In trang này
Thứ tư, 22 Tháng 10 2014 00:00

Đầu tư và phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn

1. Tăng trưởng và phát triển  kinh tế - xã hội

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng sản phẩm và thu nhập của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Sự gia tăng thể hiện ở quy mô và tốc độ, phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, nhanh hay chậm giữa các thời kỳ. Thu nhập của nền kinh tế có thể biểu hiện dưới dạng hiện vật hoặc giá trị, giá trị phản ánh thu nhập quốc dân thông qua các chỉ tiêu cơ bản như GDP và GNP tính cho toàn bộ nền kinh tế hoặc tính bình quân trên đầu người.

Tăng trưởng kinh tế là sự thay đổi về lượng của nền kinh tế. Ngày nay, tăng trưởng phải đảm bảo yêu cầu gắn liền với tính bền vững và chất lượng của tăng trưởng, đó là sự tăng trưởng liên tục về quy mô và tốc độ, tạo nên bởi các yếu tố khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực, trong một cơ cấu kinh tế hợp lý.

Phát triển kinh tế là quá trình tăng tiến cả về chất và lượng của nền kinh tế, là sự kết hợp của cả hai mặt tăng trưởng và thay đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của nền kinh tế. Phát triển kinh tế là quá trình tương đối lâu dài, do các yếu tố nội tại của nền kinh tế quyết định. Phát triển kinh tế được thể hiện trên các nội dung: sự gia tăng tổng mức thu nhập của nền kinh tế và mức gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người; sự biến đổi cơ cấu kinh tế theo xu hướng công nghiệp hoặc dịch vụ, phản ánh mặt chất của nền kinh tế; sự tiến bộ trong các vấn đề xã hội. Sự phát triển về mặt xã hội mới chính là mục tiêu của sự phát triển. Do đó, xoá đói nghèo, tăng phúc lợi xã hội, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng xã hội công bằng, văn minh là các biện pháp nhằm đạt mục tiêu của sự phát triển.

Đầu tư có thể hiểu là sự hy sinh các nguồn lực ở giai đoạn hiện tại để tiến hành các hoạt động nhằm thu về những kết quả nhất định trong tương lai, lớn hơn nguồn lực đã bỏ ra. Các nguồn lực bỏ ra có thể là tài nguyên, vốn, sức lao động và trí tuệ và kết quả thu về cũng có thể là tiền vốn, tài sản vật chất, nguồn nhân lực nhưng với cấp độ cao hơn. Các kết quả này có ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ các đối tượng và yếu tố liên quan trong môi trường kinh tế- xã hội của hoạt động đầu tư.

Một hình thức đầu tư cơ bản của xã hội là đầu tư tài sản vật chất và sức lao động, người đầu tư bỏ vốn tiến hành các hoạt động nhằm tạo tài sản mới cho nền kinh tế, tăng của cải vật chất và tiềm lực sản xuất của xã hội. Đầu tư gồm xây dựng, sửa chữa các công trình, mua sắm trang thiết bị, lắp đặt, đào tạo nguồn nhân lực. Loại hình này được gọi chung là đầu tư phát triển, phân biệt với các loại hình đầu tư vào các đối tượng khác như đầu tư tài chính, đầu tư thương mại,…

Đầu tư là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đầu tư tác động cả trên hai mặt tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, vừa tạo ra sự tăng trưởng, đồng thời tạo ra các yếu tố giữ nền kinh tế trong trạng thái tương đối ổn định. Qua việc đầu tư, nền sản xuất được đổi mới về công nghệ, tương quan giữa các ngành thay đổi theo hướng phù hợp hơn, tức là tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế, lãnh thổ.

Trong phạm vi hẹp hơn, với mỗi chủ thể nhất định, hoạt động đầu tư quyết định sự ra đời, tồn tại và phát triển của đơn vị đó. Hoạt động đầu tư tạo cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, dịch vụ, các cơ sở hạ tầng phục vụ các đối tượng liên quan. Với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đầu tư nhằm mang lại lợi nhuận cho người đầu tư, thông qua đáp ứng các yêu cầu của xã hội.  Với các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận, đầu tư của họ nhằm tạo điều kiện duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ đối với xã hội.

Mặc dù có loại hình đầu tư không thể tính toán hiệu quả một cách trực tiếp, không thể đánh giá, định lượng chính xác, hoặc lợi ích của chủ  thể đầu tư khác với lợi ích của xã hội nhưng vẫn cần thiết phải có phương pháp quy đổi, tính toán chi phí của xã hội và lợi ích do hoạt động đầu tư mang lại để đánh giá chung hiệu quả của đầu tư đối với toàn xã hội. 

Mối quan hệ giữa hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế- xã hội: việc phân tích hiệu quả tài chính chỉ xét trên giác độ nhà đầu tư, các chi phí và lợi ích về mặt tài chính, còn hiệu quả kinh tế-xã hội đứng trên góc độ của toàn bộ nền kinh tế và xã hội, không chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu hiệu quả trực tiếp mà còn phải đánh giá gián tiếp có liên quan đến các hoạt động khác của xã hội.

Giữa chủ thể là nhà đầu tư và chủ thể xã hội thì chi phí và lợi ích có sự khác nhau, có khi là đối lập, lợi ích của cá nhân lại là chi phí của xã hội hoặc ngược lại. Tuy nhiên, xã hội chỉ phát triển khi lợi ích của xã hội cùng đồng thuận với lợi ích lâu dài của số đông cá thể trong cộng đồng.

Trong một chương trình phát triển  kinh tế - xã hội của một quốc gia, một vùng, địa phương thì hiệu quả  kinh tế - xã hội chung của cộng đồng là một ưu tiên hàng đầu. Và tác động của nó tới sự phát triển của các các thể phải mang tính tích cực, không nhất thiết cho tất cả mọi người, nhưng phải đảm bảo cho số đông trong cộng đồng.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển  kinh tế - xã hội

Điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển  kinh tế - xã hội là yếu tố đầu tiên và trực tiếp nhất ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng kinh tế. Yếu tố này bao hàm các nguồn lực của sự phát triển là tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực và kỹ thuật, công nghệ, cũng như nguồn vốn đầu tư. Các nhân tố này là đặc trưng, thuộc tính gắn liền với từng vùng, địa bàn cụ thể, thể hiện ở các tiêu chí như  diện tích, vị trí địa lý, địa hình, dân số, đặc điểm phong tục tập quán của dân tộc, văn hoá, ngôn ngữ, lịch sử phát triển  kinh tế - xã hội,… Các yếu tố này đóng vai trò nội lực cho sự phát triển của mỗi vùng, miền.

Các yếu tố thuộc về chủ trương đường lối, chính sách và kế hoạch phát triển  kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia có vai trò hết sức quan trọng, nhất là đối với giai đoạn phát triển đầu tiên. Bởi vì nội lực và các điều kiện sẵn có của các vùng nông thôn, miền núi rất hạn chế, cần có sự kích thích, đầu tư ban đầu tạo nền tảng cho sự phát triển. Các yếu tố này thể hiện thông qua các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, cơ cấu phân bổ vốn ngân sách nhà nước, chính sách tín dụng, các kế hoạch phát triển của các ngành, vùng lãnh thổ, mối liên kết liên ngành, liên vùng trong phát triển sản xuất, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, chính sách giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chính sách đầu tư khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường,…

Xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế cũng có tác động to lớn đối với sự phát triển  kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo. Các mô hình, phương pháp tiếp cận và hoạt động có hiệu quả của các nước, các tổ chức quốc tế, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài ngày càng đóng vai trò tích cực đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo. Xu thế mở cửa, hội nhập và các yêu cầu công khai, dân chủ, minh bạch trong các hoạt động sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước đang trở thành một động lực rất tích cực để nâng cao hiệu quả các hoạt động đầu tư, nhất là các vùng nghèo, kinh tế chưa phát triển.

3. Đánh giá hiệu quả  kinh tế - xã hội của chương trình, dự án đầu tư.

Đánh giá hiệu quả  kinh tế - xã hội của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và của từng dự án là một trong những nội dung cần thiết của chương trình để đảm bảo tính thiết thực của các chương trình và dự án nhưng là một vấn đề hết sức phức tạp, nhất là đánh giá hiệu quả về mặt xã hội. Hiện nay, việc đánh giá hiệu quả vẫn dừng ở mức độ đánh giá định tính  nhiều hơn là định lượng. Về đánh giá định lượng chỉ tập trung vào kết quả số lượng so với chỉ tiêu đặt ra, chưa đánh giá cụ thể về chất lượng bằng các chỉ số cụ thể.

Trước hết, xuất phát từ thước đo hiệu quả  kinh tế - xã hội là vấn đề trừu tượng, không thể lượng hoá một cách chính xác. Hoạt động  kinh tế - xã hội có đối tượng ảnh hưởng rất rộng, gồm các mối quan hệ trực tiếp, gián tiếp hết sức đa dạng, phong phú, tác động qua lại nhiều chiều. Các chương trình hoạt động cùng hướng đến một đối tượng là một tổ chức, cá thể, hoặc cộng đồng, nhưng tác động trên các phương diện khác nhau nên ảnh hưởng lên đối tượng cũng mang tính chất tổng hợp, khó phân tách được ảnh hưởng của từng mặt hoạt động. Chưa có cơ chế phản hồi và thu thập thông tin phản hồi đầy đủ, chính xác từ các bên liên quan. Mặt khác, việc thu thập các thông tin này đòi hỏi quá trình nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ lưỡng với kỹ năng, phương pháp phân tích khoa học và chi phí tốn kém. Trong khi chưa có cơ chế nào bắt buộc phải thu thập thông tin để phân tích đánh giá các mặt hoạt động  kinh tế - xã hội trước khi thực hiện các chương trình. Nhìn cụ thể vào Chương trình 135, chương trình có đối tượng là dân cư khu vực miền núi, vùng sâu, cùng là đối tượng của các chương trình mục tiêu khác như xoá đói giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, chương trình văn hoá, y tế, giáo dục, phổ cập tiểu học, xoá mù chữ, chương trình kiên cố hoá trường lớp học, phát triển mạng lưới điện quốc gia, phủ sóng phát thanh truyền hình. Mỗi kết quả của sự phát triển trên một mặt nào đó đều có phần đóng góp nhất định của các chương trình  hoạt động ở các lĩnh vực khác. Từ thực tế này, việc đánh giá hiệu quả riêng rẽ của từng chương trình là không chính xác. Tuy nhiên, vẫn có những phương pháp phân tích, đánh giá tương đối xác thực mức độ tác động của từng mặt hoạt động, loại trừ các yếu tố ảnh hưởng khác. Đây là vấn đề mới đối với thực tiễn quản lý  kinh tế - xã hội ở nước ta, mức độ áp dụng còn rất hạn chế.

Bên cạnh các vấn đề mang tính kỹ thuật của sự đánh giá thì một nguyên nhân khác khá cơ bản của hiện tượng này là cơ chế quản lý kinh tế còn mang nặng tính bao cấp, chưa được đặt trên sự đánh giá chi phí- lợi ích kinh tế và phi kinh tế một cách khách quan và công bằng, thông qua thước đo giá cả- tiền tệ, mức độ thoả mãn của các đối tượng tham gia các quan hệ  kinh tế - xã hội, hoặc một thước đo nào đó. Các cơ quan quản lý (nhất là quản lý nhà nước) chưa có một quan niệm nhất quán về hiệu quả  kinh tế - xã hội được xác định trên cơ sở so sánh hiệu quả và chi phí với cùng một thước đo. Đối với các vùng nông thôn, miền núi thì tư tưởng cấp phát, xin cho còn rất nặng nề. Chính quyền và cộng đồng người dân còn trông chờ một cách thụ động vào các nguồn lực bên ngoài, chưa xác định được chi phí cơ hội của những chương trình, dự án đầu tư không đúng chỗ, không mang lại hiệu quả tối ưu. Tương tự, ở các cơ quan cấp trên thì mức độ đánh giá sai lệch còn lớn hơn. Một khoản đầu tư bao giờ cũng mang lại những kết quả và đổi thay nhất định, thường được đánh giá là hiệu quả của khoản đầu tư. Kết quả hoạt động đầu tư được thể hiện bằng hiện vật hoặc sự thay đổi được tạo ra, mà không căn cứ vào hiệu quả tác động cuối cùng của khoản đầu tư đó. Để đánh giá đầy đủ, chính xác về hiệu quả đầu tư thì không chỉ tính toán đến giai đoạn hoàn thành quá trình đầu tư mà phải được tính trong cả giai đoạn sử dụng kết quả đầu tư đó, trên cơ sở so sánh chi phí sử dụng, vận hành và lợi ích thu được, tính theo một mặt bằng thước đo.

Để đánh giá hiệu quả  kinh tế - xã hội, cần có phương pháp tiếp cận theo tổng thể, đi sâu phân tích, thống kê, đo lường tác động của từng mặt hoạt động, nhưng khi tổng hợp đánh giá phải đặt trong mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với các mặt hoạt động khác. Việc đánh giá chi phí- lợi ích, nguồn lực bỏ ra cần xét trên quan điểm chủ thể là xã hội, trong một thời gian đủ dài và tính đến chi phí cơ hội của các bên liên quan, trong phạm vi xã hội. Đồng thời cần tính đến các giá trị phi vật thể, văn hoá, tinh thần mà tác động của mỗi hoạt động đầu tư mang lại.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 20 Tháng 11 2014 03:15