Thứ năm, 18 Tháng 7 2024 07:24

Giới thiệu về quá trình hiện đại hóa của Pháp

Đóng góp nổi bật nhất của Pháp đối với quá trình hiện đại hóa trên thế giới là cuộc đại cách mạng Pháp. Cuộc đại cách mạng Pháp đã mở ra trào lưu dân chủ hóa chính trị mang tính toàn cầu đang trên đà phát triển, vì thế nó được coi là cột mốc phân chia thời đại trong lịch sử phát triển chính trị thế giới. Phong trào Khai sáng Pháp đã phát triển, mở rộng và xác định các tín điều "tự do, bình đẳng, bác ái” của giai cấp tư sản thành luân lý phổ biến trên toàn thế giới, khiến chúng trở thành nền tảng pháp lý của xã hội, nhà nước và nền chính trị dân chủ hiện đại, được thừa nhận rộng rãi. Cuộc đại cách mạng Pháp đã đưa những luân lý phổ biến thế giới này trở thành cội nguồn và tiêu chuẩn cơ bản có tính hợp pháp cho mọi chế độ chính trị bằng sức mạnh động viên quần chúng không gì sánh được.

Lịch sử tiến trình hiện đại hóa ở Pháp về đại thể có thể chia thành ba giai đoạn như sau.

Giai đoạn thứ nhất: Thời kỳ cuộc đại cách mạng Pháp mở đầu cho tiến trình hiện đại hóa chính trị quốc gia

Thế kỷ XVI, do sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, một số ngành nghề của Pháp như dệt tơ, dệt đay, thảm len, ren, v.v. đã xuất hiện công trường thủ công - sự manh nha của công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Kể từ đầu thế kỷ XVII, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Pháp đã có bước phát triển mới. Để tăng cường thực lực kinh tế đối ngoại, cải thiện tình hình tài chính, vương triều chuyên chế Pháp bắt đầu thực thi chính sách của chủ nghĩa trọng thương, khiến thủ công nghiệp công trường phát triển rất nhanh. Cuối thế kỷ XVII, chỉ có khoảng 200 công trường thủ công sản xuất tập trung, sau khi bước sang thế kỷ XVIII, công trường thủ công nghiệp của Pháp tăng cả về số lượng lẫn trình độ kỹ thuật. Trước khi nổ ra cuộc cách mạng tư sản, số lượng công trường thủ công sản xuất tập trung đã lên đến con số 514, trước hết là việc xây dựng các công trường động lực sử dụng máy hơi nước trong ngành luyện kim và khai thác than. Đến cuối thế kỷ XVIII, cùng với mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất phong kiến với giai cấp tư sản ngày càng sâu sắc hơn thì cuộc cách mạng tư sản đã ấp ủ chín muồi, cuối cùng, cuộc đại cách mạng Pháp - cuộc cách mạng có tác động to lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến chế độ chính trị của Pháp và tiến trình hiện đại hóa chính trị của phương Tây - đã nổ ra vào năm 1789. Cuộc đại cách mạng Pháp đã đề ra khung lý luận và mô hình thực tiễn trong xây dựng quốc gia hiện đại, đẩy nhanh tiến trình thể chế hóa quản lý chính trị và dân chủ hóa việc tham gia chính trị, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa chính trị của các nước phương Tây.

Giai đoạn thứ hai: Thời kỳ phát triển công nghiệp hóa ở Pháp

Công nghiệp hóa ở Pháp cất bước đi đầu tiên từ ngay trong cuộc đại cách mạng Pháp. Trước cuộc đại cách mạng Pháp, trình độ phát triển kinh tế của Pháp cao hơn một chút so với Anh[1]. Cuộc đại cách mạng Pháp đã làm xáo trộn tiến trình tăng trưởng kinh tế bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Mãi đến năm 1815, sản xuất công nghiệp của Pháp mới bước vào một thời kỳ tăng trưởng tương đối nhanh, song sự phát triển rất không ổn định, trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh - chậm - nhanh: Từ năm 1815 đến 1860 là thời kỳ phát triển nhanh của nền kinh tế Pháp; từ năm 1860 đến 1895 là thời kỳ tăng trưởng kinh tế Pháp giảm dần và dùng bước; sau năm 1895, nền kinh tế Pháp bắt đầu “trẻ hóa”, từ năm 1896 đến 1914, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Pháp ở mức chưa từng có trong lịch sử. Song tốc độ tăng trưởng này vẫn chưa thể sánh được với tốc độ của Anh, càng không thể đuổi kịp nước Đức mới nổi lên sau này. Cuối thế kỷ XIX, trình độ công nghiệp của Pháp nhanh chóng bị Đức, Mỹ vượt qua, tụt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ tư thế giới, tuy vậy trình độ phát triển của nền công nghiệp Pháp vẫn luôn đứng trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

Giai đoạn thứ ba: Giai đoạn phát triển sau chiến tranh

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nền kinh tế quốc dân của Pháp bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 1918, với tư cách là một trong những nước thắng cuộc, theo Hòa ước Versailles, Pháp đã thu hồi được hai vùng đất đã bị mất trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ là Alsace và Lorraine, thu được khoản tiền bồi thường chiến tranh rất lớn từ Đức, đồng thời giành được quyền khai thác mỏ than Saar của Đức bằng phương thức quản lý quốc tế. Điều này không chỉ mở rộng thực lực sản xuất gang thép của Pháp, mà còn cơ bản giải quyết được vấn đề khó khăn trong việc thiếu hụt nguyên liệu trường kỳ của Pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Pháp coi việc chữa lành vết thương chiến tranh và khôi phục nền kinh tế quốc dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đã sử dụng một loạt biện pháp điều tiết quốc gia. Ba kế hoạch hiện đại hóa và trang bị được Pháp hoạch định và thực thi từ năm 1947 đến 1961 đã giúp Pháp khôi phục được sức mạnh và sự tự tin quốc gia. Từ năm 1962 đến 1975, Chính phủ Pháp bắt tay tiến hành kế hoạch phát triển quy mô lớn và đi theo hướng hiện đại hóa toàn diện.

Quá trình hiện đại hóa ở Pháp có những đặc điểm cơ bản riêng so với tiến trình hiện đại hóa của các nước khác như Mỹ và Anh, đặc trưng nổi bật của tiến trình hiện đại hóa ở Pháp được thể hiện ở con đường dân chủ hóa chính trị trong bối cảnh cục diện chính trị có nhiều biến động và quá trình công nghiệp hóa phát triển chậm chạp. Cuộc cách mạng tư tưởng Pháp đã mở đầu trào lưu dân chủ hóa chính trị toàn cầu.

Xét ở góc độ dân chủ hóa chính trị trong cục diện chính trị có nhiều biến động thì cuộc cách mạng tư tưởng Pháp ầm ầm dậy sóng, lúc thăng lúc trầm, đã có trải nghiệm hết sức nghiêm trọng khi vương triều cũ khôi phục ngai vàng và đế chế khiến chính thể dân chủ ở Pháp vài lần lao đao, thậm chí trong một thời kỳ rất dài sau cuộc đại cách mạng Pháp, nước Pháp luôn không có chế độ chính trị tự do để xây dựng và ổn định. Một dẫn chứng cụ thể là, trong vòng 86 năm sau cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789, Pháp đã ban hành tới 14 bộ Hiến pháp, chính thể của Pháp liên tục dao động giữa chính thể quân chủ độc tài và chính thể cộng hòa. Mãi đến sau khi Hiến pháp năm 1875 ra đời mới xác lập được nền chính thể cộng hòa và từ đó mới đi theo con đường hiện đại hóa chính trị.

Xét về tiến trình công nghiệp hóa thì tốc độ công nghiệp hóa của Pháp tương đối chậm chạp mặc dù Pháp là nước lớn đầu tiên khởi động cách mạng công nghiệp ở châu Âu lục địa, ngay từ cuối vương triều Bourbon đã bắt đầu tiếp thu những kỹ thuật mới của công nghiệp Anh, nhưng mãi đến thập niên 70 thế kỷ XIX mới tuyên bố hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp. Điều đáng được đề cập là, trong lĩnh vực kinh tế của Pháp, thực lực về nguồn vốn tài chính vượt xa nguồn vốn công nghiệp, vì vậy Pháp được gọi là “chủ nghĩa đế quốc cho vay nặng lãi". Đây là một đặc điểm quan trọng và rõ nét của tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Pháp, đồng thời cũng đặt nền tảng cho vai trò, địa vị và tác động của Pháp trong hai cuộc chiến tranh thế giới sau này.

Xét ở góc độ cách mạng tư tưởng thúc đẩy cách mạng chính trị được thể hiện ở những tư tưởng như nhân quyền tự nhiên, tam quyền phân lập, tự do, bình đẳng, dân chủ và pháp chế, v.v… phong trào Khai sáng tư tưởng Pháp đề cao về cơ bản đã làm lung lay nền tảng tư tưởng của giới thống trị phong kiến, tạo căn cứ lý luận cho cuộc đại cách mạng Pháp. Quá trình phát triển của phong trào Khai sáng cũng là một quá trình động viên dư luận, về khách quan đã tiến hành phổ cập ý tưởng chính trị và đưa vào thực tiễn để giai cấp tư sản giành được địa vị thống trị, xây dựng hệ thống chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc đại cách mạng Pháp, dân chủ trở thành quan niệm giá trị có tính phổ quát, quản triệt quan niệm chủ quyền nhân dân, thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tự do..., từ đó, tư tưởng tự do, dân chủ, bình đẳng của giai cấp tư sản được thừa nhận và truyền bá rộng rãi, mở đầu cho trào lưu dân chủ hóa chính trị mang tính toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Có thể thấy, kinh tế thị trường của Pháp không giống với các nước phát triển khác. Đặc trưng chủ yếu của nó là thực hiện cơ chế điều tiết song trùng trên cơ sở kinh tế thị trường, tức là cơ chế điều tiết của thị trường và cơ chế điều tiết của kế hoạch cùng phát huy vai trò, từ đó thực hiện phân bổ hợp lý tài nguyên. Về tư tưởng hay lý luận, họ cho rằng, một mặt cần phải nhấn mạnh tự do và cạnh tranh là quy tắc kinh tế thị trường phải tuân thủ, tự do và cạnh tranh là phương thức chủ yếu của hoạt động kinh tế, mặt khác, cần phải nhấn mạnh kế hoạch và tập trung có thể bổ sung những khiếm khuyết của tự do và cạnh tranh, cũng là một biện pháp quan trọng để quản lý hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, Pháp đã đưa ra các giải pháp cần phải giải quyết tốt quan hệ giữa hai điều này, kiên trì điều tiết của thị trường là chính chứ không phải dùng thị trường để phủ định kế hoạch; nhấn mạnh vai trò quan trọng của kế hoạch nhưng cũng không thể lấy kế hoạch thay thế thị trường mà hai cái này hỗ trợ cho nhau, bổ sung lẫn nhau. Điều này đòi hỏi kế hoạch mang tính chỉ đạo chứ không phải mang tính mệnh lệnh, việc thực hiện kế hoạch là dựa vào thị trường chứ không phải dựa vào mệnh lệnh hành chính. Theo định hướng của tư tưởng này, nước Pháp một là bảo đảm kinh tế tư nhân chiếm địa vị chủ đạo, nâng cao thích đáng tỷ trọng của kinh tế quốc hữu; hai là coi kinh tế tư nhân là chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, coi việc hoạch định kế hoạch kinh tế vĩ mô là một hạng mục xã hội to lớn để thực hiện. Nhìn chung, kinh tế thị trường của Pháp là mô hình “kinh tế thị trường kế hoạch" trên nền tảng của chế độ tư hữu, với đặc trưng là điều tiết song trùng của thị trường và kế hoạch.

Trong quá trình phát triển hiện đại hóa, Việt Nam cần phải học tập kinh nghiệm của các nước phát triển, thiết lập và hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường phù hợp với đặc sắc phát triển của bản thân, phát huy vai trò quyết định của cơ chế thị trường trong phân bổ nguồn lực, bảo đảm cho yếu tố sản xuất tự do lưu động, làm cho mọi hoạt động kinh tế và quan hệ kinh tế đều được sắp xếp và điều tiết thông qua pháp luật, pháp quy, thực hiện được hiện đại hóa phương thức giao dịch cũng như tính hoàn chỉnh của loại hình và hình thức của thị trường. Đồng thời, cũng cần thực thi tốt quyền điều tiết và kiểm soát thị trường, tiến hành quản lý kinh tế vĩ mô một cách khoa học, hiệu quả, bảo đảm trật tự và hiệu quả vận hành của hệ thống kinh tế thị trường.

 


[1] Thẩm Kiên: “Suy nghĩ lại về một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế cận đại Pháp”, Học báo Đại học Sư phạm Hoa Đông (Bản Khoa học xã hội triết học), kỳ 6, 1997.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành