Thứ năm, 13 Tháng 6 2024 09:52

Sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với nghề luật

Trí tuệ nhân tạo có thể hiểu theo một cách khái quát nhất là “tập hợp các lý thuyết và kỹ thuật được sử dụng để tạo nên những máy móc có khả năng mô phỏng trí thông minh của con người”[1]. Trí thông minh của con người mà máy móc có thể mô phỏng bao gồm “khả năng hiểu ngôn ngữ, nhận diện hình ảnh và học tập từ những trải nghiệm”[2]. Tuy nhiên, còn rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence -AI) tùy thuộc vào cách ứng dụng AI của các công ty công nghệ. Ví dụ, Intel, công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo đưa ra 6 cách định nghĩa về AI[3], ngoài ra Amazon, Apple, DeepMind, Google, IBM và Microsoft mỗi công ty đều có cách định nghĩa của riêng mình.

Trí tuệ nhân tạo được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực trước đây chỉ dành riêng cho con người và được ứng dụng trong các hệ thống tự động thuộc nhiều lĩnh vực rất khác nhau, ví dụ như robot đầu bếp Robotic Kitchen do công ty Moley Robotics chế tạo có thể chuẩn bị các món ăn với chất lượng tương đương đầu bếp hàng đầu, robot Yumi của hãng Luca có thể điều khiển dàn nhạc giao hưởng, cho đến robot phẫu thuật nha khoa hoàn toàn tự động ở Trung Quốc.

Công nghiệp công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm cả nghề luật. Như mọi ngành nghề khác, nghề luật cũng phải thích ứng với sự phát triển của công nghệ để không chịu thua thiệt trước những biến động của kỹ thuật số. Chính vì vậy, các chuyên gia pháp lý buộc phải thích nghi với những phát triển không ngừng của công nghệ. Trước đây, làn sóng tin học hóa diễn ra trong hai thập kỷ qua đã tác động sâu rộng tới lĩnh vực luật pháp: các luật gia, các nhà làm luật hào hứng với ý tưởng tăng năng suất chuyển từ máy chữ sang phần mềm xử lý văn bản hoặc sử dụng email thay cho thư từ truyền thống.

Tin học hóa đã giúp các luật gia, chuyên gia pháp chế, các nhà hoạch định chính sách làm việc hiệu quả hơn nhưng chưa đến mức đe dọa sự tồn tại của nghề luật. Luật sư vẫn duy trì sự độc quyền trên thực tế về kiến thức pháp lý, kỹ năng tranh tụng và duy trì được các thức trả thù lao theo giờ. Chuyên gia pháp chế tiếp tục đóng vai trò là người phân tích rủi ro pháp lý của doanh nghiệp.

Đối với bộ máy tư pháp và hoạt động xét xử, tin học hóa có rất ít tác động. Thẩm phán vẫn tập trung vào chức năng giải quyết tranh chấp như hàng nghìn năm nay.

Tuy nhiên, cấp độ cao hơn của tiến bộ công nghệ là chuyển dịch từ tin học hóa sang trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những thách thức đối với nghề luật. Một phần ngày càng lớn các công việc vốn do luật sư, chuyên gia pháp chế doanh nghiệp và thẩm phán thực hiện có thể sẽ được chuyển giao cho máy tính với tốc độ làm việc cao hơn và chi phí thấp hơn. Robot hoá trong nghề luật buộc các luật gia phải thay đổi trong bối cảnh mới.

Vậy trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng thế nào đối với nghề luật và hệ thống tư pháp?

Về mặt kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực pháp luật đặc trưng bởi việc sử dụng kết hợp các yếu tố như dung lượng dữ liệu lớn (big data); máy móc có khả năng thích ứng với các điều kiện môi trường xung quanh để rút ra các nguyên lý từ tri thức thu nhận được, phục vụ cho việc ra quyết định; máy móc có khả năng đọc hiểu và giao tiếp với người bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing). Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực pháp luật thực tế là 2 phần là các công cụ tìm kiếm thế hệ mới và các hệ thống hỗ trợ ra quyết định; hoặc hệ thống chuyên gia, nơi hợp thức hóa đánh giá của những người có chuyên môn.

Các nhà nghiên cứu bị chia rẽ về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực pháp luật. Một số người cho rằng trí tuệ nhân tạo thực sự là một thách thức đối với nghề luật, vì máy móc sẽ thay thế luật sư.

Theo Richard và Daniel Susskind, tác giả của cuốn sách "The Future of the Professions: How Technology Will Transform the Work of Human Experts" (Tương lai của các nghề nghiệp: công nghệ mới sẽ biến đổi công việc của các chuyên gia như thế nào?) thì đa số các công việc do các luật sư cũng như bác sĩ và các nghề nghiệp khác chỉ là thực hiện lặp lại các quy trình mà không sử dụng đến các năng lực chỉ riêng có của con người. Họ cho rằng, nhiều việc chủ yếu dựa theo các quy trình và thói quen mà không đòi hỏi sự suy xét, sáng tạo hay sự thấu cảm. Và như vậy, hiệu quả nhất là dùng người máy và trí tuệ nhân tạo bắt chước, sao chép cách làm của những người giỏi nhất. Richard và Daniel Susskind cho rằng, không nên đánh giá thấp khả năng tương lai của trí tuệ nhân tạo trong việc thực hiện các công việc mà hiện nay con người tỏ ra vượt trội hơn.

Một ví dụ thực tế có vẻ chứng minh cho quan điểm của Richard và Daniel Susskind: Công ty luật lớn của Mỹ Bakerhostetler bắt đầu sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Ross do IBM thiết kế trên nền tảng công nghệ của Watson. AI Ross hiện đang được dùng để giải quyết các vấn đề về phá sản doanh nghiệp.

Quan điểm khác hoài nghi về tác động của trí tuệ nhân tạo đối với nghề luật, đặc biệt là liên quan đến ý tưởng thay thế con người bằng robot. Có thể kể ra quan điểm của Pierre Aidan, đồng sáng lập của Legalstart.fr , Giáo sư Luật tại Đại học Lorraine, hai tác giả này đã phê phán bài viết trên đã không nhìn nhận kỹ lưỡng tầm quan trọng của những kỹ năng của con người trong nghề luật, như sự thấu cảm, tư duy chiến lược hoặc khả năng tiến hành đàm phán. Ngoài ra, các tác giả cho rằng robot sẽ không thể thay thế hay hỗ trợ con người trong một số công việc, xuất phát từ bản chất của chúng. Có thể kể ra một số công việc như: đại diện tại tòa án, giao tiếp với khách hàng, tìm kiếm sự thật hoặc thậm chí là viết lách. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận sự tiến bộ đáng kể mà trí tuệ nhân tạo thể hiện và những tiện ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại cho nghề luật, nhưng chỉ là ở vai trò hỗ trợ cho các luật gia chứ không thế thay thế hoàn toàn con người.

Kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy quá trình tự động hóa công việc trong các lĩnh vực lên mức cao, tác động trực tiếp nguồn lực lao động, trong đó có nghề luật sư. Phần mền trí tuệ nhân tạo LegalTech có thể thực hiện được 30% đến 50% công việc mà các luật sư mới vào nghề đang làm, điều này sẽ tác động mạnh mẽ tới tổ chức của các văn phòng luật cũng như số lượng luật sư.

Trên thực tế số lượng luật sư ở nhiều nước có xu hướng gia tăng trong những năm vừa. Ví dụ ở Bỉ số luật sư tăng dần đều từng năm và năm 2017 ở Bỉ có 18.594 luật sư, trong khi ở Pháp có 66.958 luật sư vào năm 2018, so với 48.461 vào năm 2008. Ở Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, đội ngũ luật sư đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Tổng liên đoàn luật sự Việt Nam tính đến 30/08/2023 có 18.020; các Luật sư hành nghề tại hơn 5.300 tổ chức hành nghề luật sư. So với năm 2022, số lượng Luật sư tăng lên 736 Luật sư (tính đến 31/12/2022, cả nước có 17.284 luật sư), nhưng số lượng Đoàn Luật sư có số lượng thành viên dưới 50 thành viên giảm, năm 2022 có 23 Đoàn Luật sư dưới 50 Luật sư. Xu hướng gia tăng số lượng luật sư một phần nguyên nhân là do lạm phát pháp luật, sự phát triển của ngành luật, sự phức tạp và đa dạng của các quan hệ kinh tế, dân sự trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế.

Ở các nước phát triển hiện nay, những đòi hỏi đối với nghề luật sư ngày càng cao, khách hàng có xu hướng yêu cầu nhiều dịch vụ hơn với chi phí thấp hơn (more for less), xu hướng chuyển dịch một phần hoặc toàn bộ dịch vụ pháp lý tới các nước có chi phí rẻ hơn (outsourcing)... làm cho nghề luật sư ngày càng có tính cạnh tranh cao.

Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực pháp luật ngày càng tăng, các giải pháp được đưa ra cho phép cá nhân và doanh nghiệp giảm bớt chi phí tư vẫn pháp lý và dịch vụ luật sư. Điển hình như công ty LegalTech đã cung cấp đa dạng các dịch vụ pháp lý như: tính toán khả năng, xác suất liên quan đến các phán quyết, quyết định của toà án; tính toán và ước định chi phí tố tụng; thiết lập nền tảng để kết nối với các chuyên gia pháp lý; các giải pháp trên nền tảng đám mây; xây dựng các phần mềm pháp lý chuyên biệt; giải quyết các tranh chấp phi tố tụng trực tuyến; thủ tục trọng tài trực tuyến; thủ tục ly hôn trực tuyến; chữ ký điện tử; xác nhận các giấy tờ (dùng công nghệ blockchain); thực hiện thủ tục và hồ sơ trực tuyến; trực quan hoá các dữ liệu phức tạp có được từ Big Data; lập trình cho các hợp đồng thông minh (smart contracts); vận hành các công cụ hợp tác; các công cụ tính thuế; các công cụ quản lý hợp đồng; các công cụ nghiên cứu pháp luật....

Tại Pháp, hiện có 94 công ty chuyên phát triển các ứng dụng liên quan đến tin học trong thế giới pháp luật. Các công ty này có quy mô và loại hình dịch vụ cung cấp khác nhau.

Từ năm 2014-2016 tại Đại học Toronto (Canada) đã cho ra một phần mềm Ross là một biến thể của phần mềm trí tuệ nhân tạo Watson do IBM phát triển và được nhiều luật sư phương Tây sử dụng đối với những vụ án liên quan đến phá sản và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Ở một số các văn phòng luật lớn nhất của Mỹ là Baker Hostetler đã sử dụng Ross hỗ trợ giải quyết các công việc trước đây dành cho các luật sư mới vào nghề. Công ty luật có 900 luật sư này từ tháng 5/2016 đã sử dụng ứng dụng Ross để giải quyết các vụ việc liên quan đến phá sản doanh nghiệp.

Có thể AI chưa thể thay thế hoàn toàn luật sư trong tương lai không xa nhưng sự tác động của trí tuệ nhân tạo đối với ngành luật sư đã đến lúc cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp từ chương trình đào tạo luật sư đến cách thức tổ chức công việc từ góc độ tự động hoá, tin học hoá một số công việc buộc luật sư phải tập trung vào giá trị gia tăng của mình; làm thay đổi cấu trúc văn phòng luật; điều chỉnh lại thù lao vì các công ty Legaltech công khai chi phí trên internet.

Nhờ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nghề luật sư trong nhiều lĩnh vực sẽ giúp khách hàng có được câu trả lời cho các vấn đề pháp lý ngay lập tức với một chi phí thấp hơn. Chính vì vây, luật sư phải đầu tư vào một lĩnh vực chuyên môn sâu để nâng cao giá trị gia tăng nghề nghiệp theo hướng chuyên môn hóa nghề luật sư.

Giá trị gia tăng của luật sư không còn nằm ở việc hoàn thành các công việc lặp đi lặp lại mà các công ty dịch vụ LegalTech có thể tiến hành, thay vì chi phí của các dịch vụ pháp lý quá cao khi không ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ như một số dịch vụ LegalTech hoàn toàn có thể thay thế luật sự như soạn thảo các hợp đồng phổ biến hay thực hiện một số thủ tục hành chính. Giá trị gia tăng và riêng có của luật sư là ở việc đánh giá khả năng của con người, có thể có một cái nhìn tổng thể, đưa ra lời khuyên, có kỹ năng sư phạm và thấu cảm. Công ty LegalTech một ưu thế lớn về giá dịch vụ và tốc độ xử ý do với luật sư do có ưu thế về số hóa nguồn pháp luật, các công cụ tìm kiến và phân tích các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, việc tiếp cận với thông tin để có được một câu trả lời cho một vấn đề pháp lý chỉ là bước đầu của thủ tục tố tụng hay một hoạt động pháp lý. Tư vấn được đưa ra sau khi xem xét các yếu tố nằm bên ngoài luật như tình hình tài chính của khách hàng hay khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng... là những kỹ năng khó có thể chuyển giao cho máy móc. Chỉ người luật sư với kinh nghiệm cá nhân đúc kết mới có thể tư vấn cho khách hàng có nên tiến hành hoạt động tiếp theo hay không.

Ngoài việc biện hộ trước tòa, luật sư cũng phải nghiên cứu tài liệu, hồ sơ pháp lý. Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp luật sư làm việc nhanh hơn: Trước hàng ngàn văn bản luật và án lệ phải sàng lọc, nhờ công cụ tìm kiếm, chỉ còn lại vài chục văn bản phù hợp nhất, điều này sẽ giúp luật sư tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm, sàng lọc tài liệu và dành thời gian để phân tích sâu tài liệu liên quan đến vụ việc.

Các công cụ tin học sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ tác động mạnh mẽ tới nghề luật thông qua việc tự động hóa, rô bốt hoá các công việc lặp đi lặp lại sẽ giúp giảm nhân sự ở các văn phòng luật để dành thời gian cho việc thu thập và phân tích tài liệu, tập trung thời gian và trí tuệ cho những công việc có giá trị gia tăng cao. Như vậy, tác động của trí tuệ nhân tạo tới nghề luật sư là rõ nét nhưng trước mắt mới chỉ dừng lại về sự thay thế của robot đối với những công việc lặp đi lặp lại, không có tính sáng tạo.

 


[1] Xem: Từ điển Larousse: https://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/intelligence artificielle/187257, truy cập ngày (15/4)/2019.

[2] Xem: https://dictionary.cambridge.org/fr/dictionnaire/anglais/artificial-intelligence, tru cập ngày (20/3)/2019.

[3] Xem: https://newsroom.intel.com/news/many-ways-define-artificial-intelligence/#gs.7czxx1, truy cập ngày (20/3)/2019

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành