Thứ sáu, 05 Tháng 4 2024 09:31

Khái quát về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung

1. Tổng quan

Trong khoa học pháp lý, trách nhiệm hành chính được nhận thức là một quan hệ pháp luật rất đặc thù trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và chỉ được đặt ra đối với cá nhân, tổ chức khi có hành vi vi phạm hành chính (xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước). Trách nhiệm hành chính được thể hiện trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với tên gọi là “xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả”[1].

Đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung, trách nhiệm hành chính là những hậu quả pháp lý bất lợi về mặt vật chất hoặc tinh thần mà chủ thể có hành vi vi phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán phải gánh chịu trước Nhà nước theo quy định của pháp luật về chứng khoán và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trách nhiệm hành chính có mức độ nhẹ hơn so với trách nhiệm hình sự và phản ánh thái độ trừng phạt ít nghiêm khắc hơn của Nhà nước đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm này thể hiện ở các hình thức áp dụng chính như: phạt tiền, xử phạt bổ sung hoặc buộc khắc phục hậu quả gây ra. Tuy nhiên, đây lại là hình thức trách nhiệm pháp lý thông dụng trong hệ thống lập pháp của các quốc gia và được đánh giá là rất hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung bởi ưu điểm là áp dụng nhanh chóng và sự yêu cầu về tuân thủ trình tự, thủ tục xử lý ít khắt khe, nặng nề hơn so hơn với trình tự tố tụng hình sự[2].

Việc truy cứu trách nhiệm hành chính đối với hành vi này chỉ khi đó là hành vi có “lỗi” do tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật chứng khoán phải bị xử phạt vi phạm hành chính (cơ sở pháp lý tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và khoản 1,2 Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019).

Về đối tượng, phạm vi áp dụng: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về thời hiệu xử phạt: 02 năm, kể từ thời điểm hành vi thao túng chấm dứt (vi phạm đã kết thúc) hoặc kể từ thời điểm bị phát hiện (vi phạm đang diễn ra). Thời gian cơ quan tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt. Trong trường hợp có hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu sẽ được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt (cơ sở pháp lý tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012).

Về hình thức xử phạt: Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 36, khoản 2 Điều 51 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì hình thức xử phạt được áp dụng đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung bao gồm: phạt tiền, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

Về thẩm quyền xử phạt: Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với tổ chức và 50 triệu đồng đối với cá nhân; được áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vừa nêu trên (cơ sở pháp lý tại Điều 47 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).

2. Hình thức xử phạt chính

Phạt tiền "tôi đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân". Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn 03 tỷ đồng thì áp dụng mức phạt tiến tôi đa là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Khoản thu trái pháp luật là số lợi mà cá nhân, tổ chức có được do thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi cho đến khi chấm dứt hành vi, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp do công ty chứng khoán xác nhận. Nguyên tắc và công thức xác định khoản thu trái pháp luật được hướng dẫn chi tiết tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư số 117/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

3. Hình thức xử phạt bổ sung

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về vi phạm thao túng thị trường chứng khoán thì các nhân, tổ chức vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán có thời hạn từ 01 đến 03 tháng đối với tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 18 đến 24 tháng đối với cá nhân hành nghề chứng khoán.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

Khoản 3 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, đó là: Buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành.

5. Kết luận

Trước đây, quy định về trách nhiệm hành chính đối với hành vi này tại Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 36 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ) (đều đã hết hiệu lực) có mức phạt tiền nâng từ 01 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng lên 1,2 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng áp dụng chung cho tổ chức và cá nhân; đồng thời hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ từ 01 đến 03 tháng.

So với quy định trước đây thì đến Nghị định số 156/2020/ND - CP kỹ thuật lập pháp đã có sự thay đổi theo hướng: ưu tiên áp dụng hình thức xác định mức xử phạt tiền cao nhất theo hướng ấn định số lần của khoản thu trái pháp luật bên cạnh việc ấn định dự phòng mức phạt tiền tối đa; đồng thời đã có sự phân biệt giữa mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, mức xử phạt tiền tối đa ấn định dự phòng cũng tăng lên rất đáng kể là 03 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; tăng thời hạn trong hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán lên từ 18 đến 24 tháng. Điều này cho thấy xu hướng nhận thức về mức độ nguy hại của hành vi thao túng thị trường chứng khoán được tăng lên thể hiện qua việc thay đổi và tăng mức phạt hành chính nhằm có sự phản ứng phù hợp để ngăn chặn hiệu quả hành vi này trong bối cảnh phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội.

 


[1] Trường Đại học Cần Thơ: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam (Phần 2), tr.182-183.

[2] Lê Thị Thảo: Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam, Sdd, tr.90-91. (Xem lại nguồn: trên trang của TTBD)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành