Thứ sáu, 12 Tháng 7 2024 04:24

Giới thiệu khái quát về chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào ngày 25 tháng 9 năm 2015. Chương trình nghị sự 2030 bắt nguồn từ Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Năm 1972, tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người tại Stockholm, Thụy Điển, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế bàn về các vấn đề môi trường toàn cầu cũng như các nhu cầu cần thiết cho phát triển. Năm 1984, thành lập Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), được ghi nhận bởi những cống hiến rất giá trị cho việc đẩy mạnh sự phát triển bền vững. Năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất về môi trường và phát triển, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, nhất trí kế hoạch hành động - Chương trình nghị sự 21, một số nguyên tắc chính và thông qua 5 văn kiện quan trọng. Năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững đã nhắc lại các mục tiêu xã hội và môi trường được phản ánh trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự 21. Năm 2012, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã đảm bảo cam kết chính trị không ngừng cho phát triển bền vững, giải quyết những thách thức mới đang nổi lên, khởi động quá trình xây dựng mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Từ tháng 9/2013, các nước đặt ra một bộ mục tiêu và khởi động các cuộc đàm phán liên chính phủ về Chương trình nghị sự sau 2015, đưa ra bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 chỉ tiêu. Ngày 25/9/2015, Chương trình nghị sự 2030 chính thức được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York. Chương trình nghị sự 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Chương trình nghị sự 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cốt lõi của Chương trình nghị sự là các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Các SDG đóng vai trò là một kế hoạch hành động cho thấy một Chương trình nghị sự toàn cầu sẽ đạt được vào năm 2030 và sẽ đóng vai trò là hướng dẫn cho cộng đồng quốc tế. Nhằm mục đích tạo ra một xã hội nơi mà không ai sẽ bị bỏ lại phía sau, các SDG bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu, bao gồm xóa đói giảm nghèo dưới mọi hình thức, chống lại sự bất bình đẳng và chống biến đổi khí hậu. Các SDG chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2016. Phương tiện chính được dùng để thực hiện các SDG trong Chương trình nghị sự 2030 là áp dụng hiệu quả các tiến bộ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

SDG được coi là sự kế thừa cho MDG. MDG được Liên hợp quốc xây dựng vào năm 2001 bằng cách tích hợp Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được thông qua năm 2000 và các mục tiêu phát triển quốc tế đã được thông qua tại các hội nghị quốc tế lớn vào những năm 1990. MDG bao gồm tám mục tiêu phát triển để các nước đang phát triển đạt được vào năm 2015. Cụ thể, đó là: Xóa bỏ đói nghèo cùng cực; Đạt được phổ cập giáo dục tiểu học; Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Cải thiện sức khỏe bà mẹ; Chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; Đảm bảo bền vững môi trường; và Phát triển quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển. Trong khi các mục tiêu như giảm một nửa mức nghèo cùng cực và chống lại HIV/AIDS và bệnh sốt rét đã đạt được, một số MDG, chẳng hạn như giảm một nửa tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ, vẫn không được thực hiện.

Dựa trên những thành tựu của MDG, SDG nhằm giải quyết một loạt các vấn đề bằng cách xem xét phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường, là những yếu tố liên kết với nhau. Mặc dù các nước đang phát triển là đối tượng chính của MDG, SDG liên quan đến cộng đồng quốc tế nói chung, bao gồm cả các nước phát triển. Ngoài ra, tập trung vào vai trò của tất cả các bên liên quan, bao gồm không chỉ các quốc gia và chính phủ mà cả các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi chính phủ và các nhân vật chủ chốt, những sáng kiến này có liên quan đến mỗi người trên toàn thế giới.

Chương trình nghị sự cũng quy định các nguyên tắc cụ thể như sau:

- Quyền làm chủ quốc gia: Quyền làm chủ quốc gia là rất quan trọng để đảm bảo CTNS được thiết lập và thực hiện ở cấp quốc gia.

- Cách tiếp cận bao trùm và cùng tham gia: Quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 có sự tham gia toàn diện của tất cả các nhóm trong xã hội, phản ánh tầm quan trọng của việc huy động người dân tham gia để đảm bảo Chương trình nghị sự mới thật sự “lấy con người làm trung tâm".

- Tính phổ quát: Các mục tiêu và các chỉ tiêu toàn cầu huy động toàn thế giới, các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển tham gia.

- Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước: Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tất cả các hình thức bất bình đẳng và phân biệt đối xử giữa các nhóm dân cư khác nhau.

- Cách tiếp cận dựa trên nhân quyền: Phát triển lấy con người làm trung tâm, phát triển tập trung vào văn hóa và bản sắc, tôn trọng và kết hợp kiến thức truyền thống, chú ý đến sự tham gia rộng rãi của người dân, hòa nhập, trách nhiệm, không phân biệt đối xử, giảm bất bình đẳng, trao quyền, thượng tôn pháp luật, dân chủ, an toàn cá nhân, quản trị tốt, tiếp cận công lý, tiếp cận thông tin, vai trò tích cực đối với xã hội dân sự, hệ thống an sinh xã hội và hợp tác quốc tế có hiệu quả.

- Cách tiếp cận tích hợp để phát triển bền vững: Tích hợp chính sách nghĩa là cân bằng cả ba khía cạnh phát triển bền vững: tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra cũng cần so sánh mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).

- Về các lĩnh vực, mục tiêu, quy mô và tài chính: Các mục tiêu SDG dựa trên 6 lĩnh vực: Nhân phẩm, Con người, Thịnh vượng, Hành tỉnh của chúng ta, Công lý và Quan hệ đối tác. Các mục tiêu SDG có nhiều hơn 2 lĩnh vực so với mục tiêu MDG là Công lý và Thịnh vượng. MDG có 08 mục tiêu, SDG có 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể. Quy mô tài chính để thực hiện MDG ở cấp tỷ USD, trong khi tài chính cho SDG cần hàng nghìn tỷ USD (ví dụ tài chính cho giảm nghèo đói cần khoảng 66 tỷ USD/năm, trong khi đó tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần khoảng 7 nghìn tỷ USD).

- Về tổ chức triển khai thực hiện: Trong thực hiện MDG, trước 2015, có hai quá trình song song: Thực hiện MDG: tập trung nhiều vào khía cạnh xã hội với xóa nghèo; Phát triển bền vững: Tập trung vào sự bền vững về môi trường. Trong đó, Chính phủ đóng vai trò chính và Tăng cường hợp tác giữa các nước phát triển và đang phát triển. Hiện nay, trong thực hiện SDG chỉ có một Chương trình nghị sự 2030 toàn diện, phổ quát duy nhất, với các mục tiêu: Hoàn tất công việc còn dang dở của MDG và không để ai bị bỏ lại phía sau; Tiếp tục thực hiện phát triển bền vững với quan điểm tích hợp và cân bằng tất cả các khía cạnh chính; với cách tiếp cận “toàn thể xã hội” và “toàn thể chính phủ” và huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là trong nước để thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành