Thứ sáu, 12 Tháng 4 2024 08:58

So sánh các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới

Nhằm mục đích xây dựng một góc nhìn tổng quan về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung trong pháp luật nước ngoài, tác giả đã thực hiện chọn lọc nghiên cứu so sánh với một số quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển (như Hoa Kỳ, Nhật Bản) và ưu tiên so sánh với các quốc gia châu Á (như Xingapo, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philíppin, Thái Lan). Trên cơ sở nghiên cứu so sánh, tác giả tổng hợp kết quả so sánh và thể hiện trên ba phương diện: kỹ thuật lập pháp, hình thức trách nhiệm pháp lý và hình phạt.

1. Kỹ thuật lập pháp

Bối cảnh xây dựng luật điều chỉnh các hoạt động của thị trường chứng khoán ở các quốc gia là không tương đồng nên tùy theo trình độ lập pháp và thiết chế quản lý, vận hành của thị trường mà các quốc gia có thể xây dựng các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu ở các đạo luật chuyên ngành chứng khoán, luật về thị trường vốn hoặc quy định ở các đạo luật có liên quan. Nếu như pháp luật Việt Nam quy định trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự, xử phạt hành chính trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì đa phần các quốc gia lại quy định chung trong đạo luật về thị trường chứng khoán, chẳng hạn như: Hoa Kỳ (Luật Chứng khoán năm 1933, Luật Sở giao dịch chứng khoán năm 1934), Xingapo (Đạo luật về chứng khoán và Hợp đồng tương lai năm 2001), Nhật Bản (Luật Sở giao dịch và các công cụ tài chính), Hàn Quốc (Luật Chứng khoán và Hôi đoái, Luật Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tài chính), Thái Lan (Luật Giao dịch chứng khoán BE.2535,1992), Malaixia (Luật các dịch vụ và thị trường vốn Act.671). Ngoại lệ, Luật Chứng khoán Philíppin còn quy định chi tiết về hoạt động điều tra, truy tố và trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm này[1].

Về lý thuyết, quy định trách nhiệm pháp lý trực tiếp trong luật chuyên ngành sẽ thuận tiện hơn cho việc áp dụng pháp luật, nhưng dù có sự khác biệt trong kỹ thuật lập pháp, điều này chỉ tác động đến việc xác định nguồn luật điều chỉnh trực tiếp chứ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến mức độ hiệu quả điều chỉnh của luật. Ngược lại, việc xây dựng từng hình thức trách nhiệm pháp lý trong từng lĩnh vực pháp luật chuyên ngành (như hình sự, dân sự, hành chính) của hệ thống pháp luật Việt Nam lại bảo đảm sự thống nhất tuân thủ về mặt tố tụng đặc thù và tách biệt nguồn luật điều chỉnh các hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý tương xứng với mức độ vi phạm của hành vi. Với bối cảnh hệ thống pháp luật của Việt Nam như hiện nay thì việc Luật Chứng khoán năm 2019 không chi tiết hóa các quy định trách nhiệm pháp lý, tố tụng hành chính, điều tra, truy tố là phù hợp. Tuy vậy, sẽ là không thuận lợi nếu như có sự chồng chéo hoặc thiếu thống nhất quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này trong các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là ở Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy được sự khác biệt mang tính đặc thù, đó là việc quy định chi tiết về trách nhiệm hành chính đối với hành vi này trong Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP được ban hành bởi Chính phủ (cơ quan hành pháp) chứ không phải ghi nhận trực tiếp trong văn bản luật được ban hành bởi Quốc hội (cơ quan lập pháp). Sẽ là rất linh hoạt và khả thi cho Chính phủ trong việc sửa đổi, bổ sung một nghị định do chính mình ban hành, nếu như quá trình quản lý nhà nước cần phải có những thay đổi để có thái độ ứng xử phù hợp trước diễn biến, xu hướng phát triển của hành vi. Ngược lại, việc điều chỉnh một đạo luật được ban hành bởi cơ quan lập pháp sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

2. Hình thức trách nhiệm pháp lý trong pháp luật một số quốc gia

Phổ biến trong việc xây dựng trách nhiệm pháp lý đôi với hành vi này ở các quốc gia được nghiên cứu vẫn là xoay quanh ba hình thức trách nhiệm pháp lý chính là hình sự, hành chính (phạt dân sự) và dân sự (bồi thường thiệt hại) như pháp luật Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy nhiên, do việc thực thi quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với giao dịch mang tính đại chúng này là không khả thì nên ngoại lệ pháp luật chứng khoán của một số quốc gia khác (như Xingapo, Thái Lan,...) không quy định loại trách nhiệm này mà chỉ tập trung xây dựng hình thức trách nhiệm hình sự và phạt dân sự (hành chính). Ngoài ra, các hình phạt bổ sung như: “cấm đảm nhiệm chức vụ", "cấm kinh doanh”, “tước chứng chỉ hành nghề"; và các chế tài hành chính bổ sung như tịch thu buộc hoàn trả/nộp lại số tiền thu lợi bất chính, đình chỉ hành nghề cũng được ghi nhận trong pháp luật ở một số quốc gia.

2.1. Trách nhiệm hình sự theo pháp luật một số quốc gia

Hình phạt trong truy cứu trách nhiệm hình sự được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia vẫn là “phạt tù” và "phạt tiền".

• Đối với mức hình phạt tù: Phạt tù có thời hạn là phổ biến với mức tối đa đến 07 năm tù (Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 Việt Nam, Điều 204(1) Đạo luật về chứng khoán và Hợp đồng tương lai năm 2001 Xingapo,...) hoặc đến 10 năm tù (Điều 10(b)-5 của Đạo luật giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ năm 1934, Điều 197 của Bộ luật Hình sự Trung Quốc (Hồng Kông cũng quy định tương tự), Điều 397(3) Luật Thị trường và Dịch vụ tài chính năm 2000 của Anh). Điều 207(2) Luật Chứng khoán và Hối đoái của Hàn Quốc cũng phạt tù tối đa đến 10 năm tù, nhưng người phạm tội có thể bị xử phạt "tù chung thân" trong trường hợp số tiền lãi hoặc lỗ do hành vi phạm tội từ 05 tỷ Won trở lên.

• Đối với hình phạt tiền: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia là không đồng đều nên nhận thức khi xây dựng về mức hình phạt tiền tối đa đủ để bảo đảm sức răn đe tội phạm cũng sẽ là khác nhau. Xingapo quy định mức phạt tiền tối đa là 250.000 đô la Sing (SGD). (Điều 204) - gần bằng 4,26 tỷ đồng[2], Hồng Kông - Trung Quốc là 10 triệu đô la Hồng Kông - gần bằng 3,05 tỷ đồng[3], Hàn Quốc là không quá 20 triệu Won (Điều 207), Nhật Bản quy định không quá 30 triệu Yên (Điều 197),... trong khi đó con số này ở Việt Nam là không quá 04 tỷ đồng đối với cá nhân và không quá 10 tỷ đồng đổi với pháp nhân thương mại.

Mặc dù nhìn tổng quan thì mức phạt và hình phạt trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam và Xingapo là khá tương đồng với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là Xingapo cho phép áp dụng cùng lúc cả hình phạt tù tối đa 07 năm và hình phạt tiền tối đa 250.000 đô la Sing. trong khi Việt Nam chỉ áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt tù có thời hạn tối đa 07 năm hoặc phạt tiền tối đa 04 tỷ đồng đối với cá nhân và 10 tỷ đồng đối với pháp nhân thương mại. Như vậy, nếu muốn áp dụng cả hình phạt tù có thời hạn và phạt tiền thì Hội đồng xét xử phải xử phạt tiền bổ sung “tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân và tối đa 02 tỷ đồng với pháp nhân thương mại" phạm tội. Ngoài ra, việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm này đối với pháp nhân thương mại cũng là một sự tiến bộ của Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam khi mà chỉ có số ít các quốc gia có ghi nhận.

2.2. Mức phạt dân sự (hành chính) trong pháp luật một số quốc gia

Điều 232 (2, 3) Đạo luật về Chứng khoán và Hợp đồng tương lai năm 2001 của Xingapo quy định mức phạt dân sự tối đa 03 lần khoản lợi thu được hoặc khoản lỗ tránh được từ hành vi vi phạm hoặc tối đa 02 triệu đô la Sing nhưng không được ít hơn 100 nghìn đô la Sing (gần bằng 1,8 tỷ đồng) đối với doanh nghiệp và 50 nghìn đô la Sing (gần bằng 900 triệu đồng) đối với cá nhân[4]. Cách thức phạt dân sự này của Xingapo tuy thấp hơn về mức phạt so với phạt hành chính của Việt Nam nhưng hoàn toàn giống nhau về cấu trúc của chế tài. Về cách thức quy định phạt dân sự hoặc hành chính, tác giả nhận thấy cấu trúc chế tài của Xingapo và Việt Nam hiện nay ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ Luật Cưỡng chế lừa đảo chứng khoán và Giao dịch nội gián năm 1988 của Hoa Kỳ và phù hợp với bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu. Vì suy cho cùng, thị trường Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi, còn khá non trẻ nên mức phạt hành chính phải đủ sức răn đe để bảo đảm thiết chế hoạt động thị trường và bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường.

2.3. Bồi thường thiệt hại trong pháp luật một số quốc gia

Khoản 2 Điều 133 Luật Chứng khoán năm 2019 của Việt Nam, Điều 188-5 Luật Chứng khoán và Hối đoái của Hàn Quốc và Điều 160 Đạo luật Công cụ tài chính và Hồi đoái của Nhật Bản có những quy định về bồi thường thiệt hại khá tương đồng nhau về trách nhiệm bồi thường của đối tượng thao túng giá cổ phiếu gây ra và thời hiệu thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là 03 năm. Điểm khác biệt là thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam được tính “kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm", trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản quy định thời điểm tính thời hiệu là “sau khi hành vi vi phạm xảy ra hoặc 01 năm sau khi được thông báo về hành vi vi phạm".

3. Kết luận

Nhìn chung, mặc dù có sự khác biệt nhưng các quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam cơ bản đã gần như tiệm cận với pháp luật của các thị trường chứng khoán phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với điều kiện, bối cảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại và dự trù cho tương lai thì các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về vấn đề này cần phải được đánh giá, nghiên cứu và hoàn thiện hơn để có sự tương thích với thực tiễn áp dụng

 


[1] Bộ Tài chính: Bản nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán (tài liệu thuộc hồ sơ dự thảo Luật Chứng khoán năm 2019), tháng 01/2019, tr.3-5, https://phapluatdansu.edu.vn/wpcontent/uploads/2019/03/Kinh- nghiem-quoc-te-ve-Luat-chung-khoan.pdf.

[2] Theo tỷ giá (18.053) của Vietcombank ngày 30/8/2022.

[3] Theo tỷ giá (3.031) của Vietcombank ngày 30/8/2022.

[4] "232(2) If the court is satisfied on a balance of probabilities that the person has contravened a provision in this Part, the court may make an order against the person for the payment of a civil penalty of a sum not exceeding the greater of the following:

a) 3 times the amount of the profit that the person gained as a result of the contravention; or the amount of the loss that the person avoided as a result of the contravention;

b) $2 million.

(3) The civil penalty ordered under subsection (2) must not be less than in the case where the person is a corporation, $100,000; and in any other case, $50,000".

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành