Thứ tư, 17 Tháng 7 2024 08:36

Giới thiệu khái quát con đường hiện đại hóa của Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia hiện đại hóa phát triển nhất trên thế giới hiện nay. Trong tiến trình phát triển hàng trăm năm, Mỹ cơ bản đã hình thành được mô hình phát triển hiện đại hóa lấy kinh tế thị trường tự do và mô hình chính trị dân chủ làm chủ thể, đồng thời trở thành tấm gương mà rất nhiều quốc gia mới nổi sau này học tập, làm theo.

Nhìn lại toàn bộ tiến trình hiện đại hóa ở Mỹ về đại thể có thể chia thành ba giai đoạn[1].

Giai đoạn thứ nhất: Nền tảng chính trị của hiện đại hóa ở Mỹ - giai đoạn chiến tranh giành độc lập và hình thành thể chế.

Sự bùng nổ của cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1775 và ra đời của “Tuyên ngôn độc lập" vào năm 1776 giúp cho dân tộc Mỹ giành được độc lập và tự do từ sự thống trị của thực dân Anh, đồng thời đặt nền tảng chính trị vững chắc và hình thành khung thể chế cho hiện đại hóa ở Mỹ. Cuộc cách mạng ở Mỹ được hoàn thành bởi lãnh đạo Quốc hội Lục địa dưới sự liên minh lỏng lẻo của các thuộc địa độc lập hoàn toàn với nhau. Trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập, 13 bang ở Bắc Mỹ đã bắt tay nhau tiến hành một loạt thử nghiệm và nỗ lực mới mẻ nhằm xây dựng thể chế chính trị tương lai. Năm 1787, “Hiến pháp Liên bang Mỹ” ra đời, Mỹ từ một liên bang lỏng lẻo sau độc lập trò thành một quốc gia thống nhất. Sau đó, xoay quanh vấn đề thực hiện hiện đại hóa ở Mỹ bằng con đường nào, cuộc tranh luận lớn đầu tiên về vấn đề hiện đại hóa ở Mỹ đã nổ ra giữa hai phía là Bộ trưởng Tài chính Hamilton và Quốc vụ khanh Jefferson. Thông qua lần tranh luận này, Mỹ đã xác định được con đường xây dựng đất nước công nghiệp, đuổi kịp các nước phát triển ở Tây Âu.

Giai đoạn thứ hai: Giai đoạn công nghiệp hóa của Mỹ - đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ở Mỹ.

Sự công nghiệp hóa của Mỹ về đại thể được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn một là thời đại công nghiệp hóa sơ kỳ sau chiến tranh giành độc lập. Giai đoạn hai là giai đoạn phát triển mạnh sau chiến tranh Nam - Bắc. Năm 1790, “cha đẻ của ngành chế tạo Mỹ" Samuel Slater đã mô phỏng và chế tạo chiếc máy kéo sợi sử dụng sức nước kiểu Arkwright của Anh, đồng thời cho xây dựng nhà máy kéo sợi sử dụng sức nước đầu tiên của Mỹ trên đảo Rhode. Cuộc cách mạng công nghiệp và tiến trình công nghiệp hóa của Mỹ bắt đầu từ đó. Dựa vào ưu thế về tài nguyên của mình - tài nguyên thiên nhiên phong phú, dân di cư có năng lực lao động, tình hình thương mại quốc tế thuận lợi..., kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh chóng. Sau cuộc chiến tranh giành độc lập lần thứ hai vào năm 1812, kinh tế Mỹ đã thoát khỏi sự khống chế của Anh, công nghiệp ngày càng phát triển nhanh chóng hơn. Công nghiệp hóa đã hình thành, phát triển đến chín muồi và phổ cập các ngành công nghiệp cơ giới lớn, cũng là giai đoạn mở đầu cho sự nghiệp hiện đại hóa của Mỹ. Sự xuất hiện của các đại nông trường vào thập niên 80 thế kỷ XIX đã đánh dấu việc nền nông nghiệp Mỹ tiến thêm một bước nữa trên con đường hiện đại hóa. Đến cuối thế kỷ XIX, hệ thống công nghiệp hiện đại lấy đại công nghiệp và đại nông nghiệp làm chủ thể, có đầy đủ các loại ngành công nghiệp của Mỹ đã bước đầu hình thành. Mỹ từ xã hội nông nghiệp bước sang xã hội công nghiệp.

Giai đoạn thứ ba: Giai đoạn chính sách mới Roosevelt - hinh thành con đường hiện đại hóa của Mỹ.

Thập niên 70 thế kỷ XIX, các nước trên thế giới bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai với nội dung và đặc trưng chủ yếu là phát minh và ứng dụng điện khí rộng rãi, đưa thế giới bước vào thời đại điện khí, và cuối cùng thúc đấy Mỹ xác lập địa vị chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước và vượt qua Anh trở thành nước dẫn đường cho phong trào hiện đại hóa công nghiệp thế giới vào cuối thập niên 80 thế kỷ XIX, đánh dấu việc Mỹ đã trở thành một nước hiện đại hóa. Song sự hình thành cuối cùng của con đường hiện đại hóa của Mỹ lại được đánh dấu bởi việc thực thi chính sách mới Roosevelt. Sau khi bước sang thế kỷ XX, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa của Mỹ vẫn được tiếp tục. Đến thập niên 20 thế kỷ XX, sản phẩm công nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Mỹ ngày càng có sự chuyển hướng từ những sản phẩm tập trung nhiều tài nguyên, sức lao động sang những sản phẩm thiên nhiều về kỹ thuật, từ đó giúp Mỹ thực hiện bước chuyển đổi ngành nghề phát triển theo hướng công nghiệp hóa chất, thiết bị điện và công nghiệp ôtô. Sự phát triển hiện đại hóa của xã hội Mỹ bước vào một giai đoạn phát triển lịch sử mới. Thực chất của chính sách mới Roosevelt chính là thông qua việc tăng cường chức năng của chính phủ để hoàn thiện sự vận hành của nền kinh tế, mang lại “sức sống mới" cho nền kinh tế Mỹ, và cũng từ chính sách mới này đã tạo nên sự phát triển hiện đại hóa toàn diện đặc sắc Mỹ, đánh dấu sự hình thành của con đường hiện đại hóa ở Mỹ, tiến trình hiện đại hóa của Mỹ bước vào thời kỳ phát triển mới.

Từ những khái quát trên có thể thấy những đặc trưng cơ bản của tiến trình hiện đại hóa ở Mỹ như sau:

Nước Mỹ từ khi thành lập nước đến nay chưa đầy 300 năm, hơn nữa cho đến nay vẫn chưa có khái niệm dân tộc rõ ràng. So sánh với các nước phương Tây khác, sự hình thành và trỗi dậy của Mỹ vô cùng độc đáo và mới mẻ trong số các quốc gia hiện đại. Do không trải qua chế độ phong kiến nên nhân tố gây trở ngại cho tiến trình hiện đại hóa của Mỹ không nhiều, chế độ cộng hòa dân chủ cũng dễ dàng cắm rễ. Trên con đường phát triển hiện đại hóa, hiện đại hóa ở Mỹ trước hết là thực hiện những tiến triển mang tính đột phá trong lĩnh vực chính trị. Việc khởi động khá sớm và khá tốt tiến trình hiện đại hóa chính trị đã tạo môi trường chính trị và sự bảo đảm chế độ tốt để Mỹ phát triển hiện đại hóa toàn diện. Trong tiến trình hiện đại hóa kinh tế, từ khi thành lập nước năm 1776 đến thập niên 90 thế kỷ XIX, cùng với sự chuyển đổi từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, nước Mỹ đã chuyển đổi từ nền kinh tế tự nhiên khép kín sang nền kinh tế cạnh tranh thị trường một cách tự do. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nền kinh tế thị trường của Mỹ đã chuyển từ cạnh tranh tự do sang độc quyền. Do đó, Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu kiểm soát thích hợp đối với nền kinh tế, trải qua một thế kỷ điều chỉnh, cuối cùng nước Mỹ cũng đã xác định được mô hình kinh tế thị trường đặc biệt của mình[2]. Hiện đại hóa thể chế chính trị và thể chế kinh tế là trụ cột quan trọng để Mỹ phát triển hiện đại hóa. Trên con đường phát triển cụ thể, tiến trình hiện đại hóa ở Mỹ thể hiện một số đặc trưng dưới đây.

Thứ nhất, năng lực đổi mới thực tiễn chính trị tốt

Bản “Tuyên ngôn độc lập" của Mỹ với hình thức là văn kiện của chính phủ đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng, tự do, nhân quyền do các nhà tư tưởng phong trào Khai sáng đề ra, xuyên suốt thực tiễn kiến quốc và sau cuộc chiến tranh giành độc lập. Nó được coi là "hậu sinh khả úy” trên phương diện đổi mới về thể chế cho quốc gia hiện đại. Năm 1787, "Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" được soạn thảo và ban hành, đã thực hiện thành công quan niệm dân chủ hiện đại của các nhà tư tưởng phong trào Khai sáng Pháp, sáng lập ra chính thể cộng hòa dân chủ, trở thành chế độ chính trị tiên tiến nhất cuối thế kỷ XVIII, đóng góp quan trọng cho phong trào hiện đại hóa trên thế giới. Hơn nữa, “chính sách mới Roosevelt" mà Mỹ áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới đã sử dụng phương thức điều tiết kinh tế vĩ mô bằng cách sử dụng quyền lực của nhà nước để can thiệp vào nền kinh tế thị trường, được hầu hết các nước phương Tây mô phỏng rộng rãi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thứ hai, cách mạng dân chủ và cách mạng công nghiệp thúc đẩy lẫn nhau

Nhờ cuộc chiến tranh giành độc lập, Mỹ đã thoát khỏi sự thống trị của thực dân Anh, xác lập thể chế liên bang, xây dựng nước cộng hòa dân chủ, cục diện chính trị ổn định lâu dài, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng công nghiệp ở Mỹ. Điểm này có thể so sánh được với cuộc đại cách mạng Pháp và tiến trình hiện đại hóa ở Pháp. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp Mỹ và sự mất cân bằng trong phát triển kinh tế vùng miền cuối cùng khiến cho mâu thuẫn về thể chế kinh tế giữa hai miền Bắc - Nam trở nên khốc liệt hơn, dẫn đến bùng nổ cuộc chiến tranh Nam - Bắc mang tính chất nội chiến. Cuối cùng, thông qua cuộc chiến tranh Nam - Bắc, Mỹ đã xóa bỏ chế độ nô lệ da đen, quét sạch mọi trở ngại trên con đường phát triển hiện đại hóa, đặt nền móng cho Mỹ trỗi dậy nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai.

Thứ ba, phát triển kinh tế theo hình thức vượt trội

Cuộc cách mạng công nghiệp Mỹ được bắt đầu từ việc truyền bá kỹ thuật dệt may của Anh qua Đại Tây Dương vào thập niên 90 thế kỷ XVIII, trỗi dậy trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, củng cố trong thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới, và cuối cùng Mỹ đã xác lập được địa vị cường quốc thế giới. Đầu thế kỷ XX, sản lượng công nghiệp của Mỹ đã đứng đầu thế giới, một bước nhảy vọt trở thành quốc gia công nghiệp hóa số 1 thế giới, tạo ra kỳ tích phát triển kinh tế quá độ nhanh chóng từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX, Mỹ từ một cường quốc công nghiệp thế giới đã vươn lên trở thành siêu cường thế giới.

Thứ tư, đổi mới khoa học kỹ thuật hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa

Trong hai cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật của thế kỷ XIX, Mỹ từ chỗ là kẻ theo đuôi vươn lên thành người dẫn dắt. Trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai, nền khoa học kỹ thuật Mỹ phát triển vượt bậc, số lượng phát minh khoa học kỹ thuật đứng đầu thế giới. Mỹ trỗi dậy trở thành người dẫn đầu trong phát triển công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Vào thập niên 40 thế kỷ XX, Mỹ lại trở thành người tiên phong trong cuộc cách mạng thông tin, thúc đẩy nhân loại chuyển từ thời đại văn minh công nghiệp sang thời đại văn minh thông tin. Các ngành công nghệ cao của Mỹ phát triển nhanh chóng, giúp Mỹ trở thành quốc gia có trình độ phát triển hiện đại hóa cao nhất thế giới.

Con đường hiện đại hóa của Mỹ có đặc điểm hết sức rõ ràng, đồng thời cũng giành được những thành công vô cùng to lớn. Có thể nói rằng, quá trình hiện đại hóa của Mỹ cơ bản đã kết hợp tất cả ưu điểm của quá trình hiện đại hóa ở các nước phát triển phương Tây: chính trị dân chủ cấp tiến, nguyên tắc hiến chỉnh, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, v.v.. Về mặt kinh tế, nó đã tiếp thu thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp. Bên cạnh đó, nước Mỹ còn là nơi khởi nguồn của cuộc cách mạng thông tin. Ngoài ra, tinh thần tự do, bình đẳng cũng đã phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa này.

Như vậy, mô hình kinh tế thị trường điều tiết của Mỹ là mô hình kinh tế hỗn hợp với đặc trưng chủ yếu là nhiều chế độ sở hữu cùng tồn tại, cạnh tranh và độc quyền cùng tồn tại, điều tiết của thị trường và điều tiết của chính phủ cùng tồn tại. Trong đó, kinh tế tư nhân chiếm địa vị chủ đạo tuyệt đối, kinh tế quốc hữu có tính công hữu cũng tồn tại nhưng chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ. Trình độ tập trung tư bản tư nhân của Mỹ cao, là mô hình “kinh tế thị trường điều tiết" lấy tư bản tư nhân độc quyền làm nền tảng, lấy doanh nghiệp tự do làm chủ thể, “kinh tế hỗn hợp" làm đặc trưng, nhấn mạnh việc sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô để điều tiết nền kinh tế.

 


[1] Dương Triều Huy: “Nghiên cứu tính đặc thù của tiến trình hiện đại hóa công nghiệp ở Mỹ”, Tạp chí Học tập Lan Châu, kỳ 4, 2011.

[2] Bành Sâm, So sánh và học hỏi quốc tế trong cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc, Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 2007, tr.115-116.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành