Thứ năm, 11 Tháng 4 2024 10:10

Khái quát về hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung

Trên thị trường chứng khoán tập trung, giá thị trường[1] được xem là công cụ để đo lường hữu hiệu giá trị của một cổ phiếu tại thời điểm xác định, khi cổ phiếu được niêm yết giao dịch tập trung tại Sở giao dịch chứng khoán. Giá cổ phiếu luôn là mục tiêu hàng đầu mà các nhà đầu tư hướng đến để hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược tìm kiếm lợi nhuận của mình khi tham gia giao dịch trên thị trường. Trong điều kiện bình thường của thị trường, những quyết định đầu tư sẽ phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố giá trị cơ bản của cổ phiếu, kinh tế vĩ mô, tin tức và xu hướng của thị trường. Khi đó ý chí đầu tư (được thiết lập bởi hành vi giao dịch hợp pháp tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán) là giải ngân một khoản đầu tư vào cổ phiếu mà theo phân tích, nhận định, dự báo là có tiềm năng tăng giá và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho khoản đầu tư của mình trong tương lai. Xu hướng phổ biến trong tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn là mua ở vùng giá thấp và chờ đợi cổ phiếu tăng giá để bán ở vùng giá cao, hạch toán lợi nhuận. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không chỉ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ bản chất vận hành theo quy luật của thị trường mà còn chứa đựng cả những hành vi giao dịch bất hợp pháp xuất phát từ các chủ thể không tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán và các thiết chế vận hành của thị trường nhằm trục lợi trên thị trường chứng khoán, tìm kiếm các khoản lợi nhuận phi pháp.

Thao túng giá cổ phiếu là một trong những hành vi giao dịch bất hợp pháp như vậy với khả năng kiểm soát hoàn toàn diễn biến giá của cổ phiếu theo hướng mà chủ thể thực hiện hành vi này mong muốn. Khi ấy, các quy luật của thị trường tác động đến giá cổ phiếu gần như bị vô hiệu hóa (quy luật cung cầu cũng không còn được phản ánh khách quan, đúng bản chất), dẫn đến những cơ sở phân tích và nhận định của các nhà đầu tư trở nên vô nghĩa trước bối cảnh không bình thường từ sự tạo lập giả tạo diễn biến giá cổ phiếu của chủ thể thao túng. Trong tình thế như vậy, đa phần các nhà đầu tư đều đặt câu hỏi: “vì sao giá cổ phiếu lại tăng?”, “vì sao giá cổ phiếu lại giảm?". Đối với một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thông thường, không có nhiều kiến thức chuyên về chứng khoán, họ nghi ngờ và thường cho rằng “đội lái” đang kéo lên hoặc thả xuống, trong khi đối với các chuyên gia họ hay sử dụng cụm từ là “ý đồ của đội tạo lập thị trường".

Trong khoa học pháp lý, hành vi này được ghi nhận là hành vi “thao túng giá cổ phiếu" trên thị trường chứng khoán tập trung. Để có thể kiểm soát hoàn toàn giá cổ phiếu, tạo cung cầu giả tạo hướng tác động lên giá cổ phiếu, buộc các chủ thể thực hiện hành vi thao túng phải sử dụng những kỹ thuật giao dịch ở trình độ cao, chuyên nghiệp và rất đặc thù trong hoạt động giao dịch chứng khoán mà không phải nhà đầu tư “tay ngang” nào cũng có thể am hiểu và nhận biết được.

Theo Ủy ban giao dịch Chứng khoán của Hoa Kỳ (SEC) thì thao túng thị trường được hiểu là hành vi cố ý và lập trình sẵn để kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến thị trường bảo mật đặc biệt của nhà đầu tư, gây trở ngại cho cung cầu cổ phiếu; các hoạt động mô phỏng tạo lập giả giá cổ phiếu, lừa dối người tham gia thị trường[2]. Pháp luật chứng khoán Việt Nam không đưa ra định nghĩa cụ thể như thế nào gọi là "thao túng giá cổ phiếu” mà chỉ định nghĩa chung về “thao túng thị trường chứng khoán" bằng kỹ thuật lập pháp là liệt kê các hành vi mang tính chất thao túng chứng khoán và thị trường chứng khoán bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021) (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) bao gồm các dạng hành vi sau:

  • Thứ nhất, sử dụng tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để mua, bán chứng khoán tạo cung cầu giả tạo;
  • Thứ hai, đặt lệnh mua, bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày hoặc thông đồng giao dịch nhưng không chuyển quyền sở hữu chứng khoán thực sự nhằm tạo giá, tạo cung cầu giả tạo;
  • Thứ ba, tạo mức giá mở cửa mới hoặc giá đóng cửa mới bằng cách đặt lệnh liên tục với khối lượng chi phối vào lúc mở cửa (ATO) hoặc đóng cửa (ATC) ngày giao dịch;
  • Thứ tư, cấu kết hoặc lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh gây ảnh hưởng cung cầu, giá chứng khoán;
  • Thứ năm, đưa ra ý kiến gián tiếp hoặc trực tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, tổ chức phát hành nhằm tạo ảnh hưởng đến giá sau khi đã giao dịch và nắm giữ vị thế chứng khoán;
  • Thứ sáu, dùng phương thức hoặc hành vi khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán.

Nhìn chung các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán được liệt kê đều dẫn đến kết quả là làm bóp méo cơ chế hình thành giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung. Các quy định này khá tương đồng với các hành vi được định nghĩa là “thao túng thị trường" của Chỉ thị 2003/6/EC ngày 28/01/2003 của Nghị viện Hội đồng Châu Âu về giao dịch nội gián và thao túng thị trường (lạm dụng thị trường)[3]. Theo chỉ thị này thì thao túng thị trường có nghĩa là:

- Các giao dịch hoặc lệnh giao dịch đưa ra hoặc có khả năng đưa ra các tín hiệu sai lệch hoặc gây hiểu nhầm về cung cầu hoặc giá; hoặc được thực hiện bởi một hoặc một số người phối hợp giao dịch làm cho giá ở mức bất thường hoặc giả tạo, trừ khi họ đưa ra được lý do thực hiện giao dịch như vậy là hợp pháp hoặc phù hợp thông lệ của thị trường;

- Các giao dịch sử dụng các thiết bị hư cấu hoặc bất kỳ hình thức lừa dối hoặc có liên quan nào khác;

- Phổ biến thông tin (bao gồm cả tin đồn và tin sai sự thật) qua phương tiện thông tin đại chúng, Internet hoặc bất kỳ các phương tiện thông tin nào khác mang lại hoặc có khả năng đưa ra các tín hiệu sai lệch hoặc gây hiểu nhầm[4].

Như vậy, hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung như sau:

Thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật khác có liên quan; được thực hiện bởi một hoặc một số cá nhân, tổ chức nhằm làm sai lệch cơ chế hình thành giá của cổ phiếu để kiểm soát sự tăng, giảm giá, tạo lập cung cầu một cách giả tạo, không theo các quy luật của thị trường, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hoặc ảnh hưởng đến trật tự giao dịch ổn định thị trường chứng khoán tập trung nhằm mục đích thu lợi trái pháp luật.

 


[1] Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định (khoản 4 Điều 4 Luật Giá năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020, 2022).

[2] Xem thêm: Dionigi Gegare, Charles Chew, Christopher Whittaker, Paul Mazzola: Stock Market Manipulation on the Hong Kong Stock Exchange, Australasian Accouting, Business and Finacial Journal, Issue 4 Special, 2014, tr.120, và dot v_{y} ban Chứng khoán Nhà nước: Thao túng thị trường chứng khoán - Góc nhìn pháp lý, Tạp chí Chứng khoán, số ấn phẩm 240, ngày 15/10/2018.

[3] "2."Market manipulation" shall mean:

(a) Transactions or orders to trade:

- Which give, or are likely to give, false or misleading signals as to the supply of, demand for or price of financial instruments, or - Which secure, by a person, or persons acting in collaboration, the price of one or several financial instruments at an abnormal or artificial level, unless the person who entered into the transactions or issued the orders to trade establishes that his reasons for so doing are legitimate and that these transactions or orders to trade conform to accepted market practices on the regulated market concerned;

(b) Transactions or orders to trade which employ fictitious devices or any other form of deception or contrivance;

(c) Dissemination of information through the media, including the Internet, or by any other means, which gives, or is likely to give, false or misleading signals as to financial instruments, including the dissemination of rumours and false or misleading news, where the person who made the dissemination knew, or ought to have known, that the information was false or misleading. In respect of journalists when they act in their professional capacity such dissemination of information is to be assessed, without prejudice to Article 11, taking into account the rules governing their profession, unless persons derive, directly or indirectly, an advantage or profits from the dissemination of the information in question".

[4] . Article 159 (2)(i)(ii)(iii) Act No.25 of 1948 (Đạo luật Công cụ tài chính) Nhật Bản cũng liệt kê hành vi thao túng chứng khoán bị cấm tương tự.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành