Thứ ba, 23 Tháng 4 2024 09:45

Giới thiệu khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi thao túng giá cổ phiếu gây ra trên thị trường chứng khoán tập trung

1. Tổng quan

Trách nhiệm dân sự được hiểu là những hậu quả pháp lý mang tính bất lợi được thể hiện trong phần chế tài của các quy định pháp luật dân sự mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu khi thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác tham gia thị trường. Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng vì nó không chỉ bảo đảm nguyên tắc hoạt động của thị trường là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư mà còn tác động đáng kể đến tâm lý, ý thức tuân thủ của các cá nhân, tổ chức tham gia thị trường. Chủ thể xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, thực hiện trách nhiệm dân sự khác theo thỏa thuận, theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan (cơ sở pháp lý về trách nhiệm dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 132 và khoản 2 Điều 133 Luật Chứng khoán năm 2019). Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của giao dịch mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là qua trung gian môi giới và hệ thống giao dịch điện tử nên người mua và người bán hoàn toàn không gặp nhau, không biết nhau, dẫn đến việc bên bị thiệt hại muốn tiên phong thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình là vô cùng khó khăn. Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung gây ra (nếu có) chỉ thường xuất hiện thông qua các yêu cầu độc lập về bồi thường dân sự trong các vụ việc xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước hoặc trong quá trình giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự tại Tòa án. Trong một số trường hợp, việc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thậm chí còn không thể tìm kiếm được người bị hại để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự trong một số vụ án hình sự phức tạp liên quan loại tội phạm này[1]. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm dân sự đối với hành vi này trên thực tế thường đặt ra để xử lý kết hợp khi xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Chủ thể bị vi phạm có thể tham gia trong quá trình giải quyết vụ việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình mà không cản phải quá vất vả trong việc chứng minh hành vi vi phạm của bên vi phạm vì việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm đã được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua hồ sơ vụ án hình sự hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính thông qua hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Nếu không tham gia trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, giải quyết vụ án hình sự, thì chủ thể bị thiệt hại cũng có một sự lựa chọn khác tương đối khả thi so với việc khởi kiện đó là căn cứ vào nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc bản án quyết định hình sự để tự khởi kiện vụ án dân sự ngay sau đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự cho mình.

2. Một số vấn đề cần chú ý

Ngoài những nội dung đã phân tích ở trên thì vấn để bồi thường thiệt hại dân sự đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung còn có một số nội dung chưa được ghi nhận rõ ràng trong các quy định pháp luật và tồn tại ở dạng quan điểm cá nhân cần được nghiên cứu, bàn luận, trao đổi như sau:

• Về quan hệ pháp luật dân sự: Tính chất giao dịch mua, bán chứng khoán thực hiện qua trung gian môi giới nên giao dịch thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là một giao dịch phái sinh trong các hoạt động mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung của Sở giao dịch chứng khoán thông qua khớp lệnh tự động trên cơ sở hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các công ty chứng khoán là thành viên. Hành vi này xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường có liên quan nên quan hệ pháp luật dân sự phát sinh ở đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng[2].

• Về phạm vi bồi thường thiệt hại: Căn cứ vào các điều 360, 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại được đề cập bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Tuy nhiên, xét về tính chất đặc trưng của những thiệt hại mà các chủ thể bị hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung trực tiếp gây ra, nếu các bên không có xác lập thỏa thuận về bổi thường thiệt hại hoặc pháp luật không có quy định khác thì phạm vi bồi thường ở đây chỉ là thiệt hại về mặt vật chất với những tổn thất thực tế xác định được về tài sản do bên bị thiệt hại chứng minh thông qua sự giảm sút giá trị cổ phiếu trên tài khoản chứng khoán, tiền lãi phải trả cho công ty chứng khoán thông qua dịch vụ margin. Đối với các khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút không thể xác định được trong trường hợp này dù bên bị thiệt hại có thể là những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thu nhập chính từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Bởi lẽ, ở một thị trường đầy biến động như thị trường chứng khoán thì giá cổ phiếu sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau không thể lường trước được nên không ai có thể đưa ra khẳng định chắc chắn rằng việc đầu tư của mình sẽ có lợi nhuận hoặc giá cổ phiếu mình đã đầu tư và sở hữu sẽ tăng trong tương lai, nếu như không có hành vi thao túng giá cổ phiếu tác động. Do đó, những khoản thu nhập bị mất đi không thể nào thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

• Về yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại: Khác biệt với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (tại Điều 308), Bộ luật Dân sự năm 2015 (tại Điều 351, Điều 360) không xem “lỗi” là yếu tố bắt buộc trong cấu thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà chuyển “lỗi” thành yếu tố để loại trừ trách nhiệm dân sự và nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên vi phạm[3]. Tuy nhiên, trường hợp này nhà đầu tư bị thiệt hại chỉ buộc phải chứng minh thiệt hại mà mình phải gánh chịu do hành vi này gây ra chứ họ hoàn toàn không có “lỗi” nên tác giả loại trừ yếu tố “lỗi” khỏi vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi này gây ra.

3. Kết luận

Trong các trách nhiệm pháp lý được trình bày thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự không đạt nhiều hiệu quả so với việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt hành chính đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung. Đó cũng là lý do vì sao mà không phải pháp luật chứng khoán của quốc gia nào cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm dân sự đối với hành vi này. Một phần là sự bất khả thi trong yêu cầu bồi thường thiệt hại, phần khác là ở nhận thức về hiệu quả của hoạt động ngăn chặn và xử lý hành vi này phải xuất phát từ hành động kiểm soát và thực thi quyền lực của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

 


[1] Nhật Nam: Tìm bị hại trong vụ FLC thao túng thị trường chứng khoán, Báo Điện tử Chính phủ, 2020, https://baochinhphu.vn/ tim-bi-hai-trong-vu-FLC-thao-tung-thi-truong-chung-khoan-102 220607130118152.htm.

[2] Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Giáo trình Pháp luật về thị trường chứng khoán, Sđd, tr.126-127; Lê Thị Thảo: Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam, Sdd, tr. 91,117.

[3] Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ: Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.355

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành