In trang này
Thứ tư, 12 Tháng 6 2024 10:03

Góp ý về quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động trên thị trường chứng khoán

Hành vi thao túng giá cổ phiếu diễn ra liên tục ở quy mô lớn trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam trong thời gian vừa qua là do thị trường tăng nóng và liên tục, trong khi các biện pháp, khả năng quản lý, giám sát những giao dịch có dấu hiệu thao túng trên thị trường còn nhiều hạn chế, thiếu sự chặt chẽ, chủ động và hiệu quả. Chính vì vậy, cần nghiên cứu một số quy định hiện hành liên quan đếm kiểm soát, giám sát các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa phù hợp và còn thiếu sót. Nếu căn cứ theo các quy định này thì hành vi đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại cổ phiếu, về tổ chức phát hành cổ phiếu nhằm tạo ảnh hưởng đến giá cổ phiếu chỉ bị xem là hành vi thao túng giá cổ phiếu (thao túng thị trường chứng khoán nói chung) khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với cổ phiếu đó. Đây là một quy định chưa phù hợp và không hiệu quả trong việc ngăn ngừa, xử lý hành vi này vì bỏ lọt đối tượng vi phạm. Do đó, cần phải nhận thức đây là hành vi có thể tồn tại một mục đích rõ ràng trong ý chí của đối tượng thực hiện đang hướng tới là mong muốn làm cho giá cổ phiếu tăng lên hoặc giảm xuống thông qua ý kiến tích cực hoặc tiêu cực của mình; còn việc họ có giao dịch hoặc có nắm giữ vị thế cổ phiếu đó hay không chưa hẳn đã phản ánh chính xác khoản lợi trái pháp luật mà họ sẽ thu được sau khi thực hiện hành vi này. Vì vậy, cần phải có một tư duy nhận thức khác với đối tượng là chuyên gia kinh tế - tài chính - chứng khoán, nhà báo nổi tiếng, lãnh đạo của công ty chứng khoán - tổ chức niêm yết, người nổi tiếng người có sức ảnh hưởng với truyền thông hoặc trên không gian mạng. Bởi vì, có thể họ không giao dịch và không sở hữu một vị thế nào cả nhưng lại giữ vai trò cấu kết tổ chức giao dịch hoặc chỉ đạo hoặc giúp sức cho những người thân, những người khác có mối quan hệ mật thiết để hưởng lợi gián tiếp từ những người này thông qua việc phân chia khoản thu lợi trái pháp luật có được. Có thể xảy ra xác suất là những trường hợp này chính là những tài khoản chứng khoán “đứng sân sau” của họ để trục lợi thị trường, tìm cách chuyển ngược dòng tiền, hưởng lợi trực tiếp trên thông qua các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán sân sau hoặc mượn danh.

Xét về mức độ thao túng của hành vi, thì việc đưa ra ý kiến tác động đến giá cổ phiếu không nhất thiết phải chỉ đích danh một cổ phiếu hoặc tổ chức niêm yết mà đôi khi chỉ cần là ý kiến làm cho nhà đầu “hiểu nhầm” hoặc “liên tưởng” đến cổ phiếu có quan hệ mật thiết đến đối tượng đưa ra ý kiến đó. Điển hình như trường hợp của ông H - Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán S hàng đầu Việt Nam kiêm chủ tịch tập đoàn P (một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, thực phẩm mà công ty chứng khoán của ông cũng là cổ đông lớn) đã đăng dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân ngày 24/8/20xx với nội dung: “Chiến tranh giữa N và U giờ lại thêm hạn hán kỷ lục ở TQ cảnh báo tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trên toàn cầu"[1]. Ngay lập tức sau đó cổ phiếu P đã tăng trần và dư mua vài triệu cổ phiếu. Rõ ràng đây là hành vi gián tiếp gây tác động lên giá cổ phiếu hoặc nhóm ngành cổ phiếu có liên hệ mật thiết với chủ thể này, nhưng hành vi này lại không bị xem là hành vi thao túng giá cổ phiếu nếu như căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP. Đây là một điểm hạn chế rất lớn về nhận diện mặt khách quan của hành vi bị xem là hành vi thao túng giá cổ phiếu nên chắc chắn sẽ phải được nghiên cứu, đánh giá lại để có những quy định sửa đổi, bổ sung trong tương lai.

Thứ hai, sự bất hợp lý trong hình phạt chính (phạt tiền) đối với “Tội thao túng thị trường chứng khoán". Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền tối đa đôi với hành vi thao túng thị trường chứng khoán là 10 lần khoản thu trái pháp luật (không thấp hơn 03 tỷ đồng) đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật (không thấp hơn 1,5 tỷ đồng) đối với cá nhân. Trong khi, theo khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán có số tiền thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên (dưới mức này là xử phạt hành chính). Như vậy, khi đối chiếu hai quy định ở hai luật chuyên ngành với nhau, thì mức phạt tiền tối đa mà tổ chức có thể phải gánh chịu trong mọi khả năng xác suất xảy ra là “từ 03 tỷ đồng đến dưới 05 tỷ đồng"; cá nhân là “từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 2,5 tỷ đồng". Trở lại với hình phạt chính (phạt tiền) tại khoản 1 và khoản 4 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 là "từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng” đối với cá nhân; "từ 02 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng" đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Áp dụng phương pháp so sánh chọn lọc vùng riêng không trùng lặp giữa hai quy định trên sẽ cho ra kết quả là có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng lại gánh chịu hậu quả pháp lý (hình phạt chính - phạt tiền) nhẹ hơn nhiều so với việc bị truy cứu trách nhiệm hành chính.

Mặt khác, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 tỷ đồng trở lên nhưng hình phạt chính - phạt tiền chỉ từ 500 triệu đồng, tức còn thấp hơn (bằng 1/2) mức thiệt hại gây ra là vô cùng khó hiểu ở quy định của điều khoản luật này. Dưới góc độ phản biện, đây có thể là một “lỗi” nghiêm trọng về kỹ thuật lập pháp của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với “Tội thao túng thị trường chứng khoán" cần phải được khắc phục ngay vì không bảo đảm được nguyên tắc phòng ngừa và đấu tranh chống loại tội phạm này của pháp luật hình sự hiện hành.

Thứ ba, khung hình phạt chính - phạt tù có thời hạn quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn phù hợp với bối cảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay

Thực tiễn đã cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ được thừa nhận là thị trường mới nổi - vùng cận biên và còn khá non trẻ so với các thị trường chứng khoán lâu đời khác trên thế giới nên sự phản ứng và chống chọi với các tác động tiêu cực từ những hành vi thao túng và trục lợi thị trường là không cao. Trong khi đó, khả năng hồi phục của thị trường sau những lần bị thiệt hại như vậy lại kém hơn các thị trường chứng khoán phát triển có quy mô vốn hóa lớn với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Vì vậy, chúng ta không thể định hướng lấy xử phạt hành chính hoặc hình phạt tiền làm trung tâm để đấu tranh phòng ngừa vi phạm trong bối cảnh trình độ quản lý, vận hành và giám sát của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá hạn chế. Việc tăng mức hình phạt chính - phạt tù có thời hạn đối với loại tội phạm này sẽ phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại của thị trường.

Nhìn lại quy định mức hình phạt chính tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể thấy: phạt tù có thời hạn là một trong hai hình phạt chính với mức tối đa là 07 năm tù. Mức phạt tù này bằng với mức phạt tù của Xingapo nhưng thấp hơn Nhật Bản (10 năm tù) và thậm chí còn thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ (20 năm tù). Trong khi nếu so sánh về sự am hiểu và ý thức chấp hành pháp luật của nhà đầu tư tham gia thị trường; trình độ quản lý và vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam còn có sự chênh lệch với thị trường chứng khoán của Xingapo nên không thể tiếp tục duy trì mức hình phạt tù có thời hạn tương tự như quy định hiện nay. Bằng chứng là tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt chính (tù có thời hạn) chỉ từ 06 tháng đến 03 năm, là rất thấp so với cơ hội có được khoản lợi trái pháp luật nếu tội phạm thực hiện trót lọt. Đây là chế tài hình sự bất tương xứng với mức độ gây nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này và khả năng tổn tại tư duy đánh đổi lợi ích trong ý chí của đối tượng phạm tội. Giả thuyết về sự vận động tự chuyển hóa trong tư duy đánh đổi lợi ích của tội phạm này sẽ càng được củng cố theo thời gian khi nhìn dưới góc độ pháp luật tố tụng hình sự vì sẽ có những vụ án hình sự mà thời gian tạm giữ, tạm giam là khá lâu nên khi tuyên án "thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại” của bị cáo dường như là rất thấp, thậm chí còn được tuyên trả tự do ngay vì thời gian tạm giữ, tạm giam của bị cáo đã đủ căn trừ vào mức hình phạt tù và coi như bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù của bản án được tuyên. Để tránh thực trạng hình phạt tù không đủ sức răn đe tội phạm này. Cơ quan lập pháp cần phải có sự đánh giá lại mức hình phạt chính (tù có thời hạn) để tương xứng với mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này trên thực tế hiện nay.

Thứ tư, hình phạt bổ sung đối với cá nhân phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa thể hiện được sức răn đe toàn diện của điều luật.

Khi nhìn lại các vụ việc thao túng giá cổ phiếu với quy mô lớn trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam thời gian vừa qua, có thể thấy sự đoán định trong kỹ thuật lập pháp ở quy định hình phạt tiền bổ sung đôi với tội phạm này tại khoản 3 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn bất cập. Bởi lẽ, với mức hình phạt bổ sung là "phạt tiến từ 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng" là không còn phù hợp với xu hướng diễn biến của hành vì này trên thị trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Quy định này đã và đang giới hạn khả năng đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này nếu dẫn chiếu đến trường hợp phạm tội thao túng thị trường chứng khoản trong thời gian gần đây mà tiêu biểu là Trịnh Văn Q đối với cổ phiếu FLC hoặc Đỗ Thành N với cổ phiếu TGG thì mức hình phạt tiền bổ sung là vô cùng bất tương xứng với số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng này. Mặt khác, việc quy định hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm” cũng là một điểm hạn chế vì hình phạt chính (tù có thời hạn) hiện nay chỉ tối đa là 03 năm (khung 1) và tối đa là 07 năm (khung 2), nên cần thiết phải có thêm hình phạt bổ sung (không phải phạt tiền) đủ sức răn đe để có thể áp dụng nhằm loại trừ hoàn toàn bị cáo ra khỏi ngành nghề kinh doanh chứng khoán trong một số trường hợp thật cần thiết là “cấm đảm nhiệm chức vụ và cấm hành nghề vĩnh viễn”. Xét về góc độ giáo dục ý thức nghề nghiệp, việc xây dựng hình phạt bổ sung theo hướng này cần được xem như là một cách để tác động mạnh mẽ lên ý chí chấp hành của các chủ thể đang hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán hoặc các lãnh đạo đang nắm giữ lượng lớn tài sản là cổ phiếu tại các tổ chức niêm yết để hạn chế, ngăn ngừa sự nảy sinh tư duy trục lợi thị trường chứng khoán từ kiến thức, kinh nghiệm, chức vụ và tài sản (cổ phiếu) mà mình đang có.

Thứ năm, quy định hình phạt bổ sung theo hướng đình chỉ hoạt động, hành nghề có thời hạn không phù hợp. Thao túng giá cổ phiếu là hành vi có mức độ gây nguy hại cao cho không chỉ với nhà đầu tư, thị trường chứng khoán, mà còn đối với kinh tế - xã hội. Từ vụ việc Tổng Giám đốc của Công ty Chứng khoán Trí Việt cấu kết với Đỗ Thành N để thao túng giá cổ phiếu TGG và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Chứng khoán BOS cấu kết với Trịnh Văn Q thao túng giá cổ phiếu FLC đã chứng minh về mặt thực tiễn là khi hành vi thao túng giá cổ phiếu được thực hiện bởi từ công ty chứng khoán hoặc người lãnh đạo công ty niêm yết hoặc cá nhân hành nghề chứng khoán thì mức độ gây nguy hiểm của hành vi này là rất khó lường. Vì lẽ đó, nếu pháp luật đã ghi nhận chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì tất yếu những quy định xử phạt vi phạm đối với các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, lãnh đạo công ty niêm yết, cá nhân hành nghề chứng khoán phải khắt khe hơn nhiều so với các đối tượng khác để nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp và chấp hành pháp luật của các chủ thể này. Do đó, việc quy định hình phạt bổ sung “đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán từ 01 đến 03 tháng hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 18 đến 24 tháng" như tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là rất nhẹ so với những hệ lụy to lớn mà hành vi thao túng giá cổ phiếu được thực hiện bởi những đối tượng đang là lãnh đạo tại các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư hoặc có trình độ am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực chứng khoán. Nếu chúng ta vẫn giữ các quy định như hiện nay, thật khó để có thể giữ vững trật tự và sự trong sạch của thị trường khi các chủ thể này đã thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu mà vẫn còn khả năng dễ dàng trở lại đảm nhiệm chức vụ, kinh doanh hoặc hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán sau một khoảng thời gian ngắn. Cần xây dựng chế tài bổ sung áp dụng với các đối tượng này phải trên cơ sở áp dụng phương pháp phân tích lợi ích vật chất giữa các mặt đổi lập (về địa vị xã hội, sự nghiệp và khả năng tham gia kinh tế của mình trong tương lai) để đối tượng phải cân nhắc, dè chừng trước khi muốn thực hiện hành vi vi phạm. Nếu các chủ thể này đã hiểu các chế tài có thể phải gánh chịu mà pháp luật đã quy định mà vẫn cố tình vi phạm thì đồng nghĩa với việc đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp đã không còn đáp ứng, không đủ tư cách ngành nghề và vì vậy phải loại trừ triệt để các đối tượng này khỏi ngành nghề chứng khoán, kể cả khi hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, cần sửa đổi mức phạt bổ sung này theo hướng "cấm đảm nhiệm chức vụ và cấm hành nghề vĩnh viễn".

 


[1] Nội dung này là ví dụ mô phỏng ra dựa trên thực tế nghiên cứu mà không nhằm mục đích hướng tới bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác.