Thứ năm, 20 Tháng 11 2014 08:21

Sự hình thành và phát triển của chính quyền địa phương qua các thời kỳ

Chính quyền địa phương ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước xác định là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính quyền Nhà nước và là công cụ để Nhà nước điều hành, phát triển và quản lý kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó của chính quyền địa phương nên ngay từ khi đất nước giành độc lập năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã chú tâm xây dựng một hệ thống chính quyền địa phương thông qua các sắc lệnh đầu tiên số 63 và 77. Đến nay, trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật nhằm sửa đổi, cải cách tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với từng thời kỳ.

 Có thể chia các giai đoạn phát triển của chính quyền địa phương làm 4 giai đoạn, và trong mỗi giai đoạn đó thì việc tổ chức chính quyền địa phương lại có những đặc thù riêng:

 Giai đoạn 1: Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến năm 1960: Sau khi đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành sắc lệnh số 63 (ngày 22 tháng 11 năm 1945) về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính xã, huyện, tỉnh và Sắc lệnh số 77 (ngày 21 tháng 12 năm 1945) về tổ chức chính quyền tại các thành phố và thị xã. Trong thời kỳ này, thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực tổ chức chính quyền địa phương là sự phân định khá rạch ròi giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Theo đó thì sự khác biệt về điều kiện kinh tế, địa lý, mật độ dân số, cơ sở hạ tầng… là những yếu tố chính  đòi hỏi tổ chức chính quyền phải khác nhau để phù hợp với tính chất, đặc thù của từng khu vực, đảm bảo phát huy đầy đủ năng lực quản lý của các cấp chính quyền của hai khu vực này.

 Giai đoạn 2: Từ năm 1960 đến năm 1980:Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam diễn ra, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền nhà nước chỉ được thực hiện ở Miền Bắc nước ta. Điểm đặc biệt trong tổ chức chính quyền trong giai đoạn này là thành lập các khu tự trị (Tây Bắc, Việt Bắc…). Dựa trên sự khác nhau cơ bản giữa miền núi và đồng bằng; giữa miền xuôi nơi có nhiều người Kinh sinh sống và miền núi – nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; sự khác nhau về trình độ cũng như điều kiện sống của các vùng này mà Nhà nước ban hành Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức HĐND và UBHC năm 1962 nhằm phân biệt tổ chức chính quyền địa phương theo khu vực miền xuôi – miền núi mà không có sự phân biệt về vùng nông thôn và thành thị như giai đoạn trước đó.

 Giai đoạn 3: Từ năm 1980 đến năm 1992: Do ảnh hưởng của các thể chế nhà nước Liên Xô cũ nên đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước đề cao tính tập trung thống nhất, tính kế hoạch, vì vậy, chính quyền địa phương không được chú ý đúng mực. Bộ máy hành chính Trung ương can thiêp vào mọi lĩnh vực , toàn quyền quản lý và kiểm soát mọi hoạt động của các địa phương. Nếu như hai giai đoạn trước đó tổ chức chính quyền địa phương ít nhiều chú trọng đến yếu tố vùng miền thì giai đoạn này chính quyền địa phương không có sự phân biệt về các vùng lãnh thổ. Cơ chế bao cấp  “xin, cho” làm cho các địa phương không phát huy được thế mạnh, tạo tâm lý ỷ lại của các địa phương vào Trung ương, từ đó quyền tự do dân chủ trở nên hình thức.

 Giai đoạn 4: Từ năm 1992 đến nay: Cùng với nhận thức mới trong việc quản lý và vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự điều tiết và giám sát chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì các cấp chính quyền đã được trao quyền chủ động, sáng tạo và phát huy quyền dân chủ hơn trong việc tổ chức và hoạt động. Biểu hiện rõ nét nhất là thành lập ra các cơ quan thường trực , cơ quan chuyên môn và phân biệt rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền nhằm phát huy quyền lực của chính quyền địa phương.

 Qua các giai đoạn phát triển, sửa đổi của hệ thống chính quyền địa phương thông qua các Hiến pháp và pháp luật qua các thời kỳ cho thấy mô hình tổ chức hệ thống chính quyền địa phương ở nước ta đã có những giai đoạn hoạt động tương đối hợp lý và hiệu quả.

Dù vậy, mô hình đó cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

 - Chưa phân biệt mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo đặc thù từng vùng lãnh thổ như vùng nông thôn và thành thị; vùng miền núi và miền xuôi mà Sắc lệnh số 63 và 77 của các giai đoạn từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến năm 1980 đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động.

-  Chính quyền địa phương còn mang nặng tính hành chính quan liêu; sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo tạo nên tính thụ động và ỷ lại của cấp cơ sở đối với cấp trên.

-  Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương bắt chước khuôn mẫu giống các cơ quan Trung ương, Trung ương có cơ cấu tổ chức như thế nào thì địa phương cũng tổ chức như vậy, mặc dù điều kiện, đặc điểm và nhiệm vụ quản lý của mỗi cấp là khác nhau.

-  Cơ chế “xin cho, cấp phát”  làm giảm khả năng sáng tạo và vận động của hệ thống chính quyền địa phương và làm hạn chế vai trò của pháp luật.

 Từ những hạn chế nêu trên, chúng ta cần tập trung tìm giải pháp nhằm đưa ra những phương án sửa đổi, bổ sung cách tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với tình hình hiện nay theo hướng:

 - So sánh ưu và nhược điểm của các quy định pháp luật về việc tổ chức chính quyền địa phương qua các thời kỳ để rút ra bài học áp dụng cho giai đoạn hiện nay.

-  Tham khảo và tiếp thu mô hình của một số nước  để nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn nước ta.

-  Làm rõ vai trò, vị trí của chính quyền địa phương trong bộ máy nhà nước cũng như mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và Trung ương.

-  Đánh giá ưu điểm và hạn chế của Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành.

-  Những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Từ những bài học kinh nghiệm cũng như thực tiễn hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương sau cách mạng tháng 8 năm 1945 chúng ta sẽ nghiên cứu để khắc phục những hạn chế; kế thừa và phát huy những thành công của hoạt động tổ chức chính quyền địa phương theo Sắc lệnh 63 và 77 năm 1945. Từ đó, tổ chức chính quyền địa phương sẽ hoạt đông hiệu quả hơn, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của đất nước.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành