Thứ sáu, 19 Tháng 7 2024 02:34

Khái quát quá trình hiện đại hóa của Đức

Trong lúc chủ nghĩa tư bản châu Âu phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XIX thì nước Đức vẫn tiếp tục ở trạng thái chia rẽ chính trị, không thể hoàn thành được việc thống nhất quốc gia - dân tộc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tiến trình hiện đại hóa của Đức trắc trở, phức tạp hơn so với Anh và Pháp. Hai lần thống nhất của Đức đã thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa ở Đức, và cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của văn minh nhân loại. Lịch sử tiến trình phát triển hiện đại hóa ở Đức về đại thể được chia làm ba giai đoạn như sau:

Giai đoạn thứ nhất: Chủ nghĩa dân tộc chính trị đặt nền móng vững chắc để Đức bắt đầu thực hiện thống nhất đất nước và hiện đại hóa.

Đầu thế kỷ XIX, chiến tranh Napoleon đã hình thành nên “chủ nghĩa dân tộc chính trị" ở Đức. Napoleon đã tiến hành cuộc chiến tranh kéo dài 15 năm với phong kiến châu Âu và giành được thắng lợi quân sự. Chiến tranh Napoleon đã tác động mạnh đến chế độ chuyên chế phong kiến của Đức, phá vỡ cục diện chia rẽ phong kiến kiên cố của Đức, về khách quan đã hỗ trợ rất nhiều cho việc thống nhất nước Đức, cũng như sự ra đời và phát triển trưởng thành của các nhân tố mới trong xã hội. Điều quan trọng hơn chính là sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc chính trị của Đức trong chiến tranh, chủ nghĩa này coi chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do của phương Tây là ngọn cờ, đòi hỏi thống nhất đất nước và tự do chính trị. Nó cho thấy, tự do và thống nhất là hai thứ không thể tách rời nhau.

Đồng thời, việc cải tạo chủ nghĩa tư bản được Napoleon thực hiện ở khu vực sông Rhein đã khiến khu vực này trở thành nơi chuyển hướng sang phát triển tư bản chủ nghĩa đầu tiên trên lãnh thổ nước Đức, thúc đẩy hình thành một giai cấp tư sản công thương nghiệp hiện đại ở Đức, là tấm gương để những nhà cách mạng Phổ có thể học tập và noi theo. Thống nhất là đòi hỏi khách quan để phát triển dân tộc Đức, hiện đại hóa là tinh thần thời đại lúc đó. Chiến tranh Napoleon cuối cùng đã đưa hai việc lớn có liên quan đến sự sinh tồn của dân tộc Đức vào chương trình, đồng thời thúc đẩy sự kết hợp giữa chúng[1].

Giai đoạn thứ hai: Thống nhất và hiện đại hóa kinh tế cùng song hành.

Thập niên 20 thế kỷ XIX, ngành công nghiệp của Đức bắt đầu phát triển phồn vinh, mạnh mẽ. Những năm 30-40 thế kỷ XIX là giai đoạn khởi động của hiện đại hóa ở Đức. Hiện đại hóa ở Đức ngay khi khởi động đã có mối liên hệ mật thiết với sự nghiệp thống nhất nước Đức. Chiến tranh Napoleon tuy đã quy phục được nhiều nước chư hầu, song nước Đức vẫn rơi vào tình trạng phân chia thành hơn 30 bang. Cục diện chia rẽ này ngày càng trở thành trở ngại cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản sau khi Đức khởi động hiện đại hóa, vấn đề chia rẽ dân tộc đã trở thành nút thắt mà tiến trình hiện đại hóa ở Đức cần phải đột phá. Vì thế, cần có một thủ lĩnh lớn mạnh, có vị trí chủ đạo để tập hợp các bang phân tán của Đức lại, rồi đưa vào tiến trình hiện đại hóa quốc gia. Trong quá trình này, nước Phổ đã gánh vác trách nhiệm lịch sử đó.

Thủ tướng nước Phổ Bismarck đã chỉ đạo phong trào thống nhất nước Đức bằng lý luận “sắt và máu" nổi tiếng, đồng thời tham gia toàn bộ phong trào, vì thế mà được gọi là “Thủ tướng sắt và máu". Năm 1864 và 1866, Phố lần lượt đánh bại Đan Mạch và Áo. Năm 1870 lãnh đạo liên bang Bắc Đức và các bang của Đức ở phía nam, và đã thống nhất nước Đức sau 3 lần chiến tranh vương triều. Năm 1871, Phổ đã đánh bại Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. William đệ nhất đã làm lễ đăng cơ tại cung điện Versailles và trở thành hoàng đế của đế quốc Đức. Trải qua một loạt cuộc chiến tranh “sắt và máu", Phố trở thành một để quốc quân sự lớn mạnh. Sau khi Phổ thống nhất các bang của Đức thành nước Đức mới, một mặt Đức nắm bắt chặt chẽ các cơ hội của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ hai, sử dụng nhiều kỹ thuật mới, khiến kinh tế Đức xuất hiện sự phát triển mang tính nhảy vọt, chỉ trong vòng hơn 30 năm đã hoàn thành công nghiệp hóa, tỷ trọng của tổng giá trị sản xuất công nghiệp Đức trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thế giới không ngừng tăng lên, không chỉ vượt Anh, Pháp về sản lượng sản xuất trong các ngành công nghiệp truyền thống như gang thép..., mà còn dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp mới nổi là điện khí. Đến đầu thế kỷ XX, Đức trở thành cường quốc kinh tế có thực lực kinh tế chỉ xếp sau Mỹ, bước vào hàng ngũ các nước hiện đại hóa, tạo nên mô hình các nước lạc hậu thực hiện tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, Đức dựa vào các cuộc chiến tranh vương triều để thực hiện thống nhất đất nước nên chính thể quân chủ của chủ nghĩa chuyên chế được bảo lưu. Nước Đức sau khi thống nhất mang đậm sắc thái của chủ nghĩa quân phiệt. Lý luận kinh tế, quân sự lớn mạnh, cùng với truyền thống chủ nghĩa quân phiệt khiến Đức khơi mào hai cuộc chiến tranh thế giới trong vòng hơn 20 năm, gây ra tai họa vô cùng lớn cho văn minh nhân loại, đồng thời cùng dẫn đến sự chia rẽ của nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giai đoạn thứ ba: Sự chia cắt của nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai và việc thống nhất trở lại.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức bị chia cắt thành Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Tây Đức đã xác lập mục tiêu hiện đại hóa với cốt lõi là cải tạo dân chủ hóa an ninh đất nước, xác lập bốn nguyên tắc trong thể chế chính trị là chế độ dân chủ, pháp chế, chế độ liên bang và quốc gia phúc lợi, trong xây dựng kinh tế đã tạo nên kỳ tích xây dựng lại quốc gia công nghiệp hóa phát triển cao độ trên đống đổ nát của chiến tranh. Còn Đông Đức thì đi theo con đường phát triển hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, chỉ trong vòng 20 năm đã đứng vào hàng ngũ các cường quốc công nghiệp trên thế giới, đồng thời xây dựng mình thành quốc gia có hệ thống an sinh xã hội tương đối kiện toàn. Thập niên 90 thế kỷ XX, Đông Âu xảy ra biến động mạnh. Đông Đức và Tây Đức hợp nhất. Đức lại trở thành một quốc gia thống nhất lớn mạnh. Trong thế kỷ XXI hiện nay, Đức đã là nước dẫn đầu trong các sự vụ kinh tế, chính trị của châu Âu, có tầm ảnh hưởng và sức hiệu triệu không thể xem nhẹ trên vũ đài thế giới.

Quá trình hiện đại hóa của Đức vừa có đặc trưng chung của quá trình hiện đại hóa ở các nước phát triển phương Tây, vừa có đặc trưng riêng. Đặc trưng chủ yếu của tiến trình hiện đại hóa ở Đức được thể hiện trên mấy phương diện dưới đây:

Tiến trình hiện đại hóa ở Đức hợp nhất với tiến trình thống nhất đất nước, phục hưng dân tộc, đồng thời trong quá trình này, chia rẽ và thống nhất thay nhau xuất hiện. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng của tiến trình hiện đại hóa ở Đức. Quan niệm “sắt và máu" xuyên suốt từ đầu đến cuối quá trình này. Quan điểm "cần đại pháo, không cần bơ" trong Chiến tranh thế giới thứ hai chính là sự kế thừa của quan niệm này. Vì thế, phát triển kinh tế và tiến trình chính trị của Đức có tính thống nhất cực mạnh.

Thành tựu công nghiệp hóa của Đức rất lớn, tốc độ thúc đẩy kinh tế khiến người ta kinh ngạc, song dân chủ hóa chính trị lại hết sức trì trệ thể hiện sự hiện đại hóa kinh tế và hiện đại hóa chính trị phát triển không đồng đều. Đức trở thành nơi khởi nguồn của hai cuộc chiến tranh thế giới, để lại tai họa vô cùng lớn cho thế giới, dân tộc Đức cũng phải trả giá đắt cho điều này. Nước Đức sau khi thống nhất chỉ trong vòng hơn 30 năm đã hoàn thành công nghiệp hóa, bước vào hàng ngũ các nước phát triển hiện đại. Nhưng chính thể quân chủ chuyên chế được bảo lưu đã gây trở ngại cho cuộc cải cách dân chủ của giai cấp tư sản. Truyền thống chủ nghĩa quân phiệt của nước Phổ và tâm trạng chủ nghĩa dân tộc Sôvanh dẫn đến việc nước Đức tranh giành bá quyền ở châu Âu và trên thế giới bằng sức mạnh công nghiệp hóa rất lớn mà Đức tích lũy được. Trong vòng hơn 20 năm, Đức đã khơi mào cho hai cuộc chiến tranh thế giới, tàn phá nghiêm trọng sự phát triển của nền văn minh nhân loại, đồng thời cũng khiến cho nước Đức bị chia tách thành hai nước sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đức chịu ảnh hưởng sâu sắc qua hai lần thống nhất đối với sự phát triển. Lần thống nhất đầu tiên của Đức đã kết thúc cục diện chia rẽ trường kỳ về chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nước Đức sau khi thống nhất mang đậm sắc thái của chủ nghĩa quân phiệt. Trong 50 năm đầu thế kỷ XX, Đức đã phát động hai cuộc chiến tranh thế giới, tàn phá nghiêm trọng nền văn minh nhân loại. Sau khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất tổng giá trị sản phẩm quốc dân đã vượt xa Anh và Pháp, địa vị chính trị quốc tế tăng cao, thúc đẩy tiến trình nhất thế hóa châu Âu tiến thêm một bước nữa, từ đó thúc đẩy cục diện quốc tố đương đại phát triển theo hướng đa cực hóa.

Kinh tế thị trường của Đức là mô hình ở giữa kinh tế thị trường buông lỏng tự do và kinh tế thị trường nhấn mạnh sự kiểm soát của nhà nước. Đặc trưng chủ yếu của nó là bảo đảm trật tự cạnh tranh, tăng cường sự định hướng của xã hội, nhấn mạnh ổn định xã hội, chú trọng bảo đảm xã hội. Hình thái ý thức chủ lưu của Đức cho rằng, kinh tế thị trường tự do cạnh tranh có thể đáp ứng ở mức độ lớn nhất nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận của nhà sản xuất, đồng thời cũng đáp ứng ở mức độ lớn nhất nhu cầu tối đa hóa hiệu quả của người tiêu dùng, và có thể làm cho nguồn lực xã hội được phân phối có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, hệ thống kinh tế buông lỏng tự do không chỉ trao cho đơn vị kinh tế quyền lợi tự do chi phối nguồn lực, mà cả quyền lợi độc quyền.

Từ những phân tích trên có thể thấy, độc quyền sẽ gây ra lãng phí tài nguyên, tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng, dẫn đến phân phối thu nhập không công bằng, dẫn đến xã hội không ổn định. Do đó, thể chế kinh tế tốt phải đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước và pháp luật, hạn chế độc quyền, bảo hộ cạnh tranh, thúc đẩy công bằng, tăng cường bảo đảm, thúc đẩy xã hội ổn định. Do đó, cuối cùng nước Đức hình thành mô hình "kinh tế thị trường xã hội" = "kinh tế thị trường + điều tiết tổng thể + bảo đảm xã hội".

 


[1] Dương Hải Phi, Đinh Kiến Hoằng: “Bàn về thống nhất và hiện đại hóa ở Đức”, Học báo Đại học Vũ Hán (Bản Khoa học nhân văn), số 6, 2002.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành