transformation) xuất hiện và trở nên phổ biến khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ mặc dù vẫn còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn.

Theo Microsoft, chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, chuyển đổi số không chỉ ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh, mà còn tham gia vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp. Nếu đạt hiệu quả, chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức doanh nghiệp hoạt động, từ đó tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Từ các quan điểm về chuyển đổi số nêu trên, có thể thấy, chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc trong cuộc sống, phương thức sản xuất với các công nghệ số, là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một đơn vị, của một doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ, nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, liên tục học hỏi theo cái mới, cái hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công của sự đổi mới đem lại.

Đối với Việt Nam, chuyển đổi số là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây…, nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi phong cách sống của chúng ta.

 


[1] Theo David Macdonald & Caroline Vardenabeele (1996)

[2] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2016

[3] Lâm & cộng sự (2022): “Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến quan hệ lao động ở Việt Nam”; tác giả Hà (2021) đã chỉ ra các khó khăn, thách thức trong việc xử lý vấn đề phát sinh trong QHLĐ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua bài viết “Xử lý vấn đề việc làm và quan hệ lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 24 Tháng 5 2024 07:59

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành