Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 09:57

Giới thiệu khái niệm pháp luật hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

1. Khái niệm về ngân hàng thương mại

Để phục vụ cho phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế, cá nhân, với đặc thù kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, hệ thống ngân hàng ra đời nhằm giải quyết nhu cầu phân phối vốn, như cầu thanh toán trong nền kinh tế hàng hóa. Hệ thống ngân hàng thương mại đã biến đổi từ đơn giản, sơ khai thành các ngân hàng hiện đại, các tập đoàn tài chính lớn, đa quốc gia có mối liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên sự thống nhất trong điều hành và vận hành của hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của sự phát triển kinh tế.

Các ngân hàng thương mại có sự khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển về tư tưởng kinh tế, các dịch vụ mang tính chất đặc thù, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng quốc gia nhưng đều có chung một khái niệm thống nhất: Ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian thực hiện việc kết nối giữa tiết kiệm và đầu tư của các tổ chức và cá nhân, thu hút vốn từ nơi nhàn rỗi và bơm vào nơi khan thiếu. Nói cách khác, ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh tế chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ và tín dụng, nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế, sau đó thực hiện nghiệp vụ cho vay và đầu tư nhằm mục đích sinh lời, đồng thời thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng và thanh toán cho các tác nhân trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể được định nghĩa thông qua chức năng, các dịch vụ hoặc vai trò mà ngân hàng thực hiện trong nền kinh tế.

Ngân hàng là các tổ chức tài chính thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế. Các dịch vụ tài chính do ngân hàng cung cấp là đa dạng nhất, đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm, dịch vụ thanh toán nên nó có vai trò quan trong trong nền kinh tế. Ngân hàng thương mại có vai trò trung gian, thực hiện việc chuyển các khoản tiết kiệm thành đầu tư góp phần giải quyết được mâu thuẫn của tín dụng trực tiếp trong nền kinh tế, hạn chế và phân tán rủi ro, giảm thiếu chi phí giao dịch trong hoạt động tién dụng của các tác nhân trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó ngân hàng thương mại là tổ chức cung cấp tín dụng với quy mô lớn nhất, là nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường trái phiếu, tín phiếu phát triển, đồng thời cũng là nơi huy động và cung cấp các khoản vốn dài hạn, trung hạn và ngắn hạn cho các cá nhân và tổ chức kinh tế.

Với vai trò thanh toán, ngân hàng thương mại thay mặt khách hàng thực hiện các khoản thanh toán từ việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ thông qua việc phát hành séc, thẻ thanh toán và cung cấp mạng lưới thanh toán điện tử khác, kết nối các quỹ và cung cấp tiền khi khách hàng cần đang là xu thế phát triển ở các quốc gia trên thế giới. Cùng với việc phát triển và chuẩn hóa các hình thức thanh toán quốc tế đã góp phần tạo tính thống nhất trong thanh toán không chỉ giữa các ngân hàng trong một quốc gia mà còn giữa các ngân hàng trên toàn thế giới. Đồng thời, với sự ra đời của các trung tâm thanh toán quốc tế đã làm tăng tính hiệu quả của thanh toán qua ngân hàng, biến ngân hàng trở thành trung tâm thanh toán quan trọng và có hiệu quả, phục vụ cho nền kinh tế toàn cầu.

Các ngân hàng thương mại thường nắm giữ lượng tiền gửi của khách hàng nên ngân hàng có vai trò cũng như uy tín trong bảo lãnh cho khách hàng, bởi khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại đối với một khách hàng là khá lớn. Ngân hàng thương mại sẽ đứng ra cam kết trả nợ cho khách hàng trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán với vai trò bảo lãnh. Các trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh thường là để mua chịu hàng hóa, trang thiết bị, phát hành chứng khoán, vay vốn của các tổ chức tín dụng khác.

2. Khái niệm về pháp luật về hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại

Pháp luật về hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại là một bộ phận của pháp luật ngân hàng nói chung, bởi vậy thể hiện đầy đủ tính chất của pháp luật ngân hàng. Đó là sự điều chỉnh các quy tắc xử sự thể hiện ý chí của Nhà nước nhằm mục tiêu cụ thể. Nội hàm pháp luật về hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại chịu sự ảnh hưởng của cách tiếp cận và xác định phạm vi hoạt động đầu tư do ngân hàng thương mại thực hiện.

Hiểu theo nghĩa rộng, pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại bên cạnh các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại còn bao gồm cả các quy định nội bộ của ngân hàng thương mại và các giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng. Điều này xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại được Nhà nước trao quyền trong việc đặt ra các quy định cụ thể trong việc góp vốn đầu tư. Ví dụ: Theo Điều 4 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-NHNN ngày 21/02/2023 hợp nhất Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thì tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng. Như vậy, các ngân hàng thương mại như là “cánh tay nối dài" của các chủ thể có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật, ngân hàng thương mại cần đặt ra quy định nội bộ đề cập vấn đề quy định về cơ cấu tổ chức, cơ chế phân cấp, ủy quyền và chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận quản lý đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; các nguyên tắc, chính sách, quy trình nhận dạng, đo lường, theo dõi, kiểm soát, báo cáo và trao đổi thông tin về rủi ro để tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong hoạt động cấp tín dụng, đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung cho các ngân hàng thương mại, vì mỗi ngân hàng thương mại có những chiến lược kinh doanh riêng, những đặc thù riêng trong việc cấp tín dụng, đầu tư. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại sẽ được tự chủ trong các hoạt động đầu tư nhưng trong khuôn khổ của pháp luật là tuân thủ các giới hạn đầu tư và hướng tới mục tiêu là bảo đảm an toàn[1].

Ngoài quy định nội bộ của các ngân hàng thương mại, thì giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại cũng là một văn bản cực kỳ quan trọng, là cơ sở để xem xét hành vi của các chủ thể tham gia vào hoạt động đầu tư vốn có đúng hay không. Các quy định về hoạt động đầu tư vốn của các ngân hàng thương mại thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết, ủy thác đầu tư có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế và thực thi khác nhau theo thời gian.

Từ các phân tích trên, có thể hiểu, pháp luật về hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại là hệ thống các quy tắc xử sự, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình ngân hàng thương mại thực hiện, sử dụng nguồn vốn, tài sản của ngân hàng thương mại để thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm mục tiêu lợi nhuận thông qua các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, hoạt động đầu tư chứng khoán và hoạt động ủy thác đầu tư.

3. Đặc điểm của pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, pháp luật về hoạt động đầu tư vốn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật. Luật chuyên ngành trực tiếp là Luật Các tổ chức tín dụng, bên cạnh đó là Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư khi thực hiện các hoạt động đầu tư cụ thể. Do vai trò và chức năng hoạt động ngân hàng và tính chất đặc trưng của các hoạt động trên thị trường tài chính nên đòi hỏi hệ thống pháp luật chuyên ngành trong từng hoạt động trên các lĩnh vực của thị trường điều chỉnh riêng.

Thứ hai, pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chuyên ngành. Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động sử dụng vốn đầu tư, Ủy ban Chứng khoán trong việc quản lý nguồn vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý vốn đầu tư vào từng lĩnh vực ủy thác đầu tư, thành lập công ty con.

Thứ ba, pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại chứa đựng nhiều rủi ro nên đòi hỏi cần có sự quản lý, kiểm soát và quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại.

Như vậy, có thể thấy các ngân hàng thương mại vừa thực hiện các hoạt động cấp tín dụng vừa thực hiện các hoạt động đầu tư vốn nhằm ngày càng bảo đảm tính bền vững trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại thực hiện chức năng cấp tín dụng là phương thức hỗ trợ đầu tư phát triển kinh doanh, tiêu dùng cho nhiều chủ thể khác nhau (các tổ chức kinh tế, các cơ quan thuộc Chính phủ, các cá nhân và hộ gia đình). Những khoản cấp tín dụng phổ biến dưới hình thức cho vay có thể góp phần đem lại việc làm và thu nhập cho rất nhiều người dân, mặc dù trong số đó không phải ai cũng vay vốn trực tiếp của ngân hàng thương mại nhưng họ cũng là những người hưởng lợi gián tiếp từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

 


[1] Xem: Khoản 3 Điều 19 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN- ΝΗΝΝ.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành