Thứ tư, 24 Tháng 4 2024 09:27

Khái quát về trách nhiệm hình sự đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung

1. Tổng quan

Trong các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung thì trách nhiệm hình sự phản ánh thái độ nghiêm khắc ở mức cao nhất của Nhà nước đối với việc trừng phạt chủ thể vi phạm. Đây là hậu quả pháp lý bất lợi nhất mà chủ thể buộc phải gánh chịu trước Nhà nước thông qua bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thi hành. Tùy vào mức độ phạm tội mà chủ thể có thể bị áp dụng các chế tài hình sự (hình phạt) khác nhau của Nhà nước do pháp luật hình sự quy định như[1]: phạt tù (đối với cá nhân), phạt tiền, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cẩm kinh doanh, cấm hoạt động hoặc cấm huy động vốn (áp dụng đối với pháp nhân thương mại), các hình phạt bổ sung khác. Lần đầu tiên trách nhiệm hình sự đối với hành vi này được ghi nhận tại Điều 181c Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật Hình sự năm 1999) về “Tội thao túng giá chứng khoán" với hình phạt tù cao nhất lên đến 07 năm. Đến Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 211 đã mở rộng ra thành “Tội thao túng thị trường chứng khoán".

Về mặt nội hàm, hành vi thao túng giá cổ phiếu là một loại hành vi thao túng thị trường chứng khoán, còn thị trường chứng khoán tập trung là một hình thức của thị trường chứng khoán bên cạnh thị trường OTC nên đối tượng thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ vẫn bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong "Tội thao túng thị trường chứng khoán" được quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt tù cao nhất vẫn không đổi là 07 năm tù. Tuy nhiên, về nhận thức mặt khách quan của hành vi này thì giữa Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Chứng khoán năm 2019 lại có sự khác biệt cần phải nghiên cứu, đánh giá, làm rõ, đó là:

Cùng thống nhất tên gọi “thao túng thị trường chứng khoán" nhưng biểu hiện mặt khách quan của hành vi này tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 lại không ghi nhận hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán" trong khi quy định về mặt khách quan của hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP lại có thể hiện hành vi này.

Chủ thể thực hiện hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán" lại không thỏa mãn quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" nên không thể xử lý trách nhiệm hình sự theo tội phạm này[2];

Không còn tội phạm nào phù hợp để truy cứu đối với đối tượng thực hiện hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán".

Giả thuyết đặt ra cho sự khác biệt trong kỹ thuật lập pháp này là:

Giả thuyết 1: Thời gian ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là sau thời gian ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và thực tiễn chưa phát sinh vụ án hình sự nào liên quan đến hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán" nên hành vi này chưa kịp được ghi nhận bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc ban hành án lệ hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết.

Giả thuyết 2: Bộ luật Hình sự năm 2015 xem hành vi này thuộc trường hợp “sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để thao túng giá chứng khoán” theo điểm e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Giả thuyết 3: Bản chất của hành vi này được nhận thức ở mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn các hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn lại nên không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để tìm câu trả lời xác đáng cho các giả thuyết được đưa ra, tác giả trở lại với các điều khoản cơ bản của Bộ luật Hình sự năm 2015, đó là: “chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 2); “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự,..." (khoản 1 Điều 8). Như vậy, rõ ràng nếu hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán" không được quy định trong Bộ luật.

Về mặt hình sự, chủ thể thực hiện hành vi này không phải chịu trách nhiệm hình sự dù mức độ nguy hiểm của hành vi này so với các hành vi còn lại tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không thấp hơn, thậm chí còn rất phổ biến và nguy hiểm hơn trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông thời đại số trên không gian mạng như hiện nay. Do đó, về mặt dự báo tư pháp, Giả thuyết 1 có phần thuyết phục hơn vì khả năng trong thời gian tới sẽ phát sinh nhiều vụ việc điển hình trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook hoặc Tiktok) và từ phản biện xã hội thúc đẩy hoạt động tư pháp bắt buộc phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi nguy hiểm này và khi đó sẽ phải có nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc án lệ của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho các vụ án hình sự cụ thể đối với hành vi này. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận và nghiên cứu khoa học pháp lý hình sự, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán" dựa trên phương pháp phân tích luật viết các điều khoản cơ bản của Bộ luật Hình sự đã nói trên khi mà tác giả đồng tình với ý kiến “luật dừng lại ở câu từ".

2. Những dấu hiệu pháp lý cơ bản của tội phạm “thao túng thị trường chứng khoán"

Căn cứ quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015, để cấu thành “Tội thao túng thị trường chứng khoán" phải có đủ các dấu hiệu (yếu tố) pháp lý cơ bản như sau:

Thứ nhất về khách thể của tội phạm: Hành vi thao túng thị trường chứng khoán xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán[3].

Thứ hai về khách quan của tội phạm: Trong các hành vi thao túng thị trường chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, ngoài hành vi “tung tin đồn sai sự thật, công bố thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả, thao túng giá chứng khoán" không ghi nhận trong Bộ luật Hình sự năm 2015, thì các hành vi khách quan còn lại được hình sự hóa tương ứng tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội thao túng thị trường chứng khoán.

Định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi số tiền thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư số tiến từ 01 tỷ đồng trở lên.

Thứ ba về yếu tố chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý.

Thứ tư về chủ thể của tội phạm: Cá nhân hoặc pháp nhân thương mại.

Chủ thể phạm tội “thao túng thị trường chứng khoán” có thể phải gánh chịu hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

3. Hình phạt chính

Đối với cá nhân phạm tội: Hình phạt chính có 02 khung hình phạt chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015: khoản 1 quy định khung hình phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khoản 2 quy định khung hình phạt tiền từ 02 tỷ đồng đến 04 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức, Thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 03 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Hình phạt chính có 03 khung hình phạt chính theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 4 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015: (a) Phạt tiền từ 02 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc khoản 1; (b) Phạt tiền từ 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc khoản 2; (c) Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4. Hình phạt bổ sung

Đôi với cá nhân phạm tội: Có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm theo quy định tại khoản 3 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 đến 03 năm theo quy định tại khoản 4 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015.

5. Kết luận

Nếu so sánh với quy định tại Điều 181c Bộ luật Hình sự năm 1999 về “Tội thao túng giá chứng khoán" thì quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có xu hướng tăng mức hình phạt tiền và bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ; đồng thời mở rộng chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và quy định các hình phạt riêng đối với pháp nhân thương mại. Đó là điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận của Bộ luật Hình sự năm 2015.

 


[1] PGS.TS. Trịnh Tiến Việt: Về khái niệm miễn trách nhiệm hình sự, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Kinh tế - Luật, 2007, số 23, tr.103-114

[2] Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC- VKSNDTC-BTC ngày 26/6/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán vào chứng khoán.

[3] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm - Quyển 1), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.322, 329.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành