Thứ hai, 20 Tháng 10 2014 00:00

Phân tích nguyên nhân và phản ứng chính sách

Chính phủ thường xuyên thay đổi các mục tiêu ưu tiên và điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Từ năm 2008 đến nay, trước những biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã 4 lần thay đổi mục tiêu ưu tiên, từ thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát năm 2008 sang kích cầu đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng năm 2009, thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng năm 2010 đến tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát 2011. Đặc biệt, trước diễn biến lạm phát phức tạp từ giữa năm 2010 và đầu năm 2011, Chính phủ cũng đã có những giải pháp chủ yếu nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2011 và định hướng đến năm 2015.

Những thay đổi mục tiêu ưu tiên trong những giai đoạn ngắn như trên đòi hỏi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải điều chỉnh liên tục, trong khi hiệu quả phát huy tác động của mỗi chính sách luôn có độ trễ, như đặc điểm của từng chính sách đã phân tích ở trên. Do vậy, trong khi chưa đánh giá được hiệu quả chính sách trong giai đoạn trước, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã phải chuyển sang mục tiêu ưu tiên khác.

Quá chú trọng sử dụng chính sách tiền tệ để điều chỉnh nền kinh tế. Thực tiễn điều hành vĩ mô của Chính phủ những năm qua cho thấy, chính sách tiền tệ luôn được sử dụng là công cụ chủ yếu để điều chỉnh nền kinh tế, cả khi ưu tiên chống lạm phát hay tăng trưởng kinh tế. đầu năm 2008, trước tình hình lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam  đã sử dụng hầu như tất cả các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt để kiềm chế lạm phát như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng diện tiền gửi phải dự trữ bắt buộc, thậm chí phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc để có thể hút nhanh tiền từ lưu thông về và quy định các tín phiếu Ngân hàng Nhà nước không được sử dụng để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cơ bản được điều chỉnh lên mức 12% rồi 14%. Các lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng lên 15% và 13%. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán và bất động sản... Kết quả là tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2008 được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước. Tuy nhiên, chính sách này đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua ảnh hưởng của lãi suất cao và hạn chế tín dụng. Thắt chặt chính sách tiền tệ với liều lượng mạnh và tiến hành đột ngột đã gây ra cú sốc cho thị trường. Kể từ tháng 9 đến cuối năm, nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát do hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt trước đó và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Trong năm năm trở lại đây, tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Ngoại trừ đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước đều có xu hướng tăng mạnh từ năm 2006. Đối với đầu tư công, về lý thuyết, tập trung vốn đầu tư có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong trường hợp của Việt Nam giai đoạn gần đây, dường như việc thực hiện mô hình tăng trưởng dựa trên mở rộng đầu tư lại là cội nguồn của các bất ổn kinh tế vĩ mô do đầu tư công thiếu hiệu quả dẫn đến thâm hụt ngân sách và gây bất ổn vĩ mô.

Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ chưa thật nhịp nhàng. Tất cả các báo cáo, nghị quyết, công văn của Chính phủ từ năm 2008 đến nay đều thể hiện quan điểm sử dụng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cho mục tiêu ưu tiên trong cùng thời kỳ là kiềm chế lạm phát hay tăng trưởng kinh tế. Song trên thực tế, chính sách tài khóa đôi khi chưa thật thắt chặt trong thời kỳ lạm phát cao và chưa phát huy hết vai trò trong thời kỳ ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Trong hơn nửa đầu năm 2008, Chính phủ chủ trương thắt chặt chi tiêu, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; sử dụng ngân sách các cấp và nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2008 cho các chính sách an sinh xã hội. Riêng số vốn từ việc các dự án, công trình đầu tư bị đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện là gần 6.000 tỷ đồng, được tập trung bố trí cho các dự án cấp thiết có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2008. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giảm 25% kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi và nâng cấp bệnh viện tuyến huyện so với mức Quốc hội phê duyệt, riêng trái phiếu giáo dục điều chỉnh giảm 5,6% so với mức Quốc hội phê duyệt.

Theo những phân tích nêu trên, các giải pháp đưa ra nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, kéo theo đó là sự suy thoái tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang diễn ra trên khắp thế giới đã cho thấy vai trò quan trọng của sự phối hợp giữa hai chính sách vĩ mô này trong ổn định kinh tế vĩ mô, giảm tác động tiêu cực của khủng hoảng. Đầu tháng 6/2009, cả IMF và WB đều đưa ra những khuyến cáo đáng lưu ý về các biện pháp kinh tế vĩ mô của Việt Nam. IMF lo ngại rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tái lạm phát. Trong khi đó, WB cảnh báo về tình trạng khiếm hụt ngân sách lớn, 10% GDP sẽ khiến cho việc sử dụng tài nguyên quốc gia giảm hiệu quả: đầu tư tư nhân sụt giảm dẫn đến sự suy giảm khả năng hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia sau khủng hoảng.

Cả hai biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh các chương trình kích thích kinh tế bằng thâm hụt ngân sách và vay mượn khu vực tư sẽ có thể ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ và cuối cùng là việc quay trở lại với mức lãi suất cao. điều này giống như một vòng luẩn quẩn: Bắt đầu bởi lạm phát và chống lạm phát, sau đó là nới lỏng tiền tệ và chống suy thoái và cuối cùng lại quay trở lại lạm phát và chống lạm phát. Để sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đạt được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong thời kỳ diễn biến kinh tế đầy biến động như hiện nay, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị chính sách sau:

- Trong quá trình điều hành chính sách, các cơ quan chức năng cần tính đến độ trễ để xác định thời điểm, liều lượng và mức độ tác động hợp lý. đồng thời, tránh hiện tượng tác động quá liều nhằm đạt mục tiêu ngắn hạn nhưng sẽ có tác động tiêu cực trong tương lai. Cần lường trước mặt trái của các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như độ trễ chính sách và có những giải pháp dự phòng. Cần cân nhắc trước mỗi hành động điều chỉnh các chính sách, đặc biệt là trong chính sách tiền tệ. Thực tế lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ từ năm 2007 đến nay cho thấy độ trễ của chính sách tiền tệ thường ở mức từ 4 - 6 tháng. Song trước sự biến động của diễn biến kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ luôn phải điều chỉnh theo thị trường và chịu áp lực tăng trưởng GDP của Chính phủ nên độ trễ này ít được quan tâm. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2010 trước diễn biến lạm phát chậm lại và áp lực tăng trưởng GDP đã cho thấy điều này.

- Ngân hàng Nhà nước kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát trong thời gian đủ dài, tránh nới lỏng tiền tệ quá sớm, nhằm tạo lập niềm tin của thị trường vào các cam kết ổn định vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước. Trong các mục tiêu kinh tế vĩ mô, phải luôn xác định cụ thể chỉ tiêu lạm phát. Nếu chỉ đưa ra chỉ tiêu lạm phát thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP, dẫn đến mục tiêu này cũng luôn thay đổi khi tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến được điều chỉnh. điều này khiến cho sự vận hành chính sách tiền tệ thiếu định hướng và sẽ tập trung vào xử lý tình huống. Ngân hàng Nhà nước phải giữ được lạm phát thấp ít nhất trong vòng 6 tháng, qua đó dần lấy lại được niềm tin của công chúng, giúp người dân vào chính sách nhất quán của Ngân hàng Nhà nước nhằm xây dựng môi trường vĩ mô ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát cao mà còn ngay khi lạm phát đang khá thấp và ổn định. để duy trì lạm phát ở mức độ hợp lý, Ngân hàng Nhà nước cần xác định một cách khoa học mức tăng tổng phương tiện thanh toán trên cơ sở mức lạm phát mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GDP và các yếu tố ảnh hưởng khác, đồng thời chủ động sử dụng các công cụ để kiểm soát mức cung tiền. Trong tương lai có thể chuyển chỉ tiêu kiểm soát từ mức tăng tổng phương tiện thanh toán sang lãi suất thị trường.

- Trong điều kiện kinh tế vĩ mô biến động, chính sách tài khóa cần thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt là trong vấn đề giảm chi tiêu công, tránh tình trạng chính sách tài khóa điều chỉnh hạn chế trong khi chính sách tiền tệ liên tục đảo chiều ở mức độ cao theo những biến động của nền kinh tế. Tăng cường trao đổi thông tin giữa các bộ ngành chức năng là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nhằm phối hợp thực thi các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần phải thiết kế các mối quan hệ liên tục và thường xuyên trong việc đưa ra và thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Thiết lập cơ chế cung cấp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan khác để kiểm soát cung tiền trong nền kinh tế. Bộ Tài chính cần cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước thông tin về tổng số vốn bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước để quản lý tổng phương tiện thanh toán. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp với nhau trong thiết kế và thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hàng năm dựa trên các mục tiêu của lạm phát, GDP và dự báo cán cân thanh toán. Thủ tục và thời gian biểu để phối hợp cần được làm rõ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Hai cơ quan cũng cần phối hợp trong việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, xác định quy mô của nhu cầu, thâm hụt ngân sách, vay nợ trong nước và nước ngoài,... Bộ Tài chính cung cấp các kế hoạch phát hành trái phiếu của Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước hàng năm, sau đó trao đổi với Ngân hàng Nhà nước để quyết định khối lượng, lãi suất và thời gian phát hành, tránh việc tác động trái chiều với điều hành chính sách tiền tệ như một số năm qua, có thời điểm lãi suất trái phiếu chính phủ còn cao hơn cả lãi suất tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Chính sách tiền tệ chỉ phát huy được hiệu quả khi gắn với nó là một nền kinh tế khỏe mạnh. điều này có nghĩa là Chính phủ phải định hướng lại sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, không tập trung vào số lượng - tốc độ tăng trưởng GDP mà phải tập trung vào chất lượng, nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Để đạt được điều này, chỉ riêng chính sách tiền tệ không thể làm được.

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 10 Tháng 11 2014 09:07

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành