Thứ ba, 21 Tháng 10 2014 00:00

Thực tiễn việc vi phạm quy định của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam

1. Tình huống

Nhật Bản vốn là thị trường nhập khẩu hàng thủy hải sản truyền thống và đầy tiềm năng của Việt Nam. Năm 2005, riêng mặt hàng mực và bạch tuộc của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản đã đạt 20.000 tấn trên tổng số 62.000 tấn thuỷ sản nhập khẩu của Nhật Bản. Và Nhật Bản cũng là thị trường tiêu thụ từ 500 - 600 triệu USD trong tổng số 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng đến cuối năm 2005 đầu năm 2006, khi mà xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Nhật Bản được cho là đang có chiều hướng phát triển thì phía Nhật Bản phát ra những tín hiệu báo động. Bắt đầu từ một số lô hàng mực khô của các doanh nghiệp Việt Nam bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh cloramphenicol.

Bắt đầu từ ngày 1/4/2006 đến hết ngày 31/3/2007 Nhật Bản quyết định áp dụng "Chương trình kiểm soát thực phẩm thủy sản nhập khẩu vào Nhật Bản đối với Việt Nam". Trong đó mặt hàng thủy sản nằm trong chế độ kiểm tra bắt buộc 100% là: Lươn nuôi và các sản phẩm chế biến từ lươn nuôi của Việt Nam.

 Ngày 27/6/2006 Nhật Bản ban hành lệnh kiểm tra 100% các lô hàng mực của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã bị phát hiện hàng bị nhiễm dư lượng kháng sinh cloramphenicol và áp dụng chế độ kiểm tra 50% các lô hàng cùng loại của các doanh nghiệp khác.

Ngày 3/8/2006, Nhật Bản lại ban hành lệnh kiểm tra 100% các lô hàng mực nhập khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Sang tháng 9/2006, sau khi phát hiện một số lô hàng (tôm nuôi) xuất xứ Việt Nam cũng  bị nhiễm kháng sinh cấm, Nhật Bản lại ban hành lệnh kiểm tra 100% lô hàng tôm của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị phát hiện có dư lượng kháng sinh trong sản phẩm, kiểm tra 50% số lô hàng của các doanh nghiệp chưa bị phát hiện.

 Ngày 25/10/2006 vừa qua, Nhật Bản lại tiếp tục ban hành lệnh kiểm tra 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Đến quý I và II năm 2007, theo dự báo của Bộ Thủy sản, Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường Nhật Bản. Một điều nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn hết đó là, theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản, trong thời gian kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu, nếu các cơ quan kiểm tra chỉ cần phát hiện một vài doanh nghiệp tiếp tục vi phạm thì có thể dẫn tới việc toàn bộ các doanh nghiệp khác đều bị áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vào Nhật Bản.

Bằng những diễn biến liên tục có sản phẩm bị phát hiện có dư lượng kháng sinh - hoá chất tại thị trường Nhật Bản và phía Nhật Bản tăng cường tần suất kiểm tra tiến tới kiểm tra 100% các lô hàng mực và tôm, ngành thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam đã thực sự “sốc” và đang “choáng”. Một thị trường đầy tiềm năng mà Bộ Thuỷ sản, VASEP và các doanh nghiệp đã dày công khai phá đã phát tín hiệu báo động đỏ và đang dần khép lại. Các cơ quan kiểm tra của Nhật Bản cảnh báo: Nếu phát hiện thêm một hiện tượng vi phạm, thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng sẽ trở thành ngõ cụt đối với tôm nhập khẩu Việt Nam.

2. Nguyên nhân

Sở dĩ việc mặt hàng thực phẩm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam liên tục không đạt đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản vì các nguyên nhân sau:

- Sự lơ là của các cơ quan chuyên trách trong công tác quản lý chất lượng. Chưa có sự quan tâm thích đáng của các tổ chức, cơ quan lãnh đạo cấp ngành liên quan tới các doanh nghiệp xuất khẩu, nuôi trồng thủy hải sản. Công tác kiểm tra giám sát trong nước còn trì trệ và thiếu trách nhiệm nên dẫn đến tình trạng có những doanh nghiệp xuất khẩu có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam nhưng khi đến cửa khẩu Nhật Bản lại không được phép nhập vào vì vẫn xác định được dư lượng hóa chất quá mức qui định.

- Sự bất đồng tại một số điểm khác biệt ở công tác kiểm tra hay xét nghiệm hóa chất và dư lượng kháng sinh cũng như luật vệ sinh an toàn thực phẩm giữa 2 nước cũng là một nguyên nhân làm mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản cũng gặp không ít khó khăn.

Với những thay đổi bất lợi trong quy trình nuôi trồng như các doanh nghiệp tự ý sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, những nguy cơ ô nhiễm môi trường và sự lây nhiễm các loại bệnh do thực phẩm gây ra mà không có một hiểu biết cụ thể về các chất đó cũng như các qui định về việc sử dụng chúng, làm cho người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm và đòi hỏi phải biết nguồn gốc thực phẩm mình sẽ sử dụng được sản xuất từ đâu, qua các quy trình công nghệ thế nào.

Ảnh hưởng của một số doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp cố ý mua các lô nguyên liệu: Con giống, thức ăn vật nuôi... thiếu nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hay cố tình sử dụng các chất bảo quản độc hại bị cấm vì lợi.

Qui trình sản xuất chế biến tại các nhà máy, trang trại chưa đảm bảo vệ sinh an toàn: Một ví dụ điển hình như ở tất cả các công đoạn chế biến công nhân vẫn chưa bị bắt buộc phải mang găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu thủy sản.

3. Giải pháp

Về phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường quản lý chất lượng của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu không thể thiếu được vai trò của các cơ quan nhà nước nhằm quản lý, đảm bảo chất lượng trong sản xuất và kinh doanh cũng như đảm bảo các lợi ích lâu dài và giữ uy tín cho hàng xuất khẩu Việt Nam theo hướng:

- Các cơ quan hữu quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các Hiệp hội Ngành hàng đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HACCP, ISO, SQF, GMP, GAP, v.v...

 Các cơ quan có chức năng kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cần tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm để có thể phát hiện sớm những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng các chế tài phù hợp để ngăn chặn những doanh nghiệp này tham gia vào hoạt động xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ vi phạm cao.

- Đối với một số mặt hàng đang hoặc có khả năng cao là đối tượng theo dõi, giám sát nhập khẩu các cơ quan chức năng Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể cân nhắc việc giới hạn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng tốt, có năng lực chế biến xuất khẩu.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành