Thứ sáu, 21 Tháng 6 2024 10:20

Phân tích các yếu tố sứ mệnh mới của các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc

Năm 2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định Thâm Quyến với tư cách là địa phương đi tiên phong trong cải cách, cần tiếp tục thể hiện vai trò làm mẫu và đi đầu trong thực hiện “bốn toàn diện” sẽ trở thành sứ mệnh mới của đặc khu kinh tế trong thời kỳ mới. Đại hội Đảng bộ thành phố Thâm Quyến lần thứ VI đã xây dựng các mục tiêu phát triển Thâm Quyến trong 5 năm tiếp theo: giải phóng tư tưởng, làm việc thiết thực, dũng cảm là đội quân tiên phong trong "bốn toàn diện", phấn đấu xây dựng thành thành phố hiện đại, quốc tế và đổi mới. Phấn đấu xây dựng thành đặc khu kinh tế có vai trò chủ đạo hơn nữa trong cải cách mở cửa, là khu hình mẫu tự chủ đổi mới quốc gia ở cấp độ cao hơn, là thành phố trung tâm kinh tế toàn Trung Quốc có sức dẫn dắt và lan tỏa hơn, là thành phố quốc tế có sức cạnh tranh và ảnh hưởng lớn hơn, là thành phố hạnh phúc có chất lượng đời sống nhân dân cao hơn.

Để trở thành đội quân tiên phong trong “bốn toàn diện" đòi hỏi Thâm Quyến phải tiếp tục nêu cao dũng khí “dám đi đầu thế giới”, với tinh thần trách nhiệm của đội quân tiên phong, ý thức sứ mệnh "đi trước, thử nghiệm trước", hoàn thành tốt sứ mệnh mới được giao cho đặc khu kinh tế trong thời kỳ mới Trung Quốc đã dành những chính sách đặc quyền dành cho đặc khu kinh tế bởi sự thay đổi thể chế mang tính bắt buộc, là quyền “ưu tiên" thay đổi mà chiến lược phát triển không cân bằng mang lại cho đặc khu kinh tế đi kèm rủi ro và chi phí.

Trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách mở cửa, Đặc khu kinh tế Thâm Quyến dựa vào "đặc quyền" chính sách “đi trước, thử nghiệm trước" và đi tiên phong trong cả nước trong thực hiện kinh tế thị trường vĩ đại và gian khổ. Với vai trò “đi trước, thử nghiệm trước", Đặc khu kinh tế Thâm Quyến không chỉ “vận chuyển" những khái niệm và thực tiễn cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường như quy luật giá trị, cạnh tranh thị trường, hàng hóa lao động và lãi suất cổ phiếu đến toàn Trung Quốc, đồng thời cũng khiến khẩu hiệu “Thời gian là tiền bạc, năng suất là sinh mạng" có tiếng vang khắp Thần Châu.

Sau 38 năm, với sự phát triển sâu rộng của sự nghiệp cải cách mở cửa của Trung Quốc, kỳ vọng của người dân về những thay đổi thể chế sâu sắc hơn và sự phát triển toàn diện hơn của xã hội Trung Quốc đã làm sâu sắc hơn nội hàm, ý nghĩa và sứ mệnh của cụm từ “đi trước, thử nghiệm trước". Và sứ mệnh mới sâu sắc hơn đó chính là tiếp tục dùng dũng khí, trí tuệ và lòng dũng cảm “dám đi trước thiên hạ" để tìm hiểu toàn diện các quy chế vận hành của xã hội, môi trường chế độ xã hội và các cơ chế bảo đảm pháp lý thích ứng với thể chế kinh tế thị trường; tìm hiểu con đường đổi mới thể chế của cải cách hệ thống chính trị, cơ chế, thể chế quản trị nhà nước và hiện đại hóa năng lực, tìm hiểu việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới và duy trì con đường phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tìm hiểu cách sắp xếp thể chế để các phương diện như xây dựng xã hội toàn diện khá giả và xây dựng một xã hội phúc lợi chia sẻ công bằng các thặng dư xã hội tiếp tục đi trước trong cả nước, trở thành đội quân tiên phong trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường, thúc đẩy xã hội Trung Quốc phát triển toàn diện và lành mạnh, đi đầu thực hiện "bốn toàn diện".

"Đi trước, thử nghiệm trước" vừa là quá trình đổi mới, vừa là quá trình học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. “Đi trước, thử nghiệm trước" không chỉ là về những thay đổi thể chế sâu sắc hơn trong các khía cạnh khác nhau của xã hội, chẳng hạn như hiện đại hóa năng lực và hệ tư tưởng văn hóa. Đây là phẩm chất vốn có của các đặc khu kinh tế của Trung Quốc, và đó là một sứ mệnh mới và thách thức hơn đối với các khu thương mại tự do của Trung Quốc trong thời kỳ mới.

Để trở thành đội tiên phong của “bốn toàn diện" đòi hỏi chính phủ phải có tầm nhìn và trí tuệ, cũng như tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, bao dung cách mạng. Đối với một xã hội chuyển đổi, cần phải có một chính phủ can đảm cải cách trước mới có một xã hội kiên quyết cải cách; phải hiện đại hóa khả năng quản trị của chính phủ trước mới có thể dẫn đến hiện đại hóa sự phát triển của xã hội; chính phủ phải khai sáng trước mới có thể có một xã hội văn minh.

Trung Quốc đang tiến hành theo kế hoạch là thay đổi thể chế mang tính bắt buộc từ trên xuống. Trong đó, chính phủ, đặc biệt là chính quyền Trung ương, là người khởi xướng, lãnh đạo hoặc trực tiếp chỉ đạo sự thay đổi thể chế này, đồng thời cũng là "người bị cải cách” đầu tiên trong sự thay đổi thể chế đó. Nếu không có quyết sách và chỉ thị của chính quyền Trung ương, sẽ không thể có thực tiễn cải cách mở cửa. Sự xuất hiện của các đặc khu và khu thương mại tự do là kết quả của các chính sách đặc biệt do chính quyền Trung ương trao cho chính quyền địa phương và cũng là sản phẩm của chiến lược phát triển tổng thể của chính quyền Trung ương.

Những thay đổi về thể chế trong xã hội Trung Quốc đã được thực hiện theo đường lối thực dụng. Dù vậy, sẽ không xảy ra một cách tự nhiên chỉ vì sự tồn tại của các cơ hội lợi nhuận tiềm năng giống như những thay đổi thể chế gây ra. Những thay đổi thể chế mang tính bắt buộc thường làm thay đổi sự phân chia lợi ích giữa các nhóm xã hội nguyên thủy, thậm chí làm mất lợi ích của một số người (đặc biệt là mất lợi ích của các quan chức chính phủ - những chủ thể và người thực hiện cải cách). Vì vậy, về nguyên tắc, đối với một nền kinh tế thị trường đang phát triển, một chính phủ bảo hộ có thể đóng góp rất lớn vào việc nuôi dưỡng và hỗ trợ thể chế nội bộ. Trong quá trình hạn chế sự chuyển đổi, các chức năng và vai trò của chính phủ có hiệu ứng của “kinh tế quy mô". Tuy nhiên, sự thất bại của các chính sách của chính phủ cũng sẽ làm giảm hoặc cản trở hiệu quả và tiến trình thay đổi thể chế, từ đó làm tăng chi phí cải cách xã hội. Theo nghĩa chung, việc duy trì một sắp xếp thể chế không hiệu quả và việc nhà nước không có khả năng hành động để loại bỏ sự mất cân bằng về thể chế đều là những thất bại về chính sách.

Chính phủ như thế nào sẽ có những sắp xếp thể chế như thế, và sự văn minh của chính phủ là điều kiện tiên quyết và sự bảo đảm của nền văn minh thể chế. Đồng thời, năng lực nhận thức của chính phủ cũng quyết định chi phí và hiệu quả của cải cách ở một mức độ đáng kể. Do đó, cải tạo chính phủ, chuyển đổi chức năng và nâng cao nhận thức và năng lực cầm quyền của các quan chức chính phủ là những yêu cầu hợp lý vốn có để đi sâu cải cách và hiện đại hóa cơ chế quản lý và năng lực quản trị của chính phủ. Và tiếp nối đặc khu kinh tế, các khu thương mại tự do của Trung Quốc đang đảm đương sứ mệnh đi sâu cải cách này.

Trong 38 năm cải cách mở cửa vừa qua, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển đổi các chức năng của chính phủ, chủ yếu là chuyển đổi từ chính phủ tập quyền đồng hành với nền kinh tế kế hoạch theo thể chế truyền thống thành chính phủ phục vụ phù hợp với kinh tế thị trường, thì việc hiện đại hóa cơ chế, thể chế quản trị và năng lực quản trị của chính phủ là một cuộc cách mạng sâu sắc hơn đối với chính chính phủ, một sự định hình lại các thể chế và cơ chế chính phủ hiện đại, một sự xác lập thực sự theo nghĩa quy chế của một chính phủ pháp quyền và là một bước tiến vững chắc trong cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc.

Một chính phủ thực sự hiệu quả và hiện đại không phải là một chính phủ chỉ đơn thuần thu thập các đối tượng phục vụ để cung cấp dịch vụ mà không quản gian lao vất vả, mà phải là một chính phủ trao quyền nhiều hơn cho xã hội và công chúng. Ủy quyền, không phải là phục vụ đơn giản mà là một con đường có ý nghĩa sáng tạo để xã hội của chúng ta phát triển và tận dụng đầy đủ sự nhiệt tình của các tổ chức xã hội cũng như sự tự tin và năng lực của công dân.

Một chính phủ với các quan niệm quản trị hiện đại phải là một chính phủ có ý thức về sứ mệnh. Để nâng cao năng lực quản trị của chính phủ, trước hết phải thay đổi bộ máy chính phủ chỉ biết làm mọi việc theo quy tắc và biến nó thành một bộ máy chính phủ có ý thức về sứ mệnh. Bởi vì, so với một bộ máy chính phủ chỉ biết làm mọi việc theo quy tắc, thì bộ máy chính phủ có ý thức về sứ mệnh sẽ hoạt động hiệu quả, có tinh thần đổi mới và linh hoạt hơn. Thực tiễn cải cách thành công của Trung Quốc cũng đã chứng minh điều này ở những mức độ khác nhau. Chính phủ càng cần trau dồi và xây dựng văn hóa sứ mệnh.

Một chính phủ có năng lực quản trị hiện đại phải là một chính phủ có năng lực dự báo, không phải là một chính phủ trị liệu. Theo một nghĩa nào đó, chức trách quan trọng hơn của chính phủ không phải là cung cấp dịch vụ mà là giải quyết các vấn đề.

Để trở thành đội tiên phong của "bốn toàn diện” đòi hỏi xã hội chúng ta phải viết rõ ràng sự phát triển tự do của con người và phúc lợi xã hội phổ biến lên ngọn cờ phát triển xã hội. Quá trình thực hiện "bốn toàn diện" cần và nhất định phải coi giải phóng con người là mục tiêu, là quá trình phát triển tự do của con người và là quá trình công bằng hóa phúc lợi xã hội.

Cải cách và mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ việc giải phóng lực lượng sản xuất. Giải phóng lực lượng sản xuất là giải phóng bản chất con người, giải phóng sức sáng tạo của con người với mục tiêu làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây chính là mục đích cải cách và ý nghĩa của việc theo đuổi tinh thần khoa học và nhân văn đồng thời cũng là ý nghĩa của việc thực hiện một thành phố hiện đại, mang tầm quốc tế và đổi mới.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành