Thứ tư, 19 Tháng 6 2024 02:33

Góp ý hoàn thiện pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Pháp luật về hoạt động đầu tư vốn có vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư an toàn của các ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung trong nền kinh tế cạnh tranh và hội nhập.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư tại các ngân hàng thương mại cho thấy cần phải tập trung nghiên cứu một số giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật về đầu tư vốn của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về phương thức thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại. Xây dựng và hoàn thiện mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng đa năng cùng với việc hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính hợp nhất ở Việt Nam. Với mô hình này ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư vốn vào chứng khoán kiểm soát và hạn chế được rủi ro trong hoạt động đầu tư.

Thứ hai, quy định cụ thể và mở rộng các hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phẩn.

Quy định ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác ngoài các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao gồm thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng (mục b khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010) là quy định còn khá mơ hồ. Câu hỏi được đặt ra là nếu ngân hàng thương mại Việt Nam muốn góp vốn, mua cổ phẩn trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không hoặc những lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng thì có được không? Điều 107 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chỉ đề cập “các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại" mà không lý giải lĩnh vực đầu tư khác ngoài lĩnh vực nêu tại điểm a khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 là những lĩnh vực nào. Bên cạnh đó, Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng không dẫn chiếu đến việc Điều 107 là sự giải thích cho điểm b khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Quy định tại khoản 5 Điều 103 đã cho thấy sự khác nhau giữa việc ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần tại điểm a khoản 4 Điều 103 và việc ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác. Tuy có sự khác nhau giữa Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (về góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại) và Điều 107 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (về hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại) nhưng vẫn có một điểm chung là ngân hàng thương mại có thể kinh doanh vàng lẫn góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp kinh doanh vàng; lĩnh vực khác hoặc hoạt động kinh doanh khác đều phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước bằng văn bản.

Như vậy, cần mở rộng hoạt động góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong lĩnh vực có liên quan rất gần với hoạt động ngân hàng như vận tải hàng không, vật liệu xây dựng không được xem là rất gần với hoạt động ngân hàng và có liên quan đến việc quản lý hoặc kiểm soát ngân hàng và trở thành một hoạt động phụ trợ hợp lý cho ngành ngân hàng.

Thứ ba, về cơ sở pháp lý điều chỉnh đối với hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại. Xây dựng một hệ thống các quy định pháp luật thống nhất là điều kiện quan trọng nhằm phát triển hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại. Hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại hiện đang bị chi phối bởi nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Qua các hoạt động thực tiễn cho thấy, khung pháp lý cho hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại còn chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ và còn phức tạp. Hoạt động đầu tư chứng khoán của các ngân hàng thương mại bị điều chỉnh bởi các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán. Hoạt động kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng thương mại có khối lượng giao dịch rất lớn, các hoạt động này giúp trái phiếu luân chuyển thuận lợi, nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu, nhưng hầu hết các giao dịch này được thực hiện trên thị trường OTC. Trong khi đó Luật Chứng khoán chưa được đề cập một cách rõ ràng.

Thứ tư, quy định rõ loại chứng khoán được phép thực hiện hoạt động mua bán của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng nói chung[1]. Hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung hiện nay được quy định tại Điều 103 về hoạt động góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại (chứng khoán vốn) và Điều 104 về tham gia thị trường tiền tệ tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Tuy nhiên, nội dung tại hai điều này chưa thực sự chỉ rõ các loại chứng khoán mà ngân hàng thương mại được phép giao dịch. Nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động đầu tư, đồng thời tạo lập cơ sở quản lý hiệu quả, vì vậy, Luật Các tổ chức tín dụng cần quy định chi tiết hoặc dẫn chiếu sang luật liên quan các loại chứng khoán tổ chức tín dụng được phép thực hiện giao dịch.

Thứ năm, quy định chi tiết hoạt động ủy thác đầu tư của ngân hàng thương mại[2]. Hoạt động ủy thác góp vốn, mua cổ phần trước đây đã có thời gian bị biến tướng và trở thành một trong các hình thức mà một số ngân hàng sử dụng để tránh các quy định giới hạn trong hoạt động góp vốn mua cổ phần. Mặc dù Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã xác định ủy thác góp vốn, mua cổ phần là một hình thức của hoạt động góp vốn, mua cổ phần nhưng quy định về tài chính, kiểm soát hoạt động này vẫn chưa được rõ ràng. Thông tư số 30/2014/TT-NHNN ngày 06/11/2014 về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 14/2016/TT-NHNN đã đặt ra các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động ủy thác của ngân hàng song vẫn chưa thực sự đầy đủ để quản lý và hạn chế các biến tướng trong hoạt động ủy thác đầu tư do ngân hàng thực hiện. Đối với nội dung này, cần đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng quy định về hoạt động ủy thác của ngân hàng với xác định cụ thể về điều kiện, trình tự việc thực hiện chức năng ủy thác, phạm vi thực hiện và các quy định, giới hạn bảo đảm an toàn liên quan khi tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ủy thác đầu tư. Việc xây dựng và đưa nội dung ủy thác đầu tư vào luật là phù hợp với thông lệ quốc tế. Do tính chất nguồn vốn của ngân hàng, và bản chất sử dụng vốn thông qua ủy thác, quan hệ ủy thác đầu tư do ngân hàng thực hiện rất được đề cao và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi pháp luật.

Thứ sáu, quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu[3]

Việc thực thi quy định hiện hành về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư số 22/2019/TT-NHNN cần tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước và ngân hàng thương mại khác như sau:

Về vấn đề tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, có thể tham khảo kinh nghiệm của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (Hongkong and Shanghai Banking Corporation, sau đây viết tắt là HSBC), khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các khoản tiền gửi của những khách hàng lớn bị loại ra khỏi mẫu số. Tỷ lệ này của HSBC nghiêm ngặt hơn tỷ lệ vốn cấp tín dụng/vốn huy động mà lý thuyết về thanh khoản của Ngân hàng đưa ra, chứng tỏ HSBC rất thận trọng trong quản lý rủi ro tín dụng. HSBC khuyến cáo các chi nhánh của họ không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn lớn, ngắn hạn từ những khách hàng cho vay lớn trên các thị trường chuyên cho vay để bảo đảm thanh khoản, vì chi phí trên thị trường này khá cao và tính ổn định thấp[4]. Riêng Trung Quốc không trì hoãn áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về vốn trong Basel II. Thậm chí, theo chuẩn mới các hệ số về vốn của Trung Quốc còn có thể cao hơn của Basel II. Đặc biệt, hệ số vốn cấp 1 trong cách tính hệ số an toàn vốn sẽ được áp dụng ở mức 5%, cao hơn 0,5% so với tiêu chuẩn của Basel III[5].

Thứ bảy, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại.

Phải xây dựng một hệ thống chế tài đủ mạnh cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tài chính và ngân hàng để không chỉ xử lý mà còn tạo sức răn đe cho các doanh nghiệp. Nghị định số 88/2019/NĐ-CP đã đặt ra mức xử phạt khi vi phạm về tỷ lệ an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, đây mới chỉ là những chế tài về hành chính, thiếu tính răn đe đối với các chủ thể, cá nhân kinh doanh; bổ sung mức phạt đối với hành vi vi phạm nhiều lần, tái diễn hoặc chậm khắc phục hậu quả sau khi có quyết định xử phạt.

 


[1] Xem Nguyễn Thị Thanh Tú: Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, 2019, tr.152, 153.

[2] Xem Nguyễn Thị Thanh Tú: Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, 2019, tr.152, 153.

[3] Xem Nguyễn Thanh Duy: Pháp luật về hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, 2021, tr.85.

[4] Xem Vũ Quang Huy: “Kinh nghiệm quản lý rủi ro thanh khoản và bài học cho các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 11, tháng 6/2017, tr.46-52.

[5] Xem Hoàng Công Gia Khánh, Hoàng Trung Nghĩa: Hiệp ước Basel: Từ quy định đến áp dụng thực tiễn ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.8.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành