Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 03:15

Một số vấn đề về quyền tư pháp ở Việt Nam

1. Thực trạng về quyền tư pháp ở Việt Nam hiện nay:

Những kết quả đạt được:

Trước những thay đổi to lớn, nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và hoàn cảnh khó khăn của đất nước cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986 đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có chủ trương đổi mới hệ thống tư pháp: Quản lý đất nước bằng pháp luật, Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… Mọi vi phạm đều phải được xử lý. 

Tiếp theo, các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, lần thứ VIII 1996 và lần thứ IX năm 2001 đều đề ra chủ trương đổi mới, hoàn thiện hệ thống tư pháp. Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Ban Nội chính Trung ương cùng Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp xây dựng Dự thảo Báo cáo Kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn về đổi mới và hoàn thiện hệ thống tư pháp. 

Cùng với quá trình đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp thì tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp cũng ngày càng hoàn thiện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, từ năm 2002, Tòa án nhân dân tối cao thêm thẩm quyền thực hiện việc quản lý các Tòa án địa phương và các Tòa án quân sự về tổ chức, nhiệm vụ, thẩm quyền và cơ cấu tổ chức; Tòa án nhân dân các cấp thêm thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ xét xử, giải quyết hầu hết các khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính; Tòa án nhân dân cấp huyện thêm thẩm quyền xét xử về hình sự và dân sự đối với hầu hết các loại vụ việc. Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát Nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự có nhiều đổi mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đặc biệt là trách nhiệm phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và trách nhiệm thực hành quyền công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa. 

Mô hình tổ chức cơ quan điều tra thì được quy định theo hướng sắp xếp lại đầu mối, giao thêm một số nhiệm vụ điều tra cho một số cơ quan, đơn vị, bỏ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh. Đối với các cơ quan thi hành án, Luật thi hành án hình sự năm 2010 đã thể chế hóa được nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thi hành các hình phạt ngoài tù và trách nhiệm của các cơ quan Công an, Quân đội giúp Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thi hành các hình phạt này. 

Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định rõ hệ thống thi hành án dân sự được tổ chức theo ngành dọc. Việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố đạt được một số kết quả bước đầu tích cực. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ hoạt động xét xử, thi hành án…

Những vấn đề còn tồn tại:

Hệ thống tư pháp của Việt Nam còn dàn đều cả về mặt thủ tục tố tụng lẫn tổ chức bộ máy. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, trình độ không đồng đều, hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao và một bộ phận sa sút về phẩm chất đạo đức... là những vấn đề còn tồn tại từ khi thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về cải cảch tư pháp.

Việc tranh tụng tại phiên tòa theo quy định mới cũng còn nhiều bất cập. Hội đồng xét xử đã dành nhiều thời gian thỏa đáng cho các bên, luật sư tham gia tranh luận, phát biểu ý kiến, chủ tọa thực hiện vai trò điều hành trong xét hỏi, thể hiện tính dân chủ. Tuy nhiên, hiện nay, theo nghị quyết 08 việc xét xử của Tòa án phải dựa vào kết quả quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 không quy định tố tụng là tranh tụng mà vẫn là xét hỏi, chỉ có tranh luận giữa Viện kiểm sát và luật sư. Vì vậy, các luật sư vẫn thường khiếu nại tòa về việc tòa chưa thực hiện đầy đủ việc tranh tụng tại phiên tòa. Thực tế các luật sư đã gặp nhiều trở ngại về thủ tục. Tòa án yêu cầu luật sư tham gia bào chữa phải có văn bản chấp nhận luật sư của bị cáo thì mới cấp Giấy chứng nhận bào chữa nhưng nếu bị cáo bị tạm giam mà luật sư chưa có Giấy chứng nhận bào chữa thì không vào được trại giam để lấy văn bản đồng ý luật sư của bị cáo. Những quy định trái ngược nhau này khiến các luật sư khó tác nghiệp.

Nguyên nhân của những tồn tại bao gồm cả chủ quan và khách quan. Chẳng hạn như án tồn đọng, tỷ lệ phá án chưa cao..., theo ý kiến của các cơ quan tư pháp thì một phần do việc thiếu hụt biên chế của ngành. Ngân sách dành cho công tác tư pháp còn hạn hẹp, chế độ chính sách đối với cán bộ ngành còn thấp nên không thu hút được nhân lực vào làm việc trong ngành tư pháp.

3. Kiến nghị một số giải pháp:

Tòa án bằng hoạt động của mình phải góp phần vào việc xây dựng từng bước và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và bảo đảm các quyền dân chủ của công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà Hiến pháp đã ghi nhận. Hoạt động của tòa án phải phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.

Góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của xã hội, củng cố và tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Một xã hội có kỷ cương, kỷ luật phải được xây dựng trên ý thức tuân thủ pháp luật ngày càng cao của mọi thành viên trong xã hội, giáo dục các thành viên và cộng đồng trong xã hội có thói quen và nếp sống tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Tòa án phải cương quyết xử lý nghiêm minh, tuyên phạt công khai và minh bạch các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tạo dựng một trật tự pháp lý, tạo lập một môi trường sống lành mạnh, an toàn, kiểm soát và giải quyết tốt các mối quan hệ trong hành lang pháp luật.

Thông qua thực tiễn xét xử, tiến hành tổng kết, phát hiện và kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Xây dựng một hệ thống tòa án gần dân, thuận lợi cho dân; đồng thời phải tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Về đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, phải sắp xếp lại hệ thống tòa án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp. Tăng cường đội ngũ thẩm phán và hội thẩm nhân dân cả về số lượng và chất lượng. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Còn về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu phân định lại thẩm quyền cho tòa án nhân dân theo hướng tăng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện trên cơ sở bảo đảm tổ chức tòa án theo nguyên tắc hai cấp xét xử. Thực hiện đổi mới Tòa án nhân dân tối cao để tập trung làm tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn tòa án áp dụng pháp luật thống nhất và quản lý tòa án địa phương về tổ chức. Nghiên cứu để quy định và thực hiện các thủ tục tố tụng đa dạng nhưng thống nhất trong tố tụng hình sự. Riêng về Tòa Hành chính, cần nghiên cứu để mở rộng thẩm quyền cho tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Làm thế nào để mọi người dân đều thấy rằng, cuộc sống bình yên của họ, tính mạng, tài sản của họ, danh dự và nhân phẩm của họ luôn luôn được đặt dưới sự bảo vệ đáng tin cậy của pháp luật.

Đội ngũ thẩm phán theo đánh giá chung hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Rồi đây, các quan hệ kinh tế, dân sự, lao động… ngày càng đa dạng, phức tạp, nhất là những quan hệ có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những quan hệ đó đòi hỏi thẩm phán phải có trình độ chính trị, chuyên môn và nghiệp vụ cao. Do vậy, ngay từ bây giờ phải chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán ngày càng vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Về đạo đức của cán bộ tòa án, nhân dân vẫn còn phàn nàn, nghi ngại về phẩm chất đạo đức của một số cán bộ tư pháp, trong đó có các thẩm phán. Do vậy, cần kiên quyết hơn nữa trong việc rà soát lại đội ngũ thẩm phán, đấu tranh và xử lý kiên quyết với những hành vi phạm pháp của thẩm phán, làm cho đội ngũ cán bộ tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Đội ngũ Hội thẩm nhân dân là một lực lượng đông đảo đại diện của nhân dân tham gia xét xử. Hiện nay trong cả nước đã bầu được hơn 11.000 Hội thẩm nhân dân. Các cơ quan, đoàn thể như : Hội đồng nhân dân, Tòa án, Mặt trận Tổ quốc cần có những biện pháp thiết thực bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân để họ tham gia có hiệu quả hơn vào công tác xét xử, tránh hình thức khi tham gia vào phiên tòa, gây tâm lý không bình thường cho bị cáo, các đương sự và công chúng. Một nền tư pháp nhân dân không thể thiếu đại diện của nhân dân tham gia xét xử, nhưng cũng không thể chấp nhận sự tham gia mang tính hình thức của những người đại diện đó. Vì vậy, chất lượng Hội thẩm nhân dân cần được quan tâm đúng mức hơn từ khâu giới thiệu người để bầu, đến khâu huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý đội ngũ Hội thẩm nhân dân. Đây là một trong những việc cần làm và làm càng sớm càng tốt.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành