Thứ sáu, 07 Tháng 6 2024 10:18

Góp ý một số giải pháp liên quan đến tổ chức thực thi pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của các ngân hàng thương mại

Để tổ chức thực thi pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của các ngân hàng thương mại cần căn cứ vào những phân tích, đánh giá thực tiễn việc thực thi pháp luật để đưa ra những đề xuất xây dựng và hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật từ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Có thể nghiên cứu một số giải pháp cơ bản sau nhằm hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại tại Việt Nam:

Thứ nhất, tăng cường minh bạch hóa thông tin, phát triển một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Minh bạch thông tin là tiêu chí quan trọng bảo đảm sự phát triển của thị trường, nhất là đối với hoạt động ngân hàng. Thông qua các thông tin được báo cáo hoặc công bố, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để thực hiện hoạt động quản lý, giám sát, đồng thời các chủ thể tham gia vào quan hệ đầu tư có cơ sở đánh giá hiệu quả của hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề công bố thông tin trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay thực hiện chưa tốt. Một số vấn đề nổi lên như chất lượng và thời gian công khai báo cáo tài chính chưa được bảo đảm; thông tin về sở hữu ngân hàng không được cập nhật; sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong hệ thống, dẫn đến rủi ro cho bản thân ngân hàng và việc sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng, hậu quả là sự bất ổn cho hệ thống ngân hàng.

Nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý, giám sát sớm phát hiện hành vi vi phạm và bảo đảm hiệu quả hoạt động đầu tư trong ngành ngân hàng, cần thiết tăng cường tính minh bạch của ngân hàng thương mại và các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, cụ thể như sau:

- Quy định rõ trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo ngân hàng, cùng với đó là cơ chế giám sát. Người đứng tên sở hữu cổ phần của ngân hàng phải giải trình với cơ quan giám sát nhà nước về nguồn vốn của mình. Các cổ đông lớn hoặc những người được ủy quyền quản lý ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông khác, đặc biệt là các cổ đông nhỏ về kết quả hoạt động của ngân hàng. Khi các quy định giám sát và quy định quản trị nội bộ của ngân hàng thương mại xác định rõ trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát ngân hàng thì tình trạng sở hữu ngắm có thể sẽ được cải thiện đáng kể. Khi tính chính danh, cấu trúc sở hữu cũng như người sở hữu cuối cùng được làm rõ, lợi ích từ việc sử dụng sở hữu chồng chéo, sở hữu ngầm ẩn để thâu tóm quyền lực, né tránh các quy định pháp luật sẽ không còn đăng kể, thậm chí cấu trúc sở hữu chồng chéo này còn gây thêm chi phí tuân thủ các quy định điều tiết theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế;

- Cần đẩy mạnh việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán. Đây là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy hoạt động lành mạnh của các ngân hàng. Ngoài các quy định về công bố thông tin được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định trong Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp đặt ra yêu cầu cao trong công bố thông tỉn, do đó cần phải được kế thừa và tuân thủ, đồng thời hoàn thiện và điều chỉnh cho phù hợp với khuôn khổ giám sát khu vực ngân hàng, điều này rất có ý nghĩa, đặc biệt với quy định về công bố Báo cáo tình hình quản trị công ty, bên cạnh các báo cáo khác như báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, biên bản họp đại hội đồng cổ đông và công bố thông tin về việc chào bán chứng khoán và tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng: (i) Bổ sung thuật ngữ sở hữu chéo vào trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài, cùng với biện pháp như đã đề cập là hình sự hóa các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo để ngăn ngừa tối đa hành vi này. Các cơ quan quản lý cần thường xuyên giám sát, yêu cầu các tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân, cổ đông pháp nhân và những người có liên quan, bao gồm cả phần cổ phần ủy thác cho cá nhân, tổ chức khác đứng tên. Nếu vi phạm, các cá nhân và người đứng đầu tổ chức phải chấp nhận bị xử lý theo luật hình sự; (ii) Các quy định về kế toán, hệ thống các quy định an toàn cần được liên tục nâng cao tính minh bạch, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, nhanh chóng hoàn thiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn mới trên cơ sở cần tăng tốc quá trình áp dụng các tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế (Basel II và hướng đến Basel III) vào hoạt động kinh doanh và quản lý tín dụng Việt Nam[1].

Tính đến đầu năm 2022, Việt Nam có 5 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, trong đó 4/5 là ngân hàng nằm trong danh sách 10 ngân hàng thực hiện thí điểm theo lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2014 (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế (VIB), Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Có thể nói, việc đáp ứng các tiêu chuẩn Basel trong hệ thống tài chính ở Việt Nam diễn ra chậm. Trong khi đây là hệ thống tiêu chuẩn rất có ý nghĩa trong nâng cao năng lực hoạt động của chính các ngân hàng thương mại và thị trường, hỗ trợ hoạt động giám sát của Nhà nước hiệu quả. Do vậy, đối với Ngân hàng Nhà nước: cần tạo lập cơ sở pháp lý toàn diện và thống nhất về hệ thống quản lý rủi ro trong ngân hàng thương mại Việt Nam. Hiện nay, thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được ban hành, tuy nhiên áp dụng hiệu quả hay không rất cần sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các ngân hàng thương mại, cần chủ động thực hiện rà soát, xây dựng hệ thống thông tin quản lý và hoàn thiện cơ sở dữ liệu để bảo đảm mô hình rủi ro cho kết quả chính xác. Đây không chỉ là điều kiện cho thực hiện Basel mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện, quản lý hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, xây dựng chiến lược tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn.

Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng không chỉ nhằm lành mạnh hóa từng tổ chức tín dụng, giảm thiểu tình trạng sở hữu chồng chéo tiềm ẩn nguy cơ, mà còn tạo tiền đề xây dựng một số tổ chức tín dụng mạnh tầm cỡ khu vực và quốc tế theo mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng.

Điều chỉnh mạnh mẽ cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần số lượng, tăng quy mô về vốn tương ứng với năng lực quản trị điều hành và phạm vi hoạt động, đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định. Khi thực hiện tái cơ cấu hiệu quả, sức mạnh nội tại của các ngân hàng được củng cố, các hoạt động do ngân hàng thực hiện, trong đó đặc biệt phải kể đến hoạt động đầu tư được thực hiện theo hướng hiệu quả, an toàn hơn.

Thứ năm, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Một là, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát hoạt động tài chính tập trung. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mở rộng hoạt động của ngân hàng sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là sang hoạt động chứng khoán, bảo hiểm đã tạo nên các lợi ích và đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường vốn trong nền kinh tế. Tiêu biểu như ở Đức, hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần của các ngân hàng vào công ty là hoạt động đầu tư có định hướng lâu dài và ổn định nhằm bảo vệ các công ty của Đức trước nguy cơ bị thâu tóm bởi doanh nghiệp nước ngoài. Có những trường hợp ngân hàng chiếm đến 90% cổ phần biểu quyết của doanh nghiệp. Góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với các tập đoàn kinh tế ở Nhật Bản cũng đã góp phần giúp đất nước này thoát khỏi sự khủng hoảng sau Chiến tranh thế giới thứ hai để có được bước phát triển thần kỳ. Có được sự phát triển như vậy yêu cầu các cơ quan chức năng của các quốc gia này phải giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm soát việc lợi dụng việc đầu tư góp vốn, sở hữu chéo - hệ quả của hoạt động góp vốn, đầu tư, để tư lợi cho một nhóm doanh nghiệp hay cá nhân.

Xây dựng cơ chế giám sát tập trung giúp Ngân hàng Nhà nước quản lý các công ty con liên quan đến ngân hàng thương mại. Trong thời gian vừa qua, thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần, các công ty liên quan đến nhóm lợi ích ra đời đã lợi dụng lợi thế không bị giám sát để thực hiện các giao dịch ưu đãi với ngân hàng, phá vỡ các khung giám sát an toàn kinh doanh ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước nên có quy định bất kể công ty phi tài chính có liên quan đến cổ đông/nhóm cổ đông (người sở hữu sau cùng), nếu có giao dịch với ngân hàng (như ủy thác, đầu tư góp vốn, tín dụng) đều phải chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước bằng cách phải tuân thủ điều kiện về tính minh bạch do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tiếp đó, nghiên cứu xây dựng lộ trình và biện pháp thanh tra, giám sát cụ thể cho hoạt động đầu tư, góp vốn của các ngân hàng thương mại.

Khuyến nghị trong ngắn hạn hiện nay, cần tập trung thanh tra giám sát nhằm làm rõ, minh bạch các quan hệ chồng chéo thông qua các hoạt động như: thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (thực tế đang tiến hành), chỉ ra các hoạt động cho vay, đầu tư của các ngân hàng thương mại với các công ty, cá nhân liên quan....

Trong dài hạn, cần chú trọng các hoạt động giám sát nhằm phát hiện kịp thời các giao dịch có vấn đề, không để tình trạng như thời gian vừa qua, có hậu quả mới xử lý, như vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên. Đồng thời nên tăng thực quyền của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc xử lý các sai phạm của ngân hàng thương mại. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hiện nay có thể coi là cơ quan có khả năng nắm bắt được rõ nhất tình hình thị trường và thực trạng hệ thống ngân hàng hiện nay, đồng thời phát hiện các vi phạm, sai phạm của ngân hàng thương mại là nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Hai là, cần siết chặt chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại. Phải xây dựng một hệ thống chế tài đủ mạnh cho các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tài chính - ngân hàng để không chỉ xử lý mà còn tạo sức răn đe cho các doanh nghiệp. Bổ sung mức phạt đối với hành vi vi phạm nhiều lần, tái diễn hoặc chậm khắc phục hậu quả sau khi có quyết định xử phạt.

 


[1] Được ban hành bởi Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committess on Banking supervision - BCBS) từ năm 1988 với tên gọi Hiệp ước vốn Basel hay Hiệp ước 1988 - Basel I. Đến năm 2004, Hiệp ước về vốn mới Basel II ra đời với mục tiêu hướng đến là nâng cao chất lượng và sự ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại; tạo lập và duy trì một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng thương mại hoạt động trên phạm vi quốc tế; đẩy mạnh việc chấp nhận các thông lệ nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực quản lý rủi ro ngân hàng thương mại. Basel giới thiệu khung đo lường với 3 “trụ cột prime prime :(i) Yêu cầu về vốn tối thiểu; (ii) Giám sát quá trình đánh giá nội bộ đối với rủi ro; (iii) Công bố và minh bạch thông tin.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành