1. Nguyên nhân của những thành tựu
Từ những nội dung đã phân tích ở các bài viết cùng chủ đề trước, có thể thấy hệ thống pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam đã được hoàn thiện liên tục kể từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay. Hiện tại, có thể khẳng định khung pháp luật về dân chủ trực tiếp của Việt Nam đã khá toàn diện và tiến bộ, thể hiện qua việc pháp luật đã ghi nhận tất cả các hình thức dân chủ trực tiếp chủ yếu trên thế giới, trong đó hầu hết các hình thức này đều đã được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Điều này tạo cơ sở cho việc áp dụng, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp này trong thực tế.
Đặc biệt, với việc lần đầu tiên quy định dân chủ trực tiếp như là một trong các hình thức cơ bản mà nhân dân sử dụng để thực hiện quyền lực, vị trí, vai trò của pháp luật về dân chủ trực tiếp đã được nâng cao hơn ở Việt Nam.
Nhận xét chung, hệ thống pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam đã được hoàn thiện liên tục qua các giai đoạn, tạo cơ sở cho việc thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp trong thực tế. Những thành tựu trong pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam xuất phát từ những nguyên nhân chính sau đây:
Một là, ở Việt Nam, kể từ khi giành được độc lập, vấn đề dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân rất được coi trọng, được xem là một nguyên tắc nền tảng, có tính nhất quán trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước. Điều này có tác động tích cực đến việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về dân chủ, kể cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Có thể nhận thấy tinh thần pháp luật dân chủ trực tiếp xuyên suốt trong các văn bản và quy định pháp luật về dân chủ, đặc biệt là về dân chủ trực tiếp, ở nước ta từ trước tới nay là bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân như là chủ thể duy nhất và tối cao của quyền lực nhà nước.
Hai là, những phát triển trong pháp luật về dân chủ trực tiếp ở nước ta trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau năm 2013, có nguyên nhân từ quá trình mở cửa, đổi mới và hội nhập quốc tế (từ năm 1986). Quá trình này đã cho phép các cơ sở học thuật và các cơ quan nhà nước tiếp cận với những tri thức mới của nhân loại về dân chủ trực tiếp, từ đó hoàn thiện cơ sở lý luận và khung pháp luật về vấn đề này. Có thể thấy, những quy định mới và quy định chi tiết trong pháp luật Việt Nam về dân chủ trực tiếp, kể cả quy định trong Điều 6 Hiến pháp năm 2013, đều bắt nguồn từ tiệm cận với các quy định có liên quan trong pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Ba là, sự phát triển của pháp luật về dân chủ trực tiếp cũng như những thành tựu trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta trong thời gian vừa qua còn bắt nguồn từ nhu cầu mở rộng dân chủ của chính xã hội nước ta. Trong thời gian chiến tranh, mọi nguồn lực và ý chí đều phải tập trung vào nhiệm vụ sống còn là chiến đấu chống kẻ thù, giành và giữ độc lập, thống nhất cho Tổ quốc; các nhu cầu về dân chủ không có điều kiện thực hiện, và vì thế không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo đảm. Tuy nhiên, khi đất nước đã hòa bình, đặc biệt là từ khi Đảng để ra chính sách đổi mới, hội nhập quốc tế, cùng với đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của người dân càng được nâng cao thì nhu cầu về các quyền chính trị, dân chủ của người dân ngày càng trở nên cấp thiết. Pháp luật về các hình thức dân chủ, kể cả dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, vì thế ngày càng được củng cố, hoàn thiện và chú trọng thực thí trong thực tiễn.
2. Nguyên nhân của những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, xét trên tất cả các hình thức dân chủ trực tiếp chủ yếu là trưng cầu ý dân, bầu cử, bãi nhiệm đại biểu dân cử và lấy ý kiến quyết định của Nhân dân ở cơ sở. Những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này ở nước ta trong thời gian qua là rất đáng khích lệ, song chỉ là so với tình hình trong nước ở các giai đoạn trước, còn nếu so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới thì vẫn còn có khoảng cách khá lớn. Minh chứng là Việt Nam hiện vẫn ở có vị trí rất thấp trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có tên trong bảng xếp hạng của IDEA về thực hiện dân chủ trực tiếp. Mức độ thực thi dân chủ trực tiếp của Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực châu Á, chỉ đứng thứ 22/32 nước trong khu vực này được khảo sát.
Những hạn chế trong pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam là do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có thể nêu một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đối với việc nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội hàm của dân chủ trực tiếp, cũng như các hình thức dân chủ trực tiếp ở Việt Nam còn thiếu thống nhất, nhìn chung chưa toàn diện, đầy đủ. Điều này là bởi giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam không có bề dày truyền thống về pháp luật và thực thi pháp luật dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng. Nền lập hiến - nền tảng cho cơ chế dân chủ hiện đại - của Việt Nam còn rất non trẻ (mới chỉ bắt đầu từ năm 1946). Thêm vào đó, các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khốc liệt, kéo dài trong nửa sau của thế kỷ XX bắt buộc việc tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam phải phù hợp với thời chiến mà có những đặc thù không thuận lợi cho việc thực thi dân chủ nói chung, dân chủ trực tiếp nói riêng ở Việt Nam. Những đặc thù đó tuy đã được Đảng và Nhà nước sửa đổi kể từ khi đổi mới nhưng vẫn còn ảnh hưởng khá lâu dài ở nước ta, khiến cho việc cải cách và thực thi dân chủ nói chung, dân chủ trực tiếp nói riêng ở nước ta còn chậm và hiệu quả chưa cao. Do đó, với bộ máy nhà nước và đại đa số nhân dân, các thiết chế để thực hiện dân chủ trực tiếp vẫn còn là vấn đề rất mới mẻ. Nhìn chung, cả Nhà nước và xã hội Việt Nam vẫn còn thiếu kinh nghiệm về thực thi dân chủ trực tiếp. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp ở địa phương - được xem là có nhiều kết quả đáng khích lệ hơn cả - song cũng mới được triển khai và hiện vẫn còn thiếu sự phân biệt rạch ròi giữa tính chất quản lý và tự quản của thôn, làng. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kể cả Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 vẫn dè dặt trong việc tạo lập các tiêu chí cụ thể nhằm xây dựng một môi trường cạnh tranh có trách nhiệm giữa các nhóm lợi ích trong thôn, làng và giữa các thôn, làng với nhau nhằm đạt được dân chủ thực chất.
Thứ hai, về ý thức tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về dân chủ, dân chủ trực tiếp nói riêng của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức còn chưa cao. Đặc biệt, như Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”. Những cán bộ như vậy chắc chắn sẽ không tuân thủ, mà hơn nữa, sẽ tìm cách hạn chế các hình thức dân chủ trực tiếp, bởi dân chủ trực tiếp đi ngược lại với lợi ích của họ. Đây có thể được coi là những khó khăn, trở ngại lớn trong việc thực thi dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng ở Việt Nam.
Thứ ba, hoạt động thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều nội dung của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn đang được xây dựng, chưa được hoàn thiện. Đặc biệt, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là vấn đề mới, chưa có được sự nhận thức đầy đủ và sâu sắc nên việc tổ chức thực hiện trên thực tế còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, thời gian qua, Nhà nước có xu hướng chú trọng hơn đến việc thiết lập cơ sở pháp lý để đổi mới kinh tế, mà chưa có sự hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước. Đây cũng có thể xem là một nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế trong pháp luật và thực hiện pháp luật về dân chủ trực tiếp ở nước ta trong thời gian qua.
Thứ tư, kỹ thuật lập pháp về dân chủ nói chung, dân chủ trực tiếp nói riêng ở nước ta còn chưa cao, dẫn đến tình trạng khung pháp luật về lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, thiếu tính ổn định; các hình thức, công cụ chủ yếu của dân chủ trực tiếp nhìn chung mới chỉ dừng lại ở những quy định khái quát, nhiều vấn đề còn chưa được quy định cụ thể, dẫn đến khó thực hiện trên thực tế.
Như vậy, có thể thấy rằng, tuy còn những hạn chế nhất định nhưng thời gian qua, pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm củng cố. Thể chế hóa chủ trương của Đảng về dân chủ trực tiếp, ngày 10/12/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Luật thực hiện dân chủ cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Đây là khung pháp lý cơ bản, toàn diện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến dân chủ trực tiếp, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường tính dân chủ toàn diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.