In trang này
Thứ sáu, 13 Tháng 9 2024 11:01

Tổng quan chung về dân chủ trực tiếp và pháp luật về dân chủ trực tiếp

1. Khái niệm

Dân chủ (democracy) - theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nhân dân” - về cơ bản được định nghĩa là một hình thức chính quyền trong đó quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Dân chủ có thể do người dân trực tiếp thực thi hoặc được thực thi một cách gián tiếp thông qua người đại diện do nhân dân bầu ra. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ ở chế độ ta nghĩa là: Dân là chủ (chỉ vị thế của Nhân dân) và Dân làm chủ (chỉ năng lực và trách nhiệm của Nhân dân). Hai khía cạnh “Dân là chủ” và “Dân làm chủ” luôn đi liền với nhau, thể hiện vị trí, vai trò và quyền của Nhân dân đối với Nhà nước.

Dân chủ được thực hiện thông qua hai hình thức cơ bản là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (còn được gọi là “dân chủ gián tiếp”). Quan niệm về dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện có thể rộng, hẹp khác nhau ở các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Dân chủ trực tiếp gắn liền với nguồn gốc, bản chất của khái niệm dân chủ (demokratia/δημοκρατα - tiếng Hy Lạp) có nghĩa là “quyền lực/sự cai trị của nhân dân" (power/rule of the people). Chính vì vậy, dân chủ trực tiếp còn được gọi là dân chủ đích thực/nguyên nghĩa/thuần túy (pure/true democracy), và đó là nội dung của một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Ở nước ta hiện nay, có hai luồng quan điểm khác nhau về dân chủ trực tiếp, cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất (theo nghĩa hẹp, gắn nhiều với luật học): “dân chủ trực tiếp” được hiểu là một hình thức thực thi quyền lực của Nhân dân, trong đó Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình thông qua hình thức bỏ phiếu hay biểu quyết, để quyết định một vấn đề nào đó của đất nước hay của cộng đồng mà không thông qua một cơ quan hay cá nhân đại diện trung gian nào.

Quan điểm thứ hai (theo nghĩa rộng, gắn nhiều với chính trị học): “dân chủ trực tiếp" được hiểu là một yêu cầu của chế độ chính trị, trong đó, Nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước - không chỉ có quyền trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và cộng đồng, mà còn có quyền kiểm tra, giám sát bộ máy nhà nước do chính mình lập nên. Nói cách khác, theo nghĩa rộng, dân chủ trực tiếp thể hiện qua tất cả các hoạt động của Nhân dân trực tiếp thực thi và gây ảnh hưởng, tác động đến việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Theo đó, dân chủ trực tiếp được hiểu là sự thể hiện ý chí trực tiếp của người dân để quyết định một vấn đề của Nhà nước hay của cộng đồng mà không cần thông qua một thiết chế trung gian, cụ thể là cơ quan đại diện do dân lập ra qua bầu cử. Sự thể hiện ý chí này thông thường có ý nghĩa quyết định, bắt buộc phải được thi hành ngay mà không phụ thuộc vào mong muốn của chính quyền.

Theo cách hiểu chung nhất, pháp luật là hệ thống các quy phạm (quy tắc hành vi hay quy tắc xử sự) có tính chất bắt buộc chung, do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của Nhà nước, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội vì sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng. Như vậy, pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Một là, nội dung của các quy phạm pháp luật phải được diễn tả một cách chính xác, cụ thể, dễ hiểu, không đa nghĩa.

Hai là, pháp luật chỉ có thể do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận; mỗi cơ quan nhà nước chỉ được ban hành những loại văn bản nhất định có tên gọi xác định và theo một trình tự, thủ tục nhất định.

Ba là, Nhà nước ban hành, thừa nhận, đồng thời đảm bảo các quy phạm pháp luật phải được thực hiện trong thực tiễn đời sống. Sự đảm bảo đó được thể hiện ở việc Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, giúp đỡ các chủ thể thực hiện pháp luật, đồng thời có biện pháp cưỡng chế với những chủ thể cố tình không tuân thủ hoặc làm trái pháp luật.

Pháp luật về dân chủ trực tiếp là một bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật nói chung, vì vậy cũng có những đặc trưng nêu trên. Pháp luật về dân chủ trực tiếp có thể hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, đây là tổng thể các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến dân chủ trực tiếp, bao gồm các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực thi dân chủ trực tiếp; quy trình, thủ tục cùng với những thiết chế tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước cần thiết cho việc tiến hành và thực thi dân chủ trực tiếp. Theo nghĩa hẹp, đó là một tập hợp các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc với mọi chủ thể, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, nhằm xác lập quyền và các điều kiện bảo đảm cho mọi người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề của đất nước và cộng đồng, thông qua những cách thức tổ chức khác nhau.

Có thể hiểu rằng, pháp luật về dân chủ trực tiếp là một hệ thống các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc với mọi chủ thể, do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của Nhà nước nhằm xác lập quyền và các điều kiện bảo đảm cho mọi người dân được trực tiếp quyết định những vấn đề chung của đất nước, thông qua những cách thức tổ chức cơ bản như trưng cầu ý dân, bầu cử, bãi nhiệm (bãi miễn) đại biểu dân cử và một số phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

2. Đặc điểm của pháp luật về dân chủ trực tiếp

So với pháp luật trên các lĩnh vực khác, pháp luật về dân chủ trực tiếp có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Một, có thể nhận thấy các quy phạm pháp luật về dân chủ trực tiếp liên quan chủ yếu đến việc thực hiện quyền của công dân tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, người dân thể hiện quyền làm chủ của mình một cách trực tiếp mà không thông qua một chủ thể trung gian nào, để quyết định một vấn đề quan trọng của đất nước. Cũng chính bởi đặc trưng này, ở một số quốc gia, các văn bản pháp luật về dân chủ trực tiếp bị coi là “nhạy cảm”, “gây khó khăn cho hoạt động của bộ máy nhà nước”, vì thế thường bị trì hoãn, cản trở việc ban hành và thực hiện.

Như vậy, để hoàn thiện và thực thi đầy đủ pháp luật về dân chủ trực tiếp đòi hỏi có sự quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của các nhà làm luật về các vấn đề pháp quyền, dân chủ và tiến bộ xã hội, cũng như có sự yêu cầu, đòi hỏi liên tục và mạnh mẽ từ công chúng, thông qua các tổ chức xã hội.

Hai, pháp luật về dân chủ trực tiếp điều chỉnh những quan hệ thuộc thương tầng kiến trúc của các quốc gia. Kiến trúc thượng tầng là một khái niệm của triết học Mác - Lênin, được C. Mác và Ph. Ăngghen đưa ra để mô tả toàn bộ hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội cùng với các thiết chế chính trị - xã hội tương ứng, được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định. Theo đó, kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm liên quan đến chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật... cùng với những thiết chế xã hội gắn liền với nó như Nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể, v.v.. 

Pháp luật về dân chủ trực tiếp xác lập quyền của người dân trong việc trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của cộng đồng - những quyền mà người dân chỉ có được trong một thể chế dân chủ. Như vậy, pháp luật về dân chủ trực tiếp thực chất đã góp phần quan trọng trong việc định hình thiết chế chính trị, xã hội của một quốc gia theo định hướng pháp quyền. Ngoài ra, khi đã được quy định và áp dụng, pháp luật về dân chủ trực tiếp có thể làm thay đổi các thiết chế xã hội của một quốc gia theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu, lợi ích của người dân và tình hình của đất nước.

Nhận thức rõ đặc điểm trên sẽ cũng có quyết tâm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp, coi đó như là một “đòn bẩy” để dân chủ hóa xã hội, hiện thực hóa nhà nước pháp quyền, đưa một quốc gia trở thành một nước văn minh và thịnh vượng.

Ba, pháp luật về dân chủ trực tiếp gắn liền với các quy định về thể chế chính trị và quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Ở mọi quốc gia, những yếu tố nền tảng về dân chủ trực tiếp được thiết lập ngay trong các quy định về thể chế chính trị, và sau đó được cụ thể hóa trong các quy định về các quyền chính trị hiến định. Ví dụ, Điều 6 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội. Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Do Hiến pháp là đạo luật gốc của một quốc gia nên mức độ, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về dân chủ trực tiếp ở nước đó phụ thuộc rất nhiều vào các quy định về vấn đề này trong Hiến pháp.

Bốn, pháp luật về dân chủ trực tiếp bảo vệ quyền lợi của mọi người dân. Pháp luật về dân chủ trực tiếp là cơ sở mở rộng phạm vi những vấn đề mà người dân có thể tự quyết định trực tiếp trong quốc gia hoặc cộng đồng của mình. Điều đó không có nghĩa là trong một nền dân chủ điếu cấn và có thể mở rộng càng nhiều càng tốt các hình thức dân chủ trực tiếp. Trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ, ở các thành bang và quốc gia của Hy Lạp, La Mã cổ đại (các nhà nước dân chủ chủ nô), người dân tự do có thể tự quyết định rất nhiều vấn đề của đất nước và của cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của xã hội hiện đại ngày nay, khi các vấn đề của một đất nước ngày càng nhiều và trở nên phức tạp, việc người dân tự quyết định phần lớn các vấn đề của đất nước và của cộng đồng sẽ không khả thi và không hợp lý. Nói cách khác, dân chủ trực tiếp có vai trò rất quan trọng và cần được áp dụng trong khả năng có thể, song việc áp dụng nó cũng cần tính đến điều kiện thực tế của mỗi quốc gia và cộng đồng để tránh tình trạng hình thức, khiên cưỡng mà có thể không đạt được mục tiêu cuối cùng là bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích của người dân.

3. Vai trò của pháp luật dân chủ trực tiếp

Ở các nhà nước xã hội chủ nghĩa, pháp luật nói chung, trong đó bao gồm pháp luật về dân chủ trực tiếp, là phương tiện để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng Cộng sản về phát huy dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng. Nhờ có nguyên tắc này, đường lối, chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng Cộng sản về dân chủ trực tiếp mới có thể đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, pháp luật về dân chủ trực tiếp góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật quốc gia, đảm bảo hệ thống pháp luật quốc gia phù hợp với sự phát triển của các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Việc bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi những quan hệ xã hội quan trọng phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Pháp luật về dân chủ trực tiếp tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Pháp luật về dân chủ trực tiếp còn là phương tiện để xác lập quyền của người dân được tham gia, trực tiếp quyết định một số công việc của đất nước và cộng đồng. Như vậy, pháp luật dân chủ trực tiếp là một cơ sở nền tảng để điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân, trong đó Nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người dân được tự quyết định một số công việc của đất nước và của cộng đồng theo quy định của pháp luật mà không cần đến Nhà nước. Thêm vào đó, thông qua pháp luật về dân chủ trực tiếp, Nhà nước còn có nghĩa vụ thực thi các quyết định mà người dân đã đưa ra thông qua việc áp dụng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Mặt khác, pháp luật về dân chủ trực tiếp đóng vai trò là một công cụ pháp lý cho mọi người dân đưa ra những lựa chọn chính trị của riêng mình. Pháp luật bảo đảm những lựa chọn đó có giá trị bình đẳng và chỉ được quyết định áp dụng thông qua cơ chế đa số. Thông qua việc vận dụng pháp luật về dân chủ trực tiếp, khuôn khổ chính trị và thể chế của một quốc gia hoặc một cộng đồng sẽ được quyết định theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đa số công dân. Theo nghĩa đó, pháp luật về dân chủ trực tiếp còn đóng vai trò như thước đo tính pháp lý (hay chính danh) của thể chế chính trị và thiết chế quản trị địa phương, bởi chỉ thông qua việc vận dụng đúng đắn pháp luật về dân chủ trực tiếp, ý chí của người dân mới được phản ánh một cách đầy đủ và chân thực.

Thông qua pháp luật về dân chủ trực tiếp, Nhà nước tạo dựng sự bình đẳng cho những người muốn tham gia vào hoạt động chính trị, đặc biệt là những ai mong muốn nhận trách nhiệm gánh vác công việc quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng. Mức độ bình đẳng này tỷ lệ thuận với tính chất dân chủ, khoa học của các quy tắc pháp lý về dân chủ trực tiếp. Chính vì vậy, khuôn khổ pháp lý về các hình thức dân chủ trực tiếp được đặc biệt coi trọng ở các quốc gia, và thường được quy định trong các đạo luật, ví dụ như Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 của Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật về dân chủ trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, ý thức pháp luật của người dân. Một trong những chức năng cơ bản của pháp luật là giáo dục cho người dân thông qua việc định hướng cho các quan hệ xã hội phát triển. Pháp luật về dân chủ trực tiếp là một bộ phận của hệ thống pháp luật, vì vậy nó cũng có vai trò góp phần nâng cao trình độ, ý thức pháp luật của người dân. Thông qua các quy định của pháp luật về dân chủ trực tiếp, người dân nắm bắt được quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia, trực tiếp quyết định công việc của đất nước và của cộng đồng. Trong quá trình cân nhắc để đưa ra ý kiến, người dân đã tự nâng cao tri thức của mình về các vấn đề liên quan, từ đó có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật.