Thứ sáu, 09 Tháng 5 2025 02:45

Phát triển văn hóa và những thành tựu trong kỷ nguyên mới (Phần 2)

Về nghệ thuật biểu diễn

Cả nước có 130 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó, có 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương, 18 đơn vị nghệ thuật do các Bộ ngành khác quản lý. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn từng bước được đổi mới, đáp ứng được một phần nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, có một số chương trình giới thiệu được nhiều giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam đến với thế giới; nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang từng bước được bảo tồn ở nhiều vùng miền. Nghệ thuật biểu diễn hiện đại bước đầu có dấu ấn từ sự nỗ lực của các cá nhân, tập thể có tố chất xuất sắc và luôn khát khao mang nghệ thuật Việt Nam đến với công chúng quốc tế. Đây là những hoạt động cần tiếp tục đầu tư khuyến khích phát triển để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh và phổ biến ra thị trường khu vực và quốc tế.

Về điện ảnh

Điện ảnh nước nhà có những bước tiến đáng kể, hiện đã và đang tiệm cận với quy mô của một ngành công nghiệp văn hóa. Trung bình mỗi năm số lượng phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất và cấp phép phổ biến từ 35 đến 40 phim; từ 20 đến 45 phim tài liệu, khoa học và từ 10 đến 20 phim hoạt hình. Số lượng các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim tăng dần theo từng năm. Tính đến năm 2022[1], cả nước có 05 cơ sở phát hành và phổ biến phim trong nước; 07 cơ sở phát hành và phổ biến phim có vốn nước ngoài. Công tác quảng bá điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài được mở rộng hơn trước thông qua việc gửi phim tham gia các Tuần phim, Liên hoan phim quốc tế... Tại các địa phương, việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị và xây dựng chế độ khuyến khích các đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Đến năm 2022, cả nước có 205 đội chiếu phim lưu động, trung bình mỗi năm phục vụ được gần 30 nghìn buổi chiếu với khoảng gần 5 triệu lượt người xem.

Về đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học ngành văn hóa

Cả nước đã xây dựng được nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, bảo tàng, mỹ thuật, thư viện, quản lý văn hóa,… Mô hình tổ chức đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong nước được hình thành theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn và đã xác định được mô hình đào tạo phù hợp, phát huy được hiệu quả trong đào tạo tài năng nghệ thuật. Chương trình, giáo trình cũng vì thế nên được thay đổi, cập nhật thường xuyên; các tài năng trẻ được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy năng lực sáng tạo, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng, đã và đang khẳng định được vị thế, chỗ đứng của nghệ thuật nước nhà trong khu vực và trên thế giới. Chính sách đối với giảng viên, nhà giáo tham gia đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù đã phần nào được quan tâm. Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ miễn giảm học phí, bồi dưỡng nghề và hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật trong các trường văn hóa - nghệ thuật.

Chất lượng nghiên cứu khoa học từng bước được nâng cao, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng kết quả nghiên cứu góp phần vào giải quyết được một số vấn đề mang tính cấp bách về quản lý được đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó nhiều nội dung nghiên cứu được bổ sung vào giáo trình giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng, góp phần nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị. Các dự án xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam đã bổ sung thêm đối tượng tiêu chuẩn hóa như mỹ thuật, âm nhạc...; Hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác đào tạo nhân lực, phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế... ngày càng được mở rộng.

Về hợp tác quốc tế về văn hóa

Công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài được triển khai hiệu quả, có chất lượng. Các hoạt động văn hóa đối ngoại với quy mô, hình thức đa dạng, phong phú được tổ chức trong và ngoài nước, trên khắp các châu lục; quảng bá được các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc; tăng cường tình đoàn kết giữa người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam.

Có thể nói, các chính sách phát triển văn hóa trên đã được thực hiện bám sát với thực tiễn phát triển của các lĩnh vực văn hóa, thực trạng phát triển văn hóa của ngành, địa phương nên đã mang lại những kết quả tích cực: nhận thức của cán bộ và nhân dân về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc được nâng cao; nhiều cơ sở văn hóa đã được hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp phát huy hiệu quả hoạt động trong thực tiễn; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng thu hút sự hưởng ứng tham gia và tạo được sự lan tỏa tích cực trong các tầng lớp nhân dân; việc đầu tư phát triển văn hóa đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật cho nhân dân, công chúng khán giả, phát triển môi trường học tập và hoạt động giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa và bảo vệ môi trường ở các cơ sở văn hóa đã bước đầu được chú ý hơn. Chính sách và giải pháp về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ nhằm phát triển ngành văn hóa ngày càng được triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, xã hội. Những chính sách đầu tư công cho lĩnh vực văn hóa[2] đã tạo ra những bước phát triển tích cực của ngành văn hóa trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về phân bố không gian phát triển văn hóa, ngoài 2 địa bàn tập trung cơ sở văn hóa quốc gia lớn nhất cả nước là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phố đóng vai trò trung tâm vùng đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở văn hóa như các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, thư viện, trung tâm văn hóa, nghệ thuật đa năng, nhà sáng tác văn học nghệ thuật... và thực hiện tu bổ, tôn tạo di sản văn hóa thế giới được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả, chủ sở hữu, góp phần động viên, khích lệ, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đổi mới, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.


[1] Theo thống kê của Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL

[2] Chính sách đầu tư công thể hiện qua: giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, xã hội hóa, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ tại các cơ sở văn hóa...

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành