Thứ năm, 11 Tháng 7 2024 08:51

Vai trò của Liên hợp quốc đối với thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phép và thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu theo hướng kinh tế thịnh vượng, toàn diện và bền vững với môi trường ở các nước đang phát triển và đang phát triển. Đồng thời khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ để giải quyết các thách thức về kinh tế-xã hội và môi trường là: các vấn đề nghèo đói; an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp; thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng; góp phần đa dạng hoá và chuyển đổi kinh tế, năng suất và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy bình đẳng xã hội theo nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”; phòng ngừa bệnh tật và cải thiện sức khoẻ; thúc đẩy tiếp cận và cá nhân hoá giáo dục.

Bên cạnh đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ triển khai thực hiện chương trình nghị sự 2030 và trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc rất rõ ràng. Tuy nhiên, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát huy vai trò trong thực tiễn, đòi hỏi các quốc gia phải có cách tiếp cận thích hợp thông qua các chính sách can thiệp của nhà nước, huy động sự tham gia và phối hợp của các thành phần có liên quan trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, có cơ chế khuyến khích về tài chính, nhân lực, thông tin, cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Như vây, với vai trò là tổ chức toàn cầu lớn nhất, Liên hợp quốc đã xây dựng các sáng kiến nhằm phối hợp với các chính phủ, các đối tác nhà nước và tư nhân, các ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trong thúc đẩy vai trò và sự đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể như sau:

- Thiết lập Cơ chế Thúc đẩy công nghệ (Technology Facilitation Mechanism - TFM). Cơ chế này được xây dựng nhằm thúc đẩy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện SDG thông qua tăng cường hợp tác nhiều bên, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thành công và tư vấn chính sách giữa các quốc gia, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, cộng đồng khoa học, các tổ chức của Liên hợp quốc về các sáng kiến, cơ chế và các chương trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững. TFM gồm: Diễn đàn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI Forum), Tổ công tác liên ngành về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (IATT) gồm đại diện Nhóm G10 (đại diện khu vực xã hội dân sự, tư nhân và cộng đồng khoa học) và Nền tảng trực tuyến (Online Platform).

Thông qua Cơ chế này, Liên hợp quốc đề xuất những khuyến nghị cụ thể đối với các quốc gia nhằm tăng cường vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, đáng chú ý là khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường năng lực cho dự báo và đánh giá công nghệ. Theo quan điểm của Liên hợp quốc, nếu xã hội thích nghi tốt hơn với sự thay đổi công nghệ nhanh chóng cả về tốc độ và quy mô, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải xây dựng các kế hoạch dựa trên dự báo công nghệ và đánh giá các tác động tiềm tàng của công nghệ trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ. Dự báo công nghệ đòi hỏi phải có sự tham gia của các trung tâm chuyển giao công nghệ và các nhà khoa học để xây dựng tầm nhìn chiến lược và trí tuệ nhằm định hình tương lai. Phát triển năng lực về dự báo công nghệ, ví dụ, theo dõi toàn bộ công nghệ đang nghiên cứu và đánh giá tác động dự kiến cho phép các quốc gia xác định và khai thác tiềm năng của công nghệ tiên phong cho phát triển bền vững, xác định các công nghệ ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và đánh giá các tác động tiềm năng của công nghệ mới nổi. Điều này còn có ý nghĩa cho việc xây dựng và thực thi chính sách thông qua phương pháp luận và các bằng chứng thực chứng, ví dụ, việc kết hợp phương pháp luận và số liệu để đánh giá tác động về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Các thành viên của Liên hợp quốc đang ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các hoạt động dự báo tương lai đề xã hội và các nhà hoạch định chính sách thích ứng với những thay đổi của sự phát triển của các công nghệ mới. Hội đồng Kinh tế và Xã hội công nhận công nghệ và các hoạt động đánh giá có thể giúp các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 thông qua việc xác định các thách thức và cơ hội có thể giải quyết được theo chiến lược (E/2017/22). Trong nghị quyết gần đây nhất về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho sự phát triển (E/RES/2018/29), Hội đồng khuyến khích các Chính phủ thực hiện nghiên cứu có hệ thống về dự báo công nghệ, về các xu hướng mới trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo về công nghệ thông tin trong tác động đến phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình nghị sự 2030, đồng thời thực hiện định kỳ các sáng kiến về dự báo thách thức ở cấp khu vực và toàn cầu và hợp tác để xây dựng bản đồ hệ thống về kết quả dự báo công nghệ. Các nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho sự phát triển (A/RES/72/228) và về tác động của thay đổi công nghệ nhanh chóng đối với thành tựu của các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) (A/RES/72/242) khuyến khích các quốc gia thành viên tiếp tục xem xét tác động của thay đổi công nghệ nhanh chóng và tiến hành đánh giá, dự báo công nghệ để đánh giá tiềm năng phát triển của chúng và giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn.

Thành lập Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Vào ngày 29 tháng 5 năm 2015, Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP) đã thông qua nghị quyết 71/1, trong đó quyết định thành lập Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Đổi mới sáng tạo, từ đó thể chế hóa một quy trình liên chính phủ để đối mặt với các vấn đề về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cũng trong phiên họp thứ 71, các quốc gia thành viên đã quyết định Chủ đề cho phiên họp thứ bảy hai vào năm 2016 sẽ là “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững”.

Xây dựng Lộ trình triển khai chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững khu vực Châu Á Thái Bình Dương của UNESCAP: Lộ trình triển khai chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh vai trò của chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu nhằm xây dựng năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt từ các nước đang phát triển về phát triển và triển khai các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; chia sẻ chuyên gia kỹ thuật của các nước ENEA, đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong phát triển các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia vì sự phát triển bền vững.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành