Thứ sáu, 12 Tháng 7 2024 08:19

Giới thiệu khái quát về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

1. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Khoa học được định nghĩa là nghiên cứu một cách có hệ thống về thế giới vật lý hoặc vật chất (khoa học tự nhiên) hay xã hội (khoa học xã hội) để tạo ra các dữ liệu và từ đó rút ra các thông tin, tri thức mới.

Công nghệ được định nghĩa là ứng dụng của kiến thức khoa học vào việc phát triển các kỹ thuật để sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ hoặc ứng dụng kiến thức khoa học cho các mục đích thực tế[1].

Đổi mới sáng tạo bao gồm đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tiếp thị (marketing) và đổi mới tổ chức[2]. Đổi mới sáng tạo là lợi ích thu được từ sản phẩm mới hoặc khi cải tiến đáng kể sản phẩm (bất kể hàng hóa hoặc dịch vụ) hoặc quy trình (chẳng hạn như phương pháp marketing mới) hoặc phương thức tổ chức mới (như trong kinh doanh thực tiễn, tổ chức làm việc). Một trong các đặc điểm chính dùng để phân biệt đổi mới sáng tạo với cải tiến là đồi mới tạo ra nhiều tác động đáng kể hơn (về kinh tế, xã hội và môi trưởng) từ các sản phẩm, quy trình và dịch vụ hiện có hoặc từ sự kết hợp giữa các thành tựu khoa học và công nghệ mới đã được chứng minh để phát triển các sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ mới. Đổi mới trong xã hội có thể được định nghĩa tương tự nhưng cần bổ sung thêm rằng sự đổi mới này đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội và tạo ra thêm nhiều mối quan hệ hoặc hợp tác xã hội mới[3].

Đổi mới sáng tạo là các kết quả trực tiếp của khoa học và công nghệ. Đổi mới sáng tạo có thể được định nghĩa là các cải tiến của các sản phẩm, quy trình hay dịch vụ hiện có hoặc sự kết hợp của giữa khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, quy trình hay dịch vụ mới. Mục tiêu chính của đổi mới sáng tạo là giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc tạo ra các lợi ích từ khoa học và công nghệ. Do vậy, có thể thấy đổi mới là việc hiện thực hóa hoặc cụ thể hóa khoa học và công nghệ.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được khái niệm hoá như một vòng tích hợp, trong đó khoa học dẫn đến công nghệ mới từ đó đổi mới phát triển. Các cách thức đổi mới sáng tạo có thể thay đổi và ảnh hưởng tới sự phát triển của khoa học đồng thời cách thức và kết quả công nghệ được tạo ra cũng ảnh hưởng tới quá trình đổi mới sáng tạo. Là một quá trình toàn diện, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được hỗ trợ bởi một môi trường chính sách toàn diện.

2. Phát triển bền vững

Thuật ngữ “phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới[4] với nội dung: “Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”. Báo cáo này đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là "đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật”. Thuật ngữ phát triển bền vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.

Thuật ngữ này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”- Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ: Phát triển bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”. Thuật ngữ này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai[5].

Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: Phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai.

Theo Tổ chức Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB): "Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai".

Ở Việt Nam, quan điểm về Phát triển bền vững được đề cập trong khá nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước, điển hình là Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quyết định số 1216/QĐ- TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 về Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,... Theo đó, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Con người là trung tâm của phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Như vậy, trên thế giới và ở Việt Nam quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó, nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng" kinh tế, xã hội, môi trường.

Từ các quan điểm về phát triển bền vững trên thế giới và ở Việt Nam, cho thấy phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững là sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thể hệ tương lai. Phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc chủ đạo là lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.

3. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các tác nhân chính đóng vai trò tích cực hoặc làm suy yếu sự phát triển bền vững, bên cạnh các tác nhân khác là quản trị (hành pháp, lập pháp, tư pháp) và quản lý, giáo dục và xã hội dân sự[6].

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một công cụ quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa kinh tế, tăng năng suất, việc làm và năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều loại hình đổi mới sáng tạo có thể đáp ứng các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường của phát triển bền vững, như đổi mới xã hội, đổi mới bao trùm và đổi mới sáng tạo cơ sở[7].

4. Một số loại hình đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững

Có nhiều loại hình đổi mới sáng tạo khác nhau, từ cải tiến quy trình đến đổi mới hệ thống chuyển đổi và chỉ ra các lợi ích bền vững có thể có của chúng. Có sự chồng chéo giữa một số loại hình đổi mới sáng tạo này[8]. Dưới đây là một số loại hình đổi mới sáng tạo nổi bật[9]:

Đổi mới sáng tạo sản phẩm và dịch vụ

• Các công nghệ tiên tiến phục vụ các nhu cầu kinh tế hoặc xã hội cụ thể, bao gồm cung cấp các công nghệ (ví dụ: ICTS) và các công nghệ làm nền tảng cho các hệ thống kỹ thuật - xã hội cụ thể (ví dụ: các công nghệ năng lượng tái tạo).

Sản phẩm sáng tạo:

Các vật liệu và sản phẩm giá rẻ, bền, có thể sửa chữa, có thể tái sử dụng, có thể tái chế, có thể phân hủy sinh học dễ tiếp cận và ít ảnh hưởng đến môi trường.

Dịch vụ sáng tạo:

+ Business to Business (B2B): cung cấp dịch vụ nhằm cải thiện các quy trình của khách hàng (ví dụ: quản lý chất thải, thiết kế sinh thái).

+ Business to Consumer (B2C): cung cấp các dịch vụ tiết kiệm tài nguyên và giảm lượng khí thải (ví dụ: dịch vụ sửa chữa hoặc hợp đồng về năng lượng phù hợp các nhóm xã hội dễ bị tổn thương).

Đổi mới quy trình

• Quy trình sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao năng suất.

• Kiểm soát ô nhiễm và công nghệ xử lý ô nhiễm mang đến các lợi ích về sức khỏe và môi trường.

• Phòng ngừa chất thải và quản lý chất thải dẫn đến các lợi ích về kinh tế (tiết kiệm chi phí, tạo công ăn việc làm mới), sức khỏe (phòng ngừa rủi ro sức khỏe) và môi trường (phòng ngừa chất thải độc hại bất hợp pháp).

• Các quy trình sử dụng tài nguyên hiệu quả đem lại lợi ích về kinh tế xã hội (tiết kiệm năng lượng vật chất và nước, tạo công ăn việc làm mới) và môi trường (giảm áp lực môi trường).

Đổi mới tổ chức (thế chế)

• Hợp tác xã đảm bảo giá cao hơn đối với các sản phẩm thô cho những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

• Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), ví dụ: bao gồm trách nhiệm xã hội trong báo cáo công ty.

• Hệ thống quản lý và kiểm toán môi trường (như ISO 14001).

Đổi mới tiếp thị

• Các loại nhãn giúp khách hàng lựa chọn và cải thiện kết quả chuỗi cung ứng (ví dụ: nhãn đảm bảo thân thiện với môi trường được xác minh độc lập, nhãn đảm bảo công bằng trong thương mại hoặc nhãn đảm bảo rằng quy trình sản xuất sản phẩm đã tôn trọng quyền con người).

• Các chiến dịch dựa trên cơ sở khoa học và nâng cao nhận thức, ví dụ về nước và sự cải thiện điều kiện vệ sinh, tiêu dùng bền vững.

Đổi mới sáng tạo vì người nghèo và bao trùm

• Nhiều loại đổi mới được thiết kế để giải quyết nhu cầu của các nhóm nghèo hơn và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương.

Đổi mới sáng tạo cơ sở

• Đổi mới bao gồm các tác nhân của đối mới sáng tạo cơ sở (các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng) trong quá trình áp dụng tri thức vào giải quyết các thách thức của phát triển bền vững, thường được xác định ở cấp địa phương.

Đổi mới sáng tạo căn cơ (Frugal Innovation)

• Các sản phẩm được thiết kế hoặc thiết kế lại để giảm chi phí và độ phức tạp (trở thành mô đun nhưng vẫn có thể là công nghệ cao) trong khi vẫn đảm bảo các chức năng chính của chúng.

• Các sản phẩm giá cả phải chăng từ khu vực không chính thức có khả năng giảm tác động môi trường trong suốt vòng đời do giảm sử dụng tài nguyên và năng lượng, và tái sử dụng các vật liệu và linh kiện.

Đổi mới xã hội

• Các thỏa thuận hợp tác mới với lợi ích xã hội và môi trường (ví dụ: đối mới chuỗi cung ứng và cung cấp cho các nhà sản xuất chính, hợp tác xã năng lượng, làng sinh thái).

Nguồn: Miedzinski và cộng sự. (2017a, 2017b), UNCTAD (2017), Radjou và Prabhu (2015) và Dutrénit và Sutz (2014).

 


[1] Theo UNESCAP, 2016

[2] Oslo Manual, 2005

[3] Robin Murray, Julie Caulier-Grice và Geoff Mulgan, 2010

[4] Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên IUCN

[5] Godian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino

[6] F. Kongoli, FLOGEN, 2016

[7] UNCTAD, 2019

[8] Smith và Arora 2015

[9] Nguồn: Miedzinski và cộng sự. (2017a, 2017b), UNCTAD (2017), Radjou và Prabhu (2015) và Dutrénit và Sutz (2014).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành