Thứ năm, 18 Tháng 4 2024 09:09

Khái quát về kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của một số nước Châu Á trong thực hiện các cam kết Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới

Tốc độ chuyển đổi công nghệ nhanh chóng đã mang lại những thay đổi lớn cho cơ chế thị trường trên toàn thế giới. Từ những liên kết giao thương giữa các quốc gia có mối liên hệ thuận lợi về mặt địa lý đến sự phát triển của các khu vực kinh tế với sự ra đời của: Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC); Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA);... và ngày nay với sự phát triển vượt bậc sau các cuộc cách mạng công nghiệp đã đưa các quốc gia tới những kết nối mang tính toàn cầu. Ngoài các liên kết đa phương như: WTO (Tổ chức thương mại Thế giới), TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), Bern (Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật), Hiệp ước Paris , v.v.. những liên kết song phương và khu vực cũng đang phát triển rất mạnh mẽ với các Hiệp định thương mại tự do liên khu vực, liên quốc gia, điều này thật sự đã tạo ra một cuộc chơi lớn với nhiều thách thức cho các quốc gia ở khu vực có nền kinh tế kém phát triển hơn. Trong xu hướng phát triển của nền kinh tế dựa trên tri thức và thành quả sáng tạo, tài sản trí tuệ đang ngày càng được quan tâm và bảo vệ ở những mức độ cao hơn, mà trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay, các điều khoản này được gọi là TRIPS PLUS. Nhìn vào các quốc gia phát triển, những tiêu chuẩn TRIP PLUS đó dường như là một chuyện đương nhiên, bởi nó đã được áp dụng trong hệ thống pháp luật của các quốc gia phát triển từ lâu, như Hoa Kỳ hay các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, khi áp dụng những tiêu chuẩn cao như vậy vào các quốc gia đang phát triển như khu vực châu Á thì nó có thể sẽ là cả một cuộc cách mạng. Đối với nhiều quốc gia châu Á trong vài thập kỷ trước dường như không có sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc có luật từ thời thuộc địa hầu như không được sửa đổi kể từ khi giành được độc lập và dần dần những quy tắc này không thể áp dụng được nữa. Quay trở lại lịch sử những năm 1980, khi các quốc gia châu Á chuyển đổi mô hình kinh tế từ nhập khẩu sang phát triển dựa vào xuất khẩu và tập trung mạnh mẽ vào thu hút đầu tư nước ngoài, là một mảnh đất màu mỡ thu hút các nguồn đầu tư từ châu Âu hay châu Mỹ. Đây có thể là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi khi các quốc gia đang phát triển có thể cung cấp nguồn nhân lực rẻ hay mặt bằng xây dựng các khu công nghiệp, chế xuất. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển có thể nhận lại những chuyển giao công nghệ để phát triển nên kinh tế. Tuy nhiên, các quốc gia phát triển luôn có mối lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm[1]. Chính bởi vậy, các nhà đầu tư từ các nền kinh tế công nghiệp phát triển luôn cần các tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn hệ thống bảo hộ hiện hữu ở các quốc gia đang phát triển. Vậy, hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các quốc gia châu Á đã phát triển như thế nào. Xu hướng tham gia các hiệp định thương mại tự do của các quốc gia châu Á ra sao trước những yêu cầu và thách thức mới trong quá trình tự do thương mại này? Kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ hướng tới thực thi cam kết trong các FTA ở một số quốc gia điển hình của châu Á.

Châu Á không có sự thống nhất kinh tế khu vực như Liên minh châu Âu. Khi nghiên cứu về châu Á được xem xét theo các khu vực như: Bắc Á, Trung Á, Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á, Tây Á. Do nền kinh tế các quốc gia châu Á có sự phát triển không đồng đều, lại đa dạng về bối cảnh văn hóa - xã hội nên các mối liên kết kinh tế ở cấp độ châu lục rất khó hình thành. Ngay cả ở quy mô nhỏ, hầu hết các tiểu khu vực thuộc châu Á khi xây dựng các thỏa thuận khung về sở hữu trí tuệ vẫn chủ yếu dựa trên các quy định của TRIPS. Ví dụ như ASEAN, các khuôn khổ chung về sở hữu trí tuệ chịu sự điều chỉnh của Thỏa thuận khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ và các chương trình hành động theo thỏa thuận này. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng chủ yếu hướng tới việc thực hiện Hiệp định TRIPS mang tính phối hợp giữa các thành viên ASEAN'. Do đó, không có nghĩa vụ nội khối ASEAN nào về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác với các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh ấy, một số quốc gia châu Á đã nhanh chóng tìm kiếm các cơ hội hợp tác song phương, khu vực để tận dụng các thế mạnh riêng nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, sự nổi lên của các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản... cũng như những bất ổn mà các quốc gia châu Á phải hứng chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã khiến nhiều cách thức phát triển kinh tế mới được thiết lập. Các quốc gia khu vực châu Á có xu hướng tìm kiếm sự hợp tác từ các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia có sự khác biệt về mặt địa lý, khu vực để có thể hỗ trợ cho sự thiếu hụt trong cán cân phát triển kinh tế). Theo sự phát triển đa dạng của nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia châu Á nhận thức rõ cần đảm bảo sự kết nối thương mại bên ngoài nên đã để mở các nguồn lực cho các liên kết kinh tế khu vực. Và ngược lại, dùng các liên kết kinh tế khu vực để thúc đẩy các nguồn lực nội địa. Do đó, các quốc gia châu Á thường thể hiện sự sẵn sàng thu hút không chỉ các đối tác đã quen thuộc mà còn mở rộng hợp tác với những đối tác mới để giải quyết hiệu quả và kịp thời hơn những định hướng phát triển mà các bên cùng quan tâm. Do đó, việc gia tăng các FTA song phương hoặc đa phương là một xu hướng đáng mong đợi trong quá trình phát triển của khu vực châu Á cũng như trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ ràng về kiến trúc, cách tiếp cận, phạm vi và chiều sâu của các FTA giữa một bên là các quốc gia châu Á và bên kia là các nền kinh tế phát triển. Hầu hết nội dung về sở hữu trí tuệ trong các FTA giữa các quốc gia châu Á cơ bản đều cùng dựa trên một khung thể chế chung (dựa trên các tiêu chuẩn căn bản của TRIPS cũng như các quy tắc của WTO). Trong khi đó, nội dung về sở hữu trí tuệ trong các FTA với những quốc gia phát triển ở các khu vực khác lại thường có những điều khoản TRIPS PLUS rõ rệt dù rằng một vài FTA ban đầu chưa có nhiều điều khoản TRIPS PLUS như AANZFTA (ASEAN - Ôxtrâylia, Niu Dilân). AANZFTA có chương riêng quy định về sở hữu trí tuệ với nội dung liên quan đến bản quyền và các quyền liên quan, việc sử dụng phần mềm, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của chính phủ cũng như nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian. Một số điều khoản thực thi về quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả nghĩa vụ theo hiệp ước và cam kết nỗ lực tốt nhất, đa phần chỉ lặp lại tương ứng với nội dung của TRIPS. Trong khi đó, các điều khoản TRIPS PLUS, số lượng quá ít, cũng không gây ảnh hưởng quá nhiều tới nghĩa vụ thực thi của hai bên. So với các FTA thế hệ mới, các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong AANZFTA vẫn ở mức khá căn bản, nhưng Hiệp định này lại đóng vai trò là bước đệm và cầu nối trong việc xây dựng các FTA sau này với các quốc gia phát triển[2].

Liên minh châu Âu khi tham gia các FTA với các quốc gia khác đều có chung mẫu điển hình bao gồm một chương riêng liên quan đến sở hữu trí tuệ chứa các điều khoản mở rộng nhưng tương đôi đồng nhất về quyền sở hữu trí tuệ[3]. Nhiều điều khoản ở đây có bản chất là TRIPS PLUS, đặc biệt là những quy định về chỉ dẫn địa lý. Do đó, khi đàm phán các FTA với các đối tác EU sẽ là một thách thức lớn đối với các quốc gia châu Á để hài hòa được lợi ích của hai bên.

Ở một khía cạnh khác, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp trong môi trường kỹ thuật số. Vì sự liên kết với quyền riêng tư, các quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số phải chịu các mức độ hạn chế khác nhau trong bối cảnh thương mại mở, cạnh tranh kinh doanh và tiếp cận công cộng mặc dù các quyền này có thể tạo ra tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển và phúc lợi của quốc gia. Do đó, cần một cơ chế để phát triển quyền sở hữu trí tuệ, cũng như để tăng cường bảo vệ và thực thi các quyền này. Đây là những khó khăn hiện hữu mà có thể xuất hiện cả ở các nước có thu nhập trung bình cao tại châu Á. Bên cạnh đó, với sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là bối cảnh toàn cầu hóa đã khiến cho các quốc gia trở nên tự do hơn nhưng cũng bị ràng buộc nhiều hơn bởi sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Trong quá trình này, những thay đổi quan trọng trong các trung tâm kinh tế toàn cầu và khu vực đã diễn ra, dẫn đến những thay đổi liên tục trong quan hệ xuyên biên giới, mô hình hoạt động kinh doanh và các liên minh chiến lược. Một bức tranh đa dạng hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở châu Á đã xuất hiện và không thể thiếu vai trò của một số quốc gia đóng vai trò bảo hộ cao với năng lực công nghệ đáng kể, chẳng hạn như Nhật Bản, tiếp theo là các nền kính tế mới công nghiệp hóa như Xingapo và Hàn Quốc. Việc các nền kinh tế này chuyển đổi sang các tiêu chuẩn cao hơn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã dẫn đến các thỏa thuận với Hoa Kỳ và EU đặt ra các tiêu chuẩn cao; đặt nền móng cho sự hội nhập các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các quốc gia kém phát triển hơn ở châu Á.

Tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều thách thức trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng các tiêu chuẩn cao hơn như vậy, các quốc gia châu Á đã làm như thế nào để đảm bảo việc thực thi các cam kết đó. Trong khi, sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực rất dễ bị xâm phạm khi nền kinh tế thị trường mở cửa và các quốc gia phải thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia với các quốc gia tham gia ký kết hiệp định. Ở châu Á, một số quốc gia điển hình với việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phải kể đến như: Hàn Quốc, Xingapo, Nhật Bản, Trung Quốc, v.v.. Trong đó một số Hiệp định khu vực có thể kể đến như: Hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là Hiệp định đầu tiên được đề xuất và thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào tháng 11/2001; Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2002 (ACFA). Đây là hai hiệp định quan trọng đánh dấu bước ngoặt cho sự tham gia vào các FTA của ASEAN và Trung Quốc theo đuổi bên ngoài khuôn khổ đa phương. Sau đó một làn sóng các FTA giữa ASEAN và các nước trong khu vực được thực hiện: Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản (AJFP), Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế tổng hợp giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Hàn Quốc (AKFA); ASEAN - India Free Trade Agreement năm 2004 (AIFTA); ASEAN Japan Comprehensive Economic Partnership Agreement năm 2009 (AJCEPA); ASEAN - Korea Free Trade Agreement năm 2007 (AKFTA); ASEAN - Australia New Zealand FTA năm 2009 (AANZFTA); ASEAN - European Union Free Trade Agreement năm 2007... Một số hiệp định song phương của các quốc gia châu Á với các quốc gia phát triển và các quốc gia trong khu vực, có tác động lớn tới hệ thống sở hữu trí tuệ của các quốc gia châu Á có thể kể đến như: Nhật Bản - Xingapo FTA; Nhật Bản - Thụy Sỹ FTA; Trung Quốc - Niu Dilân FTA (CNZFTA); Hoa Kỳ - Xingapo FTA (USSFTA); Hàn Quốc - Hoa Kỳ FTA; Malaixia - Hoa Kỳ FTA; Malaixia - Liên minh châu Âu FTA (MEUFTA), vv…

Có thể nói, sự phát triển của các quốc gia châu Á không đồng đều với một số quốc gia đã dần vươn lên trở thành một trong số các quốc gia phát triển; kèm theo đó là sự hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ đáp ứng đầy đủ các cam kết trong các FTA thế hệ mới.

 


[1] Christoph Antons and Reto M. Hilty: Intellectual Property and Free Trade Agreements in the Asia-Pacific Region, MPI Studies on 2016 estual Property and Competition Law, Volume 24, Springer. 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook),

[2] Christoph Antons and Reto M. Hilty: Intellectual Property an Free Trade Agreements in the Asia-Pacific Region, MPI Studies of Intellectual Property and Competition Law, Volume 24, Springe 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook)

[3] Christoph Antons and Reto M. Hilty: Intellectual Property and Free Trade Agreements in the Asia-Pacific Region, MPI Studies on Intellectual Property and Competition Law, Volume 24, Springer, 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành