Thứ tư, 10 Tháng 4 2024 09:04

Phân tích về vai trò của Liên minh Châu Âu trong việc ký kết và thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại

1. Chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại

Chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại đã ký kết với các đối tác thương mại có thể được chia thành ba thế hệ hay ba giai đoạn với các mức độ quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tăng dần từ thấp đến cao.

Thế hệ các hiệp định thương mại tự do đầu tiên của EU với các đối tác thương mại ở nước ngoài dường như chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các hiệp định này (chẳng hạn Hiệp định Lome cũng như vốn được ký kết trong giai đoạn cuối Hiệp định Cotonou) của phong trào phi thực dân hóa đã đặt ưu tiên trước hết cho việc thảo luận cơ chế hợp tác để khởi động lại mối quan hệ chính trị và hội nhập, liên kết kinh tế của các quốc gia đối tác. Vì vậy, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ đóng một vai trò “ngoại vi” và không có bất kỳ điều khoản cơ bản và trực tiếp nào về quyền sở hữu trí tuệ được nêu lên trong bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào thuộc thế hệ này. Trong một số trường hợp đặc biệt, vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thường chỉ được để cập như là yêu cầu mang tính khuyến nghị - mà không có quy định chi tiết nào về khung thời gian thực hiện, giám sát hoặc chế tài - các bên phải hướng tới chuẩn mực quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn của TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ). Do đó, có thể nhận định rằng thế hệ các hiệp định thương mại tự do thứ nhất của EU có cách tiếp cận tối thiểu và gián tiếp đối với các nội dung việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ[1].

Trong thế hệ các hiệp định thương mại tự do thứ hai, EU đã có chính sách tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng cách đưa vào và thiết lập các chuẩn mực cao hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ so với các nghĩa vụ trong Hiệp định TRIPS. Sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng này là việc năm 2004, Ủy ban châu Âu đã lần đầu tiên công bố một Chiến lược “Thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia thứ ba”[2]. Theo đó, Ủy ban châu Âu đã lý giải sự thay đổi chiến lược từ chính sách mang tính thụ động của các hiệp định thương mại thế hệ đầu tiên sang chính sách mang tính chủ động hơn trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại thế hệ mới xuất phát từ hai lý do căn bản sau đây:

Thứ nhất, Ủy ban châu Âu cho rằng mặc dù hầu hết các thành viên WTO đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ để thực thi cam kết mức bảo vệ tối thiểu do TRIPS áp đặt, nhưng “mức độ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả vẫn tiếp tục gia tăng hàng năm”[3]. Do đó, cần tập trung vào việc chiến lược thực thi thay vì chỉ thiết lập quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc thực thi đó cần phải mạnh mẽ và chặt chẽ hơn mức hiện tại của TRIPS.

Thứ hai, Ủy ban châu Âu nhận định rằng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách mạnh mẽ là “lợi ích chung” của cả EU và các quốc gia đối tác. Cụ thể, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ không hiệu quả sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực một cách “rõ ràng và nghiêm trọng” đối với việc bảo vệ sức khỏe và người tiêu dùng ở các quốc gia đối tác. Ngoài ra, “việc thực thi hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ thiết yếu để thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ và bí quyết, cũng như để bảo vệ các chủ thể quyền ở các nước đang phát triển và kém phát triển nhất - những người đang bị chiếm đoạt tài sản trí tuệ... Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và hiệu quả, do đó, có thể góp phần vào xóa đói giảm nghèo và phát triển bằng cách tạo ra mối liên hệ với các cơ hội đầu tư, chuyển giao công nghệ, bảo vệ tri thức truyền thống, cải thiện các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn...”[4].

Từ nhận thức đó, các hiệp định thương mại tự do thuộc thế hệ thứ hai hướng tới việc thiết lập chuẩn mực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với TRIPS (TRIPS PLUS) thông qua phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” (“carrot and stick”)[5]. Các hiệp định này vận dụng hỗn hợp các khuyến khích hợp tác quốc tế và hợp tác kỹ thuật cho các quốc gia ưu tiên đã xác định trước, nhưng đi kèm với các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia không hợp tác và tăng cường vị thế của các bên tư nhân trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Một điểm quan trọng trong chiến lược của EU là xây dựng nhận thức mới về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở tất cả các cấp độ. Việc này là cơ sở và định hướng cho cuộc đối thoại chính trị mà EU muốn tiến hành ở cấp độ đa phương và nó nhằm mục đích tạo ra nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia, cũng như cho việc đào tạo về thực thi quyền cho các tổ chức và chủ thể quyền. Tóm lại, đặc trưng nổi bật của thế hệ thứ hai về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hiệp định thương mại EU là quảng bá và thúc đẩy hướng tiếp cận về chuẩn mực thực thi quyền sở hữu trí tuệ cao với quy mô lớn, đi kèm với việc đe dọa thực tế về các lệnh trừng phạt theo quy định pháp luật quốc tế đối với quốc gia không hợp tác.

Kể từ năm 2006, EU bắt đầu hướng tới một thế hệ hiệp định thương mại tự do mới hơn nữa, trong đó đặt trọng tâm vào nâng cao mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đồng thời cam kết tạo ra sự cân bằng giữa các chính sách của thế hệ thứ nhất và thứ hai của EU về phát triển bền vững và hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ[6]. Đặc trưng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ ba này là quy định chi tiết các tiêu chuẩn về bảo hộ và thực thi rất cao đối với các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Từ góc độ so sánh, chính sách sở hữu trí tuệ trong giai đoạn mới của EU dường như đi theo thiên hướng lập trường “cứng rắn” mà Hoa Kỳ thường đưa ra trong các hiệp định thương mại tự do của mình. Những thay đổi này phản ánh mục tiêu được đề ra trong chiến lược "Global Europe” về việc sử dụng các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại song phương để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của châu Âu. Phạm vi và nội dung của các hiệp định thương mại tự do “thế hệ mới" này đã thể hiện rô trọng tâm của EU về bảo hộ sở hữu trí tuệ: lần đầu tiên các hiệp định này có các chương riêng, độc lập quy định rất cụ thể và chi tiết về bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.

2. Thẩm quyền pháp lý của Liên minh châu Âu

Thẩm quyền chung này thể hiện qua các án lệ chính sau đây: Vụ việc đầu tiên phát sinh trước khi quyền sở hữu trí tuệ được điều chỉnh bởi các điều ước của EU nhân việc ký kết các hiệp định WTO. Trong Ý kiến số 1/94, Toà cho rằng EU không thể độc quyền ký kết Hiệp định. Lý do là bởi vì các quyền sở hữu trí tuệ không liên quan cụ thể đến thương mại quốc tế; các quyền này tác động thương mại nội địa tương tự, nếu không muốn nói là nhiều hơn thương mại quốc tế, và nếu cho phép EU độc quyền ký thì sẽ tạo điều kiện cho các chế định EU vi phạm các yêu cầu bỏ phiếu nội bộ và các giới hạn đặt ra đối với việc hài hoà luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tranh chấp thứ hai liên quan đến bất đồng giữa Ủy ban và Hội đồng liên quan đến thẩm quyền đưa ra lập trường về việc Việt Nam gia nhập WTO trong khuôn khổ Đại hội đồng WTO. Vụ việc được bãi bỏ trước khi Toà đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng Advocate General (AG) Kokott cho rằng thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không thuộc độc quyền cả EU, mà được chia sẻ với các quốc gia thành viên trong trường hợp EU không thực thi thẩm quyền của mình. Cuối cùng, tranh chấp phát sinh liên quan đến tính hợp pháp của Hiệp định Thương mại Chống hàng giả (ACTA), mà Nghị viện EU đã bỏ phiếu phủ quyết thông qua một phần là vì thẩm quyền của EU trong hài hoà việc thực thì thẩm quyền hình sự đối với sở hữu trí tuệ vẫn đang còn tranh cãi[7].

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chỉ từ khi Hiệp định TRIPS được thông qua, sở hữu trí tuệ mới bắt đầu len lỏi vào các chương trình nghị sự thương mại của EU. Về nguyên tắc, EU chỉ có thể hoạt động trong phạm vi giới hạn thẩm quyền được các thành viên trao cho thông qua các điều ước (nguyên tắc ủy quyền principle of conferral)[8]. Do đó, trước khi có Hiệp ước Lisbon, thẩm quyền đối ngoại của EU trong lĩnh vực này là thẩm quyền chung (shared competence) giữa EU và các quốc gia thành viên”. Điều này dẫn đến thực tiễn “kết hợp” giữa các quốc gia thành viên và EU trong việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Hiệp ước Lisbon đã đặt dấu mốc cho thời kỳ độc quyền về đôi ngoại của EU. Khoản 3 và khoản 4 Điều 207 TFEU (Hiệp ước về chức năng của Liên minh Châu Âu) quy định EU có “thẩm quyền ký kết các hiệp định với một hay nhiều hơn các nước thứ ba”[9]. Theo khoản 1 Điều 207, thẩm quyền của EU trong việc thiết lập chính sách thương mại chung cũng bao hàm cả “các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ”. Như vậy, khi đàm phán và ký kết các hiệp định quốc tế liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách thương mại chung, các quốc gia thành viên không bắt buộc phải tham gia. Việc Hiệp ước Lisbon quy định thẩm quyền của EU bao hàm cả các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ cùng với giao dịch dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên cơ sở pháp lý là chính sách thương mại chung độc quyền theo khoản 1 Điều 207 của TFEU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa vào các hiệp định các chương sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi điều chỉnh của thẩm quyền EU liên quan đến chính sách thương mại chung, đồng thời điều chỉnh vấn đề sở hữu trí tuệ thông qua các hiệp định thương mại tự do và các biện pháp tương tự. Lập trường này cũng phù hợp với mục tiêu duy trì vị trí của EU với vai trò là chủ thể kinh tế toàn cầu trên trường quốc tế nơi mà giao thương về dịch vụ, các tài sản vô hình và đầu tư chiếm vị trí chiến lược mà trước đây vốn chỉ là giao thương về hàng hóa[10].

Thay vì xác định bản chất của một điều khoản hay quy tắc liên quan đến thương mại quốc tế, Tòa chỉ đơn giản cho rằng TRIPS về bản chất có liên quan đến thương mại bởi vì nó được thể hiện trong khuôn khô một hiệp định thương mại.

Ngoài ra, Điều 207 TFEU cũng đã đưa ra một số thay đổi liên quan đến thủ tục bỏ phiếu của Hội đồng. Tương tự như quy định tại khoản 5 Điều 133 Hiệp ước EC, khoản 4 Điều 207 TFEU yêu cầu Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc đa số phiếu. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 133 cho phép hai ngoại lệ, trong đó có ngoại lệ liên quan đến quyết định của Ủy ban châu Âu phải là đồng thuận khi các hiệp định thương mại bao gồm các điều khoản mà cần phải áp dụng nguyên tắc đồng thuận để thông qua các quy tắc nội bộ. Điều khoản này nhằm mục đích đảm bảo nguyên tắc “song hành" (parallelism) liên quan đến việc thông qua các quy tắc nội bộ và đối ngoại mà theo đó Hội đồng phải đồng thuận trong việc thông qua các quy tắc nội bộ và tương tự như vậy đối với việc thông qua các hiệp định thương mại có nội hàm tương tự.

Điều này cũng đặt ra vấn đề là liệu ngoại lệ này có hệ luỵ gì đối với các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ hay không bởi vì việc bỏ phiếu của Hội đồng theo đa số phiếu đã trở thành nguyên tắc theo Hiệp ước Lisbon. Theo đoạn 1 Điều 118 TFEU, các biện pháp để thiết lập các quyền sở hữu trí tuệ của châu Âu nhằm mục đích bảo hộ thống nhất quyền sở hữu trí tuệ trên toàn Liên minh cũng như các biện pháp để xây dựng các dàn xếp nhằm giám sát, điều phối và ủy quyền tập trung trên phạm vi toàn liên minh không yêu cầu sự đồng thuận của Hội đồng. Do vậy, ngoại lệ tại đoạn 2 khoản 4 Điều 207 không áp dụng đối với việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại trong lĩnh vực các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ.

Như vậy, liên quan đến thẩm quyền của EU, có thể kết luận rằng tất cả các biện pháp sở hữu trí tuệ có mối liên hệ cụ thể với thương mại thuộc phạm vi độc quyền của thẩm quyền chính sách thương mại chung. Theo đó, không những mục tiêu và nội dung của một biện pháp sở hữu trí tuệ cụ thể mang tính quyết định, mà bối cảnh mà biện pháp đó được đưa ra cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Các chương về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại song phương, do có tính chất liên quan đến thương mại rõ rệt nên thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 207 TFEU.

Do vậy, EU có thể tránh được vấn đề nan giải về phân chia thẩm quyền thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại hỗn hợp có bao gồm một chương hình sự hóa các vi phạm sở hữu trí tuệ. Đối với các hiệp định này, vấn đề thẩm quyền chỉ phát sinh khi liên quan đến việc thực thi nội bộ, bởi vì theo luật quốc tế và luật châu Âu, sau khi một điều ước có hiệu lực, EU và các quốc gia thành viên đều phải thực thi và áp dụng điều ước đó. EU không thể đưa ra các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ mâu thuẫn nhau trong các điều ước quốc tế của mình bởi vì EU vẫn phải tuân thủ với các quy định có liên quan trong nội luật. EU hay các quốc gia thành viên cũng không thể đưa ra các văn bản mâu thuẫn với các tiêu chuẩn của EPAs (Hiệp định đối tác kinh tế), FTAs (Hiệp định thương mại tự do), hay các biện pháp sở hữu trí tuệ ràng buộc EU.

Như vậy, vai trò quan trọng của EU trong đảm bảo yếu tố sở hữu trí tuệ khi ký kết các hiệp ước thương mại là EU cần phải bảo đảm tính nhất quán trong các EPAs, FTAs, và các biện pháp về sở hữu trí tuệ ràng buộc EU và các nước thành viên.

 


[1] Jaeger, Thomas: The EU approach to IP protection in partnership agreements, in Intellectual Property and Free Trade Agreements in the Asia-Pacific Region, Springer, Berlin, Heidelberg, 2015

[2] European Commission, Directorate for Trade 2005, Strategy for the Enforcement of Intellectual Property Rights in Third Countries, OJ C129/3 of 26 May 2005.

[3] European Commission, Directorate for Trade 2005, Strategy for the Enforcement of Intellectual Property Rights in Third Countries, OJ C 129/3 of 26 May 2005, Annex I

[4] European Commission, Directorate for Trade 2005, Strategy for the Enforcement of Intellectual Property Rights in Third Countries, OJ C 129/3 of 26 May 2005, Annex

[5] Jaeger, Thomas: The EU approach to IP protection in partnership agreements, in Intellectual Property and Free Trade Agreements in the Asia-Pacific Region, Springer, Berlin, Heidelberg, 2015

[6] . Một trong những hiệp định đầu tiên quan trọng thuộc thế hệ này là Hiệp định giữa EU với Cariforum (Thuật ngữ này chỉ nhóm các nước Caribbean) vào năm 2008. Xem Economic Partnership Agreement between the Cariforum States and European Community, 2008, OJ L 289/3 (СЕРА)

[7] Opinion 1/94 [1994] ECR I-5267; Case C-13/07 European Commission v Council of the European Union (Vietnam) EU:C:2009:190, Opinion of AG Kokott, đoạn 85; European Parliament (Directorate-General for External Policies): The Anti-Counterfeiting Trade Agreement (ACTA): An Assessment, 6/2011, EP/EXPO/B/INTA/FWC/2009-01/Lot7/12, pp.29-30

[8] Communication from the Commission to the Council, the European Parliament, the European Economic and Social Committee and the Committee of the Regions: Global Europe: Competing in the world: A contribution to the EU's Growth and Jobs Strategy, COM(2006) 567 final, European Commission 2006, Communication: Global Europe, 2006,

[9] Khả năng của EU trong việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ với tư cách là một phần của Chính sách thương mại chung được quy định lần đầu tiên tại Điều 113 Hiệp ước Thiết lập cộng đồng châu Âu. Hiệp ước Nice sửa “sở hữu trí tuệ” thành “các khía cạnh thương mại của sở hữu trí tuệ” tại Điều 133 Hiệp ước Thiết lập cộng đồng châu Âu. Cả hai điều khoản đều tách biệt lĩnh vực sở hữu trí tuệ ra khỏi các lĩnh vực khác của Chính sách thương mại chung. Xem thêm Christophe Hillion and Panos Koutrakos (eds): Mixed Agreements Revisited-The EU and Its Member States in the World, Hart Publishing, 2010

[10] Tuomas Mylly: Constitutional Functions of the EU's Intellectual Property Treaties in: Drexl J, Grosse Ruse Khan H, Nadde-Phlix S (eds): EU Bilateral Trade Agreements and Intellectual Property: for better or worse?, Springer, Heidelberg, 2013

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành