Thứ ba, 18 Tháng 6 2024 09:31

Khái quát chung về quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Trải nghiệm phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới cho thấy một nền kinh tế sẽ tăng trưởng và phát triển bền vững nếu dựa trên một nền tảng thể chế tốt song hành với quản trị nhà nước hiện đại[1]. Sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước là một tất yếu khách quan. Từ đó, sự điều chỉnh của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước cũng là một tất yếu khách quan, bởi hai lý do sau đây:

Thứ nhất, phải xác lập cơ sở pháp lý cho việc Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và thực hiện quyền sở hữu.

Trong cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, vai trò của pháp luật khá mờ nhạt và trở thành thứ yếu trước sức mạnh của phương pháp điều chỉnh hành chính mệnh lệnh. Tuy nhiên, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có cơ sở pháp lý để tiến hành hoạt động quản lý. Trong nền kinh tế thị trường, pháp luật trở thành công cụ chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ xã hội căn bản. Sự điều chỉnh của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước trở thành nhu cầu tất yếu để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Nhà nước thực hiện quyền sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước, điều tiết và định hướng phát triển nền kinh tế.

Thứ hai, sự điều chỉnh của pháp luật đối với doanh nghiệp nhà nước là cơ sở, điều kiện cần thiết, quan trọng nhất để tạo lập “khung pháp lý” cho doanh nghiệp nhà nước tổ chức và hoạt động.

Các chủ thể kinh doanh nói chung, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, muốn hoạt động hiệu quả thì cần phải có một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp. Với tư cách là công cụ chủ yếu để Nhà nước quản lý xã hội, pháp luật xác định bản chất, nội dung, phương hướng, biện pháp thực hiện quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. “Doanh nghiệp nhà nước đã và đang vận hành quan hệ quản lý điều hành sản xuất và quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau bằng pháp luật và theo luật pháp. Tuân thủ the pháp luật là vấn đề cơ bản để hạn chế tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”.[2]

Do được xác lập và bảo đảm thực hiện trên cơ sở pháp luật, nội dung của quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước luôn được thể hiện ở hệ thống quyền và nghĩa vụ pháp lý của hai chủ thể này. Trong đó, quyền pháp lý là khả năng xử sự của chủ thể theo một cách thức nhất định và được pháp luật cho phép. Còn nghĩa vụ pháp lý là cách xử sự bắt buộc của chủ thể, nhằm đáp ứng quyền và lợi ích của các chủ thể khác. Quan hệ đó được pháp luật điều chỉnh sẽ xác lập quyền và nghĩa vụ của chủ thể về mặt lý thuyết. Khi có sự kiện pháp lý xảy ra, các quyền và nghĩa vụ đó sẽ được hiện thực hóa. Có quan điểm cho rằng, quan hệ pháp luật có thể được xem xét ở phương diện lý thuyết (trạng thái tĩnh) và phương diện thực tiễn (trạng thái động). "Quan hệ pháp luật thể hiện trong quy phạm pháp luật, nếu không được áp dụng trong thực tế, thì không bao giờ đạt được mục đích của nó. Như vậy, sự liên hệ giữa quy phạm pháp luật và quan hệ pháp luật là sự liên hệ giữa "cái cần" (cái có thể, cái khả năng) với cái có thực, cái hiện thực. Hay nói cách khác: quan hệ pháp luật có thể là quan hệ lý thuyết (tồn tại trong quy phạm) và có thể là quan hệ thực tiễn (được thực hiện). Nhưng việc không thực hiện quan hệ pháp luật tất nhiên là không làm mất đi sự tồn tại pháp lý của nó, không có nghĩa là tiêu huỷ quan hệ đó vì những quyền và nghĩa vụ của chủ thể vẫn nguyên vẹn[3].

Quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là cơ sở của sự hình thành quan hệ pháp luật cụ thể giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Hay nói cách khác, quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là quan hệ tồn tại trên phương diện lý thuyết, còn quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tồn tại trên phương diện thực tiễn thực hiện pháp luật (phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi có sự kiện pháp lý xảy ra).

Như vậy, quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là những mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bằng pháp luật. Trên thực tế, quan hệ này được biểu hiện thông qua các quan hệ pháp luật cụ thể giữa các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thể hiện sự tác động tương hỗ giữa hai yếu tố cơ bản việ là quan hệ xã hội giữa Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và pháp luật. Sự tồn tại của quan hệ pháp lý này xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật chứ không phải là ý chí độc đoán của Nhà nước. Điều chỉnh bằng pháp luật theo yêu cầu khách quan, song sự điều chỉnh của pháp luật đã với quan hệ này buộc Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải xử sự theo những cách thức nhất định, bảo đảm phối hợp với yêu cầu phát triển xã hội trong từng giai đoạn. Theo GS.TS. Đào Trí Úc, “tiền đề của việc hoàn thiện quan h pháp luật là việc không ngừng hoàn thiện các quy định pháp luật... và để các quan hệ pháp luật có thể được thực hiện cấ đến những điều kiện thực hiện quan hệ pháp luật”[4].

Việc hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước vị doanh nghiệp nhà nước là một quá trình chứa đựng cả yế tố chủ quan và khách quan. Dưới góc độ chủ quan, quan hệ pháp lý là một dạng quan hệ xã hội. Những quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có tính điển hình phổ biến được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật sẽ trở thành quan hệ pháp lý. Trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, quan hệ pháp lý biểu hiện thành quan hệ pháp luật làm nảy sinh quyền và nghĩa vụ của chủ thể, từ đó chủ thể pháp luật thể hiện ý chí của mình thông qua hành vi và cách xử sự. Pháp luật mới chỉ tạo nên quan hệ pháp lý, còn việc có xuất hiện quan hệ pháp luật trên thực tế hay không lại phụ thuộc vào nhận thức của chính chủ thể và những điều kiện, hoàn cảnh khách quan. Trong nhiều trường hợp, quan hệ pháp lý không trở thành quan hệ pháp luật trên thực tế, bởi không có sự kiện pháp lý xảy ra do khách quan hoặc chủ quan. Dưới góc độ khách quan, pháp luật không phản ánh đúng, đủ, kịp thời các đặc tính và sự vận động của quan hệ xã hội, hoặc phản ánh chủ quan, áp đặt, một chiều sẽ dẫn đến việc các quy định pháp luật không phù hợp. Điều này khiến chủ thể không thể hoặc không muốn tham gia quan hệ pháp luật. Dưới góc độ chủ quan, trường hợp chủ thể trốn tránh không muốn xử sự theo quy định pháp luật do những động cơ khác nhau, trong đó chủ yếu là do lợi ích hoặc vụ lợi. Như vậy, nếu Nhà nước không phát huy được tính tích cực của chủ thể thì quan hệ pháp luật khó có thể xác lập trên thực tế, quan hệ pháp lý cũng chỉ tồn tại về mặt lý thuyết mà không thể đi vào đời sống kinh tế - xã hội. Mức độ hoàn thiện và chất lượng của hệ thống pháp luật là yếu tố cơ bản quyết định quá trình vận động của quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trên thực tế.

Khi Nhà nước không có cơ chế để chủ thể có hành vi tích cực sẽ dẫn đến hạn chế việc hoàn thiện quan hệ pháp lý và làm biến dạng quan hệ pháp luật cụ thể. Tình trạng lạm quyền và vi phạm nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước trở nên phổ biến là do quá trình hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp chưa phù hợp với quá trình vận động của nền kinh tế. Trong đó, nguyên nhân chính yếu là do hệ thống pháp luật kinh tế chưa phản ánh kịp thời quá trình vận động của nền kinh tế thị trường. Môi trường kinh tế - xã hội nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng có tác động mạnh mẽ đến quá trình hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chủ trương, định hướng phát triển kinh tế, hoàn thiện bộ máy nhà nước, pháp luật, môi trường kinh doanh đóng vai trò quyết định việc hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Trên cơ sở quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, có thể hình thành hai dạng quan hệ pháp luật, đó là quan hệ pháp luật phát sinh từ sự kiện pháp lý hợp pháp, tích cực và quan hệ pháp luật phát sinh từ sự kiện pháp lý bất hợp pháp, tiêu cực. Hai dạng quan hệ này đều phổ biến trong đời sống, song giữa chúng có sự khác nhau nhất định về cơ chế xác lập hành vi chủ thể và cơ chế kiểm soát, đánh giá của chủ thể Nhà nước. Các sự kiện bất hợp pháp sẽ được Nhà nước và xã hội kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế, loại bỏ sự lan rộng các sự kiện này.

Do đó, hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải tạo ra cơ chế để Nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, triệt để đối với những chủ thể có hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ pháp lý trên thực tế, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, chủ thể là Nhà nước, cá nhân, hay doanh nghiệp.

Nhà nước cần bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch trong quy định về trình tự, thủ tục, xác lập quyền và nghĩa vụ pháp lý để chúng trở thành hiện thực trên thực tế. Việc hoàn thiện quan hệ pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước phải dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn bản chất quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

 


[1] Xem GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn (Chủ biên): Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới: Thực trạng và giải pháp, tr.19.

[2] GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - PGS.TS. Lê Quốc Lý (Đồng chủ biên): Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.159.

[3] . GS.TS. Đào Trí Úc: Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.90-91.

[4] GS.TS. Đào Trí Úc: Những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, tr.80-81.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành