In trang này
Chủ nhật, 20 Tháng 4 2025 02:34

Kết quả công tác lãnh đạo và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024

 

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo)[1], tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao quyết liệt triển khai và thực hiện nghiêm Kết luận tại Phiên họp thứ 25 và Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 30/5/2024; tích cực đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi[2].

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ để thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Thông báo Kết luận số 12-TB/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn và cụ thể hóa các văn bản của Đảng về PCTNTC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC[3]; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 26/7/2024 về Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chỉ đạo các cơ quan triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán[4] và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật[5].

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ nhằm chấn chỉnh, đấu tranh với tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tăng cường trách nhiệm, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024, trong đó yêu cầu nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động công vụ để chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

2. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; tập trung xử lý những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được chỉ ra qua kết quả chỉ đạo rà soát của Đảng đoàn Quốc hội[6], Kết luận kiểm tra của Ban Chỉ đạo về công tác thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước[7] và các nội dung cụ thể mà các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã kiến nghị, đề xuất. Chính phủ trình Quốc hội thông qua 18 Luật, trong đó có nhiều Luật liên quan trực tiếp đến công tác PCTNTC như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai 2024, Luật Căn cước, Luật Các tổ chức tín dụng 2024… Chính phủ đã ban hành 127 Nghị định[8], 174 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định; các bộ, ngành, địa phương ban hành 32.742 văn bản, sửa đổi, bổ sung 2.316 văn bản, bãi bỏ 204 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC, góp phần tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý ổn định, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, minh bạch, hạn chế những điều kiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai, thực hiện Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo. Ban cán sự đảng Chính phủ đã có Báo cáo số 2720-BC/BCSĐ ngày 30/3/2024 về tình hình, kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước gửi Ban Chỉ đạo. Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng Kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện kết luận tại Thông báo và những kiến nghị, đề xuất nêu trong Báo cáo số 350-BC/BNCTW ngày 07/02/2024 của Ban Nội chính Trung ương (tại Văn bản số 719/VPCP-PL ngày 05/3/2024 của Văn phòng Chính phủ). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ tập trung xây dựng báo cáo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan[9] theo Văn bản số 2303-CV/ĐĐQH15 ngày 02/4/2024 của Đảng đoàn Quốc hội triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo[10]; giao Thanh tra Chính phủ xây dựng Dự thảo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ về kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật theo đề cương, hướng dẫn của Đảng đoàn Quốc hội[11].

Ngày 09/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP[12], trong đó giao Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản tại các cơ quan chậm ban hành nhiều văn bản. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra tại 06 bộ[13]; trên cơ sở Báo cáo kết quả kiểm tra của Bộ Nội vụ[14], Thủ tướng Chính phủ[15] đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ và Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 19/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo tiến độ, chất lượng tham mưu, ban hành văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và các kỳ họp tiếp theo Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại đối với 2709 văn bản (gồm 383 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 2326 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh). Qua đó đã kiểm tra, kết luận, kiến nghị xử lý đối với 127 văn bản có quy định trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung (gồm 30 văn bản của cơ quan cấp bộ và 97 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh).

 


[1] Văn bản số 1031/VPCP-V.I ngày 28/3/2024 của Văn phòng Chính phủ.

[2] Văn bản số 574/VPCP-V.I ngày 21/02/2024, Văn bản số 2471/VPCP-V.I ngày 25/6/2024, Văn bản số 557/VPCP-TKBT ngày 20/02/2024 và Văn bản số 1049/VPCP-TKBT ngày 28/3/2024 của Văn phòng Chính phủ.

[3] Bộ Quốc phòng xây dựng Quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động của Quân đội Nhân dân và Quy định kiểm soát quyền lực đối với cơ quan thực thi pháp luật thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng Đề án hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp. Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

[4] Văn bản số 626/TTg-V.I ngày 16/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

[5] Văn bản số 5779/VPCP-PL ngày 14/8/2024 của Văn phòng Chính phủ.

[6] Nghị quyết số 110/2023/QH15, ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV.

[7] Thông báo số 209-TB/BNCTW ngày 08/02/2024 của Ban Nội chính Trung ương.

[8] Như Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 94/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 96/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nghị định số 86/2024/NĐ-CP ngày 11/7/2024 quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu, phải thoái; Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế...

[9] Thanh tra Chính phủ có Báo cáo số 204/BC-TTCP ngày 05/6/2024 rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật liên quan về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập và về bảo vệ người tố cáo, phản ánh, báo cáo về tham nhũng, tiêu cực. Bộ Quốc phòng có Báo cáo số 1807/BQP-ĐTHS ngày 16/5/2024; Bộ Công an có Báo cáo số 1866/BCA-CSKT ngày 31/5/2024; Bộ Tư pháp có Báo cáo số 202/BC-BTP-m ngày 24/5/2024 về kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản pháp luật về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

[10] Văn bản số 1504/VPCP-V.I ngày 25/4/2024 và Văn bản số 2107/VPCP-V.I ngày 03/6/2024 của Văn phòng Chính phủ.

[11] Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo báo cáo nêu trên của Ban cán sự đảng Chính phủ (Văn bản số 229/TTCP-C.IV ngày 27/6/2024 của Thanh tra Chính phủ).

[12] Về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023.

[13] Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

[14] Báo cáo số 2758/BC-BNV ngày 17/5/2024 của Bộ Nội vụ

[15] Văn bản số 4288/VPCP-TCCV ngày 20/6/2024 của Văn phòng Chính phủ