Thứ năm, 11 Tháng 7 2024 02:44

Quá trình phát triển hiện đại hóa của Nhật Bản – Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Nhật Bản là nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm nhất ở châu Á. Là một nước phát triển sau, sự đe dọa của thực dân và các mẫu hình văn minh của thế giới phương Tây là nhân tố khởi động then chốt không thể thiếu của hiện đại hóa ở Nhật Bản. Từ xa xưa, Nhật Bản đã có năng lực học tập văn minh tiên tiến rất mạnh, bên cạnh đó, kết cấu xã hội truyền thống của Nhật Bản có tính tương đồng nhất định với kết cấu của Tây Âu... những nhân tố này về mặt khách quan đã thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quá trình hiện đại hóa ở Nhật Bản. Minh Trị Duy Tân là khởi điểm của tiến trình hiện đại hóa ở Nhật Bản. Bằng quốc sách "thoát Á nhập Âu", Nhật Bản đã tiến hành cải tạo toàn diện xã hội truyền thống, đồng thời tích cực học tập văn minh công nghiệp cận đại của phương Tây. Trong khoảng thời gian chưa đầy nửa thế kỷ, Nhật Bản đã hoàn thành bước chuyển mình từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, không những tránh được việc trở thành thuộc địa của phương Tây, mà còn nhanh chóng đưa mình đứng vào hàng ngũ các cường quốc trên thế giới. Nhật Bản là tấm gương điển hình cho các nước châu Á trong việc học tập văn minh cận đại của phương Tây để chuyển mình thành công. Con đường hiện đại hóa của Nhật Bản có ý nghĩa tham khảo quan trọng đối với việc nghiên cứu con đường hiện đại hóa của các nước mới nổi.

Ở tầm vĩ mô, tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản có thể chia thành ba thời kỳ: thời kỳ công nghiệp hóa cận đại từ Minh Trị Duy Tân đến trước khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai; thời kỳ công nghiệp hóa cao độ từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến thập niên 80 thế kỷ XX; thời kỳ chuyển hướng từ xã hội giàu có sang xã hội hậu công nghiệp hóa từ thập niên 80 thế kỷ XX đến nay.

Giai đoạn thứ nhất: Thời kỳ công nghiệp hóa cận đại từ Minh Trị Duy Tân đến trước khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai

Cuối thập niên 60 thế kỷ XIX, Nhật Bản lật đổ sự thống trị của Mạc phủ, thiết lập chính quyền Thiên hoàng Minh Trị, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử Nhật Bản. Sau khi chính phủ Minh Trị thành lập, chính quyền mới do các võ sĩ phe cải cách nắm quyền dốc toàn lực thúc đẩy cải cách trên mọi lĩnh vực, lịch sử Nhật Bản gọi đây là thời kỳ “Minh Trị Duy Tân". Do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nước của Nhật Bản chưa thật đầy đủ, trong khi các nước tiên tiến Âu - Mỹ đã ở vào đêm trước của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản tự do lên chủ nghĩa tư bản độc quyền, nên để tránh việc Nhật Bản trở thành nước nửa thuộc địa của phương Tây và để sớm sánh vai cùng các cường quốc phương Tây, chính phủ Minh Trị không thể không sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện một loạt cải cách đối với giai cấp tư sản từ trên xuống dưới, điều chỉnh kiến trúc thượng tầng, đẩy mạnh tích lũy vốn, thúc đẩy chuyển hóa từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa. Vào thập niên 80 thế kỷ XIX, các hạng mục cải cách quan trọng của Minh Trị Duy Tân đã bước đầu được thực hiện, cục diện chính trị dần đi vào ổn định, nền kinh tế bắt đầu vận hành theo hướng chính quy. Thêm vào đó việc quán triệt thực thi chính sách "công nghiệp thuộc địa", đặc biệt là sau khi đem một lượng lớn mỏ, nhà máy quốc doanh chuyển nhượng cho các nhà tư bản tư nhân, các nhà tư bản tư nhân đã tích cực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp khoáng sản. Do đó, sau năm 1885, công nghiệp cận đại tư bản chủ nghĩa của Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển mới. Sau khi phát động chiến tranh xâm lược Trung Quốc, cách mạng công nghiệp Nhật Bản đã bước vào giai đoạn triển khai toàn diện và hoàn thiện cuối cùng. Đến khoảng đầu thế kỷ XX, cùng với sự hoàn thành cơ bản của cách mạng công nghiệp, chế độ tư bản chủ nghĩa đã được xác lập tại Nhật Bản, và nhanh chóng quá độ sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Giai đoạn này đã đặt một nền móng vật chất lớn mạnh cho tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản sau này.

Giai đoạn thứ hai: Thời kỳ công nghiệp hóa cao độ từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến thập niên 80 thế kỷ XX

Thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai là khởi điểm mới trong lịch sử hiện đại Nhật Bản. Sau chiến tranh, trước những khó khăn của nước bại trận, Nhật Bản đã lựa chọn chiến lược phục hưng “xây dựng đất nước bằng kinh tế, lấy việc hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân làm trung tâm". Trong Sách trắng kinh tế năm 1956, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố: “Sự tăng trưởng lấy khôi phục làm đòn bẩy đã kết thúc, sự tăng trưởng sau này sẽ do hiện đại hóa làm trụ đỡ. Hơn nữa, tiến trình hiện đại hóa chỉ có thể thông qua sự phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định mới có thể thực hiện"; "Hiện đại hóa là hướng đi duy nhất của nền kinh tế quốc dân". Chính phủ Nhật Bản chính thức đưa ra mục tiêu chiến lược thực hiện hiện đại hóa thông qua phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định. Trong thời gian này, Mỹ đã đưa ra “chín nguyên tắc"[1] cho sự phục hưng kinh tế Nhật Bản và đưa ra chính sách thực hiện cụ thể, có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phục hưng nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản. Đồng thời, Mỹ còn cung cấp lương thực, dầu mỏ, phân bón cho Nhật Bản, tạo thuận lợi cho việc xây dựng lại nền kinh tế của nước này. Sau đó, kinh tế Nhật Bản đã bước vào thời kỳ phát triển mới lấy hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân làm trung tâm với tiêu chí chủ yếu là coi việc đầu tư quy mô lớn vào thiết bị là động lực cho sự phát triển tốc độ cao và bền vững. Đến cuối thập niên 60 thế kỷ XX, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.

Giai đoạn thứ ba: Thời kỳ chuyển hướng từ xã hội giàu có sang xã hội hậu công nghiệp hóa từ thập niên 80 thế kỷ XX đến nay

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Nhật Bản bắt đầu bước vào thời kỳ xã hội giàu có. Năm 1980, Nhật Bản chính thức công khai tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử “hiện đại hóa theo mô hình đuổi kịp", từ đó chuyển sang thời kỳ xã hội giàu có hậu công nghiệp hóa.

Tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản có những đặc trưng cơ bản:

Thứ nhất, sự mất cân bằng trong tiến trình phát triển

Sự mất cân bằng trong tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản trước tiên thể hiện ở sự mất cân bằng giữa bốn hệ thống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhật Bản có sự khác biệt với các nước Âu - Mỹ, với ưu thế của nước phát triển sau, hiệu quả của tuyên truyền hiện đại hóa trong hệ thống kinh tế Nhật Bản rất cao, đồng thời người Nhật có thói quen coi công nghiệp là văn hóa để phát huy và tiếp nhận. Đây là một kiểu ý thức tập thể, chính phủ cũng tăng cường hướng dẫn và thúc đẩy có hiệu lực, vì thế việc hiện đại hóa kinh tế được bắt đầu sớm nhất, phát triển hoàn thiện nhất. Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền hiện đại hóa của hệ thống chính trị tương đối thấp, quần chúng nhân dân không dễ dàng tiếp nhận, hơn nữa chính phủ cũng hạn chế chính trị phát triển, dẫn đến việc trình độ hiện đại hóa chính trị của Nhật Bản trước Chiến tranh thế giới thứ hai không cao, mãi cho đến giai đoạn cải cách sau Chiến tranh thế giới thứ hai mới phát triển nhanh chóng[2]. Hiện đại hóa trong hệ thống xã hội, văn hóa cũng tồn tại vấn đề tương tự. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cho dù cải cách của Nhật Bản trên bốn phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị đều đạt được những thành tựu rất lớn, song có không ít các yếu tố tiền hiện đại vẫn được bảo lưu, do đó kết cấu hiện đại hóa của xã hội quốc dân Nhật Bản có đặc điểm không cân bằng.

Thứ hai, biện pháp “chính phủ làm thay" phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Nhật Bản

Nhìn chung, trong quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản, từ Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản đến Chiến tranh thế giới thứ hai, biện pháp “chính phủ làm thay” của Nhật Bản đã phát huy vai trò chủ yếu trong phát triển kinh tế Nhật Bản. Biện pháp “chính phủ làm thay” này cũng phát huy vai trò quan trọng như vậy trong phát triển kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai: Thời kỳ công nghiệp hóa cao độ từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến thập niên 80 thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản không hoàn toàn dựa vào chức năng tự phát của cơ chế thị trường để thực hiện mục tiêu đã định, mà phát huy chức năng thay thế của cơ chế thị trường một cách lý trí, ở các mức độ khác nhau đối với một số chức năng thay thế không phát triển hoặc khiếm khuyết. Tức là áp dụng phương thức bóp méo tương đối giá cả thị trường và thông tin thị trường, nhanh chóng bồi dưỡng, phát triển những ngành nghề chủ đạo và tổ chức doanh nghiệp để họ có thể đảm nhận được trọng trách tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa do chính phủ hoạch định, từ đó thực hiện tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa thuận lợi và nhanh chóng.

Thứ ba, Nhật Bản giỏi tiếp thu thành quả hiện đại hóa của các nước phát triển

Trong quá trình phát triển hiện đại hóa, Nhật Bản vô cùng coi trọng việc tiếp thu thành quả hiện đại hóa của các nước phát triển phương Tây. Thời kỳ đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm xoay chuyển cục diện lạc hậu về kinh tế kỹ thuật, nhanh chóng bắt kịp trình độ tiên tiến thế giới, Nhật Bản đã lựa chọn "chiến lược tiếp thu", tức là tích cực du nhập kỹ thuật mới của nước ngoài, áp dụng rộng rãi thành quả hiện có của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, thúc đẩy cách mạng kỹ thuật của nền kinh tế trong nước, rút ngắn mức chênh lệch về kỹ thuật với một số nước phát triển lớn của Âu - Mỹ bằng tốc độ nhanh và giá thành thấp. Thông qua việc sử dụng rộng rãi thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện có của các nước, Nhật Bản không chỉ tiết kiệm được chi phí nghiên cứu, mà còn tranh thủ thời gian quý báu để vượt lên trình độ kỹ thuật tiên tiến của thế giới, lấy lợi thế tốc độ nhanh và giá thành thấp để xóa bỏ khoảng cách về kỹ thuật, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa, đuổi kịp các nước phát triển Âu - Mỹ với tốc độ cao, vươn lên trở thành nước lớn về kinh tế có kỹ thuật công nghiệp phát triển cao.

Nhật Bản có thể nói là một nước ở thời kỳ nào cũng hoạch định được chiến lược phát triển hiện đại hóa tương đối tốt, đồng thời giành được những thành tựu nổi bật. Ngay từ thời kỳ Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã hoạch định một chiến lược tổng thể học tập Âu - Mỹ, nhanh chóng phát triển chủ nghĩa tư bản. Chiến lược này giúp Nhật Bản ngay từ đầu thế kỷ XX đã trở thành một trong những nước tư bản chủ nghĩa có thực lực kinh tế rất mạnh. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1946, Nhật Bản công bố phương án “vấn đề cơ bản của xây dựng lại kinh tế Nhật Bản". Phương án này trên thực tế là ý tưởng chiến lược đầu tiên về phát triển kinh tế quốc dân của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có vai trò quan trọng trong việc cải tổ và khôi phục kinh tế. Giữa thập niên 50 thế kỷ XX, Nhật Bản lại đưa ra mục tiêu chiến lược mới thực hiện hiện đại hóa kinh tế quốc dân thông qua tăng trưởng cao. Trước thập niên 70 thế kỷ XX, hạt nhân của chiến lược này là “thương mại lập quốc". Đến đầu thập niên 70 thế kỷ XX, Nhật Bản đã cơ bản thực hiện hiện đại hóa, cốt lõi của chiến lược này là “kỹ thuật lập quốc”, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa toàn diện, các văn kiện nổi tiếng như "Báo cáo Maekawa” và “Chiến lược cơ bản hướng tới thế kỷ XXI” đều là sản phẩm của chiến lược này.

Trong tiến trình hiện đại hóa, các nước phát triển khác đều hết sức coi trọng hoạch định chiến lược phát triển hiện đại của mình. Việt Nam cần phải học tập những điều này, căn cứ tình hình đất nước để hoạch định chiến lược phát triển hiện đại hóa theo hướng khoa học, khả thi, xác định bước đi, biện pháp, quy mô và tốc độ xây dựng để thực hiện mục tiêu chiến lược có tính bao dung, tính hệ thống và tính ứng biến. Cùng với việc tích cực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giải quyết tốt mối quan hệ trên nhiều phương diện giữa phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế và biến đổi chính trị, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh thái, tăng trưởng kinh tế và sự phát triển cũng như sản xuất và sinh hoạt của con người, v.v… chú trọng sự phát triển hài hòa lâu dài của xã hội.

 


[1] Nội dung cơ bản của chín nguyên tắc là: (1) Cố gắng tiết kiệm chi tiêu, thực hiện cân bằng tổng hợp dư toán tài chính; (2) Tăng cường thu thuế, (3) Nghiêm khắc hạn chế các khoàn vay không có lợi cho phục hưng kinh tế, (4) On định tiền lương: (5) Thống nhất quản lý vật giá; (6) Cải thiện chế độ quản lý ngoại thương và tăng cường quản lý ngoại hối; (7) Cải thiện chế độ hạn ngạch vật tư, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng; (8) Gia tăng chế phẩm vày nguyên vật liệu sản xuất trong nước; (9) Thực hiện chế độ trưng mua lương thực có hiệu quả hơn.

[2] Đinh tinh: “Tiến trình hiện đại hóa của Nhật Bản và gợi mở đối với hiện đại hóa của nước ta”, Tlđd.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành