Thứ năm, 13 Tháng 6 2024 03:10

Phân tích chính sách đối với trí tuệ nhân tạo trong xu hướng phát triển công nghệ của một số nước

1. Khái niệm trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) trước hết được định nghĩa là “trí tuệ phát sinh bởi máy móc, đối lập với trí tuệ tự nhiên phát sinh bởi con người và các loài vật”. Theo đó khái niệm trí tuệ nhân tạo được áp dụng khi máy móc bắt chước được các chức năng lý trí gắn với trí tuệ con người.

Bên cạnh đó, hai tác giả Stuart Russel và Peter Norvig có tổng hợp một số định nghĩa khác nhau về AI như sau:

“Trí tuệ nhân tạo là nỗ lực thú vị nhằm khiến suy nghĩ của máy tính có thêm nhận thức, tư duy.

Trí tuệ nhân tạo là những hành động của máy móc gắn liền với tư duy của con người, ví dụ như ra quyết định hay giải quyết vấn đề.

Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu về năng lực trí tuệ vận hành vào các mô hình tính toán.

Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu để máy tính có khả năng nhận thức, nhận định và hành động.

Trí tuệ nhân tạo là nghệ thuật tạo ra các cỗ máy có thể thực hiện những chức năng yêu cầu trí tuệ khi thực hiện bởi con người.

Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu cách khiến máy tính làm được điều mà ở thời điểm hiện tại con người vẫn đang làm tốt hơn."

Như vậy, có thể khái quát, trí tuệ nhân tạo là sự “tư duy” của máy móc, trong đó các thiết bị sẽ bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, AI là một trong những yếu tố then chốt. Từ khái niệm tưởng chừng xa xôi, trí tuệ nhân tạo từng bước đi vào đời sống, hiện thực hóa giấc mơ về những loại máy móc có khả năng tư duy như con người.

2. Phân tích chính sách đối với trí tuệ nhân tạo

Nhiều năm trước chúng ta chưa thể tưởng tượng được trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống của con người trong tương lai. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực an ninh, kinh tế, tài chính ngân hàng, lao động việc làm, giáo dục đào tạo, văn hóa nghệ thuật hay khoa học ứng dụng như y học, khoa học vũ trụ,.v.v… đang được phát triển rộng rãi đặc biệt là ở các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.

Song song với những thay đổi tích cực mà Al đem lại, các chuyên gia cũng đặt ra lo ngại khi trí tuệ nhân tạo có thể phát triển chệch hướng. Có quan điểm dự đoán rằng, AI sớm đạt tới trình độ khiến nó trở thành một dạng sống mới vượt trội hơn con người, có thể dẫn đến sự ra đời của một robot độc tài thống trị nhân loại vĩnh viễn. Tỉ phú Elon Musk cũng cho rằng “Ít nhất khi có một kẻ độc tài xấu xa, kẻ đó rồi cũng sẽ chết. Nhưng trí tuệ nhân tạo không chết, nó sẽ sống mãi. Khi đó bạn có một kẻ độc tài bất tử mà chúng ta không bao giờ thoát được”, ông nói. “Nếu siêu trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn con người, chúng ta có thể mất kiểm soát chúng".

Sự ảnh hưởng về lao động việc làm.

ITA Robot thay thế con người trong làm việc thực sự là nỗi lo chung của các nhà phân tích cũng như giới công nhân. Khả năng của Al trong lĩnh vực tự động hóa sẽ khiến rất nhiều việc làm có tính chất lặp đi lặp lại bị thay thế, dẫn tới việc người lao động sẽ trở nên không còn cần thiết.

Alan Bundy, giáo sư tại trường tin học của trường Đại học Edinburgh, nhấn mạnh: “Mất việc làm có lẽ là mối lo lớn nhất”. Theo ông Bundy, tỷ lệ thất nghiệp cao chính là lý do chính cho sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Ông Bundy lấy ví dụ từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump cũng như việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, những người ủng hộ AI khẳng định việc làm mới sẽ được tạo ra nhưng đòi hỏi những kỹ năng cao hơn để phù hợp trong bối cảnh AI được áp dụng phổ biến khắp hành tinh. Theo Công ty Nghiên cứu Gartner dự đoán, AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm sau khi lấy đi 1,8 triệu việc làm. Điều đó đồng nghĩa với việc nó tạo ra 500.000 việc làm mới.

Dẫu vậy, nó cũng không làm giảm lo ngại về việc sa thải hàng loạt. Theo nghiên cứu của Oxford, những công việc dễ bị thay thế nhất là nhân viên môi giới, nhân viên ngân hàng, bảo hiểm, kế toán thuế... mặc dù không thể phủ nhận kỹ năng nghề nghiệp rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính.

Sự bất bình đẳng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo

Trí tuệ nhân tạo có khả năng làm mất công bằng xã hội trầm trọng hơn sự tiên đoán của K. Marx khi có sự tham gia của người máy vào phát triển sản xuất do thời gian của người lao động giảm, trí trị mà người lao động được nhận sẽ giảm theo. Người sử dụng lao động sẽ đầu tư vào máy móc, thiết bị thay vì thuê lao động gia tăng. Đây sẽ là xu hướng công nghệ thúc đẩy sự bất bình đẳng ngày càng tăng. Tình trạng gia tăng bất bình đẳng như vậy có nguyên nhân từ việc phân chia lợi nhuận, chủ yếu cho đầu tư và cho chủ sở hữu vốn.

Sự ảnh hưởng của máy móc tới mối quan hệ xã hội

Các mô hình robot nhân tạo thông minh đang dần thay thế các mối quan hệ của con người thông qua các hình thức sử dụng kiểu nhập văn bản để trò chuyện với một thực thể không xác định, nhưng khi phân tích thì không xác định được đó là cuộc trò chuyện với con người hay với robot[1]. Nếu con người bị hạn chế về sự chú ý và tính nhân văn trong các mối quan hệ xã hội thì các robot nhân tạo có thể chuyển nguồn lực gần như không giới hạn vào việc xây dựng mối quan hệ. Nếu được sử dụng với mục đích đúng đắn, điều này có thể thúc đẩy xã hội hướng tới những điều tốt đẹp hơn và ngược lại.

Sự cạnh tranh giữa con người với hệ thống trí tuệ nhân tạo

Hệ thống máy móc thông minh có thể phản ứng được với các tình huống mới, phần mềm thông minh có đặc trưng "mã tự cải biên" (self-modified code). Khi lỗi trong mã tự cải biên sẽ không kiểm soát được và robot sẽ hành động như “một loài thông minh mới”, xét về kết nối trí tuệ nhóm thì khả năng trí tuệ của robot có thể cao hơn con người.

Trong công tác phòng chống tội phạm mạng, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành công cụ tấn công hoặc mục tiêu tấn công của tội phạm trí tuệ nhân tạo. Khi AI càng thâm nhập vào mọi mặt đời sống của con người, hậu quả của tội phạm này càng trở nên trầm trọng[2].

3. Giới thiệu những giải pháp để ứng phó các nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo của một số nước

Sự phát triển nhanh chóng của AI đòi hỏi các nhà quản lý phải tạo ra một khung pháp lý nhằm điều chỉnh những mối quan hệ trong xã hội. Với hệ thống pháp luật truyền thống, các nhà phát triển AI sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu có hành vi cẩu thả dẫn đến hậu quả nguy hại. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ dàng để Toà án có thể tìm ra chủ thể phải chịu trách nhiệm trước một sự việc gây hậu quả nghiêm trọng nào đó.

Ví dụ, vụ Jones kiện công ty W + M Automation, Inc., ở bang New York năm 2007, Toà án đã không thể tìm thấy lý do buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm khi hệ thống tải giàn robot làm một công nhân bị thương. Đó là bởi nhà sản xuất đã tuân thủ đầy đủ các quy định về vận hành. Những tai nạn trên không bị gây ra bởi lỗi của con người nên theo luật truyền thống chỉ có thể kết luận rằng nhà phát triển AI vô tội. Điều này thực sự nguy hiểm nếu các cỗ máy có trí thông minh tiếp tục nở rộ, phá hủy nhiều thứ mà không phải chịu trách nhiệm gì. Nó cũng có nghĩa là hệ thống pháp luật truyền thống, vốn đã được phát triển hơn 500 năm qua sẽ cần phải thay đổi để thích ứng với khả năng tư duy mới của trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần. Và trước yêu cầu này, nhiều quốc gia đã nhanh chóng nghiên cứu để tìm ra những chính sách phù hợp nhất.

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật xe tự lái đã được đề xuất và thông qua bằng hình thức bỏ phiếu bằng giọng nói. Mục đích được nêu trong Đạo luật xe tự lái là để “ghi nhận vai trò của Liên bang trong việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện tự động cao vì nó liên quan đến thiết kế, xây dựng và hiệu suất, bằng cách khuyến khích thử nghiệm và triển khai các phương tiện đó". Đạo luật này cũng yêu cầu Bộ trưởng giao thông vận tải thực hiện một số quy định liên quan đến sự an toàn của phương tiện tự động, bao gồm hoàn thiện quy định yêu cầu các nhà sản xuất xe tự động gửi thông tin về cách đảm bảo an toàn, thành lập Hội đồng tư vấn xe tự động trong khuôn khổ Cục quản lý an toàn giao thông quốc gia. Đạo luật này cũng đặt ra các nghĩa vụ đối với các nhà sản xuất, yêu cầu họ xây dựng các kế hoạch bảo mật và an ninh mạng trước khi bán một số phương tiện có chứa công nghệ tự động.

Bên cạnh đó, Đạo luật AV START để xuất bởi Thượng nghị sĩ John Thune (RS.D.) và Gary Peters (D-Mich.) được báo cáo tại Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông vào tháng 11 năm 2017. Mục đích của đạo luật này nhằm “khuyến khích giới thiệu dần về xe tự lái theo cách thúc đẩy an toàn, xây dựng sự tự tin và niềm tin của công chúng đối với công nghệ, đồng thời, tránh các hạn chế vô lý đối với việc đưa công nghệ vào thương mại giữa các quốc gia”. Giống như Đạo luật Xe tự lái, Đạo luật AV START cũng giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện một số bước liên quan đến an toàn, chẳng hạn như thành lập một ủy ban để đưa ra các khuyến nghị kỹ thuật về tính an toàn của xe tự lái và những khuyến nghị đó có thể tạo tiền đề cho việc hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh AI một cách toàn diện hơn.

Ngoài hai đạo luật quy định một lĩnh vực cụ thể như trên, Đạo luật tương lai AI cũng đã được thông qua ở Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ. Thay vì tập trung vào một ứng dụng cụ thể của Công nghệ AI, đạo luật này thể hiện rằng việc hiểu và chuẩn bị cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng kinh tế và ổn định xã hội của Hoa Kỳ. Theo quan điểm này, dự luật chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại thành lập một ủy ban cố vấn liên bang gồm các bên liên quan đến AI từ doanh nghiệp, cộng đồng học thuật và nghiên cứu.... Đạo luật chỉ đạo ủy ban nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội về một loạt các chủ đề liên quan đến Al và xác định các vấn đề ưu tiên như: “thúc đẩy môi trường đầu tư và đổi mới để đảm bảo khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ"; "tối ưu hóa sự phát triển của trí tuệ nhân tạo để giải quyết sự tăng trưởng tiềm năng, tái cấu trúc hoặc những thay đổi khác trong lực lượng lao động Hoa Kỳ có kết quả từ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”; “thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển công bằng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”; và “bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân".

Mới đây, Đạo luật Công việc AI được giới thiệu bởi các thành viên lưỡng đảng của Quốc hội vào đầu năm 2018, thể hiện sự nghi ngại của Quốc hội rằng bên cạnh những tác động tích cực thì sự phát triển của AI cũng có thể làm phá vỡ lực lượng lao động. Chính vì vậy, đạo luật này chỉ rõ, Bộ trưởng Bộ Lao động cần nhanh chóng chuẩn bị một báo cáo về tác động của AI tới lực lượng lao động để có những dự phòng cần thiết.

Tương tự như Đạo luật Công việc AI, Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Ủy ban An ninh Quốc gia được giới thiệu tại Nhà Trắng ghi nhận sẽ khẩn trương thành lập một ủy ban để xem xét các tiến bộ của AI nhằm đảm bảo an ninh quốc gia cũng như kinh tế. Theo đó, họ sẽ xem xét cách thức để Hoa Kỳ duy trì lợi thế công nghệ trong AI, thúc đẩy sự chú trọng và đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản và nâng cao trong các lĩnh vực này, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn dữ liệu và khuyến khích chia sẻ dữ liệu đào tạo mở trong các ngành công nghiệp dựa trên dữ liệu liên quan.

Quốc gia láng giềng với Hoa Kỳ là Canada cũng rất quan tâm và thể hiện sự bắt kịp xu thế mới khi đưa chủ đề ứng dụng AI vào các báo cáo, nghiên cứu của mình. Tháng 10/2017, Ủy ban Thường vụ Thượng viện về các vấn đề xã hội, khoa học và công nghệ đã ra một bản báo cáo với tựa đề “Thách thức trước mắt: Tích hợp robotics, trí tuệ nhân tạo và công nghệ in 3D vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada". Sau đó 4 tháng, Ủy ban Thường vụ Thượng viện về giao thông vận tải và truyền thông tiếp tục xuất bản báo cáo Thay đổi cách lái xe: Công nghệ và tương lai của xe tự động...

Tại châu Âu, các thành viên EU đã ký Tuyên bố hợp tác về Al .Tuyên bố đưa ra yêu cầu cụ thể đối với các nhà tuyển dụng trong bối cảnh AI có thể được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, khuyết tật hay các xung đột tuổi tác. Trong khi đó, Anh có hẳn một ủy ban thuộc Nghị viện phụ trách về các vấn đề AI. Nhiệm vụ của Ủy ban này là xem xét những tác động kinh tế, đạo đức và xã hội liên quan đến những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, từ đó đưa ra các khuyến nghị và giải pháp phù hợp, kịp thời.

Còn tại châu Á, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng đã công bố chương trình quốc gia về AI, trong đó chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ các startup, trung tâm đào tạo và nghiên cứu về AI... Nhật Bản lại nuôi tham vọng xây dựng “Xã hội 5.0", trong đó sử dụng công nghệ giúp tất cả mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội thay vì phải cạnh tranh khốc liệt. Và nguyên tắc xây dựng một xã hội như vậy sẽ dựa vào sức mạnh phân tích dữ liệu của AI.

Có thể thấy, thời điểm mạng Internet mới ra đời, người ta chưa thể hình dung virus, mã độc, hacker... sẽ xuất hiện, dẫn đến vấn đề an ninh mạng mãi sau này mới được quan tâm. Tuy nhiên, ở thời đại Al, sai lầm đó không nên lặp lại. Vì thế, các nhà lập pháp, hoạch định chính sách cần phải có nhân quan sâu sắc, xây dựng các quy định phù hợp và hiệu quả nhằm phòng ngừa những tác động tiêu cực của AI. Bên cạnh đó, cần thiết lập chế tài đủ sức răn đe đối với một số nghiên cứu chứa đựng mục đích xấu.

 


[1] Vào năm 2015, lần đầu tiên một robot có tên là Eugene Goostman đã chiến thắng Thử thách Turing. Trong thử thách này, những người thẩm định đã sử dụng kiểu nhập văn bản để trò chuyện với một thực thể không xác định, sau đó đoán xem họ đã trò chuyện với người hay máy. Kết quả là hơn một nửa số người thẩm định nghĩ rằng họ đã nói chuyện với một con người, tuy nhiên thực tế là họ đã trò chuyện với robot.

[2] Stephen Hawking, Elon Musk và hơn 1.000 nhà nghiên cứu AI và người máy đã ký một lá thư đề xuất lệnh cấm chiến tranh trí tuệ nhân tạo, cảnh báo về khả năng phá hủy cuồng bạo khi một ai đó có trong tay “vũ khí tự trị" ("autonomous weaponry").

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành