Thứ năm, 18 Tháng 7 2024 04:26

Khái quát về con đường hiện đại hóa của Vương Quốc Anh

Anh là nước hiện đại hóa đầu tiên trên thế giới. Tiến trình hiện đại hóa của Anh có sự trắc trở rõ ràng: cùng với sự trỗi dậy của Tây Âu, từ một nước nằm bên lề của văn minh thế giới đã phát triển thành cường quốc của châu Âu, nước lớn của thế giới, rồi lại quay trở về châu Âu trở thành quốc gia khu vực. Với tư cách là người kiến lập thời đại tư bản chủ nghĩa toàn cầu, nước Anh không chỉ bảo lưu và kéo dài thành công văn hóa truyền thống, kết cấu xã hội, mà còn thành công trong việc đưa nền kinh tế thị trường vào kết cấu xã hội vốn có, rồi từ đó bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng, tích cực. Điều này đồng thời cũng đánh dấu sự chuyển hướng căn bản mới của văn minh nhân loại.

Nhìn lại từ góc độ lịch sử, tiến trình phát triển hiện đại hóa của Vương Quốc Anh về đại thể có thể chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: Khoảng thế kỷ XVI, XVII, vừa là thời kỳ chuyển đổi mô hình của xã hội Anh, vừa là thời kỳ ấp ủ, chuẩn bị hiện đại hóa của Anh.

Trong thời kỳ này, sự thay đổi sâu sắc nhất của xã hội Anh là sự phát triển của nhất thể hóa nền kinh tế. Sự thay đổi này được thể hiện ở sự tan rã của kinh tế nông nghiệp tự cấp tự túc và sự phát triển cao độ của nền kinh tế hàng hóa thị trường. Nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự chuyển dịch trọng tâm này là sự phát triển của ngành chăn nuôi, từ đó kéo theo sự phát triển của ngành dệt len. Những ngành nghề này đã thúc đẩy ngành chăn nuôi nông nghiệp của Anh thương mại hóa từ rất sớm, đồng thời đã khởi động tiến trình nhất thể hóa nền kinh tế của Anh. Đến nửa cuối thế kỷ XVI, thể chế khép kín “sản xuất cho sự sinh tồn của bản thân" hết sức đặc thù của nền kinh tế tiểu nông ở Anh đã được thay thế bằng thể chế mở cửa “sản xuất cho thị trường", trình độ thương mại hóa và chuyên nghiệp hóa của nền kinh tế nông nghiệp tăng cao mạnh mẽ[1]. Đến đầu thế kỷ XVII, mặc dù đa số người dân vẫn sống ở nông thôn, song kinh tế nông nghiệp hoàn toàn bị nền kinh tế thị trường dẫn dắt. Nông nghiệp đã không còn chỉ sản xuất cho nhu cầu tiêu dùng của cư dân bản địa, mà có ngày càng nhiều nông sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường với tư cách là hàng hóa. Trong thời kỳ này, việc tăng cường các mối quan hệ theo chiều ngang và chiều dọc giữa các đô thị và giữa thành thị với nông thôn khiến cho nước Anh bước đầu xuất hiện thị trường thống nhất và hệ thống kinh tế toàn quốc lấy London làm hạt nhân, đã thực hiện tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực ở một mức độ nhất định, rút ngắn thời gian và lộ trình thực hiện chuyển đổi mô hình xã hội, từ đó nâng cao thực lực kinh tế tổng hợp của Anh với tư cách là một quốc gia dân tộc[2].

Cải cách tôn giáo và việc xác lập nguyên tắc của đạo Tin Lành là động lực tinh thần được hình thành trong xã hội hiện đại hóa ở Anh. Tuy cải cách tôn giáo diễn ra sớm nhất ở Đức, song Anh lại là nước hưởng ứng đầu tiên đối với cuộc cải cách do Martin Luther phát động vào năm 1517. Năm 1529, đạo Tin Lành đã ra đời tại nước Anh. Đạo Tin Lành của Anh vừa không thiếu tinh thần thương mại, vừa có sự chân thành đối với tôn giáo, ở một ý nghĩa nào đó đã kiến tạo nên tinh thần và nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản. Sự dung hòa giữa tinh thần thương mại và tinh thần tôn giáo từng bước trở thành động lực tinh thần để nước Anh mở mang thuộc địa, phát triển ngành hàng hải và công thương nghiệp giai đoạn sau này. 

Giai đoạn thứ hai: Thời kỳ Anh phát triển hiện đại hóa. Biểu hiện chủ yếu của giai đoạn này có: phong trào Khai sáng, phát triển khoa học kỹ thuật và hoàn thành cách mạng công nghiệp, v.v..

Phong trào Khai sáng và cuộc cách mạng khoa học đã đưa lại nhiều thay đổi to lớn cho xã hội. Ăngghen từng nói: “Thế kỷ XVIII đã tổng hợp những thành quả xuất hiện vụn vặt, ngẫu nhiên trong quá khứ, đồng thời đã cho thấy tính tất yếu cũng như mối liên hệ nội tại của chúng. Vô số tài liệu nhận thức lộn xộn đã có được mối liên hệ nhân quả qua lại thông qua chỉnh lý, sàng lọc, tri thức biến thành khoa học, các bộ môn khoa học tiệm cận đến sự hoàn thiện"[3]. Trải qua thời kỳ Phục hưng và cải cách tôn giáo, trong giới tri thức phương Tây thế kỷ XVII-XVIII đã xuất hiện cục diện “trăm nhà đua tiếng" giữa các trường phái tư tưởng và học thuật. Trong cuộc đua giữa tư tưởng và học thuật, mọi người dần dần được giải phóng khỏi "gông cùm" của Thượng đế, nhận thức thế giới một cách khoa học, thông qua thí nghiệm để giải thích các hiện tượng tự nhiên, vì thế đã có cách mạng khoa học và phong trào Khai sáng.

Cách mạng công nghiệp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội bước vào hiện đại hóa. Nửa cuối thế kỷ XVIII, nước Anh bắt đầu quá độ lên xã hội công nghiệp hóa hiện đại. Động cơ hơi nước do Watt phát minh ra được sử dụng sớm nhất trong ngành công nghiệp dệt len. Sản xuất bằng máy móc cơ giới thay thế cho sản xuất thủ công nghiệp, năng suất lao động tăng lên gấp mấy chục lần. Sau đó lại tiếp tục mở rộng sang các ngành khác, kéo theo sự phát triển của ngành luyện kim, chế tạo máy và vận tải. Từ đó đã sản xuất ra một lượng lớn sản phẩm công nghiệp, lưu thông thương mại tăng nhanh, cuộc cách mạng công nghiệp của Anh bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Cách mạng công nghiệp không chỉ là một cuộc cách mạng kỹ thuật chưa từng có trước đó, mà còn là một lần cải cách xã hội sâu sắc. Nó vừa dẫn đến sự thay đổi to lớn trong quan hệ sản xuất, vừa mang lại sự thay đổi sâu sắc trong phương thức sống và quan niệm, tập tục của con người. Cách mạng công nghiệp khiến cho hai giai cấp lớn là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân trỗi dậy. Cải cách nghị viện ở Anh đã giúp chính trị nước này đi theo hướng chính trị dân chủ - mở rộng quyền bầu cử của công dân. Công cuộc cải cách nghị viện lâu dài của Anh từng bước được hoàn thành trong một môi trường ổn định[4]. Đồng thời, cách mạng công nghiệp đã hình thành nên thị trường thế giới, thúc đẩy hội nhập thế giới. Thị trường thế giới khiến cho thương nghiệp, ngành hàng hải, giao thông đường bộ của Anh có được những bước phát triển to lớn. Sự phát triển này ngược lại cũng thúc đẩy ngành công nghiệp của Anh phát triển mở rộng, giúp Anh hoàn toàn bước vào quỹ đạo nhanh chóng phát triển hiện đại hóa.

Từ những phân tích trên có thể rút ra những đặc trưng chủ yếu của tiến trình hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh với những điểm đặt trưng nổi bật theo con đường cải cách tiệm tiến, hòa bình sau:

Thứ nhất, đổi mới mang tính hệ thống, dẫn đầu trào lưu hiện đại hóa thế giới

Đổi mới mang tính hệ thống trong tiến trình hiện đại hóa của Vương Quốc Anh chủ yếu chỉ những đổi mới trong hệ thống chính trị với mục đích là để thích ứng với phát triển và thay đổi của xã hội Anh, điều tiết mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội, thực hiện phân phối hợp lý các lợi ích xã hội, từ đó đạt được sự phát triển ổn định, hài hòa, bền vững của toàn xã hội. Đổi mới hệ thống không chỉ bảo đảm cho tiến trình hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh được thúc đẩy thuận lợi, mà còn giúp hệ thống dân chủ và tiến trình cải cách ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây có thể mô phỏng thành công. Cải cách chính trị, cải cách kinh tế và cải cách dân chủ... ở các nước Âu - Mỹ sau này đều học tập kinh nghiệm của Anh, xây dựng nên hệ thống chính trị phù hợp với tình hình mỗi nước cũng như thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa ở từng nước.

Thứ hai, Cách mạng công nghiệp và tiến bộ khoa học kỹ thuật là cỗ máy thúc đẩy hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh

Cách mạng công nghiệp đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại, là cơ hội nhảy vọt của hiện đại hóa. Cuối thế kỷ XVIII, việc phát minh ra máy dệt và động cơ hơi nước đã tạo ra cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thúc đẩy sức sản xuất của Vương Quốc Anh phát triển mạnh như vũ bão, khiến cho phương thức sản xuất của Anh quá độ từ công trường thủ công sang sản xuất cơ khí đại công xưởng. Đến giữa thế kỷ XIX, Anh đã hoàn thành việc chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội công nghiệp văn minh hiện đại; cách mạng công nghiệp đã tạo ra sức sản xuất xã hội to lớn, khiến Vương Quốc Anh trở thành “công xưởng của thế giới"; cách mạng công nghiệp đã dẫn đến những thay đổi to lớn ở Vương Quốc Anh trên các phương diện như: phương thức sản xuất, kết cấu giai cấp, phương thức sống, quan niệm giá trị, v.v., cách mạng công nghiệp đã tạo nên một cục diện thế giới với một bên là phương Tây tiên tiến với một bên là phương Đông lạc hậu. Tóm lại, cách mạng công nghiệp đã thúc đẩy hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh phát triển phi mã trên mọi phương diện, dẫn đầu hiện đại hóa thế giới trong suốt 200 năm.

Thứ ba, tiến trình hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh phần lớn phụ thuộc vào thuộc địa, thuộc địa là con đường sinh mệnh của Vương Quốc Anh.

Vương Quốc Anh là một trong những nước tích cực tiến hành các hoạt động thực dân ở nước ngoài từ rất sớm, thế kỷ XIX đã chính thức xác lập địa vị bá quyền trên biển, thị trường ở hải ngoại được mở rộng nhanh chóng. Cùng với việc không ngừng tăng tốc tích lũy nguyên thủy tư bản, phương thức sản xuất của các công trường thủ công vốn có không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ đó thúc đẩy sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp ở Vương Quốc Anh, giúp Vương Quốc Anh trỗi dậy trở thành "công xưởng của thế giới". Thuộc địa trở thành vùng sản xuất nguyên liệu, thị trường hàng hóa, nơi xuất khẩu vốn và di dân của Vương Quốc Anh, tạo động lực không ngừng nghỉ cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Anh quốc. Đến thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, Anh đã trở thành nước xuất khẩu vốn lớn nhất thế giới. Do các vùng thuộc địa rộng lớn có thể mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ nên nước Anh tương đối thiếu động lực đổi mới kỹ thuật, kinh tế phát triển chậm dần, nên bị Mỹ, Đức đuổi kịp và đi đến thoái trào.

Thứ tư, cục diện chính trị ổn định trong một thời gian dài là sự bảo đảm mạnh mẽ để Anh tiến hành hiện đại hóa thuận lợi

Tiến trình hiện đại hóa ở Vương Quốc Anh chứa đầy mâu thuẫn và xung đột, những điểm khác biệt so với nước khác là ở Vương Quốc Anh không phải bên đấu tranh sẽ nuốt chửng bên kia hoặc áp đảo bên kia, mà là hai bên xung đột cuối cùng lại thỏa hiệp, dung hòa với nhau. Cho dù là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản công nghiệp mới nổi với quý tộc địa chủ, hay xung đột giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản thì người Anh bảo thủ, thận trọng luôn có thể tìm ra điểm cân bằng lợi ích mà cả hai bên đấu tranh đều có thể chấp nhận được thông qua cải cách, thực hiện xã hội hài hòa mới.

Như vậy, có thể thấy được rằng, mô hình kinh tế thị trường của Vương Quốc Anh được thiết lập sớm nhất thế giới. Họ cho rằng, chức năng chủ yếu của nhà nước là thu thuế, quốc phòng và công tác đối ngoại, không cần trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh tế cụ thể trong nước. Do đó, cho dù về kết cấu kinh tế hay về tổ chức chính trị, Anh đều thể hiện tính tự do rất cao trong hoạt động kinh tế. Thành phần kinh tế và chức năng quản lý của chính phủ ở Anh đã cho thấy, mô hình mà Anh thực hiện là mô hình “kinh tế thị trường tự do" lấy tư bản tư nhân làm cơ sở, lấy quyết sách phân tán doanh nghiệp làm chủ thể, lấy lựa chọn tự do cá nhân làm đặc trưng, lấy cơ chế thị trường làm biện pháp chủ yếu để phân bố nguồn lực.

 


[1] J. Thrisk: Lịch sử nông nghiệp của Anh và xứ Wales (4), Nxb. Đại học Oxford, 1967.

[2] Hoàng Quang Diệu: “Bàn về sự chuẩn bị thành công trước khi Anh khởi động hiện đại hóa”, Học báo Đại học Sư phạm Sơn Đông (Bản Khoa học xã hội nhân văn), số 1 (quyển 48), 2013.

[3] Mac - Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 1995, quyển.1, tr.18.

[4] Trương Giang Lộ: “So sánh c quỹ đạo và mô hình phát triển hiện đại hóa của ba nước Anh, Mỹ, Nhật Bản”, Tạp chí Tiến bộ Khoa học kỹ thuật và- đối sách, số tháng 10/2003.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 20 Tháng 9 2024 04:44

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành